10/08/2020
Thực hiện Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình BVMT trong xây dựng nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo theo hướng xã hội hóa giai đoạn 2017 - 2020, trong những năm qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã tăng cường triển khai nhiều hoạt động BVMT trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn nhằm kiểm soát và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm. Xác định vấn đề môi trường - cảnh quan là yếu tố cốt lõi để phát triển nông thôn bền vững, các Sở, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung môi trường thuộc tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới; tổ chức lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ cho các địa phương và người dân trong việc xây dựng công trình xử lý môi trường nông thôn với các hoạt động xây dựng, duy tu, bảo dưỡng công trình cấp nước tập trung; xây dựng nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; xây dựng lò đốt rác tập trung, lò đốt rác hộ gia đình; cung cấp công cụ, phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt...
Bên cạnh đó, tỉnh đã đầu tư, nâng cấp, sửa chữa 117 hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung với tổng công suất thiết kế 42.743 m3/ngày-đêm, cấp nước sinh hoạt cho khoảng 408.742 người; khôi phục 25 công trình cấp nước nông thôn tập trung bị hư hỏng, xuống cấp; hỗ trợ đấu nối hàng chục km ống nước sinh hoạt tới các hộ dân vùng khó khăn... góp phần đảm bảo vệ sinh, hạn chế sự lây lan dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh tế và điều kiện sống của người dân. Đặc biệt, các công trình cấp nước nông thôn tập trung bị hư hỏng, xuống cấp đã được khôi phục, hoạt động trở lại, đảm bảo công suất thiết kế, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt ngày càng cao của người dân. Đến nay, 180.405/195.180 hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh, chiếm tỷ lệ 92,43%; 66.911/195.180 hộ sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, chiếm tỷ lệ 34,28%. Mặt khác, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải bình quân chung của cả tỉnh đạt khoảng 77,4%, trong đó: TP. Đồng Hới 94,2%; huyện Lệ Thủy 81,8%; huyện Quảng Ninh 75%; huyện Bố Trạch 67,7%; thị xã Ba Đồn 82%; huyện Quảng Trạch 72,7%; huyện Tuyên Hóa 67,5% và huyện Minh Hóa 59,3%. Cùng với đó, việc triển khai, áp dụng các mô hình thu gom, xử lý rác thải đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương. Điển hình như mô hình thu gom, xử lý rác tại hộ gia đình nhằm tăng hiệu quả công tác phân loại rác tại nguồn, giảm đáng kể lượng rác thu gom, vận chuyển đưa đi xử lý; mô hình lò đốt rác đã góp phần xử lý rác, giải quyết được một phần bức bách về ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra... Ngoài ra, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi quy mô lớn gắn với quy hoạch, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch BVMT theo quy định, góp phần giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường do ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi. Các Sở, ngành, địa phương hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn, nhiều mô hình ở các huyện Quảng Trạch, Lệ Thủy, Bố Trạch… đã bước đầu hoạt động hiệu quả với 3 - 5 thùng chứa rác ở vị trí gần các tuyến đường nội đồng và ở những đoạn mương, kênh trên đồng ruộng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thu gom. Đặc biệt, UBND tỉnh phát động phong trào toàn dân thu gom rác thải và phong trào chống rác thải nhựa được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh từ tháng 8/2019... Những hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức và hiệu quả BVMT của toàn dân nói chung, khu vực nông thôn nói riêng. Giai đoạn 2021 - 2025, các cấp, ngành và địa phương xác định tiếp tục xây dựng chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường trong xử lý rác thải; ban hành cơ chế hỗ trợ cơ sở chăn nuôi lợn có quy mô 300 con trở lên đầu tư hoàn thiện công trình xử lý môi trường đạt quy chuẩn; thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các công nghệ cao ứng dụng trong vận hành xử lý chất thải chăn nuôi nhằm hạn chế ô nhiễm; tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác BVMT, cấp nước sinh hoạt nông thôn, nhất là việc thu gom, xử lý chất thải; triển khai mô hình đồng bộ hóa trang thiết bị từ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt kết hợp với tăng cường công tác quản lý thực hiện mô hình, đem lại hiệu quả thiết thực…
Hương Đỗ |