19/08/2019
Nuôi trồng thủy sản nước ta chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không chỉ góp phần bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong nước, mà còn tạo ra sinh kế cho hàng triệu gia đình nông dân và góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm không chỉ chịu tác động của biến đổi khí hậu mà còn gây phát thải khí nhà kính (KNK) lớn, làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu.
Tôm là một trong những ngành chủ lực của thủy sản Việt Nam, hàng năm đóng góp gần 45% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản, với đa dạng các mô hình: quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh, siêu thâm canh… Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2018, sản lượng nuôi tôm nước lợ đạt trên 762.000 tấn, tăng 6,3% so với năm 2017. Về diện tích thả nuôi tôm cũng đạt trên 736.000 ha, tập trung tại các tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Quảng Ninh, với sản lượng tôm trên 762.000 tấn, tăng 3% so với năm 2017. Những thị trường xuất khẩu chủ lực của con tôm là EU, Mỹ, Nhật, Trung Quốc… với kim ngạch thu về gần 3,6 tỷ USD. Theo nhận định của Tổng cục Thủy sản, năm 2019, dự báo tình hình thời tiết khá thuận lợi, kết hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đảm bảo môi trường, đề phòng dịch bệnh cùng với ứng dụng công nghệ nuôi tôm hiệu quả… cả nước duy trì diện tích nuôi trên 736.000 ha tôm nước lợ, 32.000 ha diện tích nuôi tôm sú, tập trung đẩy mạnh các giải pháp công nghệ để nâng cao năng suất, sản lượng đạt trên 780.000 tấn, tăng cao hơn năm 2018 khoảng 18.000 tấn, trong đó sản lượng tôm sú 300.000 tấn và tôm thẻ chân trắng 480.000 tấn.
Tuy nhiên, hoạt động nuôi tôm đang đứng trước những thách thức do dịch bệnh và ô nhiễm môi trường do quy mô nuôi thâm canh ngày càng tăng; trong đó thức ăn dư thừa và các vi sinh vật có hại đóng vai trò chính gây nên KNK và dịch bệnh trên tôm nuôi. Lượng thức ăn công nghiệp được sử dụng cho nuôi tôm ngày càng lớn kéo theo sự gia tăng chất thải ra môi trường nước. Một số nguồn thải chính như: Nước thải từ nguồn thức ăn dư thừa (thức ăn trong nuôi tôm chiếm hơn 50% tổng chi phí sản xuất, tuy nhiên chỉ có khoảng 25-30% chất dinh dưỡng của thức ăn được chuyển đổi thành các sản phẩm tôm, và khoảng 70-75% lượng dinh dưỡng còn lại sẽ được thải ra môi trường nuôi), phân và các chất bài tiết của tôm; bùn thải chứa các loại hóa chất, thuốc kháng sinh tích tụ và tồn lưu cho môi trường; phát thải từ việc sử dụng nhiên liệu như sử dụng điện và dầu từ các thiết bị vận hành quá trình sản xuất (vận hành máy bơm, máy sục khí, quạt nước, sên vét ao….). Các nguồn phát thải này góp phần làm tăng hiệu ứng nhà kính (phát thải khí CO2, SO2, PO4) và làm gia tăng tác động của biến đổi khí hậu. Trong nhiều năm qua, trên thế giới và trong nước có nhiều công trình nghiên cứu cải tiến công nghệ trong nuôi tôm và cũng tập trung nghiên cứu để giảm tối đa lượng phát thải khí nhà kính, chất thải hữu cơ trong môi trường ao nuôi.
Sử dụng con lăn và giảm tốc nhằm giảm tiêu thụ điện năng hoặc dầu
Nhằm hướng tới thúc đẩy phát triển nuôi tôm theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, năm 2018, Tổ chức OXFAM (một liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới) tại Việt Nam và Trung Tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) phối hợp với Viện Nghiên Cứu nuôi trồng thủy sản 2 (RIA 2) đã triển khai các mô hình thí điểm về “Nghiên cứu xây dựng mô hình trình diễn giảm phát thải hiệu ứng KNK trong nuôi tôm thâm canh ở đồng bằng sông Cửu Long” tại 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Mô hình thuộc Dự án “ Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững và công bằng tại Việt Nam – SusV”do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ. Với mục tiêu đo lường các chỉ số giảm phát thải KNK trong nuôi tôm thông qua việc thực hiện mô hình trình diễn, với các giải pháp cải tiến về kỹ thuật và quản lý trong các tỉnh thực hiện Dự án, qua đó đề xuất các giải pháp cải tiến hệ thống hướng đến sản xuất bền vững và giảm tác động đến môi trường và giảm phát thải KNK.
Trong nghiên cứu mô hình trình diễn, thông qua việc thực hiện mô hình trình diễn với các giải pháp cải tiến về kỹ thuật và quản lý trong quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng tại Đồng bằng sông Cửu Long. Nhóm đã tiến hành thực hiện hai nghiệm thức: Nhóm thí nghiệm, sử dụng các giải pháp kỹ thuật cải tiến trong quy trình nuôi tôm theo hướng giảm ảnh hưởng đến môi trường; Nhóm đối chứng, canh tác theo quy trình nuôi độc lập hiện nay của người dân. Mục tiêu chính nhằm đo lường các chỉ số giảm phát thải KNK trong hệ thống nuôi tôm thâm canh. Trong mô hình thí điểm, nhóm đã sử dụng con lăn và giảm tốc để giảm tiêu thụ điện năng hoặc dầu; Cải thiện công tác quan trắc DO để vận hành chế độ quạt nước hợp lý; Thả cá rô phi vào ao thải để xử lý chất hữu cơ trước khi xả ra môi trường. Kết quả phân tích chu trình sản xuất cho thấy, để sản xuất 1 tấn tôm thương phẩm thì ao thí nghiệm cho các chỉ số tác động về ấm lên toàn cầu là 10.187 kg CO2-eq; chua hóa là 69 kg SO2-eq; phú dưỡng hóa là 55 kg PO4-eq. Kết quả này có sự khác biệt giữa nhóm thí nghiệm và nhóm đối chứng. Trong các tác động phát thải KNK, quá trình sản xuất thức ăn đóng vai trò quan trọng và chiếm tỷ lệ đóng góp cao nhất, kế đến là quá trình vận hành ao nuôi. Tác động gây phát thải phú dưỡng hóa chiếm tỷ lệ cao nhất trong quá trình vận hành tại trang trại nuôi tôm. Các giải pháp tác động kỹ thuật trong quá trình vận hành ao nuôi đã góp phần làm giảm tỷ lệ phú dưỡng hóa so với canh tác truyền thống lần lượt là 43,66 và 47,13%.
Giảm phát thải KNK trong lĩnh vực thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng là một nội dung mới, có nhiều thách thức, nhưng cần nghiên cứu, thực hiện sớm để góp phần vào thực hiện cam kết của quốc gia với quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua “Đóng góp giảm phát thải do quốc gia tự quyết định - NDC”. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ của quốc tế về công nghệ sản xuất thức ăn, công nghệ sản xuất giống, quy trình kỹ thuật quản lý sử dụng thức ăn và quản lý môi trường ao nuôi và sự “vào cuộc” đồng bộ của nhiều bên liên quan ở trong nước (Chính phủ, doanh nghiệp, người nuôi…). Trong thời gian tới, Ban quản lý “Dự án SusV” và Trung tâm ICAFIS sẽ tiếp tục thúc đẩy việc triển khai các mô hình nuôi tôm bền vững, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và quá trình đầu tư vào mô hình nuôi thân thiện với môi trường, giảm phát thải KNK, sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng…
Lê Thương
(Nguồn:Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2019)