26/05/2020
Chăn nuôi lợn thịt ở nước ta gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do sử dụng quá nhiều nước để tắm lợn và vệ sinh chuồng trại. Thực tế này diễn ra là do nước ta chưa có chính sách quản lý chặt chẽ về sử dụng nước trong chăn nuôi và người chăn nuôi chưa áp dụng các công nghệ chăn nuôi lợn tiết kiệm nước như các nước tiên tiến trên thế giới. Dựa trên nền tảng công nghệ chăn nuôi lợn tiết kiệm nước của Đan Mạch áp dụng phổ biến cho các trang trại quy mô lớn nuôi dạng chuồng kín, dự án LCASP đã thử nghiệm thành công công nghệ chăn nuôi lợn thịt không xả thải ứng dụng cho các trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ, nuôi dạng chuồng hở. Để tăng cường định hướng cho các doanh nghiệp và người dân thay thế phương thức chăn nuôi lợn thịt gây ô nhiễm hiện nay bằng ứng dụng công nghệ chăn nuôi lợn tiết kiệm nước nhằm giảm ô nhiễm môi trường, giảm lây lan dịch bệnh, đồng thời tăng cường khả năng thu gom chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ, Nhà nước cần có chính sách quản lý chặt chẽ hơn việc khai thác sử dụng nguồn tài nguyên nước trong chăn nuôi, đồng thời áp dụng thu phí môi trường cho việc sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý hơn nhằm khuyến khích doanh nghiệp và người dân chuyển đổi công nghệ chăn nuôi theo hướng tiết kiệm nước.
Tình hình sử dụng nước trong chăn nuôi lợn ở các nước phát triển
Nước có vai trò quan trọng trong chăn nuôi lợn thông qua việc sử dụng nước cho lợn uống, làm mát lợn và làm vệ sinh chuồng trại. Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều nước trong chăn nuôi cũng sẽ làm ô nhiễm môi trường do một lượng lớn nước sẽ hòa loãng chất thải chăn nuôi dẫn đến khó thu gom và xử lý.
Trong thế kỷ trước, người chăn nuôi lợn sử dụng khá nhiều nước để tắm cho lợn và làm vệ sinh chuồng trại. Do con lợn sinh trưởng tốt nhất ở nhiệt độ khoảng 26oC nên trong những ngày nóng, người dân sử dụng nhiều nước để tắm cho lợn. Ngoài ra, để giảm mùi hôi từ chất thải của lợn, người dân thường xuyên phun nước để làm vệ sinh chuồng trại, thậm chí còn làm bể nước nông ở trong chuồng lợn để con lợn tắm và hòa loãng chất thải nhằm giảm mùi hôi. Tuy nhiên, sang thế kỷ 21, nhiều nước phát triển đã nhận ra việc sử dụng nhiều nước trong nuôi lợn sẽ phát sinh một lượng lớn nước thải chăn nuôi gây rất tốn kém chi phí trong xử lý môi trường và gây ô nhiễm, lây lan dịch bệnh. Từ quan điểm đó, các chính sách hạn chế sử dụng lãng phí nguồn tài nguyên nước trong chăn nuôi đã được áp dụng dẫn đến hầu hết các trang trại chăn nuôi lợn ở các nước phát triển phải thay đổi công nghệ chăn nuôi theo hướng tiết kiệm nước. Hiện tại, nhiều nước phát triển như Đan Mạch, Hà Lan, Đức,… đã và đang áp dụng công nghệ chăn nuôi lợn trên chuồng sàn có khe thoáng để thoát phân và nước tiểu xuống bể chứa dưới sàn chuồng, người chăn nuôi chỉ sử dụng nước để cho lợn uống, hầu như không sử dụng nước để làm mát và vệ sinh chuồng trại. Các công nghệ làm mát lợn không sử dụng nước và vệ sinh chuồng trại sử dụng rất ít nước được áp dụng phổ biến như nuôi lợn trong chuồng kín có quạt thông khí điều hòa nhiệt độ, thu gom chất thải qua hệ thống bể chứa và ống dẫn tạo áp lực âm, vệ sinh chuồng trại sau mỗi lứa nuôi bằng bơm cao áp,…
Đa số các nước phát triển không cho phép người dân tự ý khai thác nguồn nước để sử dụng mà không được cấp phép. Người dân muốn khai thác nguồn nước ngầm hoặc nước mặt để phục vụ sản xuất phải được sự cho phép của chính quyền và phải lắp đồng hồ đo lượng nước sử dụng để trả phí sử dụng nước và phí môi trường. Chính sách này đã được áp dụng cả cho việc sử dụng nước sinh hoạt dẫn đến nhiều hộ dân đã hình thành thói quen hạn chế sử dụng nước máy (Ví dụ: ở Đức, nhiều người dân thu nhập thấp chọn phương án mua nước đóng chai ở ngoài siêu thị về uống vì sử dụng nước uống tại vòi sẽ phải tính thêm chi phí môi trường cho lượng nước sử dụng hàng tháng dẫn đến chi phí tổng thể của việc sử dụng nước uống tại vòi cao hơn so với mua nước đóng chai từ siêu thị).
Các chính sách trợ cấp cho chăn nuôi ở nhiều quốc gia còn được thực hiện qua các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nhiên liệu từ chất thải chăn nuôi và giá xử lý nước để nhằm khuyến khích người chăn nuôi tái sử dụng chất thải chăn nuôi sản xuất nhiên liệu, hạn chế sử dụng nước trong chăn nuôi, bảo đảm môi trường (Van Beers and de Moor, 2001).
Theo Harald Menzi, Oene Oenema, Colin Burton, Oleg Shipin, Pierre Gerber, Tim Robinson, and Gianluca Francescbini (2010), các quốc gia có nền chăn nuôi phát triển đã có những chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi về (i) phát triển các thành phần dinh dưỡng trong chăn nuôi để giảm phát sinh chất thải; (ii) nâng cao trình độ chăn nuôi lợn, gia cầm và gia súc lớn như tập trung vào chăn nuôi khép kín quanh các đô thị, thay đổi cơ cấu vật nuôi từ vật nuôi nhai lại sang vật nuôi không nhai lại (sự chuyển dịch này ngược hẳn với Việt Nam); (iii) hỗ trợ phát triển chăn nuôi lớn và chuyên môn hóa với chiếm dụng đất thấp; đẩy mạnh phát triển và coi trọng hệ thống quản lý và sử dụng chất thải lỏng; coi trọng giá trị dinh dưỡng trong chất thải chăn nuôi; (iv) hỗ trợ thay đổi về cấu trúc chăn nuôi và quản lý chất thải với các giải pháp về cải tiến mật độ chăn nuôi, gắn kết mật độ chăn nuôi với diện tích đất đai, khoanh vùng chăn nuôi; (v) tăng cường giải pháp quản lý chăn nuôi (giống, thức ăn, rủi ro, tác động môi trường, quản lý chất thải, chất lượng chuồng trại,...); (vi) phát triển hệ thống chuồng trại trong đó ưu tiên cho các giải pháp thu hồi chất thải lỏng, chất thải rắn và kết hợp chất thải rắn và lỏng; kiểm soát mức độ sử dụng nước và tỷ lệ nước trong chất thải, giảm tối đa lượng nước dùng cho chăn nuôi xuống 5-10 lít/ngày/con cho lợn giai đoạn vỗ béo, thu gom và tái sử dụng các nguồn nước mưa, thay đổi cấu tạo và nâng cao hiệu quả hoạt động của các bể chứa, hầm khí,.., hỗ trợ cải tiến và phát triển các hệ thống bảo quản chất thải chăn nuôi (giải pháp thu gom chất thải rắn, chất thải lỏng đảm bảo yếu tố thời gian và hiệu quả xử lý, thu gom sử dụng chất thải chăn nuôi cho cây trồng), kiểm soát các hoạt động xả thải chất thải chăn nuôi (vận chuyển, xử lý trước khi xả thải, giới hạn khu vực xả,...) thông qua các chính sách hỗ trợ đầu tư các công trình xử lý để xử lý triệt để chất thải đảm bảo tiêu chuẩn xả thải, khuyến khích các hoạt động xử lý triệt để chất thải ở các vùng chăn nuôi có diện tích hạn chế, phát triển các công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi như cải tiến hệ thống lưu giữ chất thải lỏng, giảm thiểu nồng độ chất hữu cơ trong nước thải, loại bỏ đạm Ni-tơ và phốt-pho trong chất thải, tăng hàm lượng dinh dưỡng sản xuất phân bón hữu cơ từ chăn nuôi, kết hợp phân loại, lọc và thẩm thấu, sử dụng chất thải chăn nuôi cho cây trồng, ...
Nhiều nước đang phát triển chưa có các chính sách cụ thể về khuyến khích chăn nuôi lợn tiết kiệm nước (CNLTKN) nhưng hầu hết đều đã ban hành các tiêu chuẩn cụ thể về quản lý chất thải lỏng chăn nuôi với cả quy mô trang trại và quy mô nông hộ (Ví dụ ở Việt Nam có QCVN 62). Để đáp ứng các tiêu chuẩn này, các cơ sở chăn nuôi đều phải áp dụng nhiều giải pháp để giảm thiểu xả thải chất thải lỏng ra môi trường, trong đó có giải pháp về chăn nuôi tiết kiệm nước.
Tóm lại, mặc dù nước rất cần thiết cho chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng nhưng việc sử dụng nhiều nước trong nuôi lợn sẽ dẫn đến chất thải chăn nuôi bị hòa loãng, khó thu gom và xử lý, thường xuyên bị xả thải ra môi trường gây ô nhiễm và lây lan dịch bệnh. Việc quản lý nước đầu vào trong chăn nuôi là hết sức quan trọng nhằm định hướng cho người chăn nuôi ứng dụng các công nghệ chăn nuôi tiết kiệm nước đã được nhiều nước phát triển áp dụng rộng rãi từ những năm đầu thế kỷ 21 và đã đem lại hiệu quả cao về cả kinh tế, xã hội và môi trường.
Thực trạng sử dụng nước trong chăn nuôi ở nước ta hiện nay
Trong chăn nuôi các loại động vật ở nước ta, chăn nuôi lợn thịt là nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất do người dân sử dụng nhiều nước để làm vệ sinh và làm mát cho lợn. Hiện nay, chăn nuôi lợn ở nước ta vẫn áp dụng 2 phương thức phổ biến là chăn nuôi chuồng kín và chuồng hở, nuôi lợn trên sàn xi măng, dọn rửa chuồng và tắm lợn 2-3 lần/ngày hoặc có sử dụng bể nước nông trong chuồng để cho lợn tắm (chăn nuôi theo phương thức CP), xả nước 1-2 lần/ ngày. Theo điều tra của dự án LCASP các năm 2015 và 2018, trung bình người dân sử dụng khoảng 35-42 lít nước/đầu lợn/ngày. Cá biệt có nhiều hộ ở Bình Định, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng sử dụng đến trên 50 lít nước/đầu lợn/ngày dẫn đến nhiều nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng do chất thải chăn nuôi. Kết quả điều tra về lượng nước sử dụng trong chăn nuôi lợn thịt ở 10 tỉnh tham gia dự án LCASP được trình bày ở Bảng 1 dưới đây:
Bảng 1. Sử dụng nước trong chăn nuôi lợn tại một số tỉnh
STT |
Tỉnh điều tra |
Lượng sử dụng trung bình (lít/con/ngày) |
Chăn nuôi quy mô trang trại (lít/con/ngày) |
Chăn nuôi quy mô nông hộ (lít/con/ngày) |
||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
TB |
Tối đa |
Tối thiểu |
TB |
Tối đa |
Tối thiểu |
TB |
Tối đa |
Tối thiểu |
||
1 |
Lào Cai |
37,7 |
100,0 |
11,1 |
36,40 |
100,00 |
11,11 |
52,48 |
100,00 |
25,00 |
2 |
Sơn La |
38,0 |
125,0 |
25,0 |
32,58 |
90,23 |
27,08 |
72,36 |
125,00 |
25,00 |
3 |
Bắc Giang |
38,3 |
129,0 |
13,2 |
31,76 |
117,65 |
16,08 |
51,76 |
129,03 |
13,16 |
4 |
Phú Thọ |
36,4 |
93,75 |
11,54 |
35,45 |
66,67 |
30,77 |
44,81 |
93,75 |
11,54 |
5 |
Nam Định |
40,2 |
125,0 |
9,17 |
36,84 |
58,33 |
30,00 |
36,84 |
125,00 |
9,17 |
6 |
Hà Tĩnh |
47,1 |
107,14 |
23,26 |
46,60 |
63,48 |
23,26 |
47,79 |
107,14 |
23,26 |
7 |
Bình Định |
74,5 |
128,00 |
8,06 |
37,77 |
42,11 |
32,34 |
82,80 |
128,00 |
8,06 |
8 |
Tiền Giang |
42,3 |
107,14 |
10,91 |
34,57 |
37,31 |
30,79 |
59,38 |
107,14 |
10,91 |
9 |
Sóc Trăng |
45,6 |
116,67 |
12,50 |
40,24 |
35,56 |
26,96 |
51,89 |
116,67 |
12,50 |
10 |
Bến Tre |
53,2 |
87,50 |
10,24 |
36,16 |
24,00 |
10,24 |
28,14 |
87,50 |
11,72 |
Trung bình |
42,5 |
111,9 |
13,5 |
33,9 |
63,5 |
23,9 |
44,8 |
111,9 |
15,0 |
Có thể nói phương thức chăn nuôi lợn phổ biến ở nước ta hiện nay là khá lạc hậu và đang gây ô nhiễm, lây lan dịch bệnh và làm lãng phí nguồn tài nguyên chất thải chăn nuôi. Do phương thức chăn nuôi sử dụng quá nhiều nước hàng ngày nên một lượng lớn nước thải chăn nuôi không thể thu gom nên chỉ còn cách xả trực tiếp xuống nguồn nước hoặc gián tiếp xả ra môi trường thông qua các hầm biogas luôn ở trạng thái quá tải. Chính phương thức chăn nuôi lạc hậu này đã làm cho dịch tả lợn Châu Phi ASF lây lan rất nhanh thời gian vừa qua do nước thải từ các trại bị dịch bệnh ASF nhanh chóng lây nhiễm xuống nguồn nước và nhiều trại lợn khác lại lấy nước để tắm lợn, vệ sinh chuồng trại, chưa kể đến các phương tiện, dụng cụ tiếp xúc với nguồn nước lại được di chuyển giữa các trại lợn khác nhau.
Chăn nuôi tiết kiệm nước có thể còn là một khái niệm mới mẻ và còn được ít người quan tâm ở Việt Nam. Các chính sách về khuyến khích CNLTKN ở Việt Nam hầu như chưa có và phần lớn người chăn nuôi quy mô nhỏ, trung bình (gia trại, nông hộ) chưa thể hiện nhiều sự quan tâm đến tiết kiệm nước trong chăn nuôi.
Theo kết quả khảo sát một số nông hộ/trang trại chăn nuôi lợn tại các tỉnh đang triển khai dự án LCASP, vấn đề tiết kiệm nước chưa được người chăn nuôi quan tâm do:
- Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, lượng mưa/năm khá lớn nên nguồn nước cho chăn nuôi chưa phải khan hiếm và chi phí khai thác không đáng kể; Chi phí cho các công nghệ tiết kiệm nước có thể lớn hơn rất nhiều lần so với chi phí khai thác và sử dụng nước.
- Chính quyền địa phương và cơ quan môi trường chưa thể giám sát chặt chẽ việc xả thải và các chế tài xử phạt về xả thải chăn nuôi chưa thật sự nghiêm khắc để buộc người chăn nuôi quan tâm, cân nhắc đến tiết kiệm nước, giảm xả thải ra môi trường và thu gom xử lý chất thải.
- Các tập đoàn chăn nuôi lớn, chiếm thị phần lớn ở Việt Nam (CP, DABACO...) cũng chưa chú trọng nhiều đến công nghệ tiết kiệm nước.
- Gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gia tăng theo chiều hướng xấu nên chính quyền và các cơ quan chức năng đã thấy sự cần thiết phải thắt chặt quản lý và tìm ra các công nghệ nhằm giảm thiểu xả thải ra môi trường. Một trong các công nghệ có triển vọng ứng dụng rộng rãi là chăn nuôi lợn thịt không xả thải ra môi trường của dự án LCASP.
Công nghệ chăn nuôi lợn tiết kiệm nước của dự án LCASP
Kết quả nghiên cứu của dự án LCASP cho thấy mặc dù công nghệ chăn nuôi lợn tiết kiệm nước được ứng dụng rộng rãi ở các nước phát triển nhưng vẫn chưa được người chăn nuôi Việt Nam quan tâm là do công nghệ này còn có chi phí đầu tư ban đầu cao, phù hợp với chăn nuôi quy mô lớn và nuôi theo kiểu chuồng kín, trong khi quy mô chăn nuôi ở nước ta còn nhỏ lẻ, manh mún, phương thức chăn nuôi dạng chuồng hở là phổ biết, việc khai thác nguồn nước cho chăn nuôi còn rất dễ dàng với chi phí không đáng kể.
Trên cơ sở công nghệ chăn nuôi lợn thịt tiết kiệm nước của Đan Mạch, dự án LCASP đã nghiên cứu, cải tiến và thử nghiệm thành công công nghệ chăn nuôi lợn thịt không xả thải ra môi trường với chi phí đầu tư thấp hơn rất nhiều so với công nghệ nhập ngoại, có thể áp dụng cho các quy mô chăn nuôi nhỏ đến lớn (khoảng từ 50 lợn trở lên) và phù hợp với cả phương thức chăn nuôi lợn dạng chuồng hở.
Hình1: Mô hình chăn nuôi lợn thịt không xả thải LCASP
Nguyên tắc chính của công nghệ là không sử dụng nước để tắm lợn và làm vệ sinh chuồng trại, sử dụng sàn có khe thoáng để thoát phân và nước tiểu của lợn xuống bể chứa phân ở phía dưới sàn chuồng. Phân lỏng ở dưới sàn chuồng sẽ nhanh chóng hình thành lớp váng (màng) trên bề mặt để ngăn không cho mùi hôi và khí độc bốc lên. Khi bể chứa phân đầy (thường khoảng 3 – 4 tháng) thì sẽ mở van xả chất thải sử dụng áp lực âm để rút toàn bộ chất thải lỏng sang một bể chứa phân bên ngoài thông qua hệ thống ống dẫn. Chất thải lỏng đậm đặc sẽ được bơm lên bể ủ với than bùn hoặc phụ phẩm trồng trọt hoặc cho vào bồn để chuyên chở đi làm phân hữu cơ.
Kết quả thử nghiệm mô hình chăn nuôi lợn thịt không xả thải ra môi trường LCASP rất khả quan: mô hình thử nghiệm đã giúp tiết kiệm 85% lượng nước sử dụng hàng ngày so với đối chứng; lợn nuôi theo mô hình thử nghiệm khô ráo hơn, giảm các bệnh về hô hấp và tiêu hóa; phát sinh mùi hôi ít hơn so với phương pháp nuôi truyền thống. Đặc biệt, công nghệ chăn nuôi lợn thịt không xả thải LCASP có tác dụng tích cực trong phòng chống lây lan của dịch tả lợn Châu Phi ASF do toàn bộ chất thải của lợn được chứa dưới hầm chuồng trong suốt thời gian nuôi, do vậy, nếu phát hiện trại lợn nào bị nhiễm dịch thì sẽ được dễ dàng cách ly để tiêu diệt mầm bệnh. Nếu tích hợp thêm công nghệ này với một số biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học khác như giống sạch bệnh, thức ăn và nước uống sạch, khử trùng chuồng trại và vệ sinh khi vận chuyển và giết mổ thì có thể giúp cho các trang trại chăn nuôi lợn nhỏ và vừa kiểm soát được dịch tả lợn Châu Phi khi tái đàn.
Kết quả phân tích hiệu quả kinh tế, tài chính cho thấy việc áp dụng công nghệ chăn nuôi lợn thịt không xả thải của dự án LCASP hoàn toàn có thể cho phép người chăn nuôi tuân thủ những chính sách quản lý sử dụng nước trong chăn nuôi mà các nước phát triển đang áp dụng mà không làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người chăn nuôi.
Hình 2: Nuôi lợn thịt trên chuồng sàn theo mô hình của dự án LCASP
Đề xuất chính sách quản lý nhằm nâng cao trách nhiệm của người chăn nuôi trong tiết kiệm nước
Tiết kiệm nước trong chăn nuôi lợn nói riêng và trong mọi hoạt động sản xuất nói chung là xu hướng tất yếu nhằm gìn giữ nguồn tài nguyên nước đang ngày càng trở nên khan hiếm và bị ô nhiễm. Việc áp dụng chính sách quản lý khai thác và sử dụng nước một cách chặt chẽ và căn cơ đã được nhiều nước phát triển áp dụng nhưng vẫn chưa được thực hiện ở nước ta phần nào là do chưa có công nghệ phù hợp để vừa giúp người chăn nuôi tiết kiệm nước nhưng lại không làm tăng chi phí đầu tư lên quá cao ảnh hưởng đến sản xuất. Kết quả nghiên cứu công nghệ chăn nuôi lợn thịt không xả thải của dự án LCASP cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng các chính sách quản lý sử dụng nước trong chăn nuôi lợn thịt giống như các nước phát triển mà không làm ảnh hưởng đến sự phát triển sản xuất của ngành này.
Đề nghị Nhà nước có chính sách quản lý chặt chẽ hơn việc khai thác tài nguyên nước của các trang trại chăn nuôi và thu phí sử dụng nước (bao gồm cả phí môi trường) ở mức độ hợp lý nhằm tạo động lực cho các trang trại và người dân thay đổi công nghệ chăn nuôi theo hướng tiết kiệm nguồn tài nguyên nước.
Đề nghị các cấp quản lý ở trung ương và địa phương có chính sách tuyên truyền, hỗ trợ người chăn nuôi lợn chuyển đổi phương thức chăn nuôi lợn thịt sử dụng nhiều nước đang lạc hậu và gây ô nhiễm hiện nay sang áp dụng công nghệ chăn nuôi lợn thịt không xả thải LCASP nhằm tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, giảm ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh, đồng thời tăng cường khả năng thu gom chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ.
TS. Nguyễn Thế Hinh
Bộ NN&PTNT