23/09/2019
Chương trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã và đang triển khai thực hiện đã mở ra hướng phát triển kinh tế đa dạng dựa vào lợi thế từ mỗi địa phương theo hướng tăng giá trị gia tăng. Mỗi thôn, xã lựa chọn ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm nét đặc trưng để phát triển. Đây là hướng đi tất yếu để tạo động lực cho huyện Lệ Thủy trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng hiện có trên 1.200 thành viên, sản xuất, canh tác trên diện tích 268 ha. Với phương pháp sản xuất lúa gạo tiên tiến, hiệu quả, thân thiện với môi trường (SRI)… Hợp tác xã đã giảm lượng nước tưới và lượng lúa giống; hạn chế tối đa lượng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và thời gian chăm sóc; lợi nhuận tăng từ 25 đến 35% so với phương pháp sản xuất truyền thống. Trong vụ Đông - Xuân này, toàn bộ diện tích lúa của Hợp tác xã đều được áp dụng phương pháp canh tác SRI sử dụng các giống lúa chất lượng cao như: P6, TBR225... Năng suất lúa bình quân đạt khoảng 76 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa đại trà trên địa bàn. Sau hai năm đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm với tên gọi "Gạo Lệ Thủy”, vụ lúa này Hợp tác xã đang tổ chức thu mua bao tiêu sản phẩm từ 150 đến 180 tấn lúa cho các hộ thành viên để chế biến.
“Gạo Lệ Thủy” - sản xuất theo quy trình cải tiến SRI tạo ra hạt gạo sạch, đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Quảng Bình cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Bình cấp xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đây chính là điều kiện để lúa gạo của Hợp tác xã thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường tiêu thụ.
Khoai deo là một trong những món quà giàu hương vị quê nhà đối với những người con xa xứ và du khách gần xa. Nắm bắt được tâm lý đó, gia đình ông Phan Xuân Lâm ở thôn Thanh Tân, xã Thanh Thuỷ cùng một số hộ dân trong thôn đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất, chế biến khoai deo Lâm Hường. Theo lãnh đạo UBND xã Thanh Thủy, sản phẩm khoai lang nguyên liệu trong khoảng 5 năm trở lại đây đều có giá khá ổn định từ 10.000 đồng đến 13.000 đồng/kg. Nhờ có vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng củ đạt yêu cầu nên trung bình mỗi năm, Tổ hợp tác sản xuất trên 8 tấn khoai deo, với tổng thu nhập bình quân 640 triệu đồng/năm.
Ngoài hai địa bàn nêu trên, ở Lệ Thuỷ còn có một số thôn, xã khác cũng đã có sản phẩm đặc trưng. Bên cạnh đó, còn có 5 làng nghề truyền thống là: nón lá Quy Hậu, chổi đót Lệ Bình, chiếu cói An Xá, mộc mỹ nghệ, đan lát Xuân Bồ, rượu Tuy Lộc.
Để duy trì, phát triển làng nghề, bên cạnh các chính sách ưu đãi của tỉnh, huyện Lệ Thủy đã tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các cơ sở đầu tư trang thiết bị, chuyển giao công nghệ, quảng bá sản phẩm... giúp các làng nghề nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là một hướng đi tất yếu, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Qua đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân; đồng thời là yếu tố cơ bản để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Lệ Thủy đảm bảo tính bền vững.
Nam Việt