Banner trang chủ

Huyện Như Xuân - Thanh Hóa: Huy động sức dân xây dựng nông thôn mới

19/08/2019

     Thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển kinh tế cho người dân, huyện miền núi Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) đã huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án và hỗ trợ bà con xây dựng nhiều mô hình sản xuất mới, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện môi trường và chất lượng cuộc sống người dân. Đến nay, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng diện mạo thôn quê đã có nhiều thay đổi, khẳng định bước đi đúng đắn của các cấp chính quyền, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

     Chủ động, sáng tạo

     Năm 2018, huyện Như Xuân đã huy động hơn 131,7 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong đó, nguồn vốn ngân sách hơn 28 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án hơn 41 tỷ đồng, vốn phát triển sản xuất 16,5 tỷ đồng cùng các nguồn vốn khác. Huyện đã ban hành cơ chế thưởng 40 triệu đồng/năm đối với thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 200 triệu đồng/năm với xã đạt chuẩn NTM và 300 triệu đồng/năm với xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Bên cạnh đó, huyện Như Xuân thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) cho người dân trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Thông qua hoạt động chuyển giao KHKT, đã tạo cơ hội cho các nông hộ tiếp cận được kỹ thuật mới, áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Cụ thể như Dự án xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gà thả vườn, huyện đã hỗ trợ 9.000 gà con cho 9 hộ dân thuộc 3 xã Cát Vân, Thanh Hòa, Thanh Quân phát triển kinh tế chăn nuôi với kinh phí là 819 triệu đồng; Dự án xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ, mắc ca với 15 hộ và 1 doanh nghiệp, tổng nguồn vốn hơn 2,6 tỷ đồng. Huyện cũng hỗ trợ gần 3.260 con lợn giống, hơn 1.480 con dê cái sinh sản, 1.920 con thỏ New Zealand, 34.824 con gà ri, gà lai chọi; hơn 3.820 con trâu, bò sinh sản cho gần 9.500 hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Không chỉ hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, huyện Như Xuân còn xây dựng, bê tông hóa 60 km đường giao thông, 6,4 km kênh mương; xây mới, nâng cấp 14 nhà văn hóa, 1.200 ngôi nhà, 1.300 hố rác, xóa nhà tranh tre cho 100 hộ… Tính đến nay, huyện Như Xuân đã có 4 xã, 52 thôn đạt chuẩn NTM, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,92% (năm 2017 là 22%); thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 27,5 triệu đồng/năm (năm 2017 là 23,3 triệu đồng/hộ); có 29 trường đạt chuẩn quốc gia; 14/18 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

 

Mô hình “Đoạn đường hoa phụ nữ” của Hội LHPN huyện Như Xuân

 

     Phát huy những kết quả đã đạt được, từ nay đến cuối năm 2019, huyện sẽ phấn đấu có thêm 2 xã là Xuân Bình, Cát Vân và 10 thôn đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM trên toàn huyện lên 6/17 xã. Để đạt mục tiêu trên, Đảng bộ huyện Như Xuân sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục tích cực tham gia, hỗ trợ các xã thực hiện tốt các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, môi trường, y tế; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng liên kết sản xuất, giúp nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho nông dân; chuyển đổi mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ theo hướng tập trung quy mô trang trại; tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để nhân rộng các mô hình hợp tác xã...

     Được các tổ chức, đoàn thể ủng hộ

     Xác định được tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Như Xuân đã chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền, chủ động gắn các tiêu chí xây dựng NTM với chỉ tiêu thi đua, nhiệm vụ công tác Hội. Vì vậy, phong trào phụ nữ chung sức tham gia xây dựng NTM đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia.

     Thực hiện nhiệm vụ giữ vệ sinh môi trường, hàng năm, Hội LHPN huyện vận động hội viên tham gia hưởng ứng Ngày môi trường thế giới, ra quân dọn vệ sinh đoạn đường phụ nữ tự quản, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải; thực hiện hiệu quả mô hình đoạn đường phụ nữ tự quản, xây hố rác gia đình, đường hoa phụ nữ… Riêng năm 2018, Hội đã cắm 63 biển đoạn đường phụ nữ tự quản; vận động 4.147 gia đình hội viên xây, đào hố rác, trồng 42,13 km đường hoa; kêu gọi 6.478 hộ gia đình hội viên ở 127 chi hội phụ nữ thực hiện “Ngõ sạch, bờ rào đẹp”, góp phần tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BVMT đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”. Cùng với đó, xây dựng được 16 câu lạc bộ gia đình “5 không, 3 sạch” (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ), 1 chi hội kiểu mẫu “5 không, 3 sạch”; vận động cán bộ, hội viên phụ nữ hiến đất, hiến cây, đóng góp ngày công, kinh phí làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2019, hội viên phụ nữ đã đóng góp được trên 5 tỷ đồng, hiến 6.500 m2 đất, đóng góp 13.110 ngày công để làm mới 25.180 km đường bê tông liên thôn, đường nội đồng và ngõ bê tông. Với những việc làm thiết thực đó, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã biểu dương và tặng Giấy khen cho 18 tập thể, 40 cá nhân điển hình trong phong trào “Phụ nữ Như Xuân chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2019”.

 

Người dân thôn Xuân Hợp, xã Xuân Bình làm đường giao thông nông thôn

 

     Cùng với Hội LHPN, hưởng ứng phong trào thi đua “Nông dân Như Xuân chung sức xây dựng NTM”, hơn 2 năm qua, Hội Nông dân (HND) các cấp trên địa bàn huyện đã tích cực vận động hội viên nông dân tham gia BVMT, xây dựng NTM. Kết quả, HND các cấp đã vận động hội viên đóng góp 3.686 triệu đồng, trên 35 nghìn ngày công, làm mới 79 km đường giao thông, kênh mương; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng tại 47 km đường; tương trợ trong nội bộ nông dân được 850 ngày công, 83 triệu đồng, giúp đỡ 116 hộ chỉnh trang 532 căn nhà, công trình vệ sinh theo tiêu chuẩn; xây dựng 42 mô hình HND tham gia BVMT; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao... Từ các hoạt động tập thể này, đã tạo sân chơi bổ ích, mở rộng mối quan hệ đoàn kết, cổ vũ, nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên nông dân, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

     Trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, HND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên tham gia chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, mạnh dạn đầu tư cải tạo, xây dựng gia trại, trang trại, cánh đồng mẫu lớn; phát động cán bộ, hội viên đăng ký danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Đến nay, toàn huyện có 2.283 hộ đăng ký tham gia, tăng 795 hộ so với năm 2012 (trong đó, 125 hộ đạt danh hiệu cấp tỉnh, 437 hộ cấp huyện và cấp xã là 1.721 hộ). Chất lượng và hiệu quả phong trào được nâng lên, nhiều hộ đã có quy mô sản xuất lớn, vốn kinh doanh trên 800 triệu đồng, thu hút hàng trăm lao động, thu nhập bình quân từ 50 triệu - 500 triệu đồng/hộ/năm; hình thành nhiều mô hình sản xuất theo hướng trang trại, gia trại, phát triển kinh tế hàng hóa…

     Có thể khẳng định, công cuộc xây dựng NTM của huyện Như Xuân đang có những bước đi đúng đắn, được các cấp ngành ghi nhận và đánh giá cao. Đây là động lực để toàn huyện tiếp tục đổi mới, sáng tạo, phát huy sức mạnh, hoàn thành tốt các kế hoạch đã đề ra trong năm 2019 và những năm tiếp theo. 

     

  Lê Thị Ngọc

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2019)

Ý kiến của bạn