Banner trang chủ

Hưng Yên thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới

16/12/2019

     Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương triển khai thực hiện. Kết quả xây dựng NTM đang từng bước làm thay đổi toàn diện đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Trong những thành tích chung đó có sự đóng góp không nhỏ của Sở TN&MT Hưng Yên, thông qua công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung về BVMT nông thôn.

     Hàng năm, Sở TN&MT Hưng Yên đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội (Ủy ban mặt trận tổ quốc; Ban Dân vận Tỉnh ủy; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh) mở các lớp tập huấn, nâng cao nhận thức, ý thức về BVMT cho mọi tầng lớp nhân dân; phối hợp với Báo Hưng Yên xây dựng, duy trì chuyên mục TN&MT 2 số/tháng; Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên đã đăng tải các tin bài tuyên truyền về BVMT và tổ chức nhiều tọa đàm về môi trường: “Rác thải sinh hoạt, đâu là giải pháp”, “Nhân rộng phong trào không sử dụng túi ni lông”; Tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định pháp luật về BVMT...

     Bên cạnh đó, Sở thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải tồn đọng ở các huyện; xử lý tình trạng đổ, đốt rác thải xuống sông, kênh, mương, ao hồ, công trình thủy lợi gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT); chấn chỉnh việc quản lý, vận hành và xây dựng điểm tập kết, bãi chôn lấp rác thải; tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động tái chế phế liệu gây ÔNMT trên địa bàn tỉnh; thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; xử lý hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu dân cư gây ÔNMT; kiểm tra, theo dõi, cập nhật tiến độ, kết quả thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM do ngành phụ trách. Đồng thời, phối hợp với Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường, Văn phòng điều phối NTM của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các phòng, đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.

 

Thị xã Mỹ Hào là địa phương đầu tiên trong tỉnh Hưng Yên đạt chuẩn NTM

 

     Năm 2019, Sở TN&MT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường, UBND huyện Văn Lâm và các phòng, đơn vị có liên quan để thống nhất phương án xử lý triệt để ÔNMT nghiêm trọng tại 2 làng nghề tái chế chì Đông Mai (xã Chỉ Đạo) và làng nghề tái chế nhựa Minh Khai (thị trấn Như Quỳnh) theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã cơ bản cô lập, xử lý ô nhiễm chì trong làng nghề Đông Mai và thực hiện xử lý chất thải nhiễm chì tồn lưu tại gốc Cây Đa, phía Nam thôn Đông Mai. Đối với làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, việc nhập khẩu phế liệu lậu đưa vào làng nghề để sản xuất tái chế đã được kiểm soát chặt chẽ; tổ chức thực hiện thu gom và có kế hoạch, phương án xử lý rác thải, phế liệu, phế thải nhựa theo quy đinh; vận động các hộ tái chế phế liệu nhựa chuyển đổi sử dụng hạt nhựa nguyên sinh để góp phần giảm thiểu ÔNMT và giảm lượng nước thải phát sinh khoảng 70 - 80%.

     Hiện nay, chất lượng môi trường khu vực nông thôn của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề thu gom, xử lý chất thải phát sinh và đầu tư xây dựng công trình BVMT ngày càng tăng, đến nay, 70% cơ sở có công trình xử lý chất thải, 80% cơ sở chuyển giao chất thải cho các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý chất thải; 2/4 làng nghề gây ÔNMT nghiêm trọng đã hoàn thành xử lý triệt để theo Quyết định số 64/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý hợp vệ sinh đạt 76%. Các huyện, thị xã đã thành lập, duy trì hoạt động 915 tổ vệ sinh môi trường, 6 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và môi trường, đảm bảo thu gom rác thải tại 100% số thôn, khu dân cư. Đặc biệt, đã lắp đặt được 1.105 thùng đựng rác tại các khu vực công cộng, trường học; xây dựng 145 điểm tập kết rác thải quy mô thôn, xã; hỗ trợ 5.200 xe đẩy tay thu gom rác thải; đầu tư 16 xe ô tô chuyên dụng vận chuyển rác thải. Mặt khác, việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình được nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh, với 89.305 hộ gia đình thực hiện; các bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đã được xây dựng, lắp đặt tại cánh đồng của các thôn, xã, thuận tiện cho người dân thực hiện thu gom.

     Cũng trong năm 2019, Khu xử lý chất thải Đại Đồng đã dừng việc chôn lấp xử lý rác thải sinh hoạt và đưa vào vận hành 2 lò đốt rác sinh hoạt công suất đạt trung bình khoảng 200 tấn/ngày; lò đốt rác Dị Sử (thị xã Mỹ Hào) công suất 50 tấn/ngày, đêm được vận hành thử nghiệm từ tháng 7/2019 và 3 công trình xử lý nước thải khu dân cư do Phần Lan hỗ trợ tại thị trấn Yên Mỹ, Ân Thi, xã Toàn Thắng . Ngoài ra, Sở cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cụm hộ gia đình tại xã Chính Nghĩa (huyện Kim Động); lắp đặt 5 bộ Johkasou xử lý nước thải bằng công nghệ Nhật Bản tại trường mầm non xã Đình Dù (huyện Văn Lâm) và cụm dân cư Khu đô thị Ecopark (huyện Văn Giang); xây dựng Đề án tăng cường năng thực thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

     Đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên có 144/145 xã đạt tiêu chí môi trường, trong đó có 141/145 xã (đạt tỷ lệ 97,24%) được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM; 4/10 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành tiêu chí môi trường, trong đó có huyện Văn Giang, thị xã Mỹ Hào (TP. Hưng Yên) được Thủ tưởng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM và thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Văn Lâm đang hoàn thiện hồ sơ trình Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Trung ương.

     Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác BVMT trong xây dựng NTM còn một số tồn tại. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình đan xen trong khu dân cư chưa thực hiện lập thủ tục về môi trường, trình cơ quan có thẩm quyền xác nhận; chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, khí thải phát sinh đảm bảo yêu cầu về BVMT, gây khó khăn cho công tác quản lý. Việc xử lý các làng nghề gây ÔNMT nghiêm trọng còn chậm; ÔNMT do hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư gây bức xúc và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Một số nơi vẫn còn tình trạng vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi ra đường giao thông, sông, công trình thủy lợi, gây mất mỹ quan; lượng rác thải sinh hoạt tồn đọng tại các bãi chôn lấp rất lớn, mà chưa có biện pháp xử lý, gây ÔNMT và bức xúc cho người dân. Hầu hết các địa phương chưa tổ chức vận chuyển, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phát sinh theo quy định; tình trạng hoạt động tái chế phế liệu nhựa, phế liệu kim loại dọc bờ sông Điện Biên và trên đất nông nghiệp thuộc địa bàn xã Hồng Tiến, Đồng Tiến (huyện Khoái Châu) vẫn tiếp diễn nhiều năm nay. Mặc dù, Sở TN&MT thường xuyên kiểm tra và nhiều lần có văn bản đề nghị UBND huyện Khoái Châu xử lý, tuy nhiên, mới xử lý được 2 hộ tái chế phế liệu nhựa, vẫn còn 2 hộ tái chế kim loại và 3 hộ tái chế phế liệu nhựa chưa xử lý dứt điểm.

     Để nâng cao hiệu quả công tác BVMT trong xây dựng NTM, trong thời gian tới, tỉnh cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu:

     Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, nhất là cơ sở; đẩy mạnh sự phối hợp hoạt động giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công cuộc xây dựng NTM. Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM từ tỉnh đến cơ sở để công tác lãnh đạo, chỉ đạo được sâu sát và hiệu quả.

     Nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, nhất là đẩy mạnh giải quyết ô nhiễm do chất thải rắn; triển khai việc phân loại rác thải kết hợp với xử lý rác thải hữu cơ làm phân vi sinh tại hộ gia đình; thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải hàng ngày và các mô hình mới về BVMT.

     Chú trọng xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn đảm bảo Sáng - Xanh- Sạch- Đẹp; vận động toàn thể nhân dân tại các thôn, khu dân cư tổ chức dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; phát quang cỏ dại, thu dọn chất thải, phế thải; trồng hoa, cây xanh hai bên ven đường để tạo cảnh quan môi trường.

     Hoàn thiện hệ thống thoát nước công cộng, đảm bảo nước thải sinh hoạt tại các hộ dân được đấu nối và phát thải tại các điểm được quy định, tạo thuận lợi cho công tác thu gom đưa vào hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy hoạch. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ gia đình, trang trại chăn nuôi, hộ gia đình chăn nuôi; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong làng nghề thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; đầu tư, vận hành các công trình, biện pháp thu gom, xử lý chất thải, nước thải trước khi xả ra môi trường đạt quy chuẩn cho phép.

     Rà soát, phân loại các cơ sở trong làng nghề theo loại hình sản xuất và tiềm năng gây ÔNMT; đánh giá mức độ ÔNMT làng nghề, xây dựng kế hoạch xử lý các làng nghề gây ÔNMT nghiêm trọng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT và an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ sở, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

 

Ngô Minh Tuấn

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2019)

 

Ý kiến của bạn