Banner trang chủ

Giải pháp nhân rộng các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn

10/09/2020

     Ngày 7/9, tại Hà Tĩnh, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương phối hợp Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo Bàn giải pháp nhân rộng các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

    Hiện nay, tỷ lệ nước thải sinh hoạt tại đô thị được xử lý ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 13%, tại khu vực nông thôn chưa có con số thống kê đầy đủ. Trong những năm qua, việc xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn đã bước đầu tiếp cận các mô hình phân tán ở cụm dân cư, hộ gia đình. Đi đầu phải kể đến các tỉnh Hà Tĩnh, Thái Nguyên, An Giang với 19.500 thôn/3.210 xã tham gia xây dựng hệ thống thoát nước thải sinh hoạt.

    Tại tỉnh Hà Tĩnh, việc áp dụng mô hình xử lý nước thải sinh hoạt ở nông thôn đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác BVMT ngay tại nguồn. Nước thải sau khi được xử lý qua hệ thống hoàn chỉnh có 7/11 thông số đạt, 4 thông số còn lại tiệm cận tiêu chuẩn cột B của QCVN 14:2008/BTNMT; phù hợp với điều kiện địa hình phân tán của vùng nông thôn; chi phí lắp đặt, quản lý, vận hành thấp hơn nhiều so với xử lý tập trung. Đặc biệt, người dân dễ tiếp cận, sử dụng; nước thải đầu ra có thể tái sử dụng phục vụ tưới cây. Từ một vài công trình thí điểm, đến nay mô hình lan tỏa, triển khai trên diện rộng với gần 1.600 hộ gia đình/45 xã/12 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh tham gia lắp đặt. Tỉnh Hà Tĩnh đang rà soát, dự kiến bổ sung đề tài này vào tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, cũng như đề xuất Trung ương đưa vấn đề xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt thành một tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới.

     Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung: Giải pháp nhân rộng các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn giai đoạn hiện nay; cơ chế hỗ trợ, chính sách để thực hiện mô hình; trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp Trung ương, tỉnh, huyện, xã…

 

Phương Tâm

Ý kiến của bạn