03/12/2018
Huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) có 13 xã, thị trấn; diện tích đất tự nhiên 14.847,31 ha; dân số 116.731 người. Từ một huyện thuần nông, cơ sở hạ tầng còn khó khăn, sau 20 năm tái lập (1998 - 2018), Bình Xuyên đã vươn lên, trở thành huyện trọng điểm công nghiệp của tỉnh, với giá trị sản xuất trong công nghiệp đạt trên 89%. Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn huyện Bình Xuyên diễn ra nhanh và phát triển. Cùng với đó, lượng rác thải phát sinh tại các khu đô thị, khu công nghiệp ngày càng gia tăng, gây ô nhiễm môi trường và trở thành mối quan ngại cần được quan tâm.
Để giải quyết vấn đề này, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, sau 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Bình Xuyên là huyện thứ hai của tỉnh Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó tiêu chí môi trường được đảm bảo.
Các đoàn viên thanh niên tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường
Thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng NTM, huyện Bình Xuyên đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 12/7/2011 của BCH Đảng bộ huyện (khóa XVIII), nhiệm kỳ 2010 - 2015 “Về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, xóa bỏ lò gạch thủ công ở khu dân cư trên địa bàn huyện Bình Xuyên”. Cùng với việc ban hành nghị quyết, huyện thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; tổ chức ra quân hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn; lồng ghép nội dung môi trường với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh tổ chức 26 cuộc kiểm tra, xác minh, giải quyết các nội dung liên quan công tác BVMT trên địa bàn. Ngoài ra, huyện còn tích cực phát động BVMT trong công tác hội, đoàn thể như: Hội Phụ nữ với phong trào đẩy mạnh thực hiện việc xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; Đoàn Thanh niên với phong trào “Xung kích vì cộng đồng”; Hội Nông dân tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho hội viên vệ sinh môi trường trong sản xuất nông nghiệp...
Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn, tổ chức và đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước giếng khoan kết hợp bể lọc nước; dùng nước từ trạm cấp nước sạch, bình lọc nước sạch quy mô hộ gia đình. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn 10 xã, thị trấn đạt 98,7%, tỷ lệ số hộ sử dụng nước sạch đạt 60%.
Đối với vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt, huyện Bình Xuyên đặc biệt quan tâm. Mỗi ngày, trên địa bàn huyện, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng 90,46 tấn/ngày đêm, trong đó khu vực đô thị 33,64 tấn/ngày, khu vực nông thôn 56,82 tấn/ngày; lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh tại các cơ sở sản xuất công nghiệp khoảng 70 tấn/ngày. Để đảm bảo lượng rác thải phát sinh không gây ô nhiễm, huyện chỉ đạo thành lập tổ vệ sinh môi trường, hố tập kết rác thải. Đến nay, 100% số thôn đã có tổ vệ sinh môi trường, 100% xã đã có hố tập kết rác thải, 10/10 xã, thị trấn có Hợp tác xã môi trường hoặc nông nghiệp. Tỷ lệ thu gom của các xã, thị trấn đạt khoảng 89,8 % lượng rác thải sinh hoạt phát sinh. Hiện có 3 địa phương đã được trang bị lò đốt rác thải quy mô cấp xã, trong đó có 1 lò đốt rác do tư nhân đầu tư theo mô hình xã hội hóa là Công ty Cổ phần xây dựng Century Vina.
Tân Phong là một trong 2 xã đầu tiên của Bình Xuyên cán đích nông thôn mới (NTM). Năm 2011, khi bắt đầu xây dựng NTM, Tân Phong mới đạt 6/19 tiêu chí, gồm: bưu điện, điện, y tế, giáo dục, hệ thống chính trị và an ninh trật tự. Trong 13 tiêu chí còn lại, tiêu chí số 17 về môi trường là một trong những “nút thắt” khiến địa phương gặp khó khăn trong thực hiện, do trên địa bàn các thôn Mỹ Đô, Thịnh Đức, Yên Định… có nhiều hộ dân làm nghề nung đốt gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng than, củi để đốt lò đã thải ra các khí độc hại như SO2, SO3, CO2…, gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, xã Tân Phong đã phát động phong trào thi đua sôi nổi trong xây dựng NTM từ các thôn, làng, đến tất cả cơ quan, đơn vị. Dưới sự vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương, các hộ dân đã tự nguyện dỡ bỏ 36 lò đốt, chuyển sang chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, góp phần BVMT, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người từng bước được nâng lên, từ 24 triệu đồng năm 2011 tăng lên 31,5 triệu đồng năm 2015. Hiện toàn xã có 8/8 thôn đạt tiêu chuẩn làng văn hóa; 100% hộ dân sử dụng nước đảm bảo vệ sinh môi trường; 77,8% cơ sở sản xuất đạt chuẩn về môi trường.
Việc lắp đặt hầm biogas giúp các hộ gia đình tiết kiệm chi phí đun nấu và đảm bảo vệ sinh môi trường
Là một trong những làng nghề mộc nổi tiếng của tỉnh, thị trấn Thanh Lãng tạo việc làm cho hơn 2 nghìn lao động trực tiếp, gần 6 nghìn lao động thời vụ, với mức thu nhập từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích về kinh tế, việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường là thách thức lớn với huyện Bình Xuyên nhằm tạo bước đi bền vững cho làng nghề. Huyện đã triển khai dự án “Nâng cao năng lực quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề mộc Thanh Lãng”; hỗ trợ cho các hộ gia đình xây dựng 8 lò xử lý bụi sơn giúp giảm từ 70 - 80% lượng bụi gỗ, bụi sơn thải ra trong quá trình sản xuất. Huyện cũng thực hiện nhiều chính sách khuyến khích các hộ làm nghề ứng dụng công nghệ cao, giảm thiểu ô nhiễm; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm khắc các hộ vi phạm và khen thưởng các hộ thực hiện tốt công tác BVMT...
Có thể thấy, với việc quyết tâm triển khai thực hiện tiêu chí môi trường, bộ mặt nông thôn của huyện Bình Xuyên đã có nhiều đổi thay, đường làng ngõ xóm luôn xanh, sạch, đẹp. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện tốt tiêu chí môi trường và giữ vững danh hiệu đạt chuẩn NTM là thách thức không nhỏ của huyện Bình Xuyên. Thời gian tới, Bình Xuyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức BVMT của người dân; đưa nội dung BVMT vào quy ước gắn với tiêu chí gia đình, làng và thôn văn hóa. Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, làng nghề; phát huy công suất hoạt động trạm xử lý nước thải; chỉ đạo hướng dẫn 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh có giấy cam kết thu gom, xử lý chất thải nguy hại…
Đỗ Thanh Hướng
Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2018)