23/09/2019
Bến Tre có diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 75% tổng diện tích đất tự nhiên, sản xuất nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong tạo ra giá trị kinh tế và việc làm cho người lao động. Quán triệt sâu sắc nội dung và ý nghĩa của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới nói chung và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nói riêng, thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã tích cực triển khai thực hiện các hoạt động để Chương trình thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.
Hiện nay, toàn tỉnh Bến Tre có có 43 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 12 xã đạt 15 - 18 tiêu chí và không có xã đạt dưới 5 tiêu chí; trung bình đạt tiêu chí trên xã là 13,37 tiêu chí. Mặc dù, kết quả xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh còn nhiều khiêm tốn, nhưng diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng được thu hẹp; nếp sống văn minh, tình làng nghĩa xóm được gắn kết và phát huy sức mạnh cộng đồng; đặc biệt là quá trình quán triệt chủ trương, thay đổi nhận thức đến chuyển biến thành hành động cụ thể của nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, do tập quán sản xuất liền canh, liên cư và tính đa dạng của sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà nên hoạt động sản xuất của tỉnh còn mang tính nhỏ lẻ, chưa phát triển sản xuất theo quy mô lớn và liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ.
Qua tiếp cận và quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đã giúp tỉnh Bến Tre định hướng chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp theo tư duy mới, với sự thay đổi dần tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hình thành các liên kết sản xuất, mở rộng quy mô và xây dựng các hệ thống sản phẩm chủ lực của địa phương; kinh tế hộ nông thôn chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà được định hướng sản xuất, phát triển và hoàn thiện theo tiêu chuẩn của Chương trình. Từ đó, bước đầu đã hình thành các sản phẩm có chất lượng, thương hiệu và mang nét đặc trưng riêng.
Tỉnh đã xây dựng và hoàn thành Đề án thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018 - 2020 định hướng đến năm 2030 và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thế mạnh phát triển theo định hướng OCOP của tỉnh tiếp cận các thị trường tiêu thụ tiềm năng. Các sản phẩm dần được hoàn thiện theo hướng phát huy các giá trị truyền thống, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc gắn với cải tiến dây chuyền sản xuất thân thiện với môi trường… Từ đó, góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vào các thị trường tiềm năng, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại. Đến nay, tỉnh Bến Tre đã tổ chức đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP lần 1 với 31 sản phẩm đạt 4 sao và 14 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm được trưng bày, giới thiệu trong các kỳ Hội chợ trong và ngoài tỉnh cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá ứng dụng công nghệ thông tin như Lazada...
Đặc biệt, được sự hỗ trợ tích cực của Bộ NN&PTNT, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và các đối tác, tỉnh Bến Tre đã tổ chức một số Hội chợ chuyên đề về sản phẩm OCOP để giới thiệu, quảng bá sản phẩm như: Hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Bến Tre tại Siêu thị Big C An Lạc – TP. Hồ Chí Minh; Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất năm 2019 với sự tham gia của 23 tỉnh/thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam bộ, miền Trung và miền Bắc. Trong khuôn khổ Hội chợ, đã có 25 biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa các nhà phân phối là các siêu thị lớn ngoài tỉnh với một số doanh nghiệp tại Bến Tre.
Hiện nay, nhiều sản phẩm đặc trưng, có chất lượng tốt từ chương trình OCOP không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được phân phối ở các chuỗi siêu thị trong nước, có mặt trên một số chuyến bay quốc tế, giúp giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn gia tăng đáng kể, đóng góp quan trọng vào việc nâng kim ngạch xuất khẩu nông sản tỉnh nhà trong năm 2019. Song song đó, Bến Tre tập trung thực hiện phong trào Đồng khởi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ người dân hình thành tư duy, ý tưởng và phát triển các sản phẩm theo hướng chất lượng, đạt tiêu chuẩn sao của Bộ tiêu chí để hướng đến việc phát triển bền vững trong tương lai, góp phần tạo việc làm mới, ổn định thu nhập và ngày càng nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn...
Lê Kha