23/09/2019
Đồng Nai có tổng diện tích tự nhiên hơn 5.900 km2; dân số trên 3 triệu người, trong đó hơn 60% dân cư sống vùng nông thôn; 11 đơn vị hành chính cấp huyện, 171 đơn vị hành chính cấp xã (có 133 xã xây dựng nông thôn mới). Tuy là tỉnh công nghiệp, cơ cấu ngành nông nghiệp chỉ chiếm tỉ trọng chưa tới 6%, nhưng Đồng Nai luôn đặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí chiến lược trong phát triển bền vững trên địa bàn.
Với tinh thần “Chủ động, quyết tâm, quyết liệt”, sau 10 năm thực hiện Chương trình, Đồng Nai đã đạt được những thành quả tích cực, rất đáng khích lệ, diện mạo nông thôn có sự chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên một bước: thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 51,59 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,8 lần; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,11%, giảm 6,51% so với năm 2011. Đến nay, Đồng Nai đã hoàn thành 133/133 xã (100%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí của tỉnh. 11/11 (100%) đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, về trước 2 năm so với mục tiêu ban đầu tỉnh xác định. Đồng thời, hiện tỉnh đang thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương, thí điểm xây dựng huyện Xuân Lộc đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững.
Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã ban hành 2 Bộ tiêu chí: xã nông thôn mới kiểu mẫu và khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Dự kiến, trong năm nay, tỉnh phấn đấu hoàn thành 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Từ những kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức huy động nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Đồng Nai rút ra một số bài học:
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải chủ động, nhất là việc cụ thể hóa kịp thời các cơ chế, chính sách của Trung ương, phù hợp và sát thực tế của địa phương. Vừa qua, ngoài việc thực hiện cụ thể các chính sách huy động của Trung ương, tỉnh cũng kịp thời điều chỉnh các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh, theo hướng khuyến khích các địa phương, cơ sở, khai thác và huy động tốt các nguồn thu (điều chỉnh tỷ lệ điều tiết tiền thu sử dụng đất giữa tỉnh và huyện). Chú trọng công tác kiểm tra giám sát, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.
Làm tốt công tác tuyên truyền vận động, để mọi tầng lớp nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của Chương trình, là cuộc cách mạng sâu sắc và toàn diện đối với vùng nông thôn; hiểu và nắm chắc các cơ chế chính sách huy động và sử dụng các nguồn lực; phát huy vai trò chủ thể của người dân, người dân thấy rõ được trách nhiệm và tự giác, tích cực đóng góp tiền, vật chất, ngày công để chung tay cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới. Nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, phương thức phải phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, từng khu vực.
Bố trí sử dụng hiệu quả đối với các nguồn lực, để vừa đáp ứng hiệu quả trước mắt, vừa kích thích trở lại, huy động đối với các nguồn lực tiếp theo. Thực tế trong thực hiện Chương trình, tỉnh Đồng Nai xác định rõ đối với từng nguồn lực:
Về tài lực: tỉnh xác định rõ yêu cầu mục đích sử dụng cho từng nguồn vốn, phù hợp với thực tế địa phương và yêu cầu đặt ra của Chương trình: Nguồn ngân sách là nguồn vốn dẫn dắt, kích thích huy động đối với nguồn vốn các thành phần kinh tế khác; nguồn vốn tín dụng là nguồn vốn lớn để tập trung phát triển sản xuất; nguồn vốn doanh nghiệp là nguồn vốn quan trọng cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; nguồn huy động đóng góp của người dân thực hiện với vai trò, người dân vừa là chủ thể, vừa là người thụ hưởng Chương trình.
Về nguồn nhân lực: tỉnh xác định là nguyên nhân cuối cùng của sự thành công Chương trình. Ngoài thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, khuyến khích, thu hút, phát huy nguồn nhân lực nói chung, tỉnh đặc biệt chú ý đến lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật, đến công tác cán bộ, nhất là phát huy vai trò người đứng đầu, đánh giá đúng mức đối với cán bộ làm tốt, cũng như kiên quyết, kịp thời, xử lý, bố trí, sắp xếp đối với những cán bộ không đủ khả năng đảm nhận nhiệm vụ.
Hồng Nhự