13/11/2018
Ngày 12/11/2018, tại Hà Nội, Viện Công nghệ Môi trường (IET) đã tổ chức Hội thảo “Asen trong nước ngầm ở đồng bằng sông Hồng (ĐBSH): Hiện trạng và công nghệ xử lý ở quy mô phân tán”.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2017, ở Việt Nam, có 17 triệu người sử dụng nước ngầm bị nhiễm asen, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Cả nước có hơn 4 triệu giếng khoan, trong đó, nhiều giếng có nồng độ asen cao hơn 20 - 50 lần giới hạn cho phép (0,01mg/l). Tại Hà Nội, kết quả điều tra, khảo sát nồng độ asen trong nước ngầm ở 345 làng nghề trên địa bàn TP được thực hiện vào tháng 10/2012 của Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hà Nội cho thấy, 7/345 mẫu (chiếm 2,02%) có hàm lượng As<0,01 mg/l; 338 mẫu (chiếm 97,97% có hàm lượng As cao từ 20 - 50 lần so với Quy chuẩn cho phép. Ngoài ra, ¾ số hộ dân được điều tra tại 8 tỉnh ĐBSH bị nhiễm As cao hơn nhiều so với mức cho phép, trong đó Hà Nam có As cao nhất, với 50/160 xã (chiếm 43%) có nguồn nước bị ô nhiễm As. Người dân và chính quyền các địa phương đã có một số giải pháp như sử dụng bể lọc cát, cải tạo đường ống cấp nước sạch, tuy nhiên tình trạng nước ngầm nhiễm asen vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Nhận thức được hiện trạng đó, IET đã phối hợp với Đại học Khoa học Tự nhiên (HUS), với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia qua chương trình InnovationXchange, chế tạo hệ thống lọc mới với vật liệu lọc asen trong nước ngầm từ các vật liệu địa phương, đảm bảo loại bỏ được asen trong nước xuống dưới 0,01mg/l. Dự án thực hiện từ tháng 4/2017 đến tháng 1/2019, triển khai hệ thống xử lý thử nghiệm tại xã Hoàng Tây (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) và xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên, Hà Nội).
Từ 30 vật liệu lọc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã chọn ra 3 vật liệu tiềm năng nhất trên cơ sở hiệu quả xử lý asen và giá thành. Công nghệ đã chuyển giao cho công ty để chế tạo hệ thống xử lý asen trong nước ở quy mô phân tán, phù hợp với hộ gia đình (với giá khoảng 2 triệu đồng một tủ lọc gia đình) và các công trình công cộng địa phương như trường học, trạm y tế... Ngoài việc xử lý asen trong nước, hệ thống có thể xử lý các chất ô nhiễm khác như amoni, vi khuẩn, thông qua bổ sung các lõi lọc tương ứng.
Khảo sát chất lượng nước tại một số hộ dân xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, vào tháng 6 và tháng 9/2017 cho thấy, hàm lượng asen trong mẫu nước ngầm vào tháng 9 dao động từ 0,029 - 0,189 mg/l, vào tháng 6 lên tới 0,31 - 0,4mg/l; chất lượng nước sau khi lọc qua bể lọc cát tại địa phương đo vào tháng 6, tháng 9 đều có hàm lượng asen lần lượt là 0,143 - 0,233 mg/l, 0,013 - 0,129 mg/l, cao hơn so với tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng nước ăn uống (0,01mg/l). Kết quả thử nghiệm của hệ lọc tại trường mầm non Hoàng Tây cho thấy, hàm lượng As trong nước đi qua hệ thống lọc dao động lần lượt từ 0,002 - 0,005 mg/l, thấp hơn so với tiêu chuẩn cho phép.
Mô hình hệ thống lọc gia đình loại cột
Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao kết quả cũng như tính khả thi của Dự án. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, nhóm Dự án nên có cách thức xử lý, thu gom bùn thải thải ra sau khi lọc để tránh gây ô nhiễm môi trường.
Hương Mai