23/09/2019
An Giang là tỉnh đầu nguồn lưu vực sông Cửu Long, có tổng diện tích 353.700 ha, trong đó gần 80% là đất sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh có 8 huyện, 1 thị xã, 2 thành phố với 156 đơn vị hành chánh cấp xã (bao gồm 21 phường, 16 thị trấn, và 119 xã), tổng dân số toàn tỉnh hiện nay là 1.908.601. Là tỉnh biên giới, có số đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chiếm 5,17% (chủ yếu là đồng bào dân tộc khmer), có đường biên giới giáp 2 tỉnh Tà-Keo và Kandal thuộc Vương quốc Campuchia dài gần 100 km, có 2 cửa khẩu quốc tế và 2 cửa khẩu quốc gia. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế. Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng dụng tiến bộ KHKT góp phần tăng năng suất, chất lượng, từng bước đưa nông nghiệp phát triển theo chiều sâu. Một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như “cánh đồng lớn”, chuỗi giá trị, rau màu, thủy sản… mang lại nhiều hiệu quả tích cực, giá trị sản xuất nông nghiệp không ngừng nâng lên. Từ đó, tạo điều kiện nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 54/119 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới đạt tỷ lệ 45,38% (tính đến tháng 9/2019), ước đến 12/2019, toàn tỉnh có thêm 07 xã đạt chuẩn, nâng tổng số lên 61/119 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ 51,26%; tăng 48 xã so với giai đoạn (2011 - 2015) và hoàn thành mục tiêu Chương trình sớm hơn 1 năm so với lộ trình, kế hoạch của tỉnh; Bình quân toàn tỉnh đạt 15 tiêu chí/xã (tăng 8,74 tiêu chí/xã so với giai đoạn 2010 - 2015), không còn xã dưới 7 tiêu chí. Có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới; trong đó có 1 huyện nông thôn mới (huyện Thoại Sơn), 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thành phố Châu Đốc và thành phố Long Xuyên) được Thủ tướng Chính phủ công nhận.
Thu nhập bình quân đầu người trên năm khu vực nông thôn năm 2018 đạt 40,7 triệu đồng/người/năm, tăng 13,15 triệu đồng so năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm bình quân hàng năm 1,34%. Có 99,06% hộ dân nông thôn sử dụng nước Hợp vệ sinh và 88,56% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy định. Các chỉ tiêu khác cũng có bước phát triển tốt. Nông nghiệp, nông thôn của tỉnh có những bước đổi thay căn bản, toàn diện. Bộ mặt nông thôn khang trang; Cảnh quan nông thôn, vệ sinh môi trường được cải thiện (các địa phương có nhiều các làm hay, các mô hình có hiệu quả: hàng rào cây xanh, các tuyến đường hóa, mô hình thu gom rác thải,…); đời sống người dân được nâng lên; kinh tế - xã hội phát triển. Đặc biệt là cơ sở hạ tầng của các xã đạt chuẩn, các tuyến giao thông, trường học, trạm y tế, chợ được đầu tư nâng cấp; hệ thống kênh mương, công trình thủy lợi được kiên cố hóa; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm xã hội đều tăng.
Nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, ưu tiên bố trí nguồn lực, sự kiểm tra sát sao tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới của cấp uỷ đảng, chính quyền; sự chủ động của địa phương, đơn vị trong chỉ đạo, phân công nhiệm vụ thực hiện các nội dung, tiêu chí nông thôn mới đã tạo điều kiện thuận lợi cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh An Giang đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, tiến độ xây dựng nông thôn mới thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ chương trình còn hạn chế trong khi nhiều xã có rất nhiều chỉ tiêu cần vốn hỗ trợ của Nhà nước. Một số chỉ tiêu tuy đạt nhưng tỷ lệ chưa cao hoặc thiếu bền vững như: Bảo hiểm y tế, môi trường, thu nhập, hộ nghèo. Chuyển dịch cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp còn chậm. Việc thực hiện liên kết trong sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân đã được hình thành bước đầu đã đem lại những kết quả nhất định. Tuy nhiên, mối liên kết này vẫn còn thiếu tính bền vững, nhất là khi giá bán sản phẩm trên thị trường biến động theo hướng giảm thì phần thiệt hại luôn thuộc về người nông dân trực tiếp sản xuất, nên việc đầu tư tái sản xuất mở rộng quy mô còn hạn chế. Đặc biệt, vẫn còn một bộ người dân chưa thông hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chưa nhiệt tình tham gia tổ chức thực hiện, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc huy động nguồn lực trong dân có lúc gặp không ít khó khăn...
Nguyên nhân của những tồn tại trên là do An Giang có vị trí tâm điểm vùng tứ giác Long Xuyên nền kinh tế phát triển chủ yếu dựa trên nền tảng nông nghiệp. Tỷ trọng nông nghiệp chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế, chủ yếu vẫn còn ở quy mô sản xuất vừa và nhỏ, giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế chưa cao. Các lĩnh vực thế mạnh của huyện chưa được đầu tư đúng mức nên chưa khai thác hết tiềm năng kinh tế, nguồn thu còn nhiều khó khăn chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển ở địa phương. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn ít do với tiềm năng và lợi thế tỉnh. Đồng thời, các yếu tố khách quan như giá cả các mặt hàng nông sản, thủy sản thiếu ổn định, thị trường đầu ra đôi lúc gặp khó khăn, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, gây khó khăn cho quá trình chuyển dịch cơ cấu nội ngành. Ngoài ra, công tác tuyên truyền đã đi vào chiều sâu nhưng vẫn còn tính một chiều, chưa liên tục để tạo thành thói quen trong người dân. Đa số các xã chưa có cán bộ chuyên trách về xây dựng nông thôn mới nên khó khăn trong công tác tham mưu về xây dựng nông thôn mới...
An Bình