Banner trang chủ

Đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng đổi thay từ công cuộc xây dựng nông thôn mới

04/07/2019

    Tỉnh Sóc Trăng hiện có 40% xã nông thôn được công nhận đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM), trong đó nhiều xã có đông đồng bào Khmer sinh sống. Từ công cuộc xây dựng NTM, các phum, sóc Khmer trên địa bàn tỉnh như khoác lên mình diện mạo mới, khang trang, giàu đẹp.

    Được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực xây dựng xóm, ấp phát triển, xanh, sạch, đẹp. Nhiều người dân Khmer đã nỗ lực vươn lên trong sản xuất, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, từ đó thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tại các phum, sóc, đồng bào xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, mang lại thu nhập cao như: Trồng trọt kết hợp chăn nuôi tôm - lúa, cá - lúa; nuôi bò sữa; nuôi gà; trồng nấm rơm… Có cuộc sống kinh tế ổn định, đồng bào Khmer còn tích cực tham gia Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Năm 2018, tỉnh Sóc Trăng có 89% số gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa; gần 14% số xã đạt chuẩn văn hóa NTM, phường văn minh đô thị; 85% số xã, phường có nhà văn hóa và 88% số khóm, ấp có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa trong vùng đồng bào Khmer cũng được quan tâm đầu tư xây dựng; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội truyền thống được duy trì theo phong tục tập quán, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Khu di tích văn hóa, lịch sử cũng có điều kiện để quan tâm bảo tồn với hơn 85% số ngôi chùa được tôn tạo; 65 tụ điểm văn hóa tại chùa Khmer, 2 chùa được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và 8 chùa được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

 

Diện mạo phum, sóc ở Tham Đôn ngày càng khởi sắc

 

    An Hiệp là xã thứ 3 của huyện Châu Thành và cũng là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống đạt chuẩn NTM gần đây nhất của tỉnh Sóc Trăng, nâng tỷ lệ số xã nông thôn của tỉnh được công nhận đạt 19/19 tiêu chí NTM lên 25/80 xã. Để đạt chuẩn NTM, Đảng bộ, chính quyền địa phương xã An Hiệp đã có nhiều nỗ lực, biết dựa vào sức mạnh của nhân dân, huy động mọi nguồn lực để sớm hoàn thành các tiêu chí theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Năm 2010, khi bắt đầu xây dựng NTM, An Hiệp mới đạt 5/19 tiêu chí, đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Trong quá trình xây dựng NTM, người dân đã đóng góp trên 20 tỷ đồng và tích cực hiến đất, vật tư xây dựng, ngày công lao động để làm đường giao thông. Hiện các trục giao thông nông thôn vào các ấp, khu dân cư đều được bê tông hóa; 100% hộ dân có điện thắp sáng; 99,5% hộ dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; 5/6 điểm trường đạt chuẩn quốc gia; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững... Đặc biệt, tỷ lệ người có việc làm thường xuyên đạt 93,4%, thu nhập bình quân đầu người khoảng 42,1 triệu đồng/người/năm, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 26,3% (năm 2010) giảm còn 3,4% hiện nay.

   Tháng 12/2018, UBND huyện Châu Thành đã tổ chức Lễ Công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã An Hiệp đạt chuẩn NTM. Diện mạo phum, sóc ở An Hiệp ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng lên rõ rệt. Sự đổi đời từ cây lúa chất lượng cao, trồng màu, nuôi bò, phát triển làng nghề... đến những ngôi nhà kiên cố, khang trang ngày càng củng cố thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong bà con Khmer.

   Trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016 - 2020”, huyện Mỹ Xuyên là lá cờ đầu với 8/10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó, Tham Đôn là xã nông thôn thứ 8 của huyện và thứ 24/80 của tỉnh đạt chuẩn NTM. Với hơn 73% dân số là người Khmer, Tham Đôn là một trong những xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số đông nhất tỉnh Sóc Trăng. Cũng như xã An Hiệp, khi mới bước vào xây dựng NTM năm 2010, Tham Đôn chỉ có 5/19 tiêu chí đạt theo bộ tiêu chí xây dựng NTM. Thời điểm đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, trường học, chất lượng sống của đồng bào còn thấp; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 8,4 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo và đặc biệt khó khăn lên tới hơn 31%... Thực hiện phong trào xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, xem đây là bước đột phá và là nhiệm vụ thường xuyên trong suốt quá trình xây dựng NTM.

   Kết quả, sau gần 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, xã Tham Đôn đã huy động được trên 212 tỷ đồng từ nhiều nguồn lực, đầu tư thực hiện hàng chục công trình hạ tầng cơ sở; cứng hóa đường nông thôn trong các phum, sóc; hỗ trợ nguồn nước sạch, xây dựng trường học, điểm vui chơi giải trí; hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi mô hình canh tác, sản xuất mới cho thu nhập, hiệu quả cao hơn, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Với vai trò là chủ thể NTM, người dân Tham Đôn đã tự nguyện đóng góp sức người sức của để xây dựng NTM với số tiền trên 582 triệu đồng, xây dựng 3 tuyến đường giao thông nông thôn, 4 cây cầu và 2 nhà mát để bà con có chỗ trú nắng mưa khi đi thăm đồng; đồng loạt hưởng ứng các phong trào như trồng hoa, làm hàng rào, cột cờ, đắp ta luy dọc hai bên lộ NTM ở nơi bị sạt lở, giữ cho đường làng ngõ xóm luôn sạch, đẹp. Bên cạnh đó, thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” gắn với đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các tổ chức đoàn thể, cá nhân trong xã đã tích cực tham gia các phong trào thi đua như: Nông dân đăng ký kinh doanh sản xuất giỏi, đảm bảo vệ sinh môi trường; tương thân, tương ái, đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất để phát triển kinh tế hộ, thoát nghèo bền vững… Nhờ vậy, diện mạo nông thôn ở xã Tham Đôn đã có nhiều đổi thay, đời sống người dân được nâng lên với thu nhập bình quân đầu đạt trên 41 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27,5% xuống còn 3,8%; 14/14 ấp của xã đạt danh hiệu ấp văn hóa.

    Việc hoàn thành các tiêu chí, sớm đưa các xã thuần nông, có đông đồng bào Khmer đạt chuẩn NTM thể hiện nỗ lực của chính quyền và người dân trong thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Trên tinh thần đó, trong định hướng đến năm 2020, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu có trên 50% số xã nông thôn đạt chuẩn NTM; đồng thời, tiếp tục phát huy, giữ vững danh hiệu xã NTM và tiến tới trở thành xã nông thôn kiểu mẫu của tỉnh đối với những địa phương đã được công nhận.

 

Phạm Thị Thu Hương - Minh Huệ

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2019)
 

Ý kiến của bạn