Banner trang chủ

Việt Nam tích cực đẩy mạnh thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh

07/02/2017

   Ngày 12/1/2017, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị điều phối Tăng trưởng xanh (TTX) - Báo cáo tình hình thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX ở Việt Nam (2012 -2016) do Bộ KH&ĐT tổ chức với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

Toàn cảnh Hội nghị

   Hội nghị đã tổng kết và đánh giá việc thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX ở Việt Nam. Những điển hình, kinh nghiệm tốt và những bài học rút ra trình bày tại Hội nghị đã cung cấp thông tin cho các đại biểu về quá trình xây dựng, thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về TTX, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thỏa thuận Pari.

   TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, TN&MT, Bộ KH&ĐT cho biết, Chiến lược quốc gia về TTX là thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và hoàn thiện thế chế kinh tế theo hướng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chiến lược tiếp tục đóng góp cho các hoạt động ứng phó với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính, giảm nghèo, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 5 Bộ và gần 30 tỉnh/TP xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động TTX.

   Kinh nghiệm thực hiện Kế hoạch hành động TTX của tỉnh Quảng Ninh đã cho thấy, Kế hoạch cần được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học và sự đồng thuận của các bên liên quan. Kế hoạch hành động TTX đưa ra các ưu tiên và cần được lồng ghép vào quy hoạch tổng thể và thực hiện với sự hỗ trợ kịp thời của các đối tác phát triển. Ở cấp quốc gia, Kế hoạch hành động TTX cũng cần được xây dựng và thực hiện dựa trên những lĩnh vực then chốt, kế thừa những nỗ lực sẵn có như các chương trình mục tiêu.

   Việt Nam đã tham gia Thỏa thuận Pari được thông qua tại COP21 tháng 11/2015 với các cam kết trong Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC). TS. Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, các cơ quan Chính phủ và đối tác phát triển đã có nhiều hoạt động để thúc đẩy thực hiện cam kết quan trọng này. Nhiều địa phương và doanh nghiệp xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và đang triển khai trên các mặt: Huy động nguồn lực, tăng cường thể chế chính sách, tăng cường năng lực và đổi mới công nghệ”.

   Bà Louise Chamberlain - Giám đốc Quốc gia UNDP đề xuất, “đề nghị Chính phủ đưa ra chính sách và cam kết dài hạn giúp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, cải cách giá năng lượng, cơ chế khuyến khích đầu tư, thay đổi cách thức quản lý và hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực năng lượng”.

                Anh Tuấn

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2017

Ý kiến của bạn