Banner trang chủ

Thừa Thiên - Huế quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững

04/10/2016

   Thừa Thiên - Huế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng; có hai di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Thừa Thiên - Huế còn có Vườn quốc gia Bạch Mã, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được xem là đầm phá lớn nhất Đông Nam Á với hệ sinh quyển và đa dạng sinh học phong phú. Đây là địa phương hội đủ các điều kiện để thực hiện chiến lược phát triển xanh và bền vững.

Xây dựng TP Xanh - Sạch - Đẹp, hài hòa với thiên nhiên

   Từ năm 2005, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xác định phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững với trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp sang dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Từ định hướng đó, tỉnh đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương của Trung ương để đề ra nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

   Trong năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 9%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ: Dịch vụ chiếm gần 56% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); công nghiệp chiếm trên 34%; nông nghiệp giảm còn dưới 10%. Theo đó, các ngành dịch vụ tập trung ưu tiên phát triển du lịch, các dịch vụ có thế mạnh và giá trị gia tăng cao. Công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường; các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đều được di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề; đồng thời, đầu tư công nghệ tiên tiến, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường; chú trọng thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao, gắn với thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc xả thải, xử lý nước thải và môi trường tại các khu công nghiệp.

   Bên cạnh đó, nông nghiệp được quan tâm đầu tư phát triển toàn diện gắn với giảm nghèo bền vững; chú trọng phát huy lợi thế của tỉnh có bờ biển dài 128 km và 22 nghìn ha đầm phá để phát triển nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy, hải sản gắn với BVMT và bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tỷ trọng lao động trong nông nghiệp giảm xuống còn 35%; độ che phủ rừng đạt trên 57%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 21%.

   Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư đồng bộ theo mô hình đô thị trung tâm kết nối với các đô thị vệ tinh. Trong đó, TP. Huế với vai trò là đô thị trung tâm, được đầu tư xây dựng theo hướng Xanh - Sạch - Đẹp, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường; gắn kết giữa văn hóa với du lịch; bảo tồn và phát triển. Với những nỗ lực phấn đấu, TP. Huế đã trở thành TP Festival đặc trưng của Việt Nam và được công nhận TP văn hóa ASEAN, TP bền vững môi trường của ASEAN và gần đây là TP xanh quốc gia.

   Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Thừa Thiên - Huế cũng gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, song vẫn bảo tồn nguyên vẹn các giá trị di sản văn hóa; giữ được môi trường Xanh - Sạch - Đẹp; chất lượng và môi trường sống được nâng lên rõ rệt.

   Giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển cũng như giữa phát triển nhanh và bền vững là một thách thức đối với Thừa Thiên - Huế. Kiên trì thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” với trọng tâm:

   Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng “Đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh” nhằm giảm áp lực về giao thông; ô nhiễm môi trường, đất ở đô thị và các hệ lụy khác về xã hội. Kết nối giữa các đô thị là hệ thống giao thông, cảnh quan thiên nhiên và cây xanh; khuyến khích nhân dân phát triển “vườn trong nhà, nhà trong vườn”.

   Phát triển du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn. Huế là vùng đất có hai di sản văn hóa thế giới; có nhiều loại hình nghệ thuật, lễ hội truyền thống, cùng với văn hóa ẩm thực, kiến trúc, y phục cổ truyền và làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Huế; nhiều di tích lịch sử, cách mạng; kết hợp hài hòa với cảnh quan thiên nhiên; môi trường sống trong lành, an toàn và thân thiện. Nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã nhận định: “Thiên nhiên Huế, cảnh vật Huế, con người Huế, tiếng nói Huế, phong cách Huế, tất cả đã tạo nên một bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa Huế độc đáo, hiếm vùng đất nào có được”. Những nét văn hóa, lịch sử độc đáo và khác biệt đó sẽ tạo điều kiện để Thừa Thiên - Huế phát triển nhiều loại hình du lịch, dịch vụ chất lượng cao.

   Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ khoa học - công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của kinh tế. Xây dựng các cơ chế, chính sách để thu hút, sử dụng nhân tài, đặc biệt, phát huy vai trò của đông đảo đội ngũ trí thức, giáo sư, phó giáo sư, các nhà khoa học để tham gia hoạch định và phản biện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tăng cường đầu tư theo chiều sâu đối với các yếu tố nguồn lực, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

   Tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nhất là đối với các nước phát triển trong tiếp cận công nghệ mới, huy động nguồn lực cho giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và BVMT... Đồng thời, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, TP trong cả nước để trao đổi thông tin, kinh nghiệm về tăng trưởng xanh và bền vững.

   Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng về phát triển xanh và bền vững; sử dụng năng lượng, tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm và hiệu quả, gắn với BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu. Triển khai xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường Xanh - Sạch - Đẹpn

                        Lê Thị Phượng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2016)

Ý kiến của bạn