Banner trang chủ

TP. Hồ Chí Minh thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính

10/09/2018

     Là trung tâm phát triển kinh tế lớn trên cả nước, với tốc độ đô thị hóa cao, dân số tăng nhanh, TP. Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với những thách thức từ ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính (KNK) ngày càng tăng cao.Trong khi đó, nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân về giảm nhẹ phát thải KNK còn hạn chế.

     Lượng phát thải cao nhất cả nước

     TP. Hồ Chí Minh tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, chung cư, trung tâm thương mại - dịch vụ, nên có lượng phát thải KNK cao.Theo báo cáo về giám sát phát thải KNK của TP. Hồ Chí Minh do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) công bố, lượng khí thải trong năm 2013 của TP khoảng 38,5 triệu tấn CO2, chiếm 16% lượng phát thải quốc gia, trong khi dân số chỉ khoảng 9% dân số cả nước. Trong đó, 46% lượng KNKphát thải từ việc sử dụng năng lượngtại các tòa nhà (dân cư, thương mại, hành chính), sản xuất công nghiệp, xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản; hoạt động  giao thông chiếm 45%; chất thải chiếm 6%; 3 % còn lại là từ các lĩnh vực khác.

     Lượng phát thải KNK của TP. Hồ Chí Minh được xếp vào nhóm cao nhất trên thế giới. Trong 91 TP là thành viên nhóm C40 (nhóm các TP cam kết giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu), lượng phát thải KNK trên bình quân đầu người của TP. Hồ Chí Minh tương đương với TP. Seoul (Hàn Quốc), London (Anh), Buenos Aires (Argentina)… Cụ thể, lượng phát thải bình quân đầu người của TP.  Hồ Chí Minh là (4,2 tấn CO2) tương đương với Seoul (4,6 tấn CO2), London (4,7 tấn CO2), Buenos Aires (4,4 tấn CO2); Phát thải của TP. Hồ Chí Minh bằng khoảng 50% mức phát thải của TP Tokyo (Nhật Bản) và tương đương 70% mức phát thải của Singapo.

     Tăng cường các giải pháp giảm phát thải KNK

     Để thích ứng, giảm thiểu biến đổi khí hậu (BĐKH), đồng thời từng bước kiểm soát KNK, trong thời gian qua, TP. Hồ Chí Minhkhuyến khích thực hiện các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ, giải pháp sạch, thân thiện với môi trường… Điển hình là Chương trình hợp tác Phát triển TP phát thải cácbon thấp giữa TP. Hồ Chí Minh và TP. Osaka (Nhật Bản) thực hiện tronggiai đoạn 2016-2020. Tháng 10/2013,  2 TP ký kết Biên bản ghi nhớ hướng đến việc phát triển đô thị có cácbon thấp. Năm 2015, TP. Osaka đã triển khai 2 dự án hỗ trợ trang thiết bị (JCM) cho TP. Hồ Chí Minh, cụ thể: Dự án Tiết kiệm năng lượng trong nhà máy bằng cách sử dụng hệ thống kiểm soát điều hòa không khí (triển khai tại 6 công ty con của Tổng công ty Nidec Corporation từ năm 2017), với mục tiêu giảm lượng phát thải 4.681 tCO2/năm; Dự án Sử dụng năng lượng mặt trời tại trung tâm mua sắm TP. Hồ Chí Minh (được triển khai từ năm 2016 tại công ty Aeon Việt Nam), với mục tiêu giảm lượng phát thải 274 tCO2/năm.

 

Phát triển các công trình sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường giúp giảm phát thải KNK ở TP. Hồ Chí Minh

 

     Để giảm lượng phát thải KNK từ các hoạt động giao thông, năm 2017, TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư các phương tiện xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, với khoảng 841 xe sử dụng khí thiên nhiên (CNG), hoạt động trên 39 tuyến xe buýt có trợ giá của TP. Các xe buýt này được nạp nhiên liệu (khí CNG) tại 4 trạm do Công ty CP Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam cung cấp (gồm: Bãi xe buýt Phổ Quang, Bến xe buýt Đại học Quốc gia, Bến xe An Sương và trạm Tân Kiên), với số lượng là 256 xe/380 xe và giá cung cấp bằng 60% so với giá dầu DO. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư các phương tiện vận tải sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, Công ty đãxây dựng 9 vị trí trạm nạp nhiên liệu CNG (tại các bến xe buýt: Công viên 23/9, Chợ Lớn, Tân Phú, Miền Đông, Miền Tây, Ngã 4 Ga, HTX 19/5, Củ Chi vàGa hành khách quận 8) và mở rộng 4 trạm nạp nhiên liệu CNG hiện có. 

     Phát huy kết quả của Dự án, năm 2018, JICA sẽ hỗ trợTP. Hồ Chí Minhtriển khaigiai đoạn mở rộng Dự án hợp tác kỹ thuật Hỗ trợ việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động giảm thiểu phù hợp với điều kiện quốc gia theo phương thức giám sát, báo cáo, thẩm định (MRV) (Dự án SPI-NAMA). Trong giai đoạn 2015 -2017, Dự ánSPI-NAMA đã nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực giám sát phát thải KNK của TP;đồng thời, xây dựng xây dựngHướng dẫn quy trình quản lý và kiểm kê KNK tổng hợp, qua đó giúp TP. Hồ Chí Minh, cũng như các TP khác thực hiện công tác kiểm kê KNK.

     Trong thời gian tới, để đóng góp vào Chương trình giảm phát thải KNK của quốc gia, TP sẽ xây dựng và triển khai các dự án giảm thiểu phát thải KNK trong 10 lĩnh vực: Quy hoạch đô thị; năng lượng; giao thông vận tải; công nghiệp; quản lý nước; quản lý chất thải; xây dựng; y tế; nông nghiệp; du lịch. Việc kiểm kê KNK đã giúp định lượng cụ thể các nguồn gây phát thải KNK và dự báo được lượng phát thải trong thời gian tới của TP. Qua đó, các cơ quan quản lý xác định được cáckhu vực cần giảm phát thải KNK. TP sẽ ban hành quy định về quản lý các hoạt động giảm phát thải KNK, kể cả đối với các hoạt động không thuộc danh mục chương trình, dự án ứng phó với BĐKH giai đoạn 2017 -2020; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp, người dân về giảm KNK. Ngoài ra, TP đưa ra chính sách ưu tiên, khuyến khích các dự án sử dụng vật liệu không nung, tiết kiệm năng lượng, đẩy mạnh sử dụng những nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời; tăng cường mở rộng diện tích cây xanh, vườn hoa, công viên, nhất là ở khu vực trung tâm TP và các khu đô thị, khu dân cư mới. 

     Về nguồn lực thực hiện, TP sẽ huy động sự đóng góp của cộng đồng quốc tế và trong nước;tăng cường các chương trình xúc tiến đầu tư, giới thiệu, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và tài chính để phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng ứng phó với BĐKH, giảm phát thải KNK.

 

Nguyễn Thanh Thủy

Viện Hàn lâm Khoa học - xã hội Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2018)

 

 

Ý kiến của bạn