Banner trang chủ

Tư duy xanh và tài nguyên, môi trường trong phát triển theo hướng xanh ở Việt Nam

06/01/2015

     Đặt vấn đề

     “Xanh hóa” là thuật ngữ hiện phổ biến và chính thức cả trong nghiên cứu khoa học và trong quản lý phát triển theo hướng phát triển bền vững (PTBV), được xuất hiện gắn với bối cảnh tác động của BĐKH. “Xanh” gắn với nhiều khái niệm phát triển quan trọng như TTX, phát triển xanh, kinh tế xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, tài chính xanh…

     Việt Nam đã ban hành và đang thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX (QĐ số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012), Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014 - 2020 (QĐ số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014); các Bộ/ngành, địa phương, các tổ chức, cộng đồng trong xã hội cũng có những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể hướng tới bền vững.

     Bài viết đề cập tới tư duy xanh như là cơ sở cho các hành động và quyết định hành động phát triển và liên hệ với lĩnh vực TN&MT ở Việt Nam.

     Tư duy xanh trong quyết định phát triển

     TN&MT ngày nay đã trở thành nội dung trọng tâm trong quản lý phát triển theo hướng bền vững và ứng phó với BĐKH. Sự khan hiếm, cạn kiệt tài nguyên và sự suy giảm, suy thoái chất lượng môi trường sống đang là thách thức. Các quốc gia trên thế giới đã thống nhất cần thay đổi nhận thức, tư duy về mối quan hệ Con người - Tự nhiên (trên cơ sở những thay đổi ấy có hành động phù hợp).

     Từ Tuyên bố Stốckhom về Môi trường con người năm 1972 đến nay đã có sự thay đổi nhận thức về mối quan hệ Con người - Tự nhiên theo hướng con người không phải đứng ngoài để chinh phục, khai thác tự nhiên, bắt tự nhiên phục vụ nhu cầu của con người mà cuộc sống của con người phụ thuộc vào tự nhiên, phải ứng xử tôn trọng, hài hòa với tự nhiên. PTBV, TTX, phát triển xanh hay nói cách khác xanh hóa phát triển, tăng trưởng đang là định hướng chủ đạo cả trong tư duy cả trong quyết định và hành động về phát triển.

     Có nhiều định nghĩa về xanh hóa, nhưng có thể hiểu, đơn giản là làm cho mọi hoạt động phát triển ngày càng trở nên xanh, thân thiện với môi trường. Xanh hóa hay tính từ Xanh được lựa chọn sử dụng không chỉ vì màu sắc đặc trưng cho tự nhiên mà còn để đối lập với màu nâu vốn thường được sử dụng để chỉ hiện trạng ô nhiễm, suy thoái của tự nhiên, môi trường.

     Tính chất xanh trong các quyết định và hoạt động phát triển thường tập trung vào 2 yếu tố tác động tới tự nhiên (sử dụng khôn khéo, thông minh tài nguyên tự nhiên); gắn với đó là phát thải ít nhất ra môi trường. Khái niệm xanh hóa sự phát triển hay TTX, phát triển xanh không thay thế khái niệm PTBV mà là cách diễn đạt mới của PTBV gắn với bối cảnh BĐKH (điều này đã được xác định trong quan điểm Chiến lược quốc gia về TTX). Do đó, xanh hóa cũng chính là PTBV với sự nhấn mạnh vào ứng phó với BĐKH để thực hiện PTBV. Tư duy xanh về thực chất, bản chất cũng là tư duy PTBV gắn với bối cảnh tác động ngày càng rõ rệt và tăng lên của BĐKH.

     Cũng giống như cặp đôi phát triển xanh, PTBV, cặp phạm trù sản xuất xanh, tiêu dùng xanh cũng tương ứng với cặp phạm trù sản xuất bền vững, tiêu dùng bền vững. Nhìn từ giác độ tài nguyên, môi trường thì sản xuất và tiêu dùng cũng đều là tiêu dùng tài nguyên (đất, nước, khoáng sản...) và môi trường (thải các chất thải ở dạng rắn, khí, lỏng). Kinh tế học phân định tiêu dùng sản xuất (khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên cho mục đích sản xuất, cung ứng sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của xã hội) và tiêu dùng cá nhân (sử dụng các sản phẩm được sản xuất cho nhu cầu cá nhân).

     Tiêu dùng bền vững gắn với đó là tiêu dùng xanh được hiểu một cách chung nhất là “Sử dụng hàng hóa và dịch vụ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản và nâng cao chất lượng cuộc sống trong khi sử dụng ít hơn tài nguyên thiên nhiên và các chất độc hại, đồng thời giảm phát thải và chất gây ô nhiễm trong chu trình sống và không làm tổn hại tới việc đáp ứng nhu cầu của thế hệ mai sau”. UNEP xác định “mục đích cuối cùng của tiêu dùng bền vững là cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của cả người tiêu dùng thế hệ hiện nay và các thế hệ mai sau, đồng thời giảm thiểu tác động tới môi trường” với nhận định, “tiêu dùng bền vững là chìa khóa cho phép xã hội và cá nhân phát triển mà không hy sinh chất lượng cuộc sống hoặc các yếu tố PTBV.

     Làm thế nào để thực hiện tiêu dùng bền vững thì các quốc gia vẫn đang tìm kiếm câu trả lời phù hợp, từ khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên hiện có, bao gồm cả chế biến sâu tài nguyên, tái sử dụng, tái chế chất thải (như sản xuất sạch hơn, 3R…), cho đến tăng cường các nguồn tài nguyên năng lượng sạch như gió, năng lượng mặt trời, thủy triều ... cũng như tìm kiếm và sử dụng các nguồn tài nguyên mới ở sâu hơn trong lòng trái đất, như băng cháy, địa nhiệt…

 

Tăng trưởng, phát triển xanh là cách thức phát triển để thực hiện PTBV đất nước

 

    Tác động của BĐKH ngày càng tăng rõ rệt cũng đang thúc đẩy sự tìm kiếm này bởi sự gia tăng các nguy cơ về an ninh năng lượng, an ninh tài nguyên, an ninh môi trường và theo đó là an ninh con người. Hướng vào TTX, phát triển nền KTX với tiêu dùng xanh là cách thức ứng phó mới của các quốc gia trong bối cảnh BĐKH.

     Như đã nói ở trên, TTX, KTX, xét về bản chất, không thay thế PTBV mà là cách gọi mới trong bối cảnh BĐKH với sự nhấn mạnh vào sử dụng hiệu quả tài nguyên, phát thải thấp khí nhà kính ra môi trường. Cũng sản xuất, tiêu dùng xanh không thay thế sản xuất, tiêu dùng bền vững mà là cách thức sản xuất, tiêu dùng để thực hiện TTX, kinh tế xanh ứng phó với tác động của BĐKH.

     Về nhận thức, con người từ chỗ coi tự nhiên là tặng vật nên khai thác, sử dụng một cách vô tư, thoải mái, thậm chí thô bạo, không chú ý đến tính dễ bị tổn thương, tính giới hạn về khả năng tái tạo hay phục hồi của tự nhiên để rồi bị tự nhiên phản ứng, “trả thù”, phải trả giá bằng chính tương lai phát triển tiếp tục của mình và các thế hệ tiếp theo. Khi nhận ra, tuy có muộn, nhưng con người đã điều chỉnh nhận thức thông qua thay đổi cách thức quan hệ với tự nhiên.

     Cho đến nay, con người đã nhận thức lại rằng mình là bộ phận của tự nhiên, sinh ra từ tự nhiên, tiến hóa theo các quy luật sinh tồn của tự nhiên và cần thiết phải duy trì mối quan hệ chặt chẽ, hài hòa với tự nhiên để có thể tiếp tục phát triển một cách bền vững. Trước đây con người đã từng nhận thức, ứng xử với tự nhiên không phải hoặc không hoàn toàn như vậy. Điều khó khăn cơ bản là nhận thức cần được thể hiện trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế thị trường hiện được hầu hết các quốc gia trên thế giới coi là phương thức phát triển chủ đạo trong thế kỷ 21 mà chi phối ở đó (tức nền kinh tế thị trường) quan hệ thị trường, quan hệ giá trị, động lực chính của mọi hoạt động là lợi nhuận. Đây là câu hỏi khó và phức tạp, đang được tìm kiếm lời giải.

     Thực tế đang hé mở hy vọng cho hướng tìm kiếm lời giải này. Trong đó, coi tài nguyên không chỉ là nguồn lực, tài sản mà còn là nguồn vốn cho phát triển. Nghĩa là tài nguyên thiên nhiên sẽ được lượng giá, định giá (hay vốn hóa) như một nguồn vốn kinh tế để lưu thông bình thường trong các hoạt động kinh tế. Đó cũng là quan điểm lãnh đạo và quản lý PTBV ở Việt Nam cụ thể “Tài nguyên là tài sản quốc gia, là nguồn lực, nguồn vốn tự nhiên đặc biệt quan trọng để phát triển đất nước. Tài nguyên phải được đánh giá đầy đủ các giá trị, định giá, hạch toán trong nền kinh tế, được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh tài nguyên” (Nghị quyết của Ban chấp hành TƯ Đảng CSVN số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT).

     Hy vọng cho hướng tìm kiếm lời giải nói trên có đúng và phù hợp cho lâu dài hay không vẫn còn bỏ ngỏ bởi lẽ cả lý thuyết và thực tiễn vài thế kỷ phát triển kinh tế thị trường đã chỉ ra rằng, bên cạnh những điểm mạnh, tích cực cơ bản, rõ ràng thì kinh tế thị trường cũng có không ít những khiếm khuyết, những thất bại (trong lý luận kinh tế gọi là thất bại thị trường).

     Tài nguyên thiên nhiên như là tài sản tự nhiên có những đặc điểm khác biệt so với các tài sản kinh tế thông thường khác, như nguồn gốc hình thành, sự giới hạn, tính khấu hao tài sản… Sự khác biệt này sẽ làm cho việc vốn hóa TN&MT trở nên không dễ dàng trong nhiều trường hợp mà các lý thuyết kinh tế hiện nay chưa đáp ứng được. Đơn cử trường hợp đối với loại tài nguyên không tái tạo (than, dầu mỏ, bô xít…): Lý thuyết về vốn hóa hiện hành (lượng giá, định giá …) chưa thể giải đáp cho câu hỏi về mối quan hệ giữa khai thác ngay và để lại vài chục năm nữa, cụ thể là mối quan hệ trong tính khấu hao hay chiết khấu tài sản loại tài nguyên này. Trong lý thuyết Kinh tế TN&MT, chiết khấu (hệ số r) là điều chỉnh đưa các lợi ích và chi phí trong tương lai về giá trị hiện tại tương đương và trong thực tế vẫn còn nhiều tranh luận vì rất khó thống nhất về hệ số r này.

     Có thể khái quát sự thay đổi triết lý trong nhận thức về mối quan hệ Con người - Tự nhiên như sau (theo khái quát của các giáo sư trường Đại học Toronto, Canađa): Thế hệ trước đây thừa kế tự nhiên của các thế hệ trước như là một tài sản tự nhiên; Thế hệ hiện tại vay tự nhiên của các thế hệ sau như là một tài sản và do vậy có trách nhiệm phải trả lại cho thế hệ tiếp theo.

     Nói theo ngôn ngữ của kinh tế chúng ta không phải là người thừa kế mà là người đi vay các tài sản tự nhiên và phải có trách nhiệm trả cả gốc lẫn lãi, trong đó người chủ nợ là các thế hệ kế tiếp. Gốc ở đây là thực trạng tự nhiên trước khi sử dụng (cả về hiện vật và cả về giá trị) và lãi ở đây là thực trạng tự nhiên sau khi sử dụng trở nên tốt hơn.

     Tài nguyên, môi trường trong tư duy phát triển theo hướng xanh ở Việt Nam

     Lãnh đạo, quản lý quá trình phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay được định hướng vào TTX, phát triển xanh. Thực trạng phát triển ở nước ta cho đến nay về thực chất vẫn còn là mang tính chất “nâu”, nghĩa là sự phát triển mà trong đó tăng trưởng, phát triển kinh tế dựa nhiều vào khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và môi trường vượt quá ngưỡng tự phục hồi của tự nhiên, ngưỡng tiếp nhận chất thải của môi trường, gây tổn hại, ô nhiễm, suy thoái môi trường. Bên cạnh những thuận lợi, cơ hội thì sự chuyển (tuy là dần) sang xanh và bền vững đang đứng trước nhiều vấn đề, thách thức.

     Báo cáo quốc gia “Việt Nam: 2/3 chặng đường thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, hướng tới năm 2015” nhận định: Sau 2/3 chặng đường thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) Việt Nam đã hoàn thành và thậm chí còn “về đích” sớm đối với một số mục tiêu, nhưng chủ yếu là về kinh tế và về xã hội. Còn về các mục tiêu MDG số 7 “Đảm bảo bền vững về môi trường” thì “Việt Nam mới đạt được những kết quả bước đầu. Việc hoàn thành Mục tiêu này vào năm 2015 là khó khăn, khi điều kiện BĐKH ngày càng trở nên rõ rệt” .

     Nếu như trong chặng đường phát triển còn lại của chiến lược phát triển 10 năm (2011 - 2020) xu thế này vẫn tiếp tục diễn ra, cụ thể là lĩnh vực kinh tế - xã hội vẫn tiếp tục có những kết quả, thành tựu tốt, còn lĩnh vực quản lý, bảo vệ TN&MT vẫn tiếp tục tụt hậu thì bức tranh phát triển của đất nước chắc chắn sẽ không hướng được vào bền vững và xanh mà thậm chí còn ngược lại. Sự tăng trưởng kinh tế nước ta thời gian qua đã và đang được đánh giá là ấn tượng (5 - 7%/năm) chắc chắn chưa thể coi là hướng vào bền vững khi tính đủ những hao hụt, tổn thất về TN&MT. Đã có ý kiến rằng, mức tăng trưởng ấy có được là do “chuyển lỗ vào TN&MT”.

     Con số thiệt hại về TN&MT ở Việt Nam hay được viện dẫn, nhắc tới là vài phần trăm so với GDP (3 - 5%). Bỏ qua tổn thất, thiệt hại về TN&MT cũng đồng nghĩa là cung cấp tín hiệu sai cho các quyết định phát triển. Báo cáo về Phát triển Việt Nam năm 2010 có tiêu đề “Quản lý tài nguyên thiên nhiên” do các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới thực hiện và công bố tháng 12/2010 đưa ra cảnh báo “nếu tăng trưởng kinh tế đặt “mức chi phí bằng 0” cho các tác động môi trường thì thị trường và những người ra quyết định sẽ nhận được những dấu hiệu sai và do đó sẽ phá hỏng những ích lợi từ quá trình phát triển”. Trong suy nghĩ và thực tiễn quyết định phát triển ở nước ta vẫn còn coi tăng trưởng kinh tế mới là mục tiêu đích thực cần được ưu tiên nhằm vào trước hết, còn TN&MT chỉ là phương tiện cho việc đạt mục tiêu kinh tế. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH TƯ Đảng CSVN số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 Về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT đã nhận xét, nhận thức và tầm nhìn của chúng ta cho đến nay vẫn “còn thiên về lợi ích kinh tế trước mắt, chưa coi trọng phát triển bền vững”. Trước đó, Nghị quyết của Bộ Chính trị số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng đánh giá “Chưa bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với BVMT, thường chỉ chú trọng đến tăng trưởng kinh tế mà ít quan tâm việc BVMT”.

     Trong thực tiễn quản lý và hành động ở nước ta vẫn còn đang thịnh hành suy nghĩ chi phí bảo vệ TN&MT chủ yếu thuộc loại “tiêu tốn” mà chưa phải loại “sinh lợi”, nghĩa là chúng “giúp” cho quá trình tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội mà chưa đem lại giá trị gia tăng cho quá trình này. Hệ quả là người ta thường hạn chế hay tiết giảm chi phí bảo vệ TN&MT hơn là tăng chúng.

     Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình phát triển chú trọng chiều sâu với phát triển bền vững, xanh. Những cảnh báo về lời nguyền TN&MT đã được các nhà khoa học đưa ra trong những năm gần đây đối với các nước đang phát triển hy vọng nhiều vào mô hình kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trung tâm của mô hình kinh tế thị trường là dựa vào sự gia tăng, sự kích thích và thỏa mãn tối đa lợi ích kinh tế và nhu cầu tiêu dùng của con người. Để thỏa mãn tối đa nhu cầu tiêu dùng của con người với mục tiêu thu lợi nhuận thì càng phải khai thác tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Do vậy, lời khuyên được đưa ra là các quốc gia đang phát triển nên chú ý nhiều hơn tới củng cố và duy trì nền tảng vững chắc, lâu dài, bền vững cho quá trình tăng trưởng và phát triển. Cụ thể là đặt tài nguyên thiên nhiên và môi trường vào trung tâm của các quyết định phát triển, tức là “xanh hóa” quá trình phát triển, từ tư duy cho đến hành động. Đó chính là điểm khác biệt trong tiếp cận TTX, phát triển xanh so với tiếp cận phát triển theo hướng bền vững hiện nay là lồng ghép các vấn đề TN&MT trong các quyết định phát triển.

     Thay lời kết

     Tăng trưởng, phát triển xanh là cách thức phát triển được Đảng và Nhà nước ta lựa chọn để thực hiện PTBV đất nước. Sự thay đổi tư duy thường không dễ dàng và sự điều chỉnh, thay đổi tư duy và hành động “kinh tế trước, môi trường sau” sang tư duy và hành động đặt các vấn đề TN&MT vào vị trí trung tâm của các quyết định phát triển chắc chắn sẽ khó khăn và trở ngại hơn so với việc lồng ghép chúng. Tư duy đúng là cơ sở, nền tảng tiên quyết cho các quyết định và hành động phát triển.

 

 

PGS. TS. Nguyễn Danh Sơn

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Nguồn: Chuyên đề Tăng trưởng xanh - Tạp chí Môi trường 2014

 

 

Ý kiến của bạn