Banner trang chủ

Phát triển kinh tế biển xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu

08/08/2016

   Việt Nam là quốc gia ven bờ biển Đông, với vùng biển rộng gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền, bờ biển dài hơn 3.260 km (không tính bờ các đảo) và trên 3.000 đảo, trong đó có 2 quần đảo xa bờ (Hoàng Sa và Trường Sa). Biển Việt Nam có tiềm năng lớn đối với phát triển kinh tế nhưng cũng đối mặt với các tranh chấp chủ quyền biển, đảo kéo dài và phức tạp. Vì thế, Việt Nam luôn coi trọng vai trò đặc biệt của kinh tế biển (KTB) trong chiến lược phát triển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Thời gian qua, KTB có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế đất nước (năm 2013 KTB chiếm khoảng 49,5% tổng GDP cả nước, thuần biển đạt 13%), nhưng quy mô phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và “nguồn vốn tự nhiên” của biển đang bị cạn kiệt ở mức báo động.

   Chính vì vậy, để phát triển KTB nhanh, hiệu quả và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì đầu tư phát triển KTB xanh (KTBX) là một lựa chọn chiến lược đúng đắn. Tăng trưởng xanh (TTX) và KTBX sẽ tạo cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền KTB truyền thống phù hợp với bối cảnh quốc tế và khu vực. Nói cách khác, Việt Nam cần chuyển đổi từng bước từ KTB “nâu” sang “xanh” để bảo đảm phát triển bền vững (PTBV) trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH).

Biển Việt Nam có tiềm năng lớn đối với phát triển kinh tế

   Việt Nam tham gia phát triển kinh tế biển xanh

   Tuyên bố Đại dương Manađô đã được đại diện 92 quốc gia có biển (bao gồm Việt Nam) ký thông qua ngày 14/5/2009 tại Manađô, Inđônêxia với 21 điểm nhấn mạnh đến vai trò của đại đương, biến đổi đại dương và BĐKH, kinh tế đại dương xanh, các cam kết tăng cường bảo vệ sức khỏe đại dương và sử dụng đại dương để giảm thiểu tác động của BĐKH. Đồng thời, Tuyên bố Manila tại Đại hội biển Đông Á lần thứ III ở Philípin (tháng 11/2009) đã đề ra giải pháp lồng ghép các vấn đề BĐKH vào lập kế hoạch quản lý tổng hợp vùng bờ biển các quốc gia Đông Á để hướng tới xây dựng nền KTBX trong khu vực. Tại Hội nghị thượng đỉnh Rio+20 (tháng 6/2012) cũng đã nhấn mạnh đến Tuyên bố Đại dương Rio+20, trong đó tiếp tục khẳng định: BĐKH đã tác động đến đại dương khiến cho sức khỏe đại dương thay đổi, ngược lại, biến đổi đại dương cũng đang làm thay đổi trạng thái của hệ thống khí hậu.

   Với thông điệp “Một đại dương thế giới khỏe mạnh sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho con người hôm nay và mai sau” và trên cơ sở 10 mục tiêu chính liên quan tới chức năng dịch vụ của đại dương (cung cấp thực phẩm, cơ hội cho nghề cá thủ công, sản phẩm tự nhiên, lưu giữ các bon, bảo vệ bờ biển, sinh kế và kinh tế, du lịch và giải trí, các loài biểu tượng văn hóa, các vùng biển sạch và đa dạng sinh học biển), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã xây dựng Bộ chỉ số đánh giá sức khỏe đại dương (OHI). Năm 2012, UNEP đã thử nghiệm đánh giá OHI cho vùng biển ven bờ của 71 quốc gia có biển, với điểm trung bình theo trọng số (tối đa là 100) và cho kết quả: Điểm số trung bình toàn cầu là 60, có 5% số quốc gia đạt điểm trung bình của các chỉ số trên 70 và 32 quốc gia đạt điểm số dưới 50, Việt Nam đạt 50 điểm. Chương trình hành động toàn cầu về quản lý ô nhiễm biển từ nguồn đất liền (GPA) đã đưa ra cách tiếp cận quản lý “từ đầu nguồn xuống biển - 2R” và đã thành lập mạng lưới các đối tác ở cấp độ toàn cầu, khu vực và đang kêu gọi thành lập ở cấp quốc gia để quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ. Với sự giúp đỡ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Quỹ HSF (CHLB Đức), Việt Nam đang áp dụng thử nghiệm cách tiếp cận 2R ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng.

   Ngoài ra, chủ đề KTBX đã được thảo luận và chia sẻ tại các diễn đàn, hội thảo quốc tế, khu vực và quốc gia, bao gồm Việt Nam. Đại hội biển Đông Á lần thứ IV tổ chức tại Chongwon, Hàn Quốc (tháng 7/2012) đã có 10 nước (gồm Việt Nam) cam kết xây dựng một nền KTBX ở các quốc gia biển Đông Á với sáng tạo của khoa học và đổi mới công nghệ. Tháng 12/2013, tại Washington DC (Mỹ) đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh tế Đại dương hướng tới TTX. Theo đó, Hội nghị nhấn mạnh đến các nhóm vấn đề chính: Lượng giá các giá trị dịch vụ của các hệ thống tài nguyên biển, bao gồm các hệ sinh thái (HST); Lồng ghép các dịch vụ HST biển vào lập kế hoạch đầu tư phát triển, nhấn mạnh đến các khu bảo tồn biển; Phát triển năng lượng biển, năng lượng tái tạo, an ninh thực phẩm và hàng hải xanh; Thúc đẩy tăng trưởng KTBX, chú trọng bảo vệ nguồn lợi biển, phát triển kinh tế dựa vào bảo tồn nguồn vốn tự nhiên biển…

   Ở Việt Nam, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả và bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Đây là cơ hội để Việt Nam hướng đến nền kinh tế xanh, TTX và PTBV. Chính vì thế, ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014 - 2020 tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014.

   Hiện nay, cả nước đang triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Luật Biển Việt Nam (2012), Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX, trong đó có lĩnh vực KTB. Theo đó, 6 lĩnh vực KTB được Nhà nước tập trung phát triển theo Điều 43 Luật Biển Việt Nam gồm: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu, khí và các loại tài nguyên, khoáng sản biển; Vận tải biển, cảng biển, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phương tiện đi biển và các dịch vụ hàng hải khác; Du lịch biển và kinh tế đảo; Khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; Phát triển, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ về khai thác và phát triển KTB; Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực biển.

   Do đó, phát triển KTBX ở nước ta không chỉ là một xu hướng tất yếu mang tính toàn cầu, mà còn là một vấn đề quốc gia khi mà nền KTB “nâu” đang là “vật cản” trên con đường PTBV. Vì thế, Chiến lược quốc gia về TTX khẳng định khả năng bắt nhịp trong dài hạn của nền kinh tế Việt Nam. Thực tế hiện nay đòi hỏi Việt Nam phải chủ động chuyển từ nền KTB “nâu” sang “xanh” để đạt được các lợi ích như góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH và biến đổi đại dương, duy trì và tiến tới tăng cường nguồn vốn tự nhiên, bảo đảm công bằng xã hội và hướng tới PTBV.

Nhà máy điện gió Bạc Liêu tạo ra năng lượng sạch, góp phần phát triển bền vững đất nước

   Một số định hướng phát triển KTBX trong bối cảnh BĐKH ở Việt Nam

   Căn cứ vào yêu cầu, quan điểm và bài học kinh nghiệm từ các nước, để phát triển KTBX thích ứng với BĐKH, nước ta cần thực hiện một số định hướng sau:

   Thay đổi tư duy và tầm nhìn cùng với việc xây dựng một Chiến lược phát triển KTB bền vững nhằm bảo đảm an ninh năng lượng (năng lượng biển sạch, tái tạo), phát triển KTBX và bền vững. Áp dụng các giải pháp khai thác giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển, ven biển và hải đảo.

   Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách biển quốc gia, địa phương theo cách tiếp cận liên ngành để quản lý tổng hợp và thống nhất về mặt nhà nước đối với biển, đảo, phục vụ phát triển KTBX và bền vững. Chú trọng mối liên kết vùng trong phát triển KTB và ven biển.

   Kiểm kê và lượng giá “nguồn vốn tự nhiên biển” làm căn cứ triển khai các quy hoạch dài hạn sử dụng biển đảo ở cấp độ quốc gia theo cách tiếp cận dựa vào HST; phục vụ quá trình ra quyết định đầu tư xanh và có trách nhiệm đối với các hoạt động khai thác, sử dụng biển, đảo và vùng ven biển. Phát triển và quản lý hiệu quả nghề cá và du lịch biển theo cách tiếp cận dựa vào HST, trong khả năng chống chịu và bảo toàn các giá trị chức năng (dịch vụ) của HST mà nghề cá và du lịch biển phụ thuộc vào.

   Quy hoạch mở rộng và quản lý hiệu quả hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2030 để phát triển nghề cá và du lịch sinh thái biển bền vững; tiếp tục đánh giá các vùng biển, đảo có giá trị quốc gia, quốc tế để trình cấp có thẩm quyền hoặc các tổ chức quốc tế công nhận, vinh danh. Phấn đấu đến năm 2020 có 10% diện tích vùng lãnh hải được bảo tồn và 30% đến năm 2030. Tập trung nguồn lực để ngăn ngừa và phục hồi các nơi cư trú đã bị mất, các HST quan trọng (rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển) đã bị suy thoái, nguồn lợi và nguồn giống thủy sản tự nhiên... đang bị suy giảm gắn với bảo đảm phúc lợi xã hội và sinh kế của các cộng đồng dân cư ven biển và trên đảo.

   Quản lý và xử lý hiệu quả các chất thải, chất gây ô nhiễm trước khi đổ ra biển từ các lưu vực sông ven biển, trên các hải đảo và các hoạt đông kinh tế biển. Kiểm kê năm 2010 ở nước ta cho thấy 30 - 70% tải lượng chất gây ô nhiễm biển là từ đất liền, từ các lưu vực sông, do đó cách tiếp cận “từ đầu nguồn xuống biển” cần sớm được áp dụng trong lập kế hoạch phát triển và quản lý biển và vùng ven biển để giảm thiểu các tác động từ đất liền.

   Tiếp tục thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ biển (ICM), bao gồm cơ chế phối hợp liên ngành, phối hợp giữa Trung ương và địa phương, phân vùng chức năng vùng bờ cho PTBV trên cơ sở lồng ghép BĐKH và nước biển dâng. Phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ dải bờ biển của 28 tỉnh ven biển được áp dụng phương thức quản lý tổng hợp ở mức độ khác nhau, trong đó 20% quản lý hiệu quả.

   Xây dựng năng lực giám sát, quan trắc, giảm thiểu và xử lý các thảm họa thiên tai, sự cố môi trường biển, ven biển và hải đảo. Đưa các cân nhắc, vấn đề môi trường - tài nguyên biển và các rủi ro vào dự án đầu tư phát triển, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở vùng ven biển, biển và đảo.

   Khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia vào tiến trình quản trị biển, đảo thông qua áp dụng cách tiếp cận quản lý biển theo không gian và cơ chế đồng quản lý biển, đảo dựa vào cộng đồng (Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng hưởng). Kết hợp thường xuyên nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư ven biển và trên các đảo về KTBX, TTX và PTBV biển.

   Xây dựng và triển khai lộ trình phát triển khoa học, công nghệ biển, và hợp tác quốc tế về biển trong việc áp dụng công nghệ biển sạch hơn, ít các bon, ít chất thải trong các ngành KTB và các lĩnh vực dịch vụ biển.

PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi

Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2016

Ý kiến của bạn