Banner trang chủ

Khả năng chống chịu bão của cây xanh đô thị Hà Nội - Ðề xuất một số giải pháp

13/09/2016

   Trong những năm qua, hệ thống cây xanh trên một số tuyến đường thuộc các quận, nội thành tại TP. Hà Nội bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của mưa bão. Gần đây nhất là cơn bão số 1 đã làm nhiều cây xanh ở Hà Nội bị gãy, đổ, gây thiệt hại đến công trình, nhà ở, tính mạng con người và ảnh hưởng giao thông. Để bảo vệ cây xanh trước những diễn biến bất thường của thời tiết, cần sự chung tay góp sức của các đơn vị, các cấp, ngành và người dân, trong đó việc đưa ra các giải pháp nhằm ứng phó bão đối với hệ thống cây xanh đô thị, giảm thiệt hại trong mùa mưa bão là hết sức cần thiết.

   Một số nguyên nhân gây thiệt hại hệ thống cây xanh

   Theo thống kê của Sở Xây dựng, số lượng cây gãy đổ, nghiêng sau cơn bão số 1 trên địa bàn Hà Nội khoảng trên 2.965 cây, trong đó các cây có đường kính từ 20 cm - 1,2 mét. Loại cây bị đổ nhiều nhất là phượng, xà cừ, bằng lăng, móng bò, muồng hoa vàng, lát hoa... Trong khi đó, có những loài bị gãy, đổ rất ít như sấu, hoa sữa. Phần lớn các cây được trồng rất nông, phần gốc vẫn được bọc kín bằng lưới, túi ni-lông và buộc bằng những sợi dây gai, nên rễ cây không phát triển, khả năng bám giữ đất yếu. Trong khi đó, tán lá phát triển nhanh, hệ rễ không đủ sức giữ cây ổn định khiến cây xanh dễ bị ngã đổ khi có mưa kéo dài kèm theo gió lớn.

Cây xanh trên đường phố Hà Nội bị gãy, đổ sau cơn bão số 1 

   Bên cạnh đó, trên một số tuyến đường, phần đất dành cho cây phát triển bị hạn chế do vướng các công trình ngầm như: Mương thoát nước, ống cấp nước, cáp quang, cáp điện, viễn thông… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định của cây xanh. Ngoài ra, do quá trình cải tạo, chỉnh trang đô thị, vỉa hè Hà Nội trong những năm trước đây đã xâm hại hệ thống rễ của cây xanh đường phố. Các rễ phát triển ngang của cây thường bị chặt đứt trong quá trình cải tạo, nên cây chịu sức nặng không đều, không có sự liên kết, khi có tác động của các đợt gió lớn và lốc xoáy, những cây to rất dễ bị bật gốc.

   Mặt khác, công tác cắt tỉa cành nhánh và chống dựng cây xanh để phòng chống lụt bão theo định mức cho phép chưa đáp ứng được yêu cầu để chống chịu với các cơn bão có cấp độ lớn. Thêm vào đó, ý thức của một bộ phận người dân về bảo vệ cây xanh còn hạn chế, việc người dân tại nhiều nơi cắt dây buộc, rút cọc chống để sử dụng cho mục đích cá nhân khiến cây dễ bị gãy, đổ.

   Đề xuất một số giải pháp

   Giải pháp về quản lý, cơ chế chính sách: Hiện nay, việc quản lý cây xanh trên đường do Công ty công trình đô thị quản lý bao gồm: Cây xanh công viên, các vườn hoa nhỏ, tiểu đảo, vòng xoay, các khu văn hóa, hành lang giao thông; Một số mảng xanh còn do Sở NN&PTNT, Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch quản lý. Qua đó, cho thấy, việc quản lý nhà nước về cây xanh còn do nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân khác nhau quản lý. Chính vì vậy, khó có thể tạo ra sự thống nhất trong việc phát triển và quản lý cây xanh trên đường quốc lộ. Chưa có một văn bản pháp lý cụ thể nào phân công rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm cũng như yêu cầu phối hợp trong việc quản lý cây xanh. Vấn đề này cần sớm được khắc phục, nên giao cho một cơ quan chuyên trách đảm nhận công tác quản lý và phát triển cây xanh cho tuyến đường trong những năm tới.

   Ngoài ra, cây xanh trên đường cần được quản lý có hệ thống. Mỗi cây phải được kiểm kê, đánh số thứ tự và có hồ sơ lưu, trong đó ghi rõ ngày trồng, vị trí, chủng loại, các biện pháp chăm sóc cho từng thời kỳ như tỉa cành, tạo tán, dự kiến luân kỳ khai thác phù hợp với đặc điểm sinh học của từng loại cây để giải quyết tình trạng không an toàn do cây xanh gây ra.

   Cùng với đó, cần công khai, minh bạch thông tin về các chủ trương, chính sách phát triển cây xanh đô thị, dự án cây xanh tại địa phương cho nhân dân biết và tạo điều kiện để nhân dân giám sát trực tiếp hoặc thông qua giám sát đầu tư cộng đồng, ban thanh tra nhân dân hay các tổ chức như Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể. Thực hiện Pháp lệnh số 34/PL - UBTVQH về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn.

   Giải pháp kỹ thuật: Cần nghiên cứu lựa chọn các loại cây phù hợp với đặc điểm đô thị, cây có hệ rễ chịu được mực nước ngầm cao của Hà Nội. Tùy vào mục đích của tuyến đường, có thể lựa chọn một số loài cây trồng phù hợp với vùng đồng bằng sông Hồng như: Cây bóng mát có dáng và tán đẹp; cây bóng mát và có hoa; những loại lớn, cây xanh quanh năm, không rụng lá hoàn toàn mà chỉ thay từng phần lá; những cây rụng lá định kỳ là những loại cây lớn, thường thì trước khi ra hoa cây sẽ rụng bớt lá theo mùa. Nên trồng những cây con thay vì trồng những cây trưởng thành vì cây con sẽ giữ nguyên được bộ rễ, do đó khả năng chống chịu với các hiện tượng thời tiết cực đoan tốt hơn.

   Đồng thời, cần chú ý kỹ thuật bứng cây, đào hố và trồng cây cho từng loại cây, từng đoạn đường, chọn đúng thời vụ trồng và thu ngắn thời gian bứng và trồng cây, đào hố đúng quy cách, đúng kỹ thuật, đúng vị trí. Khoảng cách trồng tùy thuộc nơi trồng như ở vỉa hè phải có khoảng cách cần thiết tới các công trình xây dựng, nhà ở, cột điện…

   Ngoài ra, cần nghiên cứu tạo ra các bộ chống cọc, chống lưu động để chống đỡ các cây có nguy cơ gẫy đổ trước các cơn bão. Cây chống đảm bảo khả năng chịu lực và ổn định theo tính toán và yêu cầu cấu tạo, đảm bảo chống giữ cây xanh trong điều kiện gió bão.

ThS. Lê Xuân Thái

Đại học Công nghệ Giao thông vận tải

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2016)

Ý kiến của bạn