Banner trang chủ

Chuyển đổi nền kinh tế sang mô hình phát triển các bon thấp - Chìa khóa để phát triển bền vững

10/04/2018

     Biến đổi khí hậu (BÐKH) không chỉ tác động lên các cộng đồng và xã hội mà còn là rủi ro đối với các tổ chức tài chính. Không chỉ tạo nguồn lực thực hiện cho các dự án giảm thiểu tác động tới môi trường, "lưới lọc" của các tổ chức tài chính cũng tạo tác động điều chỉnh và định hướng đáng kể đối với các dự án phát triển xã hội, nếu bổ sung thêm yêu cầu bền vững.

     Nói "không" với dự án tác động xấu môi trường

     BÐKH đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, tại Hà Nội, mùa hè năm 2017, nhiệt độ đạt mức cao kỷ lục trong vòng hơn 40 năm qua. Tại đồng bằng sông Cửu Long, theo kịch bản dự báo, nếu mực nước biển dâng cao 1 m, sẽ có khoảng 40% diện tích bị ảnh hưởng, gây tổn thất khoảng 10% GDP. Và không riêng ở Việt Nam, rất nhiều nơi trên thế giới cũng đang chứng kiến những bất thường của thời tiết, thiên tai, thảm họa với tần suất ngày càng tăng. Nhiều mô hình dự báo nhiệt độ khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2030 sẽ tăng 0,5 - 2 độ C.

     Không chỉ tác động tới các cộng đồng và xã hội, BÐKH còn là rủi ro cho các tổ chức tài chính. Do đó, đòi hỏi các tổ chức tài chính phải tính đến các tác động, cũng như những rủi ro và cơ hội từ BÐKH trong quá trình đánh giá và quyết định hạng mục đầu tư. Tổng Thư ký phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) Nguyễn Quang Vinh cho biết: "Việt Nam và các nước trong khu vực sẽ không thể thực hiện được thỏa thuận khí hậu Pari và Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc nếu khu vực tài chính - ngân hàng không thực hiện vai trò của mình. Chỉ khi nào khu vực tài chính - ngân hàng nói không với các dự án gây tác động xấu tới môi trường và xã hội, khi đó chúng ta mới có thể xây dựng một nền kinh tế bền vững". Như vậy, ngành tài chính đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi nền kinh tế sang mô hình phát triển các bon thấp thông qua từ chối đầu tư vào các hoạt động không bền vững.

     Tạo "lưới lọc" thúc đẩy các dự án bền vững

     Tới đầu năm 2018, đã có 92 tổ chức tài chính tại 37 quốc gia chính thức thông qua Nguyên tắc Xích đạo về khung đánh giá rủi ro các yếu tố xã hội và môi trường của các dự án tài chính, trong đó có các tổ chức tài chính, ngân hàng lớn như HSBC Holding PLC, Standard Chartered PLC, Citigroup, Westpac Banking Corporation... Các tổ chức tài chính cũng bắt đầu nhận thức được vai trò quan trọng của họ trong việc điều phối nguồn vốn cho các dự án đầu tư thân thiện với môi trường và bền vững. Ủy ban Tài chính Bền vững cũng đã thành lập (từ năm 2017) Tổ công tác đặc biệt về công bố thông tin tài chính liên quan tới khí hậu (TCFD) - một sáng kiến nhằm xây dựng các khuyến nghị cho các tổ chức tài chính về những rủi ro khí hậu có thể gây ra. Hiện nay, nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đã áp dụng các khuyến nghị của TCFD để xây dựng được phương pháp áp dụng TCFD.

 

Nói "không" với các dự án gây tác động xấu tới môi trường và xã hội để xây dựng một nền kinh tế bền vững

 

     Việt Nam đã có nền tảng cơ sở tốt về chính sách và chiến lược để thực hiện thỏa thuận Pari, như Quyết định số 1393/QÐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó Việt Nam cần giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ 8 - 10% so với mức năm 2010, giảm cường độ năng lượng khoảng 1-1,5% hàng năm, giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động năng lượng khoảng 10% - 20% so với kịch bản thông thường, cùng với tăng trưởng phát thải các bon thấp. Trong khi đó, ngành tài chính - ngân hàng cũng có những bước tiến về mặt chính sách để theo kịp tình hình quốc tế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) xây dựng sổ tay đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội cho 10 ngành kinh tế trong hoạt động cấp tín dụng.

     Tuy nhiên, theo chuyên gia Naomin Tan, Quản lý chương trình Tài chính Bền vững của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) Singapo, mặc dù Việt Nam đã có những chính sách và quy định nhằm thúc đẩy tài chính bền vững, song việc thực thi các chính sách này vẫn chưa thật sự tốt. Trong thời gian tới, WWF sẽ hợp tác với các ngân hàng, hiệp hội và các đối tác trong việc thúc đẩy thực hiện tài chính bền vững tại Việt Nam thông qua các hoạt động tăng cường năng lực, xây dựng các công cụ và hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường. xã hội trong hoạt động ngân hàng.

     Với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, các tổ chức tài chính - ngân hàng chính là chìa khóa để thúc đẩy quá trình chuyển đổi bằng cách áp dụng chặt chẽ hơn các chính sách đánh giá tác động môi trường và xã hội trong đầu tư, đồng thời phân bổ nguồn vốn cho các hoạt động bền vững. Ông Benjamin Rawson, Giám đốc Bảo tồn và Phát triển Chương trình của WWF nhận định: Khi BÐKH đã tác động lên mọi mặt cuộc sống, việc xem xét các yếu tố rủi ro về môi trường và xã hội trong đánh giá một dự án đầu tư là rất quan trọng. Ðiều này sẽ giảm thiểu nguy cơ ngân hàng bị nợ xấu hoặc không thể thu hồi vốn đầu tư. Nó cũng có nghĩa là ngành tài chính - ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định một dự án có thể được triển khai hay không. Và nếu họ quyết định chỉ đầu tư vào các dự án không ảnh hưởng xấu tới môi trường, tới các hệ sinh thái và an sinh xã hội, thì đó chính là tài chính bền vững", Benjamin Rawson nhấn mạnh.

     Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, phát triển năng lượng bền vững sẽ là một thế mạnh của Việt Nam nếu chúng ta thật sự nghiêm túc đầu tư. Theo "Kịch bản bền vững cho ngành điện Việt Nam - Tầm nhìn đến năm 2050" của WWF và Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam, tới năm 2050, năng lượng tái tạo có thể đáp ứng 100% nhu cầu điện của Việt Nam, đồng thời giảm được đáng kể lượng khí thải các bon độc hại có liên quan tới BÐKH. Như vậy, đầu tư vào năng lượng tái tạo có thể là lĩnh vực mà ngành tài chính - ngân hàng quan tâm đầu tư đầu tiên, nhằm loại bỏ dần các dự án nhiệt điện than, hiện đang chiếm 53% trong tổng sản lượng điện của Việt Nam, góp phần thúc đẩy cho các dự án năng lượng xanh phát triển.

 

Nguyệt Minh (Theo nhandan.com.vn)

Ý kiến của bạn