Banner trang chủ

Đề xuất các giải pháp tài chính hỗ trợ phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam

26/10/2016

     Từ ngày 25 - 26/10/2016, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức Chương trình tập huấn Nâng cao năng lực xây dựng các giải pháp tài chính hỗ trợ phát triển khu công nghiệp sinh thái (KCNST).

     Theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH&ĐT), tính đến tháng 6/2016, có 316 KCN được thành lập, tổng diện tích 89,7 nghìn ha, trong đó có 220 KCN đang hoạt động. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp đang gây ra nhiều thách thức đối với môi trường và sức khỏe con người. Hiện nay, 16% các KCN đang hoạt động chưa có nhà máy xử lý nước thải, 20% chất thải công nghiệp của các KCN là chất thải nguy hại. Nhằm chuyển đổi các KCN đang hoạt động thành KCNST, góp phần BVMT, từ tháng 5/2015, Bộ KH&ĐT đã thực hiện Dự án Triển khai sáng kiến KCNST hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam thông qua sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

     Tại Chương trình tập huấn, các đại biểu đã trao đổi về các kết quả của Dự án, những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai Dự án, các điều kiện cho vay áp dụng ưu đãi tín dụng đối với doanh nghiệp trong KCN; từ đó, đưa ra đề xuất tháo gỡ khó khăn và triển khai Dự án hiệu quả trong thời gia tới. Hiện nay, Dự án Triển khai sáng kiến KCNST đã lựa chọn 3 KCN để thực hiện dự án thí điểm KCNST là KCN Khánh Phú (Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) và Trà Nóc 1, 2 (Cần Thơ). Thông qua Dự án, các doanh nghiệp đã được tăng cường chuyển giao công nghệ, kỹ thuật  và phổ biến, hướng dẫn thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, quản lý tài nguyên và hóa chất; thúc đẩy việc hợp tác sử dụng chung tài nguyên và các sản phẩm phụ giữa các doanh nghiệp trong cùng KCN. Tuy nhiên, việc tiếp cận các nguồn tài chính cho vay để xử lý môi trường của các doanh nghiệp còn khó khăn, nhận thức của nhiều doanh nghiệp về KCNST hạn chế và chưa có quy định cụ thể về KCNST, cũng như cơ chế ưu đãi đối với nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCNST.

     Để thúc đẩy việc chuyển đổi sang các KCNST, cần xây dựng những quy định pháp lý liên quan đến KCNST, quy trình thủ tục đầu tư xây dựng KCNST, tiêu chí KCNST (bao gồm mức phát thải khí nhà kính, xử lý chất thải, không gian xanh, các công nghệ tái chế, tái sử dụng chất thải và năng lượng). Đặc biệt, cần ban hành các chính sách, thủ tục tài chính, điều kiện ưu đãi nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, góp phần chuyển đổi sang KCNST.

 

P. Tâm

 

Ý kiến của bạn