Banner trang chủ

Đẩy mạnh các hoạt động ngân hàng xanh tại Việt Nam

02/10/2018

     Ngân hàng xanh (NHX) là các hoạt động, nghiệp vụ của hệ thống ngân hàng nhằm khuyến khích các hoạt động BVMT và giảm phát thải các bon. Với khái niệm này, một NHX cần phải khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ xanh; áp dụng tiêu chuẩn môi trường khi xét duyệt vốn vay; cấp tín dụng ưu đãi cho các dự án giảm thiểu các bon, dự án năng lượng tái tạo… NHX có thể tiếp cận theo hai hướng, đó là tập trung xanh hóa hoạt động nội bộ của ngân hàng và tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường, chú trọng yếu tố môi trường - xã hội trong quá trình thẩm định cho vay.

     Các hoạt động NHX

     Dựa trên khái niệm có thể chia hoạt động NHX thành hai nhóm chính, bao gồm tín dụng xanh và nội bộ NHX. Trong đó, hoạt động tín dụng xanh, bao gồm các hoạt động cho vay thế chấp xanh, thiết bị gia đình xanh, xây dựng tòa nhà thương mại xanh, mua xe xanh, thẻ tín dụng xanh và tài trợ dự án xanh. Cho vay thế chấp xanh là những khoản vay với lãi suất thấp hơn so với thị trường được áp dụng cho những khách hàng mua nhà có sử dụng năng lượng xanh. Đối với các dự án xây dựng khu nhà thương mại có mức tiêu thụ năng lượng thấp hơn (khoảng 15% - 25%), chất thải phát sinh ít hơn so với các tòa nhà truyền thống; ngân hàng sẽ thiết kế và đưa ra các thỏa thuận vay hấp dẫn với sản phẩm cho vay xây dựng khu nhà thương mại xanh. Tương tự, ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất ưu đãi khi cho vay mua thiết bị gia đình xanh (thiết bị công nghệ năng lượng tái tạo điện, hoặc nhiệt) hoặc cho vay mua xe xanh (xe có cường độ khí nhà kính thấp hoặc được tiết kiệm cao về nhiên liệu).

     Nội bộ xanh là các hoạt động vận hành bên trong ngân hàng, liên quan đến việc mở rộng mạng lưới, tự động hóa các công việc và những hoạt động khác. Các NHX chú trọng giảm thiểu khí thải các bon và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên như sử dụng hệ thống máy ATM năng lượng mặt trời; khuyến khích sử dụng các công cụ giao tiếp, lưu trữ hiện đại nhằm hạn chế văn bản in ấn…

     Có thể thấy, lợi ích không thể phủ nhận của NHX đối với khách hàng chính là việc được hưởng các mức lãi suất ưu đãi trong thời gian được hỗ trợ vốn vay. Khi ngân hàng tăng cường quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cho vay sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng sản xuất sạch hơn. Như vậy, hoạt động NHX sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các chủ thể trong nền kinh tế về các vấn đề môi trường, xã hội, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh thân thiện môi trường, hỗ trợ cộng đồng.

     Đẩy mạnh các hoạt động NHX

     Thời gian qua, Chính phủ đã có những văn bản pháp lý, hướng dẫn cụ thể nhằm đẩy mạnh việc thực hiện tăng trưởng xanh, trong đó có hoạt động NHX. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã hợp tác với Công ty Tài chính quốc tế (IFC) xây dựng Bộ hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường - xã hội cho các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tháng 3/2015, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại quan tâm nhiều hơn đến hoạt động NHX ở cả hai mặt là tín dụng xanh và nội bộ xanh. Qua đó, hoạt động tín dụng xanh đã được một số ngân hàng triển khai và đạt được một số kết quả bước đầu như Sacombank với hệ thống quản lý rủi ro môi trường; hay Techcombank đã thực hiện tài trợ một số dự án về tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hoạt động nội bộ xanh cũng đã được các ngân hàng chú trọng thực hiện với việc ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm giảm thiểu việc sử dụng giấy, sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng như hệ thống chiếu sáng, điều hòa, máy in, xây dựng không gian xanh.

 

Techcombank thực hiện tài trợ một số dự án về tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

 

     Ngày 7/8/2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án Phát triển NHX tại Việt Nam với mục tiêu tổng quát là tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với công tác BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu; từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường; thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

     Đề án cũng đưa ra các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể như từng bước tăng tỷ trọng vốn tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh cần ưu tiên hỗ trợ trong danh mục dự án xanh do Ngân hàng Nhà nước ban hành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, xây dựng thói quen thân thiện với môi trường cho khách hàng; phát triển mạnh các kênh giao dịch điện tử, dịch vụ, phương thức thanh toán mới trên nền tảng công nghệ hiện đại. Phấn đấu đến năm 2025, 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; 100% ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro - môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn môi trường đối với các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng; Ít nhất 10 - 12 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.

     Để thực hiện các mục tiêu trên, Đề án cũng đưa ra các giải pháp như đối với Ngân hàng Nhà nước, cần xây dựng và ban hành hướng dẫn để định hướng phát triển NHX cho các tổ chức tín dụng; có các chính sách, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng để khuyến khích phát triển NHX; đẩy mạnh công tác đào tạo, truyền thông; nghiên cứu triển khai một số giải pháp khuyến khích về lợi ích kinh tế (kết hợp với biện pháp hành chính) nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở tận dụng các thành tựu khoa học - công nghệ 4.0 để xanh hóa hoạt động ngân hàng. Đối với các tổ chức tín dụng, cần tập trung xây dựng khung chiến lược về NHX tùy thuộc vào định hướng kinh doanh, phân khúc thị trường, sản phẩm và khách hàng mục tiêu; xây dựng chính sách cho vay cụ thể đối với các lĩnh vực như nông nghiệp, đồ da, năng lượng tái tạo, dệt may, theo dõi chặt chẽ và có biện pháp giảm dần việc cho vay đối với các hoạt động ảnh hưởng xấu đến môi trường…

     Nhìn chung, hoạt động NHX mới chỉ bắt đầu triển khai ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Để góp phần tích cực vào quá trình thực hiện tăng trưởng xanh, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam cần có những hướng dẫn cụ thể về thực hiện hoạt động NHX, đồng thời chủ động đưa ra chiến lược phát triển NHX, đẩy mạnh triển khai các sản phẩm, dịch vụ NHX đến người dân.

 

Nguyễn Thị Liên

Trường Đại học Tài chính và Quản trị Kinh doanh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2018)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn