Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Thách thức của ngành Xây dựng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường

09/07/2020

    Tính tới năm 2050, ngành Xây dựng ước tính cần trung bình 13,000 công trình mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu và chỉ trong năm 2018, ngành này tiêu thụ khoảng 36% tổng năng lượng toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường sống và suy giảm đa dạng văn hoá, ngành Xây dựng đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thức hơn trong tương lai. Cụ thể, 3 thách thức cơ bản đã và đang đặt lên tất các các bên tham gia trong thị trường xây dựng liên quan đến đảm bảo tiện nghi cho con người, tôn vinh giá trị văn hoá và thân thiện với môi trường.

 

 

   Đối với thách thức ứng phó và giảm thiểu các tác động từ môi trường, theo báo cáo mới nhất của IEA và UN, ngành Xây dựng đang có sự hồi sinh trong tăng trưởng và số lượng công trình xây dựng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Hơn bao giờ hết, thách thức môi trường đối với cải thiện công trình hiện hữu và thiết kế tương lai cần được nhấn mạnh, bao gồm 4 mảng chính: thích ứng với sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và sự tiêu cực trong thay đổi sử dụng tài nguyên đất.

   Với tuổi thọ trung bình từ 30 - 40 năm, mỗi tòa nhà chắc chắn sẽ liên tục tác động đến môi trường xung quanh nó. Việc giảm lượng cacbon cho các tòa nhà và ngành xây dựng là một trọng điểm để đạt được Thỏa thuận Pari về hành động vì biến đổi khí hậu và các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Vào năm 2018, vận hành các tòa nhà và hoạt động toàn ngành xây dựng chiếm 36% tổng năng lượng tiêu thụ và 39% lượng khí thải CO2, với 11% trong số đó là kết quả của quá trình sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép, xi măng và thủy tinh. Mặc dù công nghệ nâng cao, áp dụng nhiều cải tiến về vận hành và sửa chữa, con số năng lượng thực tế toàn cầu đã tăng 1% so với năm 2017 và 10% so với năm 2010. Cải thiện hiệu quả năng lượng cho công trình đã không đủ để vượt qua ảnh hưởng từ nhu cầu tăng trưởng do gia tăng diện tích sàn và đô thị hóa.

   Nhưng năng lượng và khí thải chỉ là một phần của những áp lực đến với môi trường xung quanh từ ngành xây dựng. Ở nhiều nơi, khoảng 50% lượng tài nguyện của tất cả các nguồn tài nguyên không thể tái tạo mà con người đang tiêu thụ, được sử dụng cho lĩnh vực xây dựng, khiến nó trở thành một trong những ngành tiêu thụ lớn nhất và cũng kém bền vững nhất. Từ những năm 1999, hơn 60% gỗ qua xử lý được dùng cho các công trình. Đối với tài nguyên nước ngọt, khoảng 17% lượng tiêu thụ toàn cầu trong năm 2010 trực tiếp đến từ các tòa nhà. Theo vòng đời của một công trình, lượng rác thải chiếm tới khoảng 50% tổng lượng rác được đưa ra các bãi rác (số liệu năm 2009).

 

 

    Bề mặt đất, mạch nước ngầm, đa dạng sinh học... có thể bị thay đổi và phá hủy bởi các hoạt động xây dựng  và các cơ sở hạ tầng không bền vững. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng với phần lớn bề mặt bê tông hóa góp phần vào hiện tượng ngập lụt sau mưa lớn và hiệu ứng đảo nhiệt ở nhiều thành phố. Ở nhiều quốc gia, đất nông nghiệp đã bị mất hoặc buộc phải khai thác quá mức do bị chuyển đổi sử dụng cho cơ sở hạ tầng đô thị và các tòa nhà. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy sự ô nhiễm môi trường xung quanh (không khí, nước và chất rắn), từ quá trình xử lý chất thải khi sản xuất vật liệu, bụi và tiếng ồn trên công trường...

   Ngành Xây dựng không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới đang đứng trước nhiều thách thức của thời đại. Tuy nhiên những khó khăn này cũng có thể biến thành những lợi thế và tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của thị trường xây dựng bền vững nếu các công nghệ và giải pháp từ truyền thống đến hiện đại được áp dụng linh hoạt, tổng thể.

 

    Tuần lễ Công trình cho tất cả. Con người - Văn hóa - Môi trường được tổ chức với chuỗi hoạt động Triển lãm Trưng bày, Hội thảo, Chiếu phim và Toạ đàm, nhằm thúc đẩy môi trường xây dựng bền vững tại Việt Nam. Trọng tâm chương trình hướng tới mục tiêu đảm bảo không gian sống Tiện nghi có lợi cho sức khỏe, tôn vinh giá trị Văn hóa và thân thiện với Môi trường. Đây là sáng kiến của Mạng lưới Hiệu quả Năng lượng Việt Nam (EEN-Vietnam), được hỗ trợ bởi Viện Goethe, đồng tổ chức bởi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Thương hiệu INAX, cùng sự đồng hành của đối tác truyền thông Ashui.com và nhiều đối tác trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng và giải pháp công nghệ.

  • Thời gian: Từ ngày 29/7 - 2/8/2020.
  • Địa điểm: Phòng Hội thảo Viện Goethe, 56-58-60, đường Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội.

 


Phạm Đình

Ý kiến của bạn