Banner trang chủ

Tình hình chất lượng không khí giai đoạn 2019 - 2020 ở Hà Nội và đề xuất một số khuyến nghị về chính sách

19/09/2022

    Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, đi kèm với đó là suy thoái môi trường nghiêm trọng, làm giảm tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước. Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã hỗ trợ TP. Hà Nội tiến hành xây dựng Báo cáo đánh giá chất lượng không khí (CLKK) xung quanh nhằm giúp Thành phố (TP) xây dựng kế hoạch quản lý CLKK trên cơ sở các phân tích thành phần hóa học của bụi mịn PM2.5, thời gian thực hiện trong 2 năm 2019-2020 tại 2 trạm quan trắc đặt tại Chi cục BVMT Hà Nội và Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc. Từ các kết quả này, bài viết đưa ra các khuyến nghị chính sách giúp nâng cao CLKK trong thời gian tới cho TP. Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam.

Tình hình CLKK ở Hà Nội

    Theo số liệu đo nồng độ PM2.5 hàng ngày của 2 trạm đo giao thông đô thị  đặt tại Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc và Chi BVMT Hà Nội trong 2 năm 2019 và 2020 cho thấy, nồng độ bụi mịn trung bình hàng năm đo được cao hơn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam về chất lượng không khí xung quanh (25 µg/m³) và vượt quá giá trị mang tính khuyến nghị toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (10 µg/m³). Đặc biệt, trong các tháng mùa đông từ tháng 10 đến tháng 2, không khí có nồng độ PM2.5 cao do điều kiện khí tượng và điều kiện khí quyển ổn định, hạn chế sự phát tán của các chất ô nhiễm. Điều này thể hiện rõ trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 2 khi mức độ ô nhiễm ở mức đỉnh rất cao 150-200 µg/m3 (Hình 1). Vào mùa đông, Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng của gió mùa từ phía Bắc và đông Bắc thổi tới, mang theo chất ô nhiễm từ các khu vực phía Bắc của Việt Nam và từ bên kia biên giới Trung Quốc. Vào mùa hè, mức độ ô nhiễm thường thấp hơn khi mưa rửa sạch ô nhiễm và gió đông nam thổi khắp khu vực. Từ tháng 5 - 8, nồng độ PM2.5 hầu hết nằm dưới giá trị giới hạn 24h của Việt Nam (50 µg/m3).

Hình 1. Nồng độ PM2.5 đo hàng ngày tại 2 trạm đo giao thông đô thị của Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc và Chi cục BVMT Hà Nội trong năm 2019 và 2020 (Lưu ý: Đường màu đỏ hiển thị giá trị giới hạn bụi mịn PM2.5 theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trung bình trong 24h của Việt Nam)

    Các số liệu cũng cho thấy, gió mùa đông bắc thổi các chất ô nhiễm không khí từ phía Bắc của Việt Nam và miền Nam Trung Quốc. Các khối không khí đến từ phía Đông của Hà Nội mang theo ô nhiễm từ các khu vực này. Bản đồ những nơi có hiện tượng đốt cháy được xây dựng dựa trên dữ liệu vệ tinh, xác nhận có nhiều đám cháy ở phía Bắc của Việt Nam và miền Nam Trung Quốc (Hình 2).

 

Hình 2. Các quỹ đạo ngược 72 h cho thấy sự di chuyển của các khối không khí và bản đồ đám cháy từ ảnh vệ tinh vào ngày 19/11/2019 (Lưu ý: Bản đồ hiển thị các đám cháy bằng những điểm màu đỏ (bản đồ phía dưới) và số đám cháy bằng màu vàng)

    Theo Báo cáo kiểm kê nguồn phát ở 3 địa phương (Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên) được thực hiện năm 2015 bằng mô hình tính toán CLKK (GAINS) cho thấy, hầu như toàn bộ dân số của 3 địa phương phải tiếp xúc với nồng độ PM2.5 vượt ngưỡng của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và khoảng 3,5 triệu người (chủ yếu ở Hà Nội), bằng khoảng 40% tổng số dân của 3 địa phương, phải tiếp xúc với nồng độ trên 45 µg/m3, gấp gần 5 lần mức khuyến nghị trong hướng dẫn về CLKK của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Phân tích này phù hợp với dữ liệu đo lường hiện có trong nghiên cứu phân bổ nguồn và CLKK (FMI 2021) và xác nhận tình trạng thường xuyên vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nồng độ PM2.5 hàng năm (25 µg/m3).

    Từ những dữ liệu nghiên cứu trên, đánh giá kết quả nghiên cứu hiện nay cho thấy, đối với Hà Nội, bụi mịn PM2.5 có nguồn từ địa bàn TP và khu vực xung quanh, trong đó nguồn bụi đến từ các khu vực ngoài địa bàn TP chiếm phần quan trọng. Mặc dù, Hà Nội có diện tích lớn, nhưng chỉ khoảng 1/3 lượng bụi mịn PM2.5 (tổng cả sơ cấp và thứ cấp) trong không khí có nguồn từ các nguồn phát thải từ địa bàn TP, trong khi phần còn lại đến từ vùng xung quanh Hà Nội/khu vực đồng bằng sông Hồng, các tỉnh khác ở Việt Nam, cũng như từ nước khác, ô nhiễm không khí xuyên biên giới và các nguồn tự nhiên (Hình 3).

    Kết quả kiểm kê các nguồn phát thải chính của PM2.5 ở 3 địa phương cho thấy, Hà Nội, nguồn lớn nhất là hoạt động sản xuất công nghiệp (29%), đốt rơm rạ (26%), bụi đường (23%) và phương tiện giao thông (chủ yếu là đường bộ) 15%, còn lại là phát thải từ hoạt động đốt trong khu dân cư/thương mại, làng nghề và rác thải. Bắc Ninh, các nguồn bụi PM2.5 lớn nhất là làng nghề (29%) và đốt phụ phẩm cây trồng (29%), tiếp theo là hoạt động đốt  (nấu bếp) trong khu dân cư/thương mại (17%), bụi đường (16%) và phương tiện giao thông (7%). Hưng Yên, nguồn lớn nhất là đốt phụ phẩm cây trồng (32%), sau đó là đốt trong khu dân cư/thương mại, bụi đường và sản xuất công nghiệp (mỗi loại khoảng 20%) và phương tiện giao thông (7%).

Kịch bản dự báo CLKK đến năm 2030

    Nghiên cứu đã đưa ra một số kịch bản để minh họa tác động của chính sách đến CLKK nước ta, dự báo đến năm 2030. Các kịch bản đã được xác định, cho từng trường hợp phát triển (Chính sách hiện hành, Chính sách mới, Đóng góp do quốc gia xác định (NDC) năm 2020).  Theo kịch bản chính sách hiện hành về Quy hoạch phát triển điện 7 (QHĐ 7), trong đó có tỷ trọng lớn các nhà máy nhiệt điện than sẽ làm nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm sẽ đạt gần 60 ug/m3 ở Hà Nội và các tỉnh lân cận vào năm 2030. Các quy định hiện hành trong lĩnh vực giao thông cũng không kịp tốc độ tăng phương tiện, do đó ngành giao thông sẽ tiếp tục đóng góp 1/4 nồng độ bụi mịn ở Hà Nội. Với các chính sách hiện hành, đến năm 2030, toàn bộ dân số 11 triệu người sống ở Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên sẽ phải chịu mức ô nhiễm không khí gần gấp 5 lần so với khuyến nghị của WHO.

    Theo kịch bản chính sách mới, việc giảm tỷ trọng các nhà máy điện than theo Quy hoạch phát triển điện 8 (QHĐ 8) và Nhà nước tăng cường ban hành quy định về cải thiện CLKK như cấm đốt rác thải và phụ phẩm cây trồng ngoài trời, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo; quy định về kiểm kê khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu trong Luật BVMT năm 2020… sẽ làm nồng độ bụi mịn PM2,5 ở Hà Nội giảm xuống dưới 35 µg/m3 ở hầu hết các khu vực. Việc áp dụng các biện pháp theo NDC năm 2020 cùng với các chính sách mới đã được hoạch định sẽ làm giảm lượng khí thải phát sinh từ ngành điện thông qua tiếp tục nâng cao hiệu quả và năng lực sản xuất năng lượng tái tạo. Theo ước tính, nồng độ PM2.5 ở Hà Nội sẽ phải giảm thêm 30% để đạt mức quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Các phương tiện giao thông là một trong những nguồn gây phát thải bụi mịn ở Hà Nội

Khuyến nghị một số giải pháp cải thiện CLKK

    Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường không khí, Việt Nam cần đồng thời giải quyết vấn đề về các chất gây ô nhiễm không khí và giảm phát thải khí nhà kính trong những lĩnh vực gây ô nhiễm chính như năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải và nông nghiệp, như vậy sẽ cải thiện CLKK vừa giảm thiểu biến đổi khí hậu. Điều này sẽ giúp Việt Nam giảm phát thải để có chất lượng không khí tốt hơn vào năm 2030, đồng thời đạt được các cam kết theo Báo cáo NDC cập nhật. Sau đây là một số giải pháp nhóm nghiên cứu khuyến nghị, cụ thể:

    Một là, tăng cường áp dụng các quy định về giới hạn phát thải đối với nhà máy điện và sản xuất công nghiệp, bao gồm việc tiếp tục giảm sử dụng than và sinh khối trong các lò hơi và lò nung ở các làng nghề.

    Hai là, Đẩy mạnh thực thi các tiêu chuẩn kiểm soát khí thải đối với xe máy cũng như phát triển giao thông công cộng và tăng tốc điện khí hóa phương tiện giao thông, nhằm đạt được những cải thiện rõ rệt về chất lượng không khí và chất lượng cuộc sống, đặc biệt là ở các khu vực đô thị.

    Ba là, thực thi hiệu quả quy định cấm đốt ngoài trời, áp dụng các biện pháp ngăn chặn bụi đường; xây dựng chiến lược quản lý chất thải bền vững để đảm bảo loại bỏ việc đốt ngoài trời, chẳng hạn như tăng cường thu gom rác thải, phân loại và tái chế rác, cũng như thu hồi khí bãi rác, sẽ mang lại những đồng lợi ích quan trọng cho khí hậu do giảm lượng mêtan liên quan;

    Bốn là, giải quyết các nguồn amoniac trong lĩnh vực nông nghiệp, đây là một phần quan trọng trong kế hoạch quản lý chất lượng không khí. Ngành nông nghiệp chưa được quản lý chặt chẽ về phát thải ô nhiễm không khí, nhưng đây là một nguồn ô nhiễm bụi mịn ngày càng tăng do amoniac góp phần hình thành bụi mịn thứ cấp.

    Đối với ngành công nghiệp, cần thực hiện các biện pháp giảm thiểu, trong đó: (i) thu hồi nhiệt thải để phát điện; (ii) thu hồi nhiệt thải từ quá trình sấy khô giấy; (iii) bộ lọc hiệu quả cao tiên tiến để loại bỏ bụi mịn khi đốt tĩnh là một trong những phương án loại bỏ hàng đầu, giúp giảm khoảng 700 nghìn tấn PM2.5.

Nguyễn Thị Lệ Thu 

Chuyên gia Môi trường cao cấp World Bank

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Môi trường không khí năm 2022)

 

Ý kiến của bạn