Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 03/07/2025

Một số giải pháp đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Cúc Phương

30/06/2025

    Cúc Phương là vườn quốc gia (VQG) đầu tiên của Việt Nam, được thành lập ngày 7/7/1972, có tổng diện tích 22.408 ha, nằm trên địa phận ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Nơi đây lưu giữ một hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi độc đáo và giàu tính đa dạng sinh học vào bậc nhất Việt Nam.

    Với đặc trưng rừng mưa nhiệt đới, Cúc Phương có hệ động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng với 2.234 loài thực vật bậc cao và rêu, trong đó có 433 loài cây làm thuốc, 229 loài cây ăn được, 57 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục IUCN, 15 loài thực vật đặc hữu như: Chè hoa vàng Cúc Phương; Thu hải đường Cúc Phương; Lan Việt; Trâm Cúc Phương; Dị hùng Cúc Phương… Bên cạnh sự đa dạng của thảm thực vật, khu hệ động vật Cúc Phương cũng vô cùng phong phú và độc đáo, ghi nhận 669 loài có xương sống thuộc 120 họ, 35 bộ, bao gồm: 138 loài thú, 337 loài chim, 80 loài bò sát, 48 loài lưỡng cư, 66 loài cá, trong đó có 73 loài động vật có tên trong sách Đỏ Việt Nam và Danh lục IUCN, và một số loài đặc hữu của Cúc Phương như Voọc mông trắng, Sóc bụng đỏ, Chồn bạc má, Thằn lằn tai... Về động vật không xương sống, có 1.899 loài thuộc 169 họ, 33 bộ, 6 lớp và 3 ngành. Trong đó lớp côn trùng đóng vai trò chính có số lượng rất lớn như bộ cánh cứng 454 loài, bộ cánh vẩy 378 loài và bộ cánh màng 314 loài.

    Trong hơn 60 năm qua, với sự hỗ trợ tích cực từ quốc tế cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng cư dân vùng đệm và tập thể cán bộ của Vườn, Cúc Phương đã xây dựng được hệ sinh thái bảo tồn với bề dày thành tựu đáng tự hào, là trung tâm nghiên cứu của nhiều tổ chức bảo tồn động thực vật trong nước và quốc tế. Trong tiến trình đó, Cúc Phương luôn thực hiện đồng bộ cả 3 nhiệm vụ trụ cột: Bảo vệ rừng gắn với bảo tồn ĐDSH; nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về bảo tồn; giáo dục môi trường gắn với khai thác du lịch sinh thái.

    Một số kết quả nổi bật trong bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

    Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng phục vụ công tác bảo tồn thiên nhiên (BTTN) nói chung và đa dạng sinh học (ĐDSH) nói riêng. Chính vì vậy, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao VQG Cúc Phương luôn xác định đây là công tác quan trọng của Vườn. Ngay từ buổi đầu thành lập, Vườn đã tiến hành các công tác xây dựng vườn ươm cây giống, nhân nuôi sinh sản một số loài động thực vật quý hiếm có giá trị như Hươu sao, Nai, Nhím đặt nền móng cho hoạt động bảo tồn chuyển vị (ex-situ). Sau đó thành lập các trung tâm cứu hộ động thực vật hoang dã. Hiện tại ngoài nhiệm vụ quản lý và bảo tồn nguyên vị nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có trên diện tích 22.408 ha, VQG Cúc Phương hiện đang triển khai một số chương trình bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm, nguy cấp.

    Từ đó đến nay, hàng loạt chương trình cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) theo các nhóm chuyên biệt đã được triển khai tại Vườn như: Bảo tồn linh trưởng; thú ăn thịt nhỏ và Tê tê; Rùa cạn và Rùa nước ngọt và Hươu, Nai, Gà lôi, Công... Bên cạnh đó, Vườn cũng đã tích cực xây dựng, triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu chuyên sâu về diễn thế, xúc tiến tái sinh phục hồi rừng tại các khu vực nương rẫy trước đây cũng như các đề tài nghiên cứu về sinh thái, sinh học nhằm bảo tồn và phát triển các loài động thực vật quý hiếm, các loài dược liệu tại Vườn. Các đề tài, dự án và chương trình cứu hộ, bảo tồn này của Vườn đã góp phần tích cực trong công tác bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên và ĐDSH của Việt Nam.

    Bảo tồn tại chỗ (Bảo tồn nguyên vị/In-situ)

    Với phương châm là bảo vệ rừng tận gốc, công tác tuần tra, kiểm soát được Vườn xác định là nhiệm vụ thường xuyên và là nhiệm vụ hàng đầu của lực lượng Kiểm lâm. Đặc biệt chú trọng việc ngăn chặn các hiện tượng săn bắt, chặt xẻ, buôn bán trái phép động, thực vật rừng, đốt nương làm rẫy, lấn chiếm đất rừng trái phép; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm.

    Nhằm phục vụ tốt công tác quản lý, bảo tồn, VQG Cúc Phương đã tiến hành các chương trình điều tra, nghiên cứu nhằm phát hiện, đánh giá nguồn tài nguyên thiên nhiên nói chung và đặc biệt là các loài đặc hữu, quý hiếm nói riêng hiện có ở Vườn. Song song với các chương trình điều tra nêu trên, Vườn cũng đã tiến hành một số chương trình, đề tài như: nghiên cứu thảm, quần xã thực vật, theo dõi diễn thế, phục hồi rừng. Thực hiện một số dự án như Dự án của Quỹ Môi trường toàn cầu VIE/91/G31 với Quỹ quốc tế về BTTN (WWF); Dự án Bảo tồn Cúc Phương với tổ chức Động thực vật hoang dã quốc tế (FFI, Anh); Dự án ICBG nghiên cứu bảo tồn ĐDSH các loài thực vật hợp tác với trường ĐH Illinois (Hoa Kỳ), vv…

    Qua các nghiên cứu, điều tra thống kê ghi nhận được Cúc Phương có 2.234 loài thực vật có mạch (trong đó có 118 loài quý hiếm, 11 loài đặc hữu);  về động vật có 669 loài động vật có xương sống bao gồm 137 loài thú, 337 loài chim, 82 loài bò sát, 46 loài lưỡng cư và 66 loài cá (trong đó có 73 loài quý hiếm và 2 loài đặc hữu). Ngoài ra còn gần 2.000 loài và dạng loài côn trùng cùng hàng ngàn loài nhuyễn thể, giáp xác, thân mềm và động vật bậc thấp khác chưa được xác định.

    Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, VQG Cúc Phương đã tiên phong xây dựng và thực hiện một Chương trình Theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và điều tra giám sát ĐDSH tại Vườn. Chương trình được xây dựng và thực hiện bài bản gắn kết chặt chẽ với công tác quản lý, bảo vệ rừng, triển khai ứng dụng phần mềm công cụ giám sát SMART và được đánh giá là rất thiết thực, hiệu quả. Sau đó, Tổng cục Lâm nghiệp cho phép Vườn tiến hành thí điểm và hiện nay đang triển khai nhân rộng tại các VQG trực thuộc khác.

    Bảo tồn chuyển chỗ (Bảo tồn chuyển vị/Ex-situ)

    Bảo tồn các loài động vật nguy cấp, quý hiếm: Bên cạnh bảo vệ các loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm nguyên vị ngoài tự nhiên, VQG Cúc Phương còn tiến hành một số chương trình nhân nuôi bảo tồn chuyển vị trong điều kiện nuôi nhốt và bán hoang dã. Cúc Phương được ví như “Thủ đô bảo tồn” với những Chương trình bảo tồn loài hàng đầu khu vực Đông Nam Á như: Chương trình bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm; Chương trình bảo tồn rùa; Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và Tê tê. Trong 10 năm gần đây, Cúc Phương đã tiến hành hàng trăm đợt tiếp nhận và cứu hộ được trên 5.000 cá thể ĐVHD của gần 100 loài, cho sinh sản gần 2.550 cá thể của 45 loài, tiến hành nhiều đợt tái thả lại về môi trường sống và vùng phân bố tự nhiên được gần 2.900 cá thể của gần 100 loài. Hiện nay, Vườn đang cứu hộ, nhân nuôi bảo tồn trong điều kiện nuôi nhốt và bán hoang dã là 78 loài động vật với tổng số trên 3.400 cá thể, bao gồm: 10 loài Tê tê và thú ăn thịt nhỏ (với tổng số 54 cá thể); 37 loài Rùa cạn và Rùa nước ngọt (với tổng số trên 2.400 cá thể); 15 loài và phân loài Linh trưởng quý hiếm, nguy cấp (với tổng số 234 cá thể) và 16 loài Khỉ, Hươu sao, Nai, Công, Gà lôi trắng, Gà lôi lam mào trắng... (với tổng số trên 600 cá thể). Đây thực sự là những thành tựu nổi bật của VQG Cúc Phương được các nhà khoa học, các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế ghi nhận. 

    Bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm là nội dung của Dự án Bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam tại VQG Cúc Phương hợp tác với Vườn thú Leipzig – CH Liên bang Đức. Năm 1992, từ một số cá thể loài Voọc mông trắng được cứu hộ, nuôi nhốt tại Vườn đến nay đã phát triển thành một trung tâm Cứu hộ, bảo tồn linh trưởng quý hiếm, nguy cấp của Việt Nam. Hiện tại, Trung tâm này đang cứu hộ và nhân nuôi bảo tồn 237 cá thể thuộc 15 loài và phân loài linh trưởng quý hiếm. Đã có 12/15 loài sinh sản và nuôi dưỡng thành công trong điều kiện nuôi nhốt. Trong số này có 6 loài linh trưởng chỉ được chăm sóc tại đây mà không nơi nào trên thế giới nuôi nhốt với mục đích bảo tồn, đó là: Voọc mông trắng Trachypithecus delacouri, Voọc Hà Tĩnh T. laotum hatinhensis, Voọc đen tuyền T. laotum ebenus, Voọc Lào T. laotum laotum, Voọc Cát Bà T. poliocephalus, và Voọc vá chân xám Pygathrix cinerea.

    Bảo tồn các loài thú ăn thịt nhỏ và tê tê châu Á: Hiện tại, Chương trình Cứu hộ, bảo tồn thú ăn thịt nhỏ và tê tê của Vườn đang nuôi dưỡng cứu hộ, bảo tồn 54 cá thể của 10 loài (Tê tê, Cầy vằn, Cầy mực, Mèo rừng, Rái cá...). Ngoài cứu hộ và tái thả lại tự nhiên, Chương trình đã nghiên cứu cho sinh sản thành công quần thể 21 cá thể của loài Cầy vằn trong điều kiện nuôi nhốt. Bên cạnh đó, Chương trình đang cứu hộ, chăm sóc 2 loài Tê tê vàng và Tê tê Java với số lượng 26 cá thể. Đặc biệt đã nghiên cứu chế biến được thức ăn nhân tạo cho Tê tê và cho Tê tê sinh sản thành công trong điều kiện nuôi nhốt. Đây là chương trình bảo tồn Tê tê đầu tiên tại Việt Nam và được đánh giá rất cao vì Tê tê rất khó nuôi trong điều kiện nuôi nhốt.

    Bảo tồn các loài Rùa cạn và Rùa nước ngọt: Kể từ khi thành lập năm 1998, Chương trình đã cứu hộ được hàng ngàn cá thể rùa từ các Chi cục Kiểm lâm trên cả nước. Hiện nay, Chương trình đang chăm sóc trên 2.400 cá thể của 34 loài, trong đó có 25 loài trên tổng số 27 loài Rùa cạn và Rùa nước ngọt của Việt Nam. Chương trình đã cho sinh sản thành công 19 loài với hơn 2.100 cá thể trong điều kiện nuôi nhốt. Chương trình đã tiến hành thả hàng ngàn cá thể rùa sau khi được cứu hộ và chăm sóc sức khỏe trở lại vùng phân bố của chúng trong tự nhiên.

    Bảo tồn các loài thú móng guốc (Hươu, Nai) và Chim trĩ: Hoạt động chăn nuôi bảo tồn Hươu, Nai và các loài Công, Gà lôi ở VQG Cúc Phương cũng được bắt đầu từ rất sớm từ khi mới thành lập Vườn. Hiện tại, tổng số trên 600 cá thể của 16 loài ĐVHD, bao gồm: Nai, Hươu sao; Khỉ, Đon, Nhím, Công; Gà lôi trắng, Gà tiền mặt vàng... Bên cạnh mục tiêu bảo tồn một số loài như Hươu sao, Công đã cho sản phẩm kinh tế như con giống, nhung, thịt có giá trị cao.

    Bảo tồn các loài thực vật nguy cấp, quý hiếm: Vườn thực vật được xây dựng từ năm 1985. Tại đây đã sưu tập và gây trồng các loài thực vật quý của Cúc Phương và một số loài cây quý của Việt Nam. Đến nay đã sưu tập và bảo tồn được trên 800 loài cây trên diện tích 167 ha. Trong đó có 240 loài cây gỗ của Cúc Phương, 95 loài cây gỗ của các vùng khác ở Việt Nam, 5 loài nhập nội, 25 loài Tuế, 15 loài tre trúc, 15 loài cau dừa, 296 loài cây thuốc và 140 loài lan. Vườn thực vật Cúc Phương được xây dựng một cách bài bản đầu tiên trong hệ thống các VQG và khu BTTN ở Việt Nam và có tên trong danh sách vườn thực vật đáp ứng được các tiêu chí về vườn thực vật của châu Á. Trong đó, VQG Cúc Phương xây dựng được 3 bộ sưu tập của các nhóm loài nguy cấp, quý hiếm bao gồm: Bộ sưu tập lan có hơn 1.300 cá thể của 140 loài; bộ sưu tập hơn 3.000 cá thể tuế của 25 loài và bộ sưu tập 296 loài cây dược liệu. Hàng năm đều tiến hành sưu tập, nhân giống bổ sung các loài quý hiếm.

    Trong những năm qua, Vườn đã chủ trì và hợp tác nghiên cứu với một số đơn vị nghiên cứu thực hiện một số đề tài như: Nghiên cứu chọn giống và trồng thử nghiệm Chò xanh; xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH và du lịch sinh thái tại VQG Cúc Phương; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật cứu hộ tái thả các loài rùa cạn và rùa nước ngọt của Việt Nam; nghiên cứu bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen cây dược liệu Bổ béo, nghiên cứu bảo tồn nguồn gen Trà hoa vàng Cúc Phương và Trà hoa vàng flava, trồng bảo tồn 1 ha Trà hoa vàng tại Cúc Phương, nghiên cứu bảo tồn loài Trám đen tại Cúc Phương; trồng và chăm sóc 1 ha Trám đen trồng bảo tồn và khảo nghiệm giống…

    Khó khăn, tồn tại trong hoạt động bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

    Bên cạnh một số kết quả đạt được, trong quá trình hoạt động, VQG Cúc Phương gặp một số khó khăn cụ thể như kinh phí hàng năm cấp để thực hiện công việc cứu hộ, bảo tồn, tái thả hạn chế, không đáp ứng đủ để thực hiện nhiệm vụ. Một số loài ĐVHD có vùng phân bố ở khu vực miền Trung và miền Nam nên về mùa lạnh phải có chế độ chăm sóc đặc biệt hoặc phải xây dựng chuồng trại có điều kiện phù hợp thì chúng mới tồn tại và phát triển được. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất như chuồng trại, kinh phí, nhân lực của Vườn có hạn nên việc kéo dài thời gian chăm sóc còn làm mất khả năng cứu hộ cho những cá thể động vật khác khi được yêu cầu tiếp nhận. Nguồn thức ăn tự nhiên của một số loài rất khó kiểm (trứng kiến, mối cho tê tê), phải nghiên cứu cho ăn bằng thức ăn nhân tạo. Một số cá thể sinh sản trong thời gian cứu hộ nên không có khả năng nuôi con bằng sữa, vì vậy phải cho thức ăn nhân tạo và phải có chế độ chăm sóc đặc biệt nên mức độ thành công cũng còn hạn chế.

Tái thả loài Gà lôi trắng về với tự nhiên tại VQG Cúc Phương

    Một khó khăn khác mà Vườn đang phải đối mặt đó là thời gian cứu hộ các loài nguy cấp, quý hiếm bị bắt giữ từ cơ quan thực thi pháp luật thường phải mất ít nhất 2-3 ngày, thậm chí hàng tuần mới được chuyển giao. Đối với động vật là tang vật của vụ án còn phải chờ thời gian rất dài mới xét xử. Do đó động vật được cứu hộ thường đã rất yếu, tỷ lệ sống và phục hồi không cao. Trong quá trình cứu hộ động vật là tang vật của vụ án hình sự phải duy trì, bảo quản tang vật chờ quyết định xét xử của Tòa án. Quá trình này có thể kéo dài từ vài tháng đến hàng năm. Do vậy, dù động vật được gửi đi cứu hộ đã khỏi về thương tích, bệnh tật, đủ thời gian chăm sóc, cách ly an toàn để tái thả lại tự nhiên song vẫn phải tiếp tục chăm sóc chờ đợi kéo dài. Tình trạng này đã làm gia tăng kinh phí cứu hộ, quá tải về cơ sở vật chất, chuồng trại, thiếu thiết bị y tế và thuốc men chữa chạy, thiếu nhân lực cứu hộ dẫn đến Vườn không có khả năng đáp ứng. Mặt khác càng chăm sóc lâu trong điều kiện nuôi nhốt thì động vật sẽ mất dần tập tính hoang dã, dẫn đến khi tái thả vào môi trường tự nhiên gặp nhiều khó khăn.

    Bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp thực hiện

    Triển khai công tác cứu hộ, bảo tồn chuyên sâu theo nhóm loài

    Ngay sau khi thành lập, cùng với sự ra đời các phòng, ban chức năng, Vườn đã thành lập một Trạm nghiên cứu với trên 30 cán bộ nhân viên, trong đó nhiều cán bộ có trình độ Đại học và trên Đại học. Đây là đơn vị thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học và triển khai các hoạt động bảo tồn của Vườn. Trong quá trình phát triển, cùng với việc thực hiện theo cơ cấu tổ chức chung của Ngành, Trạm nghiên cứu khoa học được tổ chức lại thành Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật. Dù mô hình hoặc tên gọi có thay đổi song số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác nghiên cứu khoa học trong đó có công tác bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã quý hiếm luôn được củng cố, phát triển và nâng cao. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, trên cơ sở đặc điểm của các nhóm loài, VQG Cúc Phương đã tổ chức theo các Chương trình cứu hộ, bảo tồn chuyên sâu như linh trưởng; rùa cạn và rùa nước ngọt; thú ăn thịt nhỏ và tê tê; thú móng guốc và các loài trong họ Trĩ. Các nhóm loài trên được quy hoạch bảo tồn thành các khu vực riêng rẽ, khép kín trong khuôn viên vườn thực vật với diện tích khoảng 170 ha tại khu dịch vụ hành chính của Vườn. Mỗi một chương trình bảo tồn trên được tổ chức thực hiện bởi một nhóm cán bộ chuyên trách có chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc. Các loài đều được đăng ký với cơ quan chức năng và quản lý hồ sơ, lý lịch, nguồn gốc một cách rõ ràng, khoa học

    Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực

    Do đặc thù công việc nghiên cứu ở vùng miền núi đi lại khó khăn, địa bàn phức tạp nên trong việc tuyển dụng và đào tạo cũng phải có những chính sách và hướng đi riêng. Ưu tiên tuyển dụng những người có tâm huyết yêu rừng, gắn bó lâu dài với Vườn, có chuyên môn về lĩnh vực lâm nghiệp và sinh học. Trên cơ sở yêu cầu chuyên môn sâu của từng chương trình, Vườn có kế hoạch gửi cán bộ đi đào tạo, tập huấn trong nước và nước ngoài để nâng cao trình độ, giúp triển khai tốt công việc được giao. Đồng thời thành lập nhóm cứu hộ phản ứng nhanh bao gồm bác sỹ thú y và cán bộ cứu hộ có kinh nghiệm để sẵn sàng tiến hành đi tiếp nhận động vật được tịch thu từ các vụ săn bắt, vận chuyển và buôn bán trái phép.

    Tranh thủ sự hợp tác của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước: Lãnh đạo Vườn chủ động tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước để xây dựng chương trình hợp tác, hỗ trợ kinh phí cũng như các trang thiết bị phục vụ cho Chương trình; Chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp với các Khu bảo tồn hay các Trung tâm cứu hộ khác thực hiện công tác cứu hộ và tái thả động vật lại tự nhiên; Tiến hành thiết lập mạng lưới cứu hộ nhằm cứu hộ, bảo tồn các loài ĐVHD với các Chi cục Kiểm lâm, Hải quan, Công an… trên cả nước để giúp cho việc chuyển giao, cứu hộ động vật kịp thời khi bắt giữ; Tạo điều kiện cho các tình nguyện viên trong nước và quốc tế đến thực hiện một số công việc tại các Chương trình bảo tồn động, thực vật nhằm tranh thủ về kỹ thuật, kỹ năng, kinh nghiệm về công tác cứu hộ, bảo tồn động, thực vật hoang dã.

    Để hoạt động BTTN và ĐDSH được nhanh chóng, kịp thời và mang lại hiệu quả cao, trong thời gian tới VQG Cúc Phương đề xuất và kiến nghị một số giải pháp:

    Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

    Thứ hai, các thủ tục pháp lý trong quá trình tịch thu, tạm giữ, xử lý ĐVHD cần phải được tiến hành khẩn trương, giảm thiểu tối đa thời gian động vật bị khát/đói nhiều ngày để giảm chi phí, tăng hiệu quả cứu hộ và bảo tồn cũng như đảm bảo số cá thể tái thả lại tự nhiên có khả năng sống sót cao,

    Thứ ba, tăng cường bổ sung đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên làm công tác bảo tồn để có chuyên môn sâu hơn nhằm nâng cao khả năng cứu hộ, bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm.

    Thứ tư, ưu tiên đầu tư kinh phí để thực hiện các Chương trình bảo tồn và phục hồi loài nguy cấp, quý hiếm đang được triển khai ở VQG Cúc Phương. Triển khai kế hoạch tái hoang dã đối với động vật được cứu hộ, nhân nuôi sinh sản, trong đó chú trọng xây dựng khu bán hoang dã để huấn luyện động vật trước khi tái thả về môi trường tự nhiên

    Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về lĩnh vực nghiên cứu bảo tồn các loài động, thực vật nguy cấp quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng trong thời gian tới.

Lê Phương Triều - Phó Giám đốc

Vườn quốc gia Cúc Phương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2025)

Ý kiến của bạn