Banner trang chủ

Quy định về kiểm toán môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

27/12/2021

    Lần đầu tiên nội dung về kiểm toán môi trường (KTMT) đã được quy định cụ thể tại Điều 74, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020. Mục tiêu đặt ra là khuyến khích áp dụng công cụ KTMT tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm đáp ứng các yêu cầu BVMT và nâng cao hiệu quả BVMT tại cơ sở.

Quy định về KTMT trong Luật BVMT năm 2020

    Nội dung về KTMT đã được ghi nhận tại Điều 6, Luật BVMT năm 2014. Tuy nhiên do mới chỉ được ghi nhận mà chưa có những quy định và hướng dẫn cụ thể mà cho tới nay việc thực hiện nội dung này chưa được triển khai trong thực tế.

    Luật BVMT năm 2020 đã quy định cụ thể hơn về nội dung KTMT so với Luật BVMT năm 2014. Nội dung quy định cụ thể:

    Về khái niệm: KTMT là việc xem xét, đánh giá có hệ thống, toàn diện hiệu quả quản lý môi trường, kiểm soát ô nhiễm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

    Về nội dung: Nội dung chính của KTMT đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bao gồm sử dụng năng lượng, hóa chất, nguyên liệu, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất và kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải.

    Bên cạnh những quy định như trên, nội dung về KTMT trong Luật BVMT năm 2020 còn có những quy định phù hợp với đặc điểm và trình độ phát triển của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Luật BVMT năm 2020 quy định khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện KTMT. Việc quy định như trên là phù hợp, không làm ảnh hưởng tới sự phát triển, không tạo thêm gánh nặng cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Với việc tự nhận thức được những lợi ích mà KTMT mang lại, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ sẽ chủ động lựa chọn và áp dụng KTMT như một giải pháp hiệu quả phục vụ quản lý môi trường.

    Với mong muốn quy định KTMT được triển khai trong thực tế, cung cấp thêm kiến thức và hướng dẫn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tự thực hiện KTMT, Luật BVMT quy định Bộ trưởng Bộ TN&MT hướng dẫn kỹ thuật hoạt động tự KTMT của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Khi được ban hành, đây được xem là tài liệu chính thức đầu tiên để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nghiên cứu và áp dụng trong quá trình thực hiện KTMT tại cơ sở.

Một số quy định về KTMT tại một số nước trên thế giới

    Trên thế giới một số quốc gia đã quy định về nội dung KTMT trong Luật BVMT như tại Ôxtrâylia, Uganda, Maylaysia, Myanmar hoặc có một Luật quy định riêng về KTMT như tại Turkmenistan.

    Tại Ôxtrâylia

    Luật BVMT năm 2019 (Environment Protect Act 2019)  quy định nội dung về KTMT tại Điều 142 đến Điều 156. Các nội dung quy định bao gồm mục đích của thực hiện KTMT, quy định về báo cáo KTMT, quy định về kiểm toán viên.

    Theo Luật này KTMT là một đánh giá được lập thành văn bản về một hành động và tác động môi trường của nó (bao gồm cả việc đánh giá thực hành quản lý, hệ thống và nhà máy) cho bất kỳ một trong những mục đích sau (1) cung cấp thông tin cho những người quản lý về việc tuân thủ các yêu cầu pháp lý các chính sách liên quan đến BVMT; (2) đánh giá bản chất, loại, cường độ, mức độ và mức độ của tác động môi trường; (3) đánh giá xem các biện pháp để giảm thiểu hoặc khắc phục tác động môi trường hoặc để phục hồi môi trường có đã được thực hiện hoặc đã có hiệu quả.

    Theo quy định của Luật này việc thực hiện KTMT được thực hiện trong các doanh nghiệp và người đứng đầu của doanh nghiệp, Giám đốc điều hành (CEO) là người trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện KTMT tại doanh nghiệp. CEO có thể chỉ định tổ chức, cá nhân những người có đủ điều kiện để thực hiện KTMT.

    Tại Turkmenistan

    Luật số 122-VI về KTMT (Law of Turkmenistan of March 2, 2019 No.122-VI) xác định cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện KTMT nhằm đạt các mục tiêu BVMT và sinh thái của các đối tượng là các chủ thể của hoạt động kinh tế và các đối tượng theo quy định của pháp luật. Theo Luật này, KTMT là việc đánh giá tài liệu về việc tuân thủ các yêu cầu của luật pháp của Turkmenistan, tiêu chuẩn, các văn bản quy định trong lĩnh vực BVMT sinh thái theo quốc tế; đưa ra các kết luận và khuyến nghị về việc cải thiện công tác quản lý môi trường.

    Luật quy định việc KTMT tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ là bắt buộc hoặc tự nguyện, tùy theo quy định của cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý khuyến khích các đối tượng thực hiện công cụ này. Việc KTMT được thực hiện bởi tổ chức và cá nhân có kinh nghiệm và kiến thức trong các lĩnh vực có liên quan. Luật cũng quy định một số nội dung về phương pháp kỹ thuật thực hiện KTMT, dữ liệu để thực hiện KTMT.

    Tại Uganda

    Luật BVMT quốc gia năm 2019 (The national Environment Act, 2019) định nghĩa KTMT là quá trình đánh một dự án, hệ thống quản lý của một tổ chức, nhà máy và các thiết bị về hiệu quả BVMT, phù hợp với quy định tại Luật này và các quy định khác.

    Trong phạm vi quy định về KTMT, việc thực hiện kiểm toán tuân thủ môi trường là bắt buộc đối với một số dự án. Việc thực hiện kiểm toán tuân thủ môi trường nhằm mục tiêu BVMT, ngăn ngừa tác động tới sức khỏe.

    Bên cạnh đó, Luật cũng quy định Quỹ môi trường quốc gia hỗ trợ tài chính cho viêc thực hiện KTMT.

    Tại Malaysia

    Luật chất lượng môi trường của Malaysia ( Environmental Quality Act) sửa đổi năm 2006 tại Điều 33A quy định về KTMT.

    KTMT là quá trình đánh giá có hệ thống, độc lập với mục tiêu là đánh giá việc tuân thủ các quy định về BVMT, đánh giá hệ thống BVMT và đánh giá rủi ro môi trường của tổ chức, cơ sở sản xuất, tòa nhà.

    Bộ trưởng Bộ Môi trường sẽ quy định danh mục các chủ phương tiện, tàu thuyền, cơ sở sản xuất, tòa nhà phải thực hiện KTMT và gửi báo cáo KTMT tới cơ quan quản lý. Việc thực hiện KTMT phải do các tổ chức, cá nhân có đầy đủ chức năng và được cơ quan nhà nước cấp phép hoạt động.

    Tại Myanmar

    Luật BVMT của Myanmar năm 2012 (Environmental Conversation Law) quy định nội dung KTMT. Theo đó, KTMT là việc đánh giá định kỳ và có hệ thống và khách quan để xác định mức độ tuân thủ quy định pháp luật về BVMT, hệ thống quản lý môi trường và các rủi ro về môi trường của một tòa nhà, dự án.

    Theo định nghĩa này, KTMT sẽ bao gồm: (1) Kiểm toán hệ thống quản lý môi trường; (2) Kiểm toán tuân thủ quy định pháp luật về BVMT; (3) Kiểm toán đánh giá rủi ro môi trường.

    Tại Inđônêxia

    Luật Quản lý và BVMT của Inđônêxia (Environmental Protection and Management Act) số 32/2009 quy định Chính phủ khuyến khích cá nhân, tổ chức thực hiện KTMT để nâng cao hiệu quả BVMT.

    Bộ trưởng Bộ Môi trường quy định thực hiện KTMT đối với tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy định về BVMT; các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao sẽ được thực hiện thường xuyên.

    Để thực hiện KTMT, Bộ trưởng Bộ Môi trường có quyền chỉ định một bên thứ ba độc lập thực hiện KTMT.

Lợi ích đạt được khi thực hiện KTMT

    Kết quả thực hiện KTMT tại các quốc gia cho thấy, việc triển khai thực hiện KTMT đã mang lại những lợi ích tổng hợp về môi trường và kinh tế.

    Thực hiện KTMT không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định mà còn giúp doanh nghiệp thực hiện tốt hơn các quy định về BVMT. Việc thực hiện KTMTgiúp các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ xác định chính xác những vấn đề, rủi ro liên quan tới quản lý môi ở tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh. Các cuộc kiểm toán chuyên đề sẽ xác định các vấn đề cụ thể, giúp doanh nghiệp hoạt động ngày càng tốt hơn.

    Các tổ chức, doanh nghiệp thường phải chi trả các khoản chi phí cho hoạt động BVMT như chi phí xử lý, khắc phục ô nhiễm, chi phí bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường, chi phí bảo hiểm môi trường. Theo đánh giá, các chi phí này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp các chi phí về môi trường còn cao hơn lợi nhuận doanh nghiệp đạt được. Vì vậy, thực hiện KTMT sẽ giúp các doanh nghiệp giảm được các khoản chi phí này.

    Trong hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp nhận thấy được lợi ích từ hoạt động BVMT như góp phần nâng cao hình ảnh của Công ty, giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh các công cụ khác, KTMT là một phần công cụ để Công ty chủ động trong việc thực hiện BVMT.

So sánh quy định về KTMT trong Luật BVMT năm 2020 và các văn bản Luật của một số nước

    Từ việc tổng hợp quy định về KTMT trong văn bản Luật của một số quốc gia thấy, về cơ bản các quy định là thống nhất, phù hợp với các nội dung lý luận và khoa học về KTMT.

    Tùy vào mỗi quốc gia, đối tượng thực hiện KTMT sẽ được quy định phù hợp với mục tiêu quản lý môi trường. Tại một số nước đối tượng KTMT chỉ là các cơ sở sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, một số quốc gia khác thì việc thực hiện KTMT áp dụng đối với cả các dự án, hệ thống quản lý của tổ chức, cơ sở hay các chủ thể khác theo quy định.  

    Nội dung KTMT tập trung vào kiểm toán tuân thủ chính sách BVMT, kiểm toán hệ thống quản lý môi trường, kiểm toán chuyên đề (năng lượng, nguyên liệu, vật liệu và chất thải, đa dạng sinh học...). Mục đích chính khi thực hiện KTMT là đánh giá mức độ hiệu quả của hệ thống quản lý môi trường, đánh giá việc tuân thủ theo quy định pháp luật về BVMT, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Bảng so sánh một số nội dung quy định về KTMT trong Luật BVMT năm 2020 và các văn bản Luật của một số quốc gia trên thế giới

TT

Văn bản Luật của các nước

Đối tượng áp dụng

Tính chất

Bặt buộc

Tự nguyên

1

Luật BVMT năm 2020 của Việt Nam

Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

 

X

2

Luật BVMT Ôxtrâylia, năm 2019

Doanh nghiệp sản xuất

X

 

3

Luật Turkmenistan năm 2019

Cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ

X

X

4

Luật BVMT Uganda năm 2019

Tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

X

 

5

Luật chất lượng môi trường Malaysia, năm 2016

Cơ sở sản xuất, tòa nhà

X

 

6

Luật BVMT Myanmar, năm 2012

Dự án, tòa nhà

Chưa quy định cụ thể

7

Luật Quản lý và BVMT Inđônêxia, năm 2009

Tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ

 

X

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Luật BVMT năm 2020.
  2. Australia, Environment Protection Act 2019 (No 31 of 2019).
  3. Law of Turkmenistan 2019 (No.122-VI).
  4. Uganda, The national Environment Act, 2019.
  5. Indonesia, Environmental Protection and Management Act (32/2009).
  6. Myanmar, Environmental Conversation Law 2019.
  7. Malaysia, Environmental Quality Act.

ThS. Hàn Trần Việt

Viện Khoa học môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2021)

Ý kiến của bạn