Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Phân tích đánh đổi dịch vụ hệ sinh thái và chất lượng cảnh quan phục vụ phân bổ nguồn lực đất đai trong xây dựng quy hoạch tại vùng Tây Nghệ An

03/01/2023

    Các hệ sinh thái trong cảnh quan cung cấp một số dịch vụ quan trọng cho con người, chẳng hạn như cung cấp nước, thực phẩm và khả năng chống chịu với khí hậu. Các dịch vụ này được gọi là dịch vụ hệ sinh thái. Việc cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái là kết quả của các quá trình sinh thái phức tạp, với sự đánh đổi không thể tránh khỏi giữa các dịch vụ hệ sinh thái khác nhau. Sự đánh đổi giữa các dịch vụ hệ sinh thái là tình huống đòi hỏi những nhà quản lý phải đưa ra quyết định lựa chọn một trong các dịch vụ để bảo đảm sự phát triển hoặc trao đổi lợi ích giữa các dịch vụ nhằm có được kết quả tối ưu nhất. Phương pháp phân tích đánh đổi (trade-offs analysis) là một công cụ hữu ích trong việc tính toán, phân tích những điểm được/mất tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu gắn kết với bản đồ, nhằm đưa ra phương án tối ưu được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước phát triển. Việc áp dụng phương pháp phân tích đánh đổi vào lĩnh vực quy hoạch sẽ giúp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thiết kế, là công cụ đắc lực cho các ban, ngành, địa phương trong việc quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch. Bài báo trình bày về phân tích đánh đổi dịch vụ hệ sinh thái và chất lượng cảnh quan phục vụ phân bổ nguồn lực đất đai trong xây dựng quy hoạch vùng, nghiên cứu trường hợp cho vùng Tây Nghệ An.

1. Đặc điểm tự nhiên của vùng Tây Nghệ An

    Vùng Tây Nghệ An nằm hoàn toàn trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới vùng Tây Nghệ An với tổng diện tích là 1.298.136 ha và bao gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện: Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Anh Sơn, Kỳ Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ và Tương Dương.

    Vùng có vị trí đặc biệt quan trọng, có đường biên giới với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ở phía Tây, Tây Bắc, có ranh giới giáp với tỉnh Thanh Hóa ở phía Bắc và Hà Tĩnh ở phía Nam. Vùng cũng có 02 Khu Bảo tồn thiên nhiên (Pù Huống, Phù Hoạt) và Vườn Quốc gia Pù Mát thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An với tổng diện tích 168.301ha.

    Vùng Tây Nghệ An là khu vực duy nhất của miền Bắc còn lại một diện tích lớn rừng nguyên sinh đang được bảo vệ tốt, đặc biệt là khu vực dọc biên giới Việt Lào. Thực vật có khoảng 3.961 loài, trong đó khoảng 3.019 loài thực vật có mạch; có 942 loài động vật có xương sống lớn nhỏ đã được ghi nhận, trong đó động vật nguy cấp, quý hiếm có 25 loài thuộc Sách đỏ Việt Nam 2007; 23 loài Sách Đỏ IUCN 2013; 25 loài CITES 2006. Thực vật nguy cấp, quý hiếm có 9 loài thuộc Sách đỏ Việt Nam 2007; 9 loài Sách Đỏ IUCN 2013; 3 loài CITES 2006 một số loài như Thông đỏ, Sao Hải nam, Trắc, Nghiến….

2. Quy trình lập bản đồ các dịch vụ hệ sinh thái theo Bộ công cụ InVEST

    Việc cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái là kết quả của các quá trình sinh thái phức tạp, với sự đánh đổi không thể tránh khỏi giữa các dịch vụ hệ sinh thái khác nhau. Do đó, sự hiểu biết sâu sắc và xác định đặc điểm chính xác của sự đánh đổi giữa các dịch vụ hệ sinh thái dựa trên nền tảng khoa học để thực hiện mục tiêu kép: vừa nâng cao chất lượng sống của con người cũng như đảm bảo sự phát triển các hệ sinh thái một cách bền vững. Sự đánh đổi giữa các dịch vụ hệ sinh thái là tình huống đòi hỏi những nhà quản lý phải đưa ra quyết định lựa chọn một trong các dịch vụ để bảo đảm sự phát triển hoặc trao đổi lợi ích giữa các dịch vụ nhằm có được kết quả tối ưu nhất.

    Trong số các công cụ đang được nghiên cứu, sử dụng hiện nay, Bộ công cụ InVEST của Dự án vốn tự nhiên (Natural capital project) do UNEP và các tổ chức quốc tế tài trợ kết hợp với hệ thống thông tin địa lý (GIS) được đánh giá có tính ứng dụng cao, phù hợp với điều kiện thực tiễn cả về hiện trạng cũng như số liệu đầu vào/đầu ra tại khu vực dự kiến thử nghiệm và đã ứng dụng thành công tại các quốc gia trên thế giới.

    Theo đó, InVEST là một công cụ để khám phá những thay đổi trong hệ sinh thái có khả năng dẫn đến những thay đổi về lợi ích như thế nào đối với con người và thường sử dụng phương pháp tiếp cận chức năng sản xuất để định lượng và định giá các dịch vụ hệ sinh thái. Hàm sản xuất xác định đầu ra của các dịch vụ hệ sinh thái do môi trường cung cấp với điều kiện và quy trình riêng biệt. Khi một chức năng sản xuất được xác định, chúng ta có thể định lượng tác động của những thay đổi trên đất hoặc trong nước đối với những thay đổi về mức sản lượng dịch vụ hệ sinh thái.

    Bộ công cụ InVEST bao gồm các mô hình để định lượng, lập bản đồ và đánh giá các lợi ích do các hệ thống trên cạn, nước ngọt và biển mang lại với bốn danh mục chính: 1) dịch vụ hỗ trợ, 2) dịch vụ cuối cùng, 3) công cụ hỗ trợ phân tích dịch vụ hệ sinh thái và 4) công cụ hỗ trợ (RouteDEM;  DelineateIT; Quy trình tạo lập kịch bản và Quy trình tạo lập kịch bản: Dựa trên vùng phụ cận). Các công cụ hỗ trợ bao gồm giúp tạo lưu vực, xử lý thủy văn trên mô hình độ cao kỹ thuật số và tạo các kịch bản có thể được sử dụng làm đầu vào cho InVEST. Quy trình thực hiện và danh mục các thành phần trong mô hình InVEST được trình bày trong Hình 1.

TT

Tên

  •  

Đánh giá rủi ro môi trường sống

  •  

Chất lượng môi trường sống

  •  

Thụ phấn cho cây trồng

  •  

Hiệu ứng carbon trong rừng

  •  

Lưu trữ và hấp thụ carbon

  •  

Lưu trữ carbon xanh ven biển

  •  

Sản lượng nước hàng năm

  •  

Tỷ lệ phân phối chất dinh dưỡng

  •  

Tỷ lệ phân phối trầm tích

  •  

Cung cấp chất lượng cảnh quan

  •  

Sản xuất năng lượng sóng

  •  

Sản xuất năng lượng gió ngoài khơi

  •  

Sản xuất nuôi trồng thủy sản

  •  

Sản xuất cây trồng

  •  

Sản lượng nước theo mùa

 

Hình 1. Quy trình thực hiện để lập bản đồ các dịch vụ hệ sinh thái trong mô hình InVEST và danh mục các thành phần mô hình trong hệ thống công cụ InVEST

Nguồn:https://storage.googleapis.com/releases.naturalcapitalproject.org/invest-userguide/latest/index.html

    Đối với việc xây dựng quy hoạch có liên quan đến sử dụng đất, bộ công cụ có thể hỗ trợ xây dựng kịch bản và thực hiện các kế hoạch sử dụng đất bằng cách khoanh định các khu vực quan trọng đối với việc cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái. Quy hoạch không gian, quy hoạch sử dụng đất hay quy hoạch tích hợp có tính đến phân bổ đất đai đều đòi hỏi nguồn thông tin, dữ liệu phong phú cũng như tác động không nhỏ đến trục tam giác kinh tế - xã hội – môi trường. Do đó, những dữ liệu về chất lượng, khả năng cung cấp dịch vụ hệ sinh thái từ InVEST sẽ là đầu vào quan trọng để đánh giá thực trạng, phân tích đánh đổi (được/mất) trong mỗi kịch bản và dự báo những khu vực cần ưu tiên phát triển/bảo tồn đối với hệ sinh thái nhằm tối ưu hóa mục tiêu phát triển trong tương lai. Các kết quả đầu ra InVEST được định lượng rõ ràng về mặt không gian cho phép các bên có trách nhiệm lập quy hoạch tính toán hiệu quả cả các ưu tiên phát triển và bảo tồn.

3. Kết quả phân tích đánh đổi dịch vụ hệ sinh thái và chất lượng cảnh quan phục vụ phân bổ nguồn lực đất đai trong xây dựng quy hoạch tại vùng Tây Nghệ An

3.1. Danh mục kịch bản phát triển vùng Tây Nghệ An giai đoạn 2021 – 2030

    Căn cứ vào dự thảo Quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 xin ý kiến các Bộ, ngành địa phương và dữ liệu hiện có, nhóm nghiên cứu lựa chọn 02 phương án quy hoạch tương ứng với 02 kịch bản phát triển:

Kịch bản 1: Tiếp tục thực hiện như hiện nay, không có sự điều chỉnh quy hoạch phát triển trong tương lai

    Khi không có sự điều chỉnh quy hoạch phát triển trong tương lai, các tỉnh trên địa bàn Vùng sẽ triển khai thực hiện các chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển đã được phê duyệt. Với kịch bản này, hiện trạng và cơ cấu sử dụng đất đối với từng loại hình sử dụng đất sẽ tiếp tục được duy trì như năm 2020, cụ thể như sau:

Bảng 1. Chỉ tiêu sử dụng đất theo kịch bản số 1

Chỉ tiêu sử dụng đất

Tổng diện tích

(ha)

Tổng diện tích tự nhiên 1.298.136
Đất nông nghiệp 1.220.288
Đất phi nông nghiệp 59.713
Đất chưa sử dụng 18.135
   

    Khi không thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo định hướng phát triển của các ngành, môi trường đất chủ yếu bị biến đổi trên phạm vi tỉnh Nghệ An, các khu vực phụ cận hầu như ít bị tác động. Quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khai thác tài nguyên sẽ là những hoạt động chủ yếu gây biến đổi môi trường sinh thái đất.

        Về nông nghiệp, theo định hướng diện tích đất nông nghiệp trong tỉnh sẽ chuyển dịch cơ cấu tăng tỷ trọng chăn nuôi, những vùng có khả năng trồng lúa tăng cường đầu tư trồng các giống lúa cao sản, dẫn đến việc tăng cường sử dụng các loại phân bón vô cơ và các loại thuốc bảo vệ thực vật nhằm nâng cao năng suất, dẫn đến nguy cơ tồn lưu và làm cho chất lượng đất thay đổi, khả năng phục hồi chậm, dễ bị thoái hóa đất. Về thủy sản, các tác động đến môi trường đất bao gồm nguy cơ suy thoái môi trường đất do đào ao, dẫn nước mặn vào để nuôi thủy sản đã gián tiếp gây nhiễm mặn, nhiễm phèn đất. Nguy cơ giảm một số diện tích đất ngập nước, đất đầm lầy do quy hoạch để nuôi tôm công nghiệp.

Kịch bản 2: Lựa chọn theo kịch bản phát triển của tỉnh Nghệ An, đã được UBND Tỉnh đề xuất  (kịch bản tăng trưởng nhanh) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050

Kịch bản số 2 được xây dựng trên cơ sở bối cảnh về kinh tế - xã hội thế giới và trong nước, sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An nói chung và vùng Tây Nghệ An nói riêng. Kịch bản cũng đã được tham vấn chuyên gia và được lựa chọn trong số 03 kịch bản phát triển kinh tế - xã hội.

Bảng 2. Chỉ tiêu sử dụng đất theo kịch bản số 2

Chỉ tiêu sử dụng đất

Tổng diện tích

(ha)

Tổng diện tích tự nhiên 1.298.136
Đất nông nghiệp 1.196.739
Đất phi nông nghiệp 84.716
Đất chưa sử dụng 16.680
 

    So với kịch bản số 1, điều dễ nhận thấy ở kịch bản số 2 là việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế dẫn đến diện tích đất nông nghiệp được chuyển sang đất phi nông nghiệp khoảng 23.549 ha và đưa khoảng 1.455 ha đất vào sử dụng. Trong đó, diện tích đất ưu tiên cho phát triển hạ tầng là khoảng 37.200 ha và đất ở (tại nông thôn, đô thị) là khoảng 12.865 ha.

Kịch bản số 1 (2020)

Kịch bản số 2 (2030)

Hình 2. Bản đồ sử dụng đất theo kịch bản phát triển số 1 (năm 2020) và số 2 (năm 2030)

Nguồn: Nhóm tác giả (2022)

3.2. Quy trình thực hiện phân tích đánh đổi dịch vụ hệ sinh thái và chất lượng cảnh quan phục vụ phân bổ nguồn lực đất đai trong xây dựng quy hoạch tại vùng Tây Nghệ An

    Trong bài báo này, nhóm nghiên cứu lựa chọn 02 dịch vụ để phân tích đánh đổi là dịch vụ lưu trữ, hấp thụ carbon và dịch vụ điều tiết nước do đặc điểm điều kiện của vùng Tây Nghệ An có diện tích rừng tương đối lớn (bao gồm  Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Phù Hoạt và Vườn Quốc gia Pù Mát ) với tổng diện tích hơn 1 triệu ha (chiếm 83,41%) diện tích của Vùng. Giai đoạn từ nay đến 2030, dự kiến sẽ có khoảng 19.506 ha đất rừng được chuyển sang mục đích khác, điều này đã đặt ra yêu cầu cần phải đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc chuyển đổi này đến kinh tế, môi trường sống, đa dạng sinh học cũng như sinh thái của vùng. Đối với dịch vụ điều tiết nước, vùng phía Tây Nghệ An là địa bàn tập trung hầu hết các thủy điện nhỏ của tỉnh do địa hình chủ yếu là đồi, núi và có sông Cả với chiều dài 375 km cùng diện tích lưu vực là 17.730 km2.  Hiện nay, tổng số thủy điện đã được phê duyệt là 31 dự án với tổng công suất là 1.360,95 MW, với 19 dự án đã được phát điện và từ nay đến năm 2030 sẽ tiếp tục hoàn thiện, đưa vào khai thác 12 thủy điện (cụ thể trong phần phụ lục). Điều này sẽ đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân trong vùng nhưng cũng sẽ phát sinh những hệ lụy về môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu cho hệ sinh thái.

Hình 3. Quy trình phân tích đánh đổi dịch vụ hệ sinh thái và chất lượng cảnh quan phục vụ phân bổ nguồn lực đất đai tại vùng Tây Nghệ An

Nguồn: Tập thể tác giả (2022)

    Theo đó, dựa trên kết quả định lượng dịch vụ lưu trữ và hấp thụ các bon và điều tiết nước cũng như đánh giá những tác động của các nguồn nguy hại đến chất lượng môi trường sống của vùng Tây Nghệ An, nhóm nghiên cứu sẽ phân tích đánh đổi giữa 2 kịch bản phát triển. Từ kết quả đó, nhóm sẽ đề xuất lựa chọn kịch bản và một số kiến nghị, giải pháp trong quá trình thực hiện quy hoạch cho vùng, nhằm giải quyết được mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội với các mục tiêu tổng hợp về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng Tây Nghệ An.

Bảng 3. Mô tả công cụ phân tích đánh đổi và đánh giá chất lượng môi trường sống

Dịch vụ

Mô tả

Dịch vụ hệ sinh thái

Điều tiết nước

Mô hình được xây dựng nhằm ước tính số lượng và giá trị thủy điện trung bình hàng năm do các hồ chứa tạo ra, đồng thời xác định sản lượng hoặc giá trị nước mà mỗi phần của cảnh quan đóng góp hàng năm vào sản xuất thủy điện. Mô hình tính toán điều tiết nước của InVEST ước tính sự đóng góp tương đối của nước từ các phần khác nhau của cảnh quan nhằm đánh giá toàn cảnh ảnh hưởng của sử dụng đất đến sản lượng nước mặt hàng năm và tiềm năng sản xuất thủy điện. InVEST lập bản đồ và lập mô hình sản lượng nước trung bình hàng năm từ cảnh quan được sử dụng cho sản xuất thủy điện nhằm tính toán sự đóng góp tương đối của từng loại hình sử dụng đất vào sản xuất thủy điện trung bình hàng năm.

Lưu trữ và hấp thụ carbon

Mô hình lưu trữ và hấp thụ các bon của công cụ InVEST sử dụng bản đồ sử dụng đất cùng với trữ lượng trong bốn bể chứa carbon (sinh khối trên mặt đất, sinh khối dưới mặt đất, đất và chất hữu cơ bị mất đi) để ước tính lượng carbon hiện được lưu trữ trong cảnh quan. Công cụ InVEST tổng hợp lượng các bon được lưu trữ trong các bể này theo bản đồ sử dụng đất theo từng mục đích sử dụng và ước tính lượng carbon ròng được lưu trữ trong một thửa đất theo thời gian và giá trị thị trường của lượng carbon được hấp thụ.

Đánh giá chất lượng môi trường sống (Habitat quality)

Chất lượng môi trường sống có liên hệ chặt chẽ với các chức năng và giá trị của hệ sinh thái tự nhiên trong việc đáp ứng điều kiện sinh tồn cho các loài, duy trì sự cân bằng của các hệ sinh thái. Mô hình phân tích chất lượng môi trường sống được xây dựng dựa trên nền tảng lý thuyết về các yếu tố ảnh hưởng đến suy thoái môi trường sống.

Nguồn: https://naturalcapitalproject.stanford.edu/

3.3. Kết quả phân tích đánh đổi dịch vụ hệ sinh thái phục vụ phân bổ nguồn lực đất đai cho vùng Tây Nghệ An

a) Kết quả phân tích đánh đổi dịch vụ lưu trữ và hấp thụ carbon

    Dựa trên việc phân tích khả năng lưu trữ và hấp thụ carbon tại 02 kịch bản, nhóm nghiên cứu đã tiến hành lập bản đồ dịch vụ và tính toán được lượng carbon được lưu trữ trên toàn bộ vùng Tây Nghệ An như sau:

* Kịch bản 1: Tổng lượng carbon lưu trữ và hấp thụ của vùng Tây Nghệ An theo kịch bản 1 là khoảng 352.174.799 tấn, bao gồm lượng carbon lưu trữ, dự trữ trên đất, dự trữ dưới đất và lượng carbon lưu trữ bị mất đi (giá trị carbon đối với từng loại hình sử dụng đất sẽ được trình bày cụ thể được trình bày tại phụ lục). Lượng carbon chủ yếu phân bổ xung quanh khu vực có diện tích rừng lớn thuộc Vườn Quốc gia Pù Mát với diện tích 91.113 ha, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống với diện tích 50.000 ha với nhiều nét điển hình của thảm thực vật Việt Nam, với hơn 150 họ, 500 chi và gần 1000 loài cây thân gỗ, chưa kể đến các loại cây thân thảo, thân leo và tầng thấp.

*Kịch bản 2: Tổng lượng carbon lưu trữ và hấp thụ của vùng Tây Nghệ An theo kịch bản số 2 là khoảng 350.360.038 tấn/năm, bao gồm lượng carbon lưu trữ, dự trữ trên đất, dự trữ dưới đất và lượng carbon lưu trữ bị mất đi (giá trị carbon đối với từng loại hình sử dụng đất sẽ được trình bày cụ thể được trình bày tại phụ lục). Theo đó, có khoảng 19.506 ha diện tích rừng (18.896 ha rừng sản xuất, 33 ha rừng đặc dụng và 577 ha rừng phòng hộ) sẽ bị chuyển sang mục đích khác. Do vậy, lượng carbon bị mất đi nếu thực hiện  kịch bản này là khoảng 1.814.761 tấn. Bản đồ định lượng carbon được hấp thụ và lưu trữ theo kịch bản số 1 và 2 được trình bày như sau:

Kịch bản số 1

Kịch bản số 2

Hình 4. Bản đồ dịch vụ hấp thụ và lưu trữ carbon theo 2 kịch bản

Nguồn: Kết quả chạy mô hình InVest - Carbon Storage and Sequestration, 2022

b) Kết quả phân tích đánh đổi dịch vụ điều tiết nước

* Kịch bản 1: Vùng Tây Nghệ An có dòng sông Cả  với những con sông trực thuộc như dòng Chính sông Cả, sông Giăng và nhiều suối (với mật độ sông suối đạt 0,6 km/km2); các sông suối đổ vào dòng chính của sông Cả với đặc điểm là ngắn và dốc nên được đánh giá là nơi có tiềm năng phát triển thủy điện rất lớn. Chính vì vậy, khu sinh quyển miền Tây Nghệ An nói chung, Vườn quốc gia Pù Mát nói riêng được đánh giá là có chức năng quan trọng để điều tiết nguồn nước cho các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là cho các hồ chứa và nhà máy thủy điện, điều tiết nước cho các hoạt động dân sinh, nông nghiệp. Tổng sản lượng nước được cung cấp trong vùng theo kịch bản 1 là khoảng 1.113.034.114 m3/năm. Lượng nước này được phân bổ cho nhiều mục đích khác nhau, nhưng chủ yếu là đầu vào cho 19 thủy điện hiện nay đang hoạt động.

*Kịch bản 2: Tổng sản lượng nước được được cung cấp trong vùng theo kịch bản 2 là khoảng 1.114.627.225 m3/năm, tăng khoảng 1.593.111 m3/năm so với kịch bản 1. Điều này là phù hợp với việc xây dựng thêm một số thủy điện nhỏ nhằm tận dụng tiềm năng về mặt năng lượng của vùng. Bản đồ của cả 2 kịch bản đều đã thể hiện một số thủy điện được phân bổ dọc sông Cả, sông Giăng và đóng vai trò quan trọng trong đóng góp vào sản lượng nước hàng năm của vùng.

Kịch bản số 1

Kịch bản số 2

Hình 5. Bản đồ dịch vụ điều tiết nước theo 2 kịch bản

Nguồn: Kết quả chạy mô hình InVest - Annual Water Yield, 2022

c) Kết quả đánh giá chất lượng môi trường sống tại vùng Tây Nghệ An

    Trên cơ sở phân tích các khả năng có thể xảy ra đối với các mối nguy hại đến chất lượng môi trường sống tại Vùng Tây Nghệ An trong 2 kịch bản phát triển, nhóm nghiên cứu tiến hành sử dụng công cụ InVEST trong tính toán, đánh giá chất lượng môi trường sống do tác động tổng hợp của các nguồn được trình bày như sau:

Kịch bản 1

Kịch bản 2

Hình 6. Chất lượng môi trường sống tự nhiên của 2 kịch bản

Nguồn: Kết quả chạy mô hình InVest về habitat quality, 2022

*Ghi Chú: Chất lượng môi trường sống rất thấp (0-0.2), thấp (0.2-0.4), trung bình (0.4-0.6), cao (0.6-0.8), rất cao (0.8-1)

    Đối với kịch bản số 2, dự kiến trong giai đọan này các huyện trong vùng sẽ chuyển mục đích sử dụng 24.547 ha từ đất nông – lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp với nhiều hoạt động phát triển kinh tế như xây dựng cụm, điểm công nghiệp dọc tuyến tỉnh lộ 553, 534 đi qua các huyện Anh Sơn, Thanh Chương; xây mới 12 thủy điện (đang xây dựng 6 thủy điện có tổng công suất 92 MW và đưa vào quy hoạch 6 thủy điện với tổng công suất khoảng 348 MW); đẩy mạnh phát triển công nghiệp khai khoáng, du lịch sinh thái….Trước những áp lực về phát triển kinh tế, xã hội và dân sinh, thời gian qua chất lượng môi trường sống trên địa bàn của Vùng bị tác động nhiều. Bằng việc áp dụng phương pháp phân tích đánh đổi của mô hình InVest về chất lượng môi trường sống, kết quả cho thấy diễn biến chất lượng môi trường đang có xu hướng giảm mạnh, đặc biệt là ở các khu vực tập trung nhiều hoạt động dân cư, hoạt động kinh tế (phần màu đỏ tương ứng với chất lượng môi trường sống thấp do chịu tác động mạnh bởi các nguồn nguy hại có xu hướng mở rộng, đặc biệt tại khu vực phía Đông, trung tâm các huyện Qùy Hợp, Tân Kỳ và Thanh Chương).

3.4. Phân tích đánh đổi và một số khuyến nghị theo hướng điều tiết, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai trong quy hoạch vùng Tây Nghệ An

    Qua quá trình áp dụng công cụ InVEST trong lập bản đồ dịch vụ lưu trữ - hấp thụ carbon, điều tiết nước và đánh giá chất lượng môi trường sống tại địa bản vùng Tây Nghệ An, nhóm nghiên cứu nhận thấy cả 2 kịch bản phát triển đều có những lợi thế nhất định trong việc đảm bảo chất lượng môi trường cũng như phục vụ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu về mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết đại hội XIV của Đảng bộ Tỉnh và Nghị quyết 18/2020/HĐND tỉnh Nghệ An là 9,5-10,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.295 USD vào năm 2025, nhóm nghiên cứu thấy rằng việc thực hiện kịch bản 2 (kịch bản tăng trưởng nhanh đã được UBND Tỉnh đề xuất  (kịch bản tăng trưởng nhanh) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050) là tương đối phù hợp. Tuy nhiên, kết quả từ công cụ InVEST cũng đã dự báo được những thách thức đối với vùng Tây Nghệ An trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ mục tiêu phát triển.

Bảng 4. Kết quả phân tích đánh đổi giữa 2 kịch bản phát triển

Dịch vụ

Kịch bản số 1

Kịch bản số 2

Đánh đổi

Lưu trữ và hấp thụ carbon (tấn)

352.174.799

350.360.038

- 1.814.761

Tổng sản lượng nước (m3/năm)

1.113.034.114

1.114.627.225

+ 1.593.111

Chất lượng môi trường sống

 

 

Gia tăng diện tích có chất lượng môi trường sống thấp, rất thấp

 

Nguồn: Kết quả chạy mô hình InVest, 2022

    Đối với dịch vụ lưu trữ và hấp thụ carbon, nếu được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận việc thực hiện theo kịch bản phát triển số 2, các địa phương trong vùng sẽ phải hy sinh khoảng 1,8 triệu tấn carbon được lưu trữ và hấp thụ và một lượng tương ứng sẽ được thải ra môi trường xung quanh. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ việc chuyển mục đích sử dụng hơn 19 nghìn ha đất rừng sang hoạt động khác.

    Đối với dịch vụ điều tiết nước, kịch bản 2 cũng góp phần giúp cho sản lượng nước trong toàn khu vực tăng khoảng 1,5 triệu m3/năm. Dự kiến một phần lượng nước này sẽ được lưu trữ trong các hồ chứa của 12 thủy điện được xây dựng mới trong giai đoạn 2021 - 2030.

    Đối với chất lượng môi trường sống, mặc dù giữa 2 kịch bản không có quá nhiều sự thay đổi, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa kết hợp xây dựn cơ sở hạ tầng đã khiến cho diễn biến chất lượng môi trường đang có xu hướng giảm mạnh nếu thực hiện kịch bản số 2.

4. Lựa chọn kịch bản và một số khuyến nghị chính sách

    Như vậy, để việc thực hiện kịch bản phát triển số 2 vừa đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, vừa kết hợp hài hòa bảo tồn và khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên sinh vật với việc xóa đói, giảm nghèo, chú trọng khai thác giá trị dịch vụ sinh thái môi trường, cảnh quan đa dạng sinh học của vùng Tây Nghệ An, chính quyền tỉnh Nghệ An và các huyện trong vùng cần chú trọng vào một số giải pháp như sau:

- Đối với quy hoạch vùng Tây Nghệ An, với đặc thù là nằm trong khu dự trữ sinh quyển đã được UNESCO công nhận, chính quyền địa phương phải quản lý, khoanh định và phân bổ nguồn lực đất đai, bố trí không gian sử dụng đất theo các khu vực đặc thù trên cơ sở đảm bảo “hai tiêu chí” (tiêu chí tính giới hạn, tiêu chí tính triển vọng); “ba ranh giới” (ranh giới nghiêm ngặt bảo vệ, bảo tồn; ranh giới hạn chế phát triển; ranh giới khuyến khích phát triển), “bốn khu vực” (khu vực bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt; khu vực ổn định, hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng; khu vực cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng có điều kiện; khu vực được phép chuyển đổi mục đích sử dụng); đảm bảo tính liên vùng trong sử dụng đất. Đặc biệt chú trọng quản lý chặt chẽ diện tích, bảo toàn nguyên vẹn kết hợp với khoanh nuôi, tái sinh vùng lõi 168.301 ha bao gồm: Vườn Quốc gia Pù Mát và 2 Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt thuộc 5 huyện: Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, và Tương Dương. Ngoài ra, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với 33 ha đất rừng đặc dụng và 285 ha đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cần phải được xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở hạn chế đến mức thấp nhất tác động đến vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển.

- Chính quyền địa phương cần phải có chính sách quản lý chặt chẽ hoạt động du lịch sinh thái theo hướng đa mục tiêu, phát triển rừng kết hợp với phát triển du lịch, nghiên cứu khoa học và tham quan để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; bảo tồn tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng và các loài động, thực vật quý hiếm.

- Đối với việc xây dựng thủy điện trên sông Cả, cần thắt chặt hoạt động đầu tư vào các nhà máy thủy điện theo hướng sau: đánh giá tác động chi tiết các dự án phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các thủy điện trong quá trình thực hiện quy hoạch; trong quá trình xây dựng cần phải phải giám sát, theo dõi việc thực hiện theo đúng bản đánh giá tác động môi trường.

    Dựa trên kịch bản số 2, nhóm nghiên cứu đề xuất quy hoạch vùng phía Tây Nghệ An thành 3 khu vực như sau:

- Khu vực bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt: Vùng lõi của khu vực SQTG Diện tích vùng lõi 168.301ha (12,2%), dân số 1.953 người, bao gồm: Vườn Quốc gia Pù Mát và 2 Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt thuộc 5 huyện: Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, và Tương Dương. Khu vực này cần phải được bảo toàn nguyên vẹn của các hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học về loài, các cảnh quan, chỉ phát triển được du lịch sinh thái, trải nghiệm, không được phát triển các lĩnh vực khác.

- Khu vực ổn định, hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng: Vùng đệm của khu SQTG, diện tích vùng đệm 608.547ha, (44,3%); dân số 314.709 người, thuộc 8 huyện: Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Thanh Chương, và Tương Dương. Vùng này quy hoạch cho phát triển sản xuất lâm nghiệp, trồng rừng nguyên liệu gỗ, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, dược liệu, chăn nuôi đại gia súc.

- Khu vực cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng có điều kiện: là khu vực nằm ở ngoài cùng, diện tích khoảng 522.947ha (38,1%), dân số 611.367 người, thuộc địa giới hành chính 8 huyện: Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Thanh Chương, và Tương Dương. Khu vực này được phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội trên cơ sở phát triển bền vững, có tác dụng ngăn chặn, giảm nhẹ sự tác động tiêu cực đến 2 khu vực trên.

5. Kết luận

    Bài báo đã trình bày quy trình và kết quả áp dụng bộ công cụ InVEST của dự án vốn tự nhiên (Natural capital project) do UNEP và các tổ chức quốc tế tài trợ trong phân tích đánh đổi dịch vụ hệ sinh thái hấp thụ-lưu trữ các bon, điều tiết nước và đánh giá môi trường sống phục vụ phân bổ nguồn lực đất đai cho vùng Tây Nghệ An cho thấy:

    Giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái hay chất lượng môi trường sống có thể định lượng và phân tích đánh đổi trong bối cảnh phải lựa chọn kịch bản phát triển. Tính khả thi và thực tiễn của nghiên cứu là có thể tham khảo để định hướng sử dụng đất của địa phương đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

    Bên cạnh việc lựa chọn kịch bản phát triển, chính quyền địa phương cần có những giải pháp nhằm tăng cường tính liên kết trong phối hợp giữa các huyện trong vùng, tiến hành phân vùng môi trường cũng như ban hành những quy định chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng đất nhằm vừa đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, vừa kết hợp hài hòa bảo tồn và khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên sinh vật với việc xóa đói, giảm nghèo, chú trọng khai thác giá trị dịch vụ sinh thái môi trường, cảnh quan đa dạng sinh học của vùng Tây Nghệ An.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. UBND tỉnh Nghệ An (2022), Dự thảo báo cáo Quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2030 và dự thảo Báo cáo đánh giá môi trường Chiến lược của Quy hoạch tỉnh Nghệ An.

2. ISPONRE, GEF, UNDP  (2017), Lượng giá dịch vụ hệ sinh thái.

3. https://naturalcapitalproject.stanford.edu/

4. https://storage.googleapis.com/releases.naturalcapitalproject.org/invest-userguide/latest/index.html

5. Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An (http://sinhquyennghean.vn

ThS. Tô Ngọc Vũ, TS. Lại Văn Mạnh

Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ TN&MT

TS. Ngô Đăng Trí

Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam

(Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2022)

16.680

Ý kiến của bạn