Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Một số điểm mới thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của lực lượng Công an nhân dân

01/11/2022

    Những năm qua, lực lượng Công an nhân dân đóng vai trò quan trọng, nòng cốt đi đầu về công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT.

    Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT có hiệu lực từ ngày 25/8/2022. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để lực lượng Công an nhân dân xem xét xử lý các hành vi vi phạm hành chính đối với lĩnh vực BVMT trong phạm vi thẩm quyền được quy định tại Điều 57 và Điểm c, Khoản 1, Điều 68 của Nghị định này. Theo đó, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT của lực lượng Công an nhân dân có một số điểm mới như sau:

    Thứ nhất, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP đã bổ sung thêm chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lực lượng Công an nhân dân. Đó là, Trưởng Công an cửa khẩu cảng hàng không quốc tế có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT. Việc bổ sung chủ thể này là hết sức phù hợp với đòi hỏi của tình hình thực tiễn công tác phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT. Vì, khu vực cửa khẩu cảng hàng không quốc tế là một địa bàn trọng điểm cần được quản lý, bảo vệ bởi một bộ phận lực lượng Công an chuyên trách; mặt khác, một số đối tượng thông qua địa bàn cửa khẩu cảng hàng không quốc tế để thực hiện các hành vi phạm hành chính về môi trường. Chính vì vậy, bổ sung thẩm quyền xử lý cho Trưởng Công an cửa khẩu cảng hàng không quốc tế giúp cho công tác phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm được chủ động, kịp thời ngăn chặn hành vi, hậu quả xảy ra.

    Thứ hai, tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT cho Giám đốc Công an cấp tỉnh. Cụ thể, phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng (trước đây, phạt tiền đến 50.000.000 đồng); tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính - không bị giới hạn về giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu (trước đây, chỉ có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng). Điều này, một mặt kế thừa tinh thần Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020. Mặt khác, việc mở rộng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh giúp cho lực lượng Công an nhân dân xử lý các vụ việc vi phạm hành chính về môi trường đảm bảo tính xuyên suốt, đảm bảo về thời gian trong quá trình xử lý vụ việc đúng quy định của pháp luật.

Lực lượng Cảnh sát môi trường phát hiện, xử lý hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường

    Thứ ba, mở rộng phạm vi thẩm quyền tước quyền sử dụng giấp phép cho Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Công an cấp tỉnh, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Cục trưởng Cục quản lý xuất nhập cảnh. Cụ thể, nếu Nghị định số 55/2021/NĐ-CP thì chỉ có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấp phép môi trường có thời hạn. Theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP, các chủ thể trên có thẩm quyền tước sử dụng có thời hạn đối với các loại giấy phép: giấy phép môi trường; giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; giấy phép tiếp cận nguồn gen; giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen; quyết định công nhận phòng thí nghiệm nghiên cứu sinh vật biến đổi gen; quyết định công nhận cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen. Việc tước quyền sử dụng các loại giấy phép đồng nghĩa với việc tổ chức, cá nhân đó không đủ điều kiện để hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đồng thời, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan đến BVMT.

    Thứ tư, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định chi tiết, cụ thể hơn về thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả của cấp có thẩm quyền trong lực lượng Công an nhân dân. Bổ sung quy định về các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi phạm hành chính gây ra như: buộc phải phá dỡ công trình, thiết bị để pha loãng chất thải và phải xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật; buộc phải thực hiện biện pháp giảm thiểu độ rung đạt quy chuẩn kỹ thuật; quy định cụ thể các trường hợp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật; Buộc phải thực hiện biện pháp thu gom, lưu giữ và quản lý an toàn chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị đã nhập khẩu, sản xuất và sử dụng có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy theo quy định và báo cáo đã khắc phục xong hậu quả vi phạm; Buộc chuyển giao chất thải cho đơn vị có chức năng xử lý; buộc chuyển giao các chất và thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sản xuất từ các chất được kiểm soát cần xử lý theo đúng quy định cho đơn vị có chức năng xử lý và chịu mọi chi phí phát sinh. Việc quy định cụ thể, chi tiết về các trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc xử lý của lực lượng Công an nhân dân. Đồng thời, góp phần hoàn nguyên, trả lại đúng hiện trạng môi trường ban đầu.

    Thứ năm, lực lượng Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về môi trường về các hành vi vi phạm như: xử phạt một số trường hợp liên quan đến giấy phép môi trường; xử phạt hành vi vi phạm các quy định về đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hành hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy; Không trang bị hệ thống định vị vệ tinh (GPS) đối với phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại theo quy định hoặc phương tiện có trang bị nhưng không duy trì hoạt động hệ thống định vị vệ tinh (GPS) trong quá trình vận chuyển chất thải nguy hại; vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp; vi phạm quy định về bảo vệ tầng ô - dôn. Sự thay đổi, bổ sung các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT nhằm phù hợp với các quy định trong Luật BVMT năm 2020. Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm cho lực lượng Công an nhân dân trong phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về môi trường, góp phần BVMT trong sạch.

Xử phạt tài xế xả nước thải hầm cầu ra môi trường

    Để góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT thuộc thẩm quyền của lực lượng Công an nhân dân. Trong thời gian tới, lực lượng Công an nhân dân cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

    Một là, tăng cường công tác phổ biến, tập huấn những điểm mới Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân biết và thực hiện có hiệu quả.

    Hai là, lực lượng Công an nhân dân tiếp tục nghiên cứu các nội dung trong Nghị định này để kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn trong xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực BVMT để tham mưu cho cơ quan chức năng có thẩm quyền có văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn công tác phòng, chống các hành vi vi phạm.

    Ba là, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Công an các đơn vị địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm nói chung, công tác phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT nói riêng. Chủ động công tác nắm tình hình nhằm kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT theo đúng quy định của pháp luật.

    Bốn là, mỗi đơn vị trong lực lượng Công an nhân dân chủ động thực hiện tốt các mối quan hệ phối hợp với các lực lượng trong và ngoài ngành Công an trong công tác phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT. Xây dựng các chương trình, kế hoạch phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường; tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực BVMT; phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT đến với quần chúng nhân dân; tổ chức tập huấn, các buổi hội thảo, tọa đàm khoa học về BVMT; nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ phục vụ cho hoạt động phòng ngừa, phát hiện, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường đúng quy định, có hiệu quả.

Trung tá. Đào Đình Thơ

Đại úy. Nguyễn Gia Phong

CH29, Học viện Cảnh sát Nhân dân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2022)

    Tài liệu tham khảo:

    1. Luật BVMT năm 2020;

    2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020;

    3. Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT;

    4. Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT.

    5. https://dantri.com.vn/moi-truong/xu-phat-tai-xe-xa-nuoc-thai-ham-cau-ra-moi-truong-1438447347.htm

Ý kiến của bạn