Banner trang chủ

Điểm mới về bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định của chế định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

29/12/2021

    Hiến pháp năm 2013 (Điều 63) quy định “Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT), làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại (BTTH)”. Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, nhiều văn bản pháp luật khác cũng quy định cụ thể về trách nhiệm khắc phục, BTTH do hành vi gây ÔNMT.

    Theo quy định của pháp luật hiện hành ở Việt Nam, BTTH do vi phạm pháp luật về BVMT thuộc lĩnh vực BTTH ngoài hợp đồng. Do vậy, cơ sở pháp lý giải quyết các yêu cầu về BTTH do vi phạm pháp luật về BVMT trước hết được thực hiện theo các quy định về BTTH ngoài hợp đồng của Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, Bộ luật Dân sự năm 2015 tại Điều 172 quy định: “Khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thì chủ thể phải tuân theo quy định của pháp luật về BVMT; nếu làm ÔNMT thì phải chấm dứt hành vi gây ô nhiễm, thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả và BTTH”, Điều 602 có nêu: "Chủ thể làm ÔNMT mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi”. Như vậy, trách nhiệm BTTH môi trường đối với các cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm, suy thoái môi trường đã được Luật Dân sự quy định. Theo các quy định này, chủ thể có hành vi làm ÔNMT đồng thời gây thiệt hại cho người khác thì phải BTTH, kể cả trường hợp người gây ÔNMT không có lỗi.

    Luật BVMT năm 2014 tiếp tục khẳng định cơ sở pháp lý của việc truy cứu trách nhiệm BTTH do hành vi gây ÔNMT, suy thoái môi trường tại Khoản 8 Điều 4: “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải khắc phục, BTTH và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật” và chi tiết hóa các quy định về BTTH trong lĩnh vực BVMT. Tại Luật BVMT năm 2014 đã quy định về thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường (Điều 163); Quy định nguyên tắc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân gây ÔNMT (Điều 164); Quy định về xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường (Điều 165); Quy định về giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường (Điều 166); Quy định về bảo hiểm trách nhiệm BTTH về môi trường (Điều 167).

   Bên cạnh các quy định nêu trên, trách nhiệm BTTH đối với hành vi vi phạm pháp luật về BVMT cũng được quy định bởi một số đạo luật khác có liên quan: Luật Đất đai, Luật Khoáng sản...

   Qua 6 năm thi hành, bên cạnh những ưu điểm, các quy định về BTTH về môi trường đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần phải sửa đổi bổ sung và hoàn thiện. Việc quy định chế định BTTH về môi trường trong Luật BVMT năm 2020 tại mục 2 từ Điều 130 – 135 đã bổ sung một số nội dung mới so với Luật BVMT năm 2014, cụ thể:

1. Nguyên tắc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường

    Nguyên tắc về trách nhiệm BTTH về môi trường là nội dung được bổ sung mới so với Luật BVMT năm 2014. Tổ chức, cá nhân gây thiệt hại với môi trường có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra, đồng thời phải chi trả toàn bộ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu BTTH về môi trường theo quy định.

    Tổ chức, cá nhân có quyền chứng minh không gây thiệt hại về môi trường và khi kết quả chứng minh là đúng thì không phải BTTH về môi trường, không phải chịu các chi phí liên quan đến xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu BTTH.

    Đối với trường hợp có từ 2 tổ chức, cá nhân trở lên gây thiệt hại về môi trường, trách nhiệm BTTH được xác định dựa trên xác định tương ứng với tỷ lệ gây thiệt hại trong tổng thiệt hại về môi trường; Trường hợp các bên liên quan hoặc cơ quan quản lý nhà nước về môi trường không xác định được tỷ lệ chịu trách nhiệm thì cơ quan trọng tài hoặc Tòa án quyết định theo thẩm quyền.

2. Quy định chủ thể có trách nhiệm yêu cầu bồi thường và tổ chức thu thập, thâm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái

    Luật BVMT 2020 đã quy định về trách nhiệm yêu cầu BTTH về môi trường đối với cơ quan quản lý nhà nước bao gồm: UBND cấp xã, UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh và Bộ TN&MT. Việc bổ sung quy định xác định rõ chủ thể có trách nhiệm yêu cầu bồi thường và tổ chức thu thập, thâm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện các quy trình tiếp theo của  BTTH. Mặt khác, giao trách nhiệm tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái cho một cơ quan nhà nước có thẩm quyền là phù hợp bởi lẽ thực tế việc thu thập dữ liệu, chứng cứ chứng minh sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường là việc rất phức tạp, tốn kém, và nằm ngoài khả năng của người dân.

    Quy định như trên không chỉ hợp lý mà còn bảo vệ các quyền chính đáng của các bên có liên quan và tiết kiệm chi phí tố tụng (như chi phí giám định vốn rất phức tạp và tốn kém). Trong các vụ án về môi trường vừa qua, doanh nghiệp gây ô nhiễm dường như không phải làm gì, lại còn thách thức người dân đi kiện phải chứng minh (như theo quy định chung của Bộ luật dân sự), dẫn đến Toà án phải trưng cầu giám định của bên thứ ba và bên đi kiện phải tạm ứng chi phí, rất phức tạp, kéo dài và tốn kém.

3.  Xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường

    Luật BVMT năm 2020 quy định bổ sung về xác định thiệt hại, suy thoái môi trường. Việc xác định thiệt hại, suy thoái môi trường dựa trên thông tin về: phạm vi, diện tích, khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái; số lượng thành phần môi trường bị suy giảm, các loại hình hệ sinh thái, các loài bị thiệt hại; mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường, hệ sinh thái, các loài.

    Việc xác định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được tiến hành độc lập hoặc có sự phối hợp giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại. Trường hợp mỗi bên hoặc các bên có yêu cầu thì cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tham gia hướng dẫn cách tính xác định thiệt hại hoặc chứng kiến việc xác định thiệt hại.

4. Quy định hình thức giải quyết BTTH về môi trường

    Theo Luật BVMT năm 2020, BTTH về môi trường được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên. Trong trường hợp không thương lượng được, các bên có thể lựa chọn giải quyết thông qua 3 hình thức sau đây: (a) hòa giải; (b) giải quyết tranh chấp bằng trọng tài; (c) giải quyết tranh chấp bằng Tòa án.

    Việc quy định mới các hình thức giải quyết BTTH về môi trường tạo ra những thuận lợi trong thực tế giải quyết các vụ việc tranh chấp, yêu cầu BTTH về môi trường giữa các tổ chức, cá nhân.

5. Chi phí BTTH về môi trường

    Đối với nội dung về chi phí BTTH về môi trường, Luật BVMT năm 2020 đã quy định cụ thể hơn và bổ sung thêm chi phí về xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục BTTH về môi trường so với quy định về nội dung này tại Luật BVMT năm 2014. Cùng với các loai chi phí khác, bao gồm: chi phí thiệt hại trước mắt và lâu dài do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, chi phí xử lý, cải tạo môi trường, chi phí giảm thiểu, triệt tiêu nguồn gây thiệt hại hoặc tổ chức ứng phó sự cố môi trường, chi phí này đã trở thành một trong 4 nhóm chi phí được sử dụng làm căn cứ để bồi thường và giải quyết BTTH về môi trường.

PGS. TS Phạm Văn Lợi

Viện trưởng Viện Khoa học môi trườngTổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2021)

Ý kiến của bạn