Banner trang chủ

Xử lý tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại hồ Vai Miếu, Thái Nguyên

05/07/2019

    Hồ Vai Miếu (hay còn gọi hồ Gò Miếu) là một trong 3 hồ lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên, nằm ở dưới sườn đông dãy núi Tam Đảo, thuộc địa phận xã Ký Phú, huyện Đại Từ. Đây là công trình thủy lợi lớn, phục vụ nước tưới cho khoảng 500 ha thuộc nhiều xã. Ngoài chức năng phục vụ nông nghiệp, hồ còn có tiềm năng phát triển du lịch. Thời gian gần đây, nước hồ Vai Miếu bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Ô nhiễm môi trường nước hồ

   Theo phản ánh của người dân và chính quyền xã Ký Phú, từ sau Tết Nguyên đán năm 2019, nước hồ Vai Miếu đổi màu bất thường từ màu xanh sang vàng và đóng váng. Lớp váng dày đặc nổi thành dải dài khoảng 100 m, rộng hơn 50 m, dày khoảng 10 - 20 cm. Phần váng theo gió thổi dạt sát bờ, có màu vàng như mỡ nhưng khi bị chọc vỡ thì có màu trắng ngà như đậu phụ non, bốc mùi hôi khó chịu. Nước hồ ô nhiễm theo kênh thoát chảy xuống các khu dân cư làm ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân.

    Các hộ dân xung quanh hồ cũng phản ánh, đây là lần đầu tiên nước hồ bị ô nhiễm, trước đây, có thời điểm nước bị cạn nhất, hồ vẫn trong xanh và người dân dùng để tắm giặt hàng ngày, nhưng thời gian gần đây, người dân còn không thể rửa tay chân vì nước hồ quá bẩn. Nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước hồ là do hoạt động chăn nuôi cá lồng bè của Công ty cổ phần nông nghiệp Việt Nhật. Mô hình nuôi cá lồng, bè được Công ty cổ phần nông nghiệp Việt Nhật triển khai từ năm 2016, do huyện Đại Từ hỗ trợ, Sở NN&PTNT cấp phép nuôi. Mức độ ô nhiễm nước của hồ ngày càng nghiêm trọng hơn từ ngày Công ty chuyển từ sử dụng thức ăn công nghiệp sang dùng cá tạp, cá mè để nuôi cá lăng đen, cá trê. Thêm vào đó, do nước hồ Vai Miếu cạn quá lâu, bùn phơi nắng gặp mưa kích thích tảo thủy sinh phát triển.

 

Nước hồ Vai Miếu từng bị ô nhiễm nghiêm trọng

 

Đề xuất phương án xử lý tình trạng ô nhiễm nguồn nước hồ

   Trước thực trạng trên, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Thông báo số 57/TB-UBND về kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Lượng tại Hội nghị nghe báo cáo về tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại hồ Vai Miếu. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân và đề xuất phương án xử lý tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại hồ Vai Miếu. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho Sở NN&PTNT, UBND huyện Đại Từ kiểm tra, rà soát việc thực hiện sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần nông nghiệp Việt Nhật đảm bảo thực hiện đúng cam kết BVMT, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/5/2019.

   Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên, Công ty TNHH Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc Môi trường (Sở TN&MT), Phòng TN&MT huyện Đại Từ, UBND xã Ký Phú tổ chức lấy mẫu nước mặt trong hồ Vai Miếu để phân tích, đánh giá việc ô nhiễm nguồn nước tại 3 vị trí trong hồ Vai Miếu (vị trí 1 trên suối Cái phía đầu nguồn trước khi chảy vào hồ, vị trí 2 tại khu vực giữa lòng hồ, vị trí 3 phía sau cống lấy nước tưới của hồ). Sau khi phân tích mẫu nước, kết quả cho thấy, đa số các chỉ tiêu như BOD5, COD, TSS… đều không vượt giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ban hành kèm theo Thông tư số 65/2015/TT-BTNMT ngày 21/12/2015 của Bộ TN&MT.

   Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã làm việc và yêu cầu Công ty Cổ phần nông nghiệp Việt Nhật, đơn vị đang có hoạt động chăn nuôi cá lồng/bè trong khu vực lòng hồ Vai Miếu thực hiện nghiêm chỉnh các quy chuẩn kỹ thuật theo Thông tư số 16/2015/TT-BNNPTNT, ngày 10/4/2015 của Bộ NN&PTNT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện nuôi thủy sản. Về phương án xử lý ô nhiễm nguồn nước, yêu cầu Công ty tiếp tục đánh giá, kiểm tra lại tất cả các lồng/bè đang nuôi cá không để phát sinh nguồn gây ô nhiễm trong quá trình nuôi thả cá (như cá chết, thức ăn dư thừa, vật thể lạ trong lồng và khu vực lòng hồ…); Không sử dụng cá tạp, cá mè... để làm thức ăn cho cá nuôi trong lồng và trong khu vực lòng hồ. Tuân thủ và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi cá lồng/bè trên hồ và có biện pháp xử lý làm sạch nguồn nước để đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp; Thường xuyên vớt và xử  lý các vật phẩm nổi trên bề mặt hồ và trong khu vực lòng hồ.... Chỉ được phép sử dụng các loại thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản theo quy định; xem xét có thể giảm bớt lượng thức ăn để tránh tồn dư, dư thừa gây ô nhiễm, tuyệt đối không được sử dụng thức ăn không có trong danh mục và quy trình kỹ thuật nuôi cá lồng bè. Nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm, Công ty cổ phần nông nghiệp Việt Nhật đã vớt hết lượng tảo thủy sinh trên mặt hồ, đồng thời, dừng việc sử dụng cá tạp để nuôi cá lồng và cam kết không để tình trạng ô nhiễm xảy ra. Theo kết quả kiểm tra của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên ngày 29/5 tại hồ Vai Miếu, nước trong hồ đã trong xanh trở lại bình thường, không còn váng đọng trên mặt hồ, nước hồ không còn mùi tanh hôi.

 

Nước hồ trong xanh trở lại sau khi xử lý tình trạng ô nhiễm

 

   Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến môi trường nước trong hồ và kịp thời kiểm tra phát hiện các hiện tượng bất thường để có các biệp pháp khắc phục, xử lý BVMT nước tại hồ Vai Miếu. Ngoài ra, tỉnh sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến những kiến thức về nước sạch và môi trường trong nhân dân; vận động nhân dân tham gia các hoạt động chống ô nhiễm nguồn nước; cải thiện và bảo vệ nguồn nước sông, hồ trên địa bàn.

 

Nguyễn Trung Dũng - N.Hào

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2019)

Ý kiến của bạn