Banner trang chủ

Tìm giải pháp đột phá trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Thành phố Hồ Chí Minh

15/11/2019

     Với tốc độ đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế nhanh, mật độ dân số cao nhất cả nước (8,99 triệu người vào năm 2019), TP. Hồ Chí Minh (HCM) đang phải đối mặt với thách thức từ các vấn đề môi trường. Trong đó, kiểm soát và quản lý hiệu quả chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đang là vấn đề cấp bách của TP. HCM hiện nay, đòi hỏi phải có giải pháp đột phá, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng thành phố Xanh - Sạch - Đẹp.

     TP. HCM được biết đến là đầu tàu kinh tế, trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học - công nghệ có vị trí quan trọng của cả nước. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh tại thành phố (TP) ngày một gia tăng, đã và đang gây áp lực lớn lên môi trường. Theo số liệu thống kê, lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn TP khoảng 8.900 tấn/ngày, chủ yếu từ các khu vực dân cư, cơ quan, khách sạn, nhà hàng, cơ sở sản xuất, chợ… Hàng năm, tỷ lệ gia tăng CTRSH khoảng 5%, dự báo đến năm 2020, lượng CTRSH phát sinh là 10.300 tấn/ngày và đến năm 2025, tăng lên 13.000 tấn/ngày.

     Tăng cường công tác phân loại rác tại nguồn, thu gom và vận chuyển CTRSH

     Xây dựng Đồ án Quy hoạch và triển khai phân loại rác

     Trước sức ép từ việc gia tăng lượng CTRSH lớn, TP. HCM đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng hệ thống quản lý CTRSH hiệu quả, phù hợp với địa phương, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe người dân. Để đưa công tác quản lý chất thải rắn (CTR) đi vào nề nếp, TP đã thành lập Phòng Quản lý CTR (trực thuộc Sở TN&MT), thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp Sở TN&MT thực hiện quản lý nhà nước về CTR.

 

Xử lý rác thải sinh hoạt tại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. HCM

 

     Nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, giữ vệ sinh môi trường đô thị và nông thôn, sử dụng hiệu quả quỹ đất hiện có, xây dựng chiến lược lâu dài về phát triển cơ sở vật chất, phục vụ công tác xử lý CTR, TP. HCM đã triển khai xây dựng Quy hoạch xử lý CTR trên địa bàn TP đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện Đồ án Quy hoạch xử lý CTR TP. HCM đến năm đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 của TP đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1485/QĐ-TTg ngày 6/11/2018. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu của TP về quy hoạch các trạm trung chuyển, ngày 8/10/2018, UBND TP đã ban hành Công văn số 4509/UBND-ĐT về định hướng Quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển CTRSH trên địa bàn TP đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

     Nhận thấy phân loại CTRSH tại nguồn là một khâu quan trọng trong công tác quản lý chất thải, nên từ những năm 1998, TP đã bắt đầu thực hiện công tác phân loại CTRSH, nhằm tạo thói quen và hình thành ý thức của người dân về phân loại rác tại nguồn. Điều này càng có ý nghĩa do đặc thù thành phần CTRSH của Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng, chủ yếu là rác hữu cơ, có độ ẩm cao, nhiệt trị thấp. Đầu những năm 2000, công tác phân loại CTRSH tiếp tục được triển khai, tập trung ở khâu phân loại tại hộ gia đình với quy mô nhỏ lẻ. Đến năm 2015, từ kết quả triển khai phân loại rác của một cụm dân cư tại phường Bến Nghé (Quận 1) trong khuôn khổ dự án hợp tác của TP. HCM với TP. Osaka (Nhật Bản), TP đã triển khai việc phân loại rác tại các quận 1, 3, 5, 6, 12 và Bình Thạnh, với sự đồng bộ từ khâu phân loại, đến thu gom, vận chuyển. Thông qua quá trình phân loại rác tại nguồn, ý thức của người dân về công tác BVMT đã được nâng lên, người dân đã biết phân loại, bỏ rác vào thùng đúng quy định, khắc phục tình trạng xả rác bừa bãi.

     Để triển khai thực hiện Chương trình phân loại CTRSH một cách đồng bộ trên toàn địa bàn TP, ngày 18/4/2017, UBND TP.HCM  đã ban hành Quyết định số 1832/QĐ-UBND về Kế hoạch phân loại rác tại nguồn giai đoạn 2017 - 2020. Theo  đó, TP đã giao cho các quận, huyện chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai và tổ chức thu gom riêng rác thải sau phân loại, phù hợp với đặc điểm tình hình ở địa phương. TP phấn đấu, đến năm 2020, Chương trình sẽ được thực hiện trên địa bàn 24 quận, huyện, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng và giảm chôn lấp CTRSH.

     Nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý, giúp thực hiện hiệu quả Chương trình phân loại rác tại nguồn, UBND TP đã ban hành các văn bản đẩy mạnh công tác phân loại CTRSH tại nguồn như: Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND ngày 14/11/2018 quy định về phân loại CTRSH tại nguồn; Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND ngày 17/5/2019 quy định quản lý CTRSH trên địa bàn TP; Quy trình kỹ thuật hướng dẫn phân loại rác; hướng dẫn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác… Đến nay, đã có 238 phường/xã/thị trấn được triển khai phân loại CTRSH tại nguồn theo Kế hoạch mở rộng của 24 quận, huyện (chiếm tỷ lệ 74% trên 322 phường/xã/thị trấn).

      Tổ chức, sắp xếp hệ thống thu gom, vận chuyển CTRSH

     Song song với việc đẩy mạnh công tác phân loại rác tại nguồn, TP cũng triển khai nhiều hoạt động nhằm hoàn thiện hệ thống thu gom, vận chuyển riêng CTRSH, bảo đảm các quy định về BVMT và phù hợp với thực tế địa phương. Trên địa bàn TP. HCM hiện đang hoạt động song song 2 hệ thống tổ chức thu gom CTRSH tại nguồn, gồm: Hệ thống thu gom công lập do lực lượng của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích của các quận, huyện thực hiện, với 3.712 phương tiện thu gom (thùng 660 lít, xe tải, xe ép nhỏ…) và khoảng 2.500 nhân công (thu gom khoảng 40% khối lượng CTR phát sinh tại các hộ mặt tiền đường); Hệ thống thu gom dân lập do các cá nhân thu gom rác tự do, nghiệp đoàn thu gom và Hợp tác xã (HTX) vệ sinh môi trường thực hiện, với 2.160 phương tiện (xe ba gác kéo, xe lam, xe tải nhẹ, thùng 660 lít, xe tự chế…) và khoảng 4.000 nhân công (thu gom khoảng 60% khối lượng CTR phát sinh chủ yếu tại các hộ gia đình trong hẻm, các chung cư).

     Để chấn chỉnh hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập (LLTGRDL), đảm bảo công tác BVMT, UBND TP đã giao cho UBND 24 quận, huyện tổ chức, sắp xếp lại LLTGRDL thành các HTX, hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ thu gom rác. Thống kê báo cáo của các quận, huyện cho thấy, đến nay, có 10/24 quận, huyện đã hoàn thành công tác vận động 100% LLTGRDL tham gia vào mô hình HTX, hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, gồm: Quận 4, 8, 9, Thủ Đức, Bình Thạnh và 5 huyện của TP. Hiện nay, trên địa bàn TP có 42 HTX vệ sinh môi trường đang hoạt động thu gom CTRSH (tăng thêm 29 HTX so với năm 2017); 283 công ty tư nhân thu gom rác (tăng 195 công ty so với năm 2017; vận động 1.440 đường dây thu gom rác dân lập vào HTX, công ty (so với năm 2017, hiện còn khoảng 1.152 đường dây và tổ thu gom rác). Đồng thời, TP cũng phối hợp với các quận, huyện tổ chức các hoạt động tuyên truyền để nâng cao năng lực cho các đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn TP.

     Do TP.HCM có địa bàn rộng, đông dân cư và đa số đường giao thông nhỏ, nhiều đường hẻm, nên việc thu gom, vận chuyển CTR bắt buộc phải thông qua các trạm trung chuyển. Tại TP. HCM hiện có 3 đơn vị cùng thực hiện thu gom, vận chuyển CTRSH từ các điểm hẹn về trạm trung chuyển và vận chuyển CTRSH đến các khu liên hợp xử lý trên địa bàn TP là: Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị (tỷ lệ 53%), Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích thuộc một số quận, huyện (tỷ lệ 30%) và  HTX Công Nông (tỷ lệ 17%), với tổng số 524 phương tiện vận chuyển rác (xe ép các loại, xe tải ben, xe đầu kéo, xe bồn…).

     Để vận hành hệ thống thu gom, vận chuyển CTRSH, hiện nay, TP có khoảng 908 điểm hẹn, tập trung chủ yếu ở các quận nội thành và phân bố rải rác ở các huyện ngoại thành, 27 trạm trung chuyển đang hoạt động với nhiều quy mô khác nhau, trong đó có: 6 trạm trung chuyển đạt chuẩn (trạm ép kín, công nghệ container ép kín, có hệ thống thu gom, xử lý môi trường, phun xịt chế phẩm khử mùi); 13 trạm trung chuyển đã cải tạo, nâng cấp; 8 trạm trung chuyển hoạt động tạm (tạm giữ do nhu cầu quản lý CTR trên địa bàn của quận/huyện, đa số là trạm hở và không có hệ thống xử lý môi trường).

     Ngày 20/10/2018, UBND TP đã ban hành Quyết định số 4712/QĐ-UBND để phân cấp cho UBND 24 quận, huyện chủ động trong việc tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát công tác cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH tại từng địa phương. Bên cạnh đó, UBND TP đã chỉ đạo triển khai thực hiện đấu thầu công tác thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn giai đoạn 2015 - 2020. UBND TP cũng ban hành Quy hoạch vị trí trạn trung chuyển CTRSH trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, định hướng đến năm 2025, có 40 trạm trung chuyển (13 trạm trung chuyển khu vực và 27 trạm trung chuyển phục vụ quận, huyện) trên địa bàn 19 quận, huyện. Đến năm 2050, có 36 trạm trung chuyển (15 trạm trung chuyển khu vực và 21 trạm trung chuyển quận, huyện) trên địa bàn 16 quận, huyện. Đồng thời, UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị vận chuyển lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện vận chuyển CTRSH và lắp đặt camera tại các trạm trung chuyển, đơn vị xử lý CTRSH để theo dõi giám sát quá trình hoạt động. Hiện tại, 100% phương tiện đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và 100% các trạm trung chuyển, đơn vị xử lý cũng có camera giám sát. Nhờ thế, sẽ tăng cường trách nhiệm của các đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH, để tránh tình trạng rơi vãi CTRSH, gây phát tán bụi, mùi, hoặc rò rỉ nước rỉ rác, ảnh hưởng xấu đến môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển đến các điểm hẹn, trạm trung chuyển.

     Đổi mới công nghệ xử lý CTRSH

     Trên địa bàn TP hiện có 2 Khu liên hợp xử lý CTR, gồm: Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc, huyện Củ Chi (687 ha), với Nhà máy xử lý CTRSH của Công ty CP Vietstar sử dụng công nghệ tái chế nhựa, làm compost, công suất 1.800 tấn/ngày; Nhà máy xử lý CTRSH của Công ty Tâm Sinh Nghĩa, công nghệ tái chế nhựa, làm phân compost và đốt chất thải còn lại, công suất 1.300 tấn/ngày; Bãi chôn lấp số 3 (bãi chôn lấp dự phòng) của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP, công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, công suất tiếp nhận 600 tấn CTRSH/ngày; Khu liên hợp xử lý CTR và nghĩa trang Đa Phước, huyện Bình Chánh (614 ha), với bãi chôn lấp CTRSH của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam, công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, công suất 6.000 tấn/ngày. Bên cạnh đó, TP đang xây dựng và sẽ đưa vào vận hành Khu công nghệ môi trường xanh (1.760 ha) tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, công nghệ đốt tái sinh năng lượng, compost, chôn lấp hợp vệ sinh và quy hoạch xử lý chất thải nguy hại.

 

Hệ thống lò đốt rác của Nhà máy xử lý CTR Vietstar Lemna Eco Center (huyện Củ Chi)

 

     Hiện nay, TP đã xử lý CTRSH, với tỷ lệ 69% sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh; còn lại 31%, bao gồm: sản xuất compost, tái chế nhựa và đốt rác nhưng không phát điện. Để giảm diện tích chôn lấp CTRSH, BVMT, UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị xử lý chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH hiện có sang công nghệ tiên tiến; kêu gọi các dự án xử lý với công nghệ hiện đại với phương châm công khai, minh bạch. Hiện nay, TP đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xử lý CTR, với công nghệ khí hóa plasma kết hợp phát điện, công suất 2.000 tấn/ngày (Công ty Trisun Green Energy Corporation làm chủ đầu tư). Với các bãi chôn lấp đã ngưng tiếp nhận, UBND TP đã chỉ đạo thực hiện cải tạo, xử lý ô nhiễm tại bãi chôn lấp Đông Thạnh và Gò Cát theo phương thức xã hội hóa (đầu tư công viên, khu dân cư...) và triển khai phủ đỉnh bãi chôn lấp số 1, 1A, 2 theo quy định.

      Khó khăn, thách thức trong công tác quản lý CTRSH

     Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác quản lý CTRSH tại TP. HCM thời gian qua, vẫn còn tồn tại những vấn đề bất cập, cần có giải pháp hiệu quả, đặc biệt là trong công tác phân loại CTRSH tại nguồn. Mặc dù, TP đã ban hành chính sách, văn bản pháp lý hướng dẫn thực hiện phân loại, tuy nhiên, công tác phân loại CTRSH chưa được triển khai đồng bộ do một số nguyên nhân: Các hộ gia đình, chủ nguồn thải chưa chủ động phân loại; công tác tuyên truyền và triển khai giữa các địa phương thiếu hiệu quả. Khi các ngành, Mặt trận, đoàn thể các cấp, UBND các quận, huyện giảm tần suất tuyên truyền, thì tỷ lệ tham gia phân loại CTRSH giảm theo. Đồng thời, do TP đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác tại nguồn, do đó chưa kiểm tra, xử phạt vi phạm.

     Ngoài ra, trong công tác thu gom, vận chuyển CTRSH cũng gặp nhiều khó khăn như: Phần lớn người dân có thói quen bỏ CTRSH trước cửa nhà, trên vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị; còn một bộ phận người dân không ký hợp đồng thu gom CTRSH và thải bỏ bừa bãi ra các khu công cộng, hoặc kênh rạch. Công tác quản lý LLTGRDL ở một số quận, huyện chưa chặt chẽ, vẫn còn diễn ra tình trạng đơn vị thu gom rác dân lập chưa đảm bảo thời gian quy định. Một số trang thiết bị của LLTGRDL còn lạc hậu, không đồng bộ, phương tiện thô sơ, dẫn đến rơi vãi, rò rỉ nước rỉ rác ra môi trường. Mặt khác, sự phân chia địa bàn thu gom của lực lượng dân lập không đồng đều, không thống nhất tần suất, thời gian thu gom. Trong khi đó, UBND quận, huyện chưa tổ chức phương án thu gom riêng chất thải sau phân loại; việc xử lý vi phạm hành chính tại các quận, huyện còn khó khăn; thiếu cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong quản lý và xử lý vi phạm.

     Cùng với đó, việc quản lý hoạt động vận chuyển CTRSH tại TP, HCM cũng gặp những khó khăn như một số phương tiện vận chuyển cũ (15% phương tiện gần hết niên hạn sử dụng), gây ô nhiễm; sự kết nối giữa công tác thu gom và vận chuyển không đồng bộ dẫn đến hoạt động tại các điểm hẹn kéo dài so với quy định (1 giờ), để CTRSH tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường. Các điểm hẹn thường xuyên bị di dời do phản ánh của người dân và ảnh hưởng giao thông; mạng lưới trạm trung chuyển chưa hoàn thiện; vị trí các trạm trung chuyển không xa nhau do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh. Đồng thời, việc chuyển đổi thực hiện phương thức cung ứng dịch vụ từ giao kế hoạch và đặt hàng thông qua hợp đồng sang đấu thầu, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước do chưa có đầy đủ văn bản quy định. Các quận, huyện chưa đủ nhân sự chuyên trách để đảm nhận công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt vi phạm trong hoạt động vận chuyển CTRSH.

     Hiện nay, vấn đề khó khăn lớn nhất đối với TP. HCM trong công tác quản lý CTRSH, đó là xử lý CTRSH, chủ yếu vẫn sử dụng phương pháp chôn lấp, làm phát sinh mùi hôi và nước rỉ rác. Trong khi các nhà máy tái chế, xử lý hiện chưa đạt chỉ tiêu công nghệ xử lý (tỷ lệ tái chế đến năm 2020 là 40%, còn lại là chôn lấp, đốt tiêu hủy). Hoạt động của các nhà máy xử lý rác thành phân compost cũng gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ không ổn định.

     Định hướng triển khai giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý CTRSH

     Để giải quyết những tồn tại trên và nâng cao năng lực quản lý CTRSH, góp phần đưa TP. HCM trở thành một TP xanh, thời gian tới, TP sẽ tập trung vào những nội dung sau: Tiếp tục hoàn thiện Đồ án quy hoạch xử lý CTR TP. HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Bộ Xây dựng thẩm định; Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác truyền thông, vận động người dân thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn các quận, huyện để rút kinh nghiệm và triển khai các giải pháp tiếp theo thực hiện hiệu quả công tác này. Đề ra định hướng triển khai công tác phân loại CTRSH tại nguồn nhằm đảm bảo phù hợp với công nghệ xử lý CTRSH; Tiếp tục tổ chức, sắp xếp lại hoạt động thu gom của lực lượng dân lập, chuyển đổi các lực lượng này thành các HTX, hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân để quản lý hiệu quả. Đồng thời, có cơ chế tài chính để hỗ trợ lực lượng dân lập chuyển đổi phương tiện thu gom phù hợp theo mẫu phương tiện thu gom tại nguồn thống nhất trên địa bàn TP; Tổ chức dịch vụ thu gom, vận chuyển CTR đặc biệt (rác thải xây dựng, công nghiệp, vật dụng có kích thước lớn, cồng kềnh...) và quy định mức phí đối với dịch vụ này; Xây dựng các trạm trung chuyển ép rác kín, tiên tiến hiện đại; Có quy định để xây dựng các điểm tập kết rác cho từng khu nhà, cụm công trình đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị…

     Đối với công tác xử lý CTRSH, TP sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi công nghệ xử lý của các nhà máy xử lý rác hiện hữu sang công nghệ đốt phát điện; Triển khai công tác đấu thầu, lựa chọn từ 1 đến 2 dự án xử lý CTRSH có công suất xử lý rác đốt phát điện khoảng 2.000 tấn/ngày; Kêu gọi xã hội hóa đầu tư, cải tạo bãi chôn lấp Gò Cát, Đông Thạnh và triển khai công tác phủ đỉnh bãi chôn lấp số 1, 1A, 2 theo quy định; Tiếp tục đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành Khu công nghệ môi trường xanh tại huyện Thủ Thừa (Long An) để xử lý CTRSH liên vùng.

     Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, TP. HCM đang quyết tâm và nỗ lực để trở thành một đô thị thông minh, phát triển bền vững, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và BVMT. Để đạt được mục tiêu đó, việc khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp hướng tới việc nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý CTR trong thời gian tới là hết sức cần thiết đối với TP mang tên Bác.

 

Lê Trung Tuấn Anh - Trưởng Phòng

Phòng Quản lý chất thải rắn - Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2019)

 

Ý kiến của bạn