Banner trang chủ

Sở TN và MT và UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng với các tổ chức tôn giáo hành động vì môi trường

14/10/2019

     Nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia công tác BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), những năm qua, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với Ủy ban Mặt trân tổ quốc (UBMTTQ) tỉnh và các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Nhân dịp, Hội nghị toàn quốc Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH sắp diễn ra tại TP. Huế, Tạp chí Môi trường có cuộc trò chuyện với ông Phan Văn Thông - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế về kết quả sự phối hợp trên.

 

Ông Phan Văn Thông- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế

 

     PV: Xin ông cho biết Chương trình phối hợp giữa Sở TN&MT, Ủy ban MTTQ và các tôn giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế được triển khai như thế nào trong những năm qua?

     Ông Phan Văn Thông: Trong các năm qua, Sở TN&MT, các tổ chức tôn giáo đã phối hợp triển khai và thực hiện có hiệu quả nhiều hoạt động tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH. Việc ký kết Chương trình phối hợp giữa Sở TN&MT và UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như các tổ chức tôn giáo đã khẳng định sự ủng hộ, đồng hành của các tôn giáo về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật, chương trình hành động của Nhà nước trong việc BVMT, ứng phó BĐKH.

     Định kỳ hằng năm, các tổ chức tôn giáo đã đưa nội dung BVMT và ứng phó với BĐKH vào chương trình, kế hoạch hoạt động, trong đó tập trung các nhiệm vụ: Hướng dẫn, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ và đồng bào tôn giáo nắm bắt, cập nhật thường xuyên những kiến thức về BVMT và ứng phó với BĐKH trong sinh hoạt tôn giáo.

     Cùng với cộng đồng tôn giáo cả nước, thời gian qua, một số tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã đồng hành với các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng người dân tham gia nhiều hoạt động có ý nghĩa. Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều mô hình hoạt động công tác xã hội của tôn giáo như: Khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và người nghèo; hình thành các cơ sở giáo dục mầm non, dưỡng lão, dạy nghề, nuôi dạy trẻ khuyết tật, cô nhi; mô hình đội Ứng cứu khẩn cấp thiên tai thảm họa với gần 380 thành viên tại các địa phương; dạy bơi cho 500 trẻ từ 8 - 14 tuổi tại cộng đồng…Đồng thời, các tổ chức tôn giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp xây dựng các mô hình điểm cấp quốc gia về BVMT và ứng phó với BĐKH, như Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Hải Đức (Chùa Hải Đức, TP. Huế), Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ công tác xã hội Hàm Long (TP. Huế)… Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Trung tâm Hỗ trợ cộng đồng Hải Đức đã tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức về BVMT, bằng những hành động cụ thể cho người dân theo phương châm 4T (tiết giảm - tái chế - tái sử dụng - thể hiện lòng nhân ái); Ngày Hội Đổi rác lấy quà tặng theo hình thức cứ 5kg giấy loại (hoặc 20 chai nhựa) được đổi thành 1 mũ vải…toàn bộ kinh phí được Ban Tổ chức quy đổi và trao tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP. Huế. Nhiều giáo xứ đã phát động phân loại rác tại nguồn; riêng các hộ giáo dân ở dọc các kênh, rạch được khuyến nghị không xả rác xuống kênh và nâng cao ý thức trong việc bảo vệ cây xanh, tạo những mảng xanh để xây dựng môi trường trong lành.

 

Ngày Chủ nhật Xanh được các em học sinh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế tích cực hưởng ứng

 

     Ngoài ra, Dự án Tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH trong cộng đồng tôn giáo được triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong khuôn khổ Dự án đã tổ chức 9 khóa tập huấn cập nhật kiến thức về BVMT, quản lý rủi ro thiên tai, lồng ghép tiêu chuẩn cứu trợ tối thiểu (Sphere) và ứng phó với tình trạng khẩn cấp ở cấp tỉnh cho các vị lãnh đạo tôn giáo, cơ quan ban ngành, và các nhà hoạt động xã hội. Đồng thời, Dự án đã triển khai 46 chiến dịch truyền thông cho trên 7.000 lượt người tham gia về vai trò của các tổ chức xã hội và kiến thức về môi trường.

     Chung tay cùng xã hội vào các hoạt động BVMT, Sở TN&MT, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức tôn giáo ở Thừa Thiên - Huế luôn làm hết sức mình cùng cộng đồng xây dựng một xã hội an lành và hạnh phúc.

     PV: Vừa qua, tỉnh đã ban hành Đề án tổ chức Ngày Chủ nhật xanh và để hưởng ứng phong trào này, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã gửi thư đến các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh kêu gọi các chức sắc, tôn giáo, lan tỏa đến mọi người dân. Hành động của Lãnh đạo tỉnh có tác động như thế nào đối với người dân, thưa ông?

     Ông Phan Văn Thông: Để các hoạt động này ngày càng được lan tỏa, Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi các tổ chức Tôn giáo tuyên truyền, vận động các cơ sở tôn giáo, đồng bào có đạo tham gia phong trào Ngày Chủ nhật xanh do tỉnh phát động với những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể làm cho Thừa Thiên - Huế thêm xanh - sạch - sáng; sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường thay thế các vật dụng làm bằng ni lông, nhựa sử dụng một lần; không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần, túi ni lông, khăn lau sử dụng một lần tại các sự kiện, lễ hội của tôn giáo; vận động bà con có đạo thường xuyên tổ chức các hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường, sạch nhà, đẹp ngõ, giữ gìn cảnh quan nơi công cộng, khu dân cư…

     Hành động của Chủ tịch UBND tỉnh đã có tác động sâu rộng không chỉ các tổ chức tôn giáo mà toàn thể cộng đồng người dân trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đặc biệt, một trong những chuyển biến rõ nét và đáng ghi nhận nhất chính là ý thức BVMT của xã hội được nâng lên. Hầu như mọi thành phần, các tôn giáo, tổ chức đoàn thể trong xã hội đều có những việc làm thiết thực. Các tổ chức tôn giáo đã chú trọng hơn việc xây dựng, giữ gìn các cơ sở tôn giáo trang nghiêm, trong lành, bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp; Khắc phục những phong tục, tập quán sinh hoạt không bảo đảm vệ sinh, môi trường; tổ chức cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường.

     Với sự đồng lòng, đồng tâm vì một tương lai tốt đẹp hơn, thư kêu gọi của Chủ tịch tỉnh nhằm phát huy vai trò các tôn giáo để Ngày chủ nhật xanh không chỉ đơn thuần là hoạt động thu gom rác thải, phế thải, khơi thông cống rãnh… mà điều quan trọng nhất là phong trào được nhân rộng, lôi cuốn đông đảo các lực lượng tham gia, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân, để người dân thật sự là chủ nhân của phong trào. Ngày Chủ nhật xanh dường như đã đi vào nếp sinh hoạt, hoạt động hàng tuần của người dân Huế.

     PV: Những năm qua Huế được nhiều giải thưởng vinh danh như: Thành phố Xanh, thành phố văn hóa Asean, thành phố sạch của ASEAN… đặt ra cho chính quyền và người dân thành phố những nhiệm vụ và trọng trách lớn. Từ đó đến nay, TP.Huế đã có những hành động và mục tiêu gì nhằm thực hiện các cam kết trên, thưa ông?

     Ông Phan Văn Thông: Với những danh hiệu cao quý đã đạt được đòi hỏi chính quyền và người dân TP.Huế những nhiệm vụ và trọng trách lớn cần sự nỗ lực để hành động với mục tiêu cụ thể. Trong đó, Huế triển khai thực hiện các mục tiêu xây dựng Thành phố Xanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung phát triển du lịch - dịch vụ, hạn chế phát triển công nghiệp và các loại hình sản xuất phát thải gây ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh việc trồng cây xanh và phát triển các mảng xanh đô thị; khuyến khích xây dựng kiến trúc xanh, ưu tiên bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và cải tạo cảnh quan môi trường đô thị. Chú trọng đến các yếu tố thích ứng với BĐKH, khuyến khích phát triển các dự án tác động thấp, giảm lũ lụt, tăng khả năng ứng phó với BĐKH.

 

 

     Thành phố đã kêu gọi và huy động nhiều nguồn lực, cơ bản thực hiện tốt công tác thu gom và xử lý rác thải trên toàn thành phố, đồng thời tăng cường cải tạo hệ thống thoát nước mặt trong khu Kinh thành với việc khơi thông nhiều ao hồ, kênh rạch trên địa bàn. Nhiều dự án được triển khai, như nạo vét và chỉnh trang sông Ngự Hà, các hồ như Hộ đô thành, Hoàng Hậu vệ, Tân Miếu, Võ Sanh; cải tạo hệ thống thoát nước các phường Tây Lộc, Thuận Lộc…Trong tháng 10/2019, tỉnh, thành phố sẽ tiến hành cuộc di dân lịch sử giai đoạn 1 với hơn 500 hộ dân sống xung quanh kinh thành phục vụ bảo tồn, tôn tạo các giá trị của Kinh thành Huế.

     Bên cạnh đó, UBND thành phố đã và đang đầu tư thay thế dần hệ thống chiếu sáng thông minh tiết kiệm năng lượng trên toàn địa bàn, xây dựng theo quy hoạch các khu xử lý chất thải ở vùng ngoại vi, nâng cao công tác giám sát chất lượng nước. Dự án Cải thiện môi trường nước đang được đẩy nhanh tiến độ, sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng vấn đề xử lý nước thải cho nhiều khu vực phía nam, đây là một yếu tố quan trọng để nâng cao tiêu chí Thành phố Xanh cho Huế.

     Đối với các yêu cầu xây dựng Thành phố Xanh, xây dựng Thành phố thông minh chính là một yếu tố quan trọng, trong đó có việc ứng dụng triển khai các giải pháp công nghệ thông tin hiện đại, hiệu quả để phục vụ cho việc giảm tải đô thị và quản lý thông minh. Để cụ thể hóa vấn đề này, UBND TP. Huế đã xây dựng trung tâm điều hành và hệ thống camera giám sát đô thị, nhằm nâng cao năng lực quản lý giao thông, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường.

     PV: Theo ông, tỉnh cần có chính sách gì để các tôn giáo cùng đồng hành với chính quyền trong việc triển khai thực hiện hiệu quả và lâu dài các cam kết cùng BVMT và ứng phó với BĐKH?

     Ông Phan Văn Thông: Trong thời gian qua, đồng bào các tôn giáo đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc BVMT và ứng phó với BĐKH. Các tôn giáo là một trong những lực lượng tiên phong trong việc vận động quần chúng, tín đồ tham gia BVMT. Để làm tốt vấn đề này, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần chú trọng các vấn đề sau đây:

     Thứ nhất, nâng cao nhận thức về chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước cho cán bộ cơ sở, đặc biệt là cấp ủy Đảng, chính quyền, công chức được phân công trực tiếp làm công tác tôn giáo.

     Thứ hai, thường xuyên quan tâm tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác tôn giáo cho cán bộ, công chức cơ sở, xây dựng lực lượng làm công tác tôn giáo trong hệ thống chính trị ở cơ sở, có đủ sự hiểu biết, đủ phẩm chất và năng lực, có trách nhiệm và nhiệt tình với công tác tôn giáo.

     Thứ ba, tạo điều kiện để lãnh đạo ở cơ sở thực hiện được vai trò trong quản lý nhà nước tôn giáo ở địa phương nghiêm túc, đúng pháp luật và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

      Thứ tư, thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chính sách pháp luật trong hoạt động tôn giáo và bảo đảm dân chủ ở cơ sở để mọi tín đồ, chức sắc tôn giáo nhận thức đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất nước, mọi sinh hoạt của tôn giáo diễn ra ra ổn định, bình thường trong khuôn khổ quy định của pháp luật, góp phần ngày tăng cường tốt hơn khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trước tình hình mới.

     PV: Trung tuần tháng 10/2019 tại TP. Huế, sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH, Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế có kế hoạch gì nhằm triển khai hoạt động này trong thời gian tới?

     Ông Phan Văn Thông: Là chủ nhà đồng chủ trì, phối hợp tổ chức, Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế sẽ cùng với UBMTTQVN tỉnh phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh trong việc phát triển các phong trào quần chúng tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH xây dựng và duy trì hoạt động mô hình cộng đồng tự quản BVMT; tăng cường sức mạnh cộng đồng trong việc trồng cây xanh, bảo vệ, phòng chống cháy rừng; chuyển đổi một số hình thức tập quán sản xuất gây ô nhiễm…

     BVMT và ứng phó với BĐKH không chỉ là công việc của các nhà hoạch định chính sách hay các nhà khoa học mà là công việc của toàn dân, của tất cả các tổ chức xã hội, trong đó có các tổ chức tôn giáo. Trong vấn đề này, các tôn giáo là một trong những lực lượng tiên phong trong việc vận động quần chúng tín đồ là một thực tế không thể phủ nhận.

     Để tiếp tục nâng cao hiệu quả, Sở TN&MT sẽ tăng cường phối hợp với UBMTTQVN các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BVMT và ứng phó với BĐKH; phát huy vai trò, huy động sự tham gia của các tổ chức tôn giáo trong tuyên truyền, phát động các phong trào về BVMT, ứng phó với BĐKH. Trồng và bảo vệ cây xanh tại nơi ở, nơi công cộng, cơ sở tôn giáo; bảo vệ đa dạng sinh học; phát triển sinh kế bền vững; không chặt cây, phá rừng; tổ chức sản xuất, canh tác, chăn nuôi không gây ô nhiễm với môi trường; xóa bỏ những tập quán, thói quen gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học và làm tăng phát thải khí nhà kính.

     Đồng thời, tiếp tục nhân rộng, xây dựng mới các mô hình, điển hình tiên tiến trong cộng đồng giáo dân, tổ chức tôn giáo tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH, trong đó chú trọng phát triển các mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy; vận động các giáo dân tham gia một cách chủ động và tích cực các phong trào Chống rác thải nhựa, Ngày chủ nhật xanh, do Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh phát động.

     PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Tuyên (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2019)

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn