Banner trang chủ

Quảng Trị nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

10/12/2015

   Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Hội nghị Báo cáo hiện trạng môi trường giai đoạn 2011 - 2015, nhằm tăng cường và nâng cao nhận thức, năng lực quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân.

 

Hội nghị Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2011 - 2015

   Một số kết quả triển khai công tác BVMT giai đoạn 2010 - 2015

  Trong giai đoạn 2010 - 2015, nền kinh tế của Quảng Trị duy trì mức tăng trưởng hợp lý, tổng giá trị sản xuất liên tục tăng qua từng năm, GDP bình quân đầu người khoảng 29,4 triệu đồng; Tổng chi sự nghiệp môi trường tăng từ 12,6 tỷ đồng (năm 2010) lên 52,2 tỷ đồng (năm 2015). Bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách, tỉnh còn tranh thủ các nguồn vốn khác để đầu tư cho môi trường như các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), hỗ trợ có mục tiêu đối với các công trình, dự án, cụ thể: Hỗ trợ 4,721 tỷ đồng xử lý các bãi rác; 9,789 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải bệnh viện; 17,2 tỷ đồng xử lý, cải tạo, phục hồi ô nhiễm tại các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)…

   Công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM) ngày càng đi vào nền nếp, với 563 báo cáo ĐTM, cam kết BVMT và các hồ sơ khác được thẩm định, trình UBND tỉnh, huyện, thành phố phê duyệt trong 5 năm qua. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN đã được tăng cường. Từ năm 2010 đến nay, Sở TN&MT Quảng Trị đã tiến hành thanh, kiểm tra, xử lý hơn 220 vụ vi phạm hành chính về BVMT, xử phạt gần 2.539 triệu đồng.

   Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về BVMT đã được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức. Hàng năm, Sở tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng những sự kiện lớn về môi trường như Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn; Đồng thời, xây dựng các chuyên mục, phóng sự về TN&MT trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài tỉnh… qua đó phản ánh kịp thời những bức xúc trong lĩnh vực TN&MT trên địa bàn tỉnh.

   Các nhiệm vụ khác cũng được triển khai nghiêm túc như công tác kiểm tra, xác nhận các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT) đã hoàn thành các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm; Các công trình BVMT theo báo cáo ĐTM đã được phê duyệt; Quản lý chất thải, chất thải nguy hại (CTNH); Hoạt động quan trắc chất lượng môi trường; Công tác thu phí BVMT và bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH).

   Từ năm 2010 - 2014, Sở đã thực hiện 16 đề tài, dự án môi trường và triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất gắn với BVMT; Tham mưu cho UBND tỉnh lập Đề án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BVMT, tạo quan hệ hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế về BVMT như: Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)… Đồng thời, tích cực xây dựng, đề xuất các chương trình, dự án vận động hỗ trợ từ nguồn vốn ODA và vốn phi Chính phủ nước ngoài.

   Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội cùng với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) và thiên nhiên đã tạo ra nhiều áp lực đối với môi trường. Môi trường nước mặt ở các dòng sông có dấu hiệu gia tăng ô nhiễm, xâm nhập mặn ngày càng lớn. Đáng lo ngại là vấn đề ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề, khu vực tồn lưu hóa chất BVTV, bãi rác, chợ vẫn chưa được giải quyết; Tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoàn thành xử lý ô nhiễm chưa cao; Chất thải rắn (CTR) chưa được thu gom và xử lý triệt để; Tình trạng chặt phá rừng chưa được ngăn chặn hiệu quả… Hậu quả ô nhiễm môi trường đã gây tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng, gây ảnh hưởng và thiệt hại đến nông nghiệp, du lịch. Ngoài ra, việc phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường không theo kế hoạch đề ra dẫn đến kinh phí phân bổ dàn trải, thiếu tập trung, sử dụng chưa hiệu quả; Công tác phối hợp giữa các Sở, ngành và địa phương thiếu thống nhất; Doanh nghiệp và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về BVMT nên ý thức chấp hành pháp luật BVMT chưa nghiêm; Công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ thực hiện BVMT còn hạn chế; Công tác quản lý CTNH gặp nhiều khó khăn do trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở nào đủ điều kiện, đăng ký hành nghề vận chuyển, tiêu hủy, xử lý CTNH. Tại các thị trấn, thị tứ, vùng nông thôn, CTR sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý triệt để.

   Các giải pháp nâng cao chất lượng công tác BVMT

   Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực để khắc phục các vấn đề còn tồn tại, thực hiện những mục tiêu đề ra tại Chương trình hành động (CTHĐ) số 83-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 552/KH-UBND của UBND tỉnh, trong đó, ưu tiên một số nhiệm vụ: Xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật về BVMT, phù hợp với tình hình thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ cấp xã, doanh nghiệp và cộng đồng về BVMT, từng bước xã hội hóa công tác BVMT trong toàn xã hội; Tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về BVMT, thúc đẩy hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cộng đồng, dân cư; Phòng ngừa và kiểm soát ÔNMT, đặc biệt là môi trường nước (sông, hồ và biển ven bờ); Khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng; Bảo vệ, cải thiện môi trường các khu vực trọng điểm (KCN, CCN, khu kinh tế, đô thị, nông thôn); Bảo vệ, khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH, đặc biệt là ĐDSH ở các khu bảo tồn và hệ sinh thái đặc thù của tỉnh.

   Bên cạnh đó, tiếp tục kiện toàn, củng cố hệ thống cơ quan quản lý môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã; Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo chuyên môn, kỹ năng quản lý, đáp ứng yêu cầu BVMT trong thời kỳ mới; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực môi trường; Thúc đẩy, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế đa phương và song phương với các nước, tổ chức quốc tế về môi trường, ứng phó BĐKH; Đa dạng hóa các loại hình đầu tư, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho BVMT; Tăng cường cải cách thủ tục hành chính về BVMT; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường, phục vụ công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh; Triển khai thực hiện tốt CTMTQG về nông thôn mới, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, xử lý các điểm tồn lưu thuốc BVTV, làng nghề, lưu vực sông…; Đầu tư công trình, dự án ứng phó BĐKH theo CTHĐ số 83- CTHĐ/TU, nhằm chủ động phòng ngừa và thích ứng với các kịch bản BĐKH.

   Để thực hiện hiệu quả công tác BVMT, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và chủ động ứng phó với BĐKH, trong những năm tới, Sở TN&MT đề xuất một số nội dung sau:

   Đề nghị các Bộ, ngành liên quan xem xét, điều chỉnh các văn bản pháp quy phù hợp với thực tế quản lý môi trường tại địa phương; Hỗ trợ kinh phí, công nghệ giúp địa phương giải quyết dứt điểm vấn đề nước thải tại các KCN, CCN, khu kinh tế, xử lý ô nhiễm do thuốc BVTV tồn lưu và đầu tư các bãi rác tập trung hợp vệ sinh tại các huyện, thị, thành phố…

   Đối với địa phương, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong quá trình đề ra chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với BVMT; HĐND tỉnh và các cấp tăng cường giám sát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trong việc thi hành Luật BVMT; Các tổ chức đoàn thể chủ động lồng ghép hoạt động BVMT vào kế hoạch hoạt động hàng năm, nhân rộng mô hình điểm về môi trường trong toàn tỉnh, từng bước xã hội hóa công tác BVMT.

                Phương Linh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11 - 2015)

 

 

Ý kiến của bạn