Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Những định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường năm 2017

06/02/2017

   1. Năm 2016 vừa qua diễn ra nhiều sự kiện môi trường lớn, tuy nhiên cũng xảy ra các sự cố, vụ việc môi trường trên diện rộng. Sự cố môi trường xảy ra trên vùng biển các tỉnh miền Trung, cùng với hơn 50 vụ việc, sự cố ô nhiễm môi trường tại nhiều địa phương đã nhắc nhở, cảnh tỉnh chúng ta về một giai đoạn hết sức khó khăn, thách thức trong công tác BVMT. Mô hình tăng trưởng thiếu bền vững, chỉ chú trọng phát triển kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức, thậm chí bỏ qua vấn đề môi trường ở nhiều địa phương trong thời gian dài đã làm tích tụ nhiều vấn đề và tạo áp lực lên môi trường. Nhiều loại hình sản xuất với công nghệ lạc hậu đã gây ô nhiễm môi trường; các công trình, biện pháp BVMT không đáp ứng yêu cầu; trong khi năng lực quản lý môi trường của Nhà nước và doanh nghiệp còn bất cập, điều kiện, nguồn lực BVMT còn hạn chế.

Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác BVMT 

   Năm 2016 cũng thể hiện nỗ lực, quyết tâm BVMT của cả hệ thống chính trị. Với sự đấu tranh kiên quyết, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã cúi đầu nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường và bồi thường thiệt hại cho người dân ven biển. Với sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan quản lý nhà nước và nhà khoa học đã tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường biển miền Trung và kịp thời cảnh báo, thông báo về chất lượng nước biển đến toàn thể nhân dân trong cả nước; đồng thời rà soát các nguồn thải lớn ra sông, ra biển và triển khai các đợt thanh tra trên diện rộng về môi trường và tài nguyên nước. Đặc biệt, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến lớn nhất trong lịch sử để đánh giá, nhìn nhận các thách thức đặt ra và thống nhất các hành động cấp bách về BVMT. Ngay sau khi Hội nghị diễn ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT. Sau các sự cố về môi trường, cả hệ thống chính trị đã có những thay đổi cơ bản và có những nỗ lực, quyết tâm lớn về BVMT. Đây là những tiền quan trọng đối với công tác BVMT, phát triển bền vững đất nước trong thời gian tới.

   2. Bước sang năm 2017 với dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn ngành môi trường cần có nhiều nỗ lực, cố gắng để tạo bước chuyển biến mới trong công tác BVMT. Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT theo Chỉ thị số 25 của Thủ tướng Chính phủ, cần tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau:

   - Rà soát, bổ sung hoàn hiện hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT, trong đó tập trung rà soát Luật BVMT năm 2014 và các luật có liên quan; sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật BVMT; rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn về môi trường; xây dựng quy chế ứng phó sự cố môi trường; triển khai xây dựng quy hoạch BVMT giai đoạn 2021 – 2030; xây dựng bộ tiêu chí sàng lọc các dự án đầu tư dựa trên loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất và mức độ nhạy cảm về môi trường của nơi xây dựng dự án; nghiên cứu, xây dựng cơ chế đột phá trong huy động nguồn lực đầu tư cho BVMT, đặc biệt là cơ chế huy động nguồn lực trên nguyên tắc "Người gây ô nhiễm phải trả tiền”, "Người hưởng lợi từ môi trường phải trả chi phí” để tập trung đầu tư trở lại cho BVMT...

   - Rà soát báo cáo đánh giá tác động môi trường, công trình, biện pháp BVMT của các dự án, nguồn thải lớn; thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát với sự kết hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương đối với các dự án, nguồn thải có nguy cơ cao gây ra sự cố, ô nhiễm môi trường trên diện rộng. Rà soát quy hoạch, năng lực, công nghệ, các yêu cầu về BVMT của các cơ sở xử lý, bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và chất thải nguy hại trên phạm vi cả nước.

   - Tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, tập trung vào các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, các dự án lớn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, khu vực nhạy cảm về môi trường, trong đó tập trung vào các đối tượng có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày.đêm trở lên, các đối tượng do Bộ TN&MT phê duyệt ĐTM, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã quá thời hạn hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường; xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường.

   - Tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức tạo bước chuyển biến mới trong nhận thức chung về những khó khăn, thách thức BVMT giai đoạn phát triển hiện nay; sự thống nhất trong ý chí, hành động, trách nhiệm và nỗ lực của các cấp, các ngành để kiểm soát ô nhiễm, BVMT; xây dựng năng lực quan trắc, cảnh báo về môi trường, tập trung vào các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải, khu vực nhạy cảm về môi trường.

   - Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về BVMT ở Trung ương và địa phương, nhất là cấp quận, huyện, phường, xã nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, kết nối giữa Trung ương và địa phương, phối kết hợp giữa tổ chức quản lý cấp quốc gia với quản lý cấp vùng, theo địa bàn, lãnh thổ và sự thống nhất trong quản lý nhà nước về BVMT.

   - Tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, nhất là cải cách quy trình, thủ tục hành chính, hướng về địa phương và cơ sở; quán triệt thực hiện chủ trương xây dựng Chính phủ phục vụ và kiến tạo phát triển, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi chức trách, nhiệm vụ; kết hợp tăng cường quản lý nhà nước về môi trường với việc tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và BVMT.

   - Tăng cường chế độ thông tin, báo cáo và đánh giá kết quả, phân hạng về môi trường để kết nối hệ thống trong công tác BVMT; thực hiện đối thoại giữa cơ quan môi trường Trung ương và địa phương, giữa cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp và người dân về BVMT.

Tăng cường năng lực quan trắc, cảnh báo về môi trường

   3. Năm mới đang đến, các vấn đề về môi trường đang đặt ra cho công tác quản lý những trọng trách mới, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cùng với ý thức trách nhiệm và sự nỗ lực, cố gắng của cơ quan quản lý môi trưởng ở Trung ương và địa phương, năm 2017 sẽ là năm tạo ra những chuyển biến mới, đạt được nhiều kết quả, thành công mới, tạo niềm tin và tiền đề cho sự phát triển bền vững trong thời gian tới

TS. Nguyễn Văn Tài

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2017

 

Ý kiến của bạn