Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Một số thách thức và giải pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

20/12/2016

   Khánh Hòa là một tỉnh duyên hải Nam Trung bộ Việt Nam, có diện tích tự nhiên trên đất liền và hơn 200 đảo, quần đảo là 5.197 km2, với bờ biển dài cùng nhiều vịnh đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh... Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, đặc biệt có nhiều loại hải sản quý hiếm có thể khai thác, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu...

Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế tại KKT vịnh Vân Phong cũng đặt ra những thách thức về BVMT của tỉnh Khánh Hòa

   Một số thách thức trong công tác BVMT

   Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã quan tâm và thực hiện phát triển kinh tế - xã hội gắn với BVMT thông qua việc thu hút các dự án đầu tư ít nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để xử lý ô nhiễm (chất thải rắn, nước thải đô thị, công nghiệp và y tế)... Tuy nhiên, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế tại các vùng kinh tế trọng điểm như khu kinh tế (KKT) vịnh Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang… đã đặt ra những thách thức về BVMT.

   Hiện nay, công nghiệp và xây dựng giữ vị trí chủ lực, góp phần ổn định và phát triển kinh tế của tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, KKT vịnh Vân Phong, vịnh Cam Ranh là “đầu tàu” thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Tuy vậy, hai khu vực này chưa có các dự án đầu tư, nâng cấp hạ tầng phục vụ công tác cấp thoát nước, thu gom xử lý nước thải nói chung, chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại nói riêng. Bên cạnh đó, có một số nhà máy đã đi vào hoạt động và gây ô nhiễm môi trường như Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, Nhà máy giấy Rạng Đông, Nhà máy đường Khánh Hòa. Các cơ sở này nằm xen kẽ trong khu dân cư và chưa có biện pháp cải tạo, di dời cũng đang là vấn đề bức thiết trong những năm qua.

   Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng mang lại các thách thức về môi trường. Tài nguyên đất bị khai thác để xây dựng đô thị, diện tích cây xanh và mặt nước bị thu hẹp, nhu cầu sản xuất, dịch vụ ngày càng tăng làm suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương. Các dự án phía Tây TP. Nha Trang như Khu đô thị công viên trung tâm hành chính tỉnh, khu dân cư, hạ tầng giao thông… đang phát sinh các vấn đề môi trường do chất thải. Cùng với đó, các hoạt động phát triển du lịch ven biển và dịch vụ du lịch hoạt động thể thao giải trí trên biển tập trung trong khu vực vịnh Nha Trang cũng ảnh hưởng đáng kể đến việc sử dụng tài nguyên nhiên nhiên, chất lượng môi trường biển.

   Ngoài ra, hoạt động khai thác khoáng sản, nước và tài nguyên thiên nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra sạt lở, lũ quét, ngập úng… Các dự án nạo vét luồng lạch tận thu cát nhiễm mặn theo hình thức xã hội hóa đang triển khai tại khu vực vịnh Vân Phong, Cam Ranh và TP. Nhà Trang đang và sẽ gây ra nhiều tác động về môi trường trong khu vực.

   Các vùng nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá cũng đang phát sinh chất thải; ô nhiễm môi trường do sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, hoạt động chăn nuôi, dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn tiếp diễn; công tác quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện gặp nhiều khó khăn do các thiết bị đã hư hỏng trong quá trình sử dụng hoặc do không thường xuyên vận hành. Đặc biệt, việc cho phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất chưa được giám sát chặt chẽ, đề phòng việc lợi dụng nhập khẩu phế liệu để nhập khẩu chất thải.

   Giải pháp quản lý nhà nước về BVMT

   Mục tiêu Kế hoạch BVMT của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020 đã nhấn mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với BVMT theo hướng phát triển bền vững, từng bước hướng đến nền kinh tế xanh, thực hiện tăng trưởng xanh; chủ động phòng ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, chủ động phòng ngừa sự cố môi trường do hoạt động của con người và tác động của tự nhiên gây ra, từng bước khắc phục, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường… Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Khánh Hòa đã đề ra một số giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT:

   Tiếp tục phổ biến, tập huấn, hướng dẫn đầy đủ nội dung Luật BVMT năm 2014 và văn bản hướng dẫn thi hành đến công chức, viên chức các ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư.

   Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với chủ đầu tư các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm; trước mắt tập trung kiểm tra các dự án đang thi công, cơ sở sản xuất có tiềm năng gây ô nhiễm, tác động lớn đến môi trường, cảnh quan đô thị, thuộc lĩnh vực xây dựng, giao thông, nạo vét luồng, lạch, khai thác và chế biến khoáng sản, công tác cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản.

   Tăng cường quản lý và kiểm soát tình hình khắc phục ô nhiễm của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thuộc diện phải di dời và cơ sở ô nhiễm môi trường thuộc diện phải xử lý theo Quyết định số 1680/QĐ-UBND ngày 26/6/2015 của UBND tỉnh, đình chỉ hoạt động hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền đình chỉ các cơ sở không có khả năng xử lý ô nhiễm theo lộ trình đã quy định.

   Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đề án BVMT, kế hoạch BVMT; hướng dẫn chủ đầu tư lập báo cáo ĐTM đúng thời điểm theo quy định của pháp luật về BVMT; chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện định kỳ thực hiện công tác kiểm tra sau phê duyệt, chứng nhận báo cáo ĐTM, kế hoạch BVMT để kịp thời xử lý, điều chỉnh nhằm đảm bảo yêu cầu BVMT trước khi các dự án đi vào giai đoạn vận hành.

Lưu Hồng Vân

Ban Tuyên giáo tỉnh Khánh Hòa

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2016

Ý kiến của bạn