Banner trang chủ

Một số nội dung cơ bản của Nghị định số 53/2020/NĐ-CP quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải

20/07/2020

    Ngày 5/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2020/NĐ-CP quy định phí BVMT đối với nước thải (Nghị định số 53/2020/NĐ-CP). Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, thay thế Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ về phí BVMT đối với nước thải (Nghị định số 154/2016/NĐ-CP). Nghị định số 53/2020/NĐ-CP có nhiều điểm mới so với Nghị định số 154/2016/NĐ-CP, đặc biệt là đối tượng chịu phí và mức phí.

 

Nước thải từ các nhà máy, cơ sở sản xuất chế biến nông, lâm, thủy sản phải nộp phí BVMT theo quy định

 

Đối tượng chịu phí

    Nghị định số 53/2020/NĐ-CP quy định rõ hơn và bổ sung một số đối tượng chịu phí. Đối tượng chịu phí BVMT là nước thải công nghiệp thải vào nguồn tiếp nhận nước thải theo quy định pháp luật và nước thải sinh hoạt, trừ trường hợp miễn thu phí theo quy định tại Nghị định này. Trong đó, nêu rõ:

    Nước thải công nghiệp là nước thải từ các nhà máy, địa điểm, cơ sở sản xuất, chế biến (sau đây gọi chung là cơ sở) của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bao gồm: Cơ sở sản xuất, chế biến (Nông sản, lâm sản, thủy sản, thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá); Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại theo quy định pháp luật về chăn nuôi; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; Cơ sở nuôi trồng thủy sản thuộc diện phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch BVMT theo quy định; Cơ sở sản xuất thủ công nghiệp trong các làng nghề; Cơ sở thuộc da, tái chế da, dệt, nhuộm, may mặc; Cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản; Cơ sở sản xuất giấy, bột giấy, nhựa, cao su; linh kiện, thiết bị điện, điện tử; Cơ sở cơ khí, luyện kim, gia công kim loại, chế tạo máy và phụ tùng; Cơ sở sơ chế phế liệu, phá dỡ tàu cũ, vệ sinh súc rửa tàu, xử lý chất thải; Cơ sở hóa chất cơ bản, phân bón, dược phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, đồ gia dụng; Nhà máy cấp nước sạch, nhà máy điện; Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại khu đô thị; Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cảng cá, khu công nghệ cao và các khu khác; Cơ sở sản xuất, chế biến khác có phát sinh nước thải từ hoạt động sản xuất, chế biến.

    Nước thải sinh hoạt là nước thải từ hoạt động của hộ gia đình, cá nhân; Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức khác (gồm cả trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng của các cơ quan, đơn vị, tổ chức này), trừ các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến thuộc các cơ quan, đơn vị, tổ chức này; Cơ sở: Rửa ô tô, rửa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa xe máy; Cơ sở khám, chữa bệnh; nhà hàng, khách sạn; cơ sở đào tạo, nghiên cứu; Cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác không thuộc quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 53/2020/NĐ-CP.

    Tại Điều 5 Nghị định số 53/2020/NĐ-CP quy định các trường hợp miễn phí BVMT đối với nước thải trong các trường hợp: Nước xả ra từ các nhà máy thủy điện; Nước biển dùng vào sản xuất muối xả ra; Nước thải sinh hoạt của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở các xã; ở các phường, thị trấn chưa có hệ thống cấp nước sạch; hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh ở các phường, thị trấn đã có hệ thống cấp nước sạch tự khai thác nước sử dụng; Nước làm mát (theo quy định pháp luật về BVMT) không trực tiếp tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm, có đường thoát riêng; Nước thải từ nước mưa tự nhiên chảy tràn; Nước thải từ các phương tiện đánh bắt thủy sản của ngư dân; Nước thải của các hệ thống xử lý nước thải tập trung khu đô thị (theo quy định tại Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải) đã xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường theo quy định trước khi thải vào nguồn tiếp nhận.

Về mức phí

    Nghị định số 53/2020/NĐ-CP vẫn giữ nguyên mức phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần áp dụng mức phí cao hơn, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức phí cụ thể cao hơn đối với từng đối tượng chịu phí.

    Đối với cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20 m3/ngày (24 giờ), Nghị định số 53/2020/NĐ-CP chia làm 3 mức áp dụng phí cố định tính theo khối lượng nước thải (không áp dụng mức phí biến đổi) kể từ ngày 1/1/2021 trở đi theo biểu sau:

 

STT

Lưu lượng nước thải bình quân (m3/ngày)

Mức phí (đồng/năm)

1

Từ 10 đến dưới 20

4.000.000

2

Từ 5 đến dưới 10

3.000.000

3

Dưới 5

2.500.000

 

    Nhưng riêng đối với năm 2020, áp dụng mức phí cố định chung là 1.500.000 đồng/năm.

    Các cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 20 m3/ngày (24 giờ), quy định về thông số ô nhiễm tính phí, mức phí/kg đối với từng thông số không thay đổi so với Nghị định số 154/2016/NĐ-CP.

    Phí tính theo công thức: F = f + C. Trong đó, f là mức phí cố định: 1.500.000 đồng/năm (kể từ ngày 1/1/2021 trở đi là 4.000.000 đồng/năm); trường hợp cơ sở bắt đầu hoạt động sau quý I, số phí phải nộp tính cho thời gian từ quý cơ sở bắt đầu hoạt động đến hết năm, mức phí cho 1 quý = f/4.

    Nghị định số 53/2020/NĐ-CP quy định rõ hơn về thông số ô nhiễm (thuộc diện phải thực hiện đo đạc, kê khai và tính phí) được xác định căn cứ vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với nước thải hiện hành. Trường hợp nước thải của cơ sở chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường tương ứng thì căn cứ vào thông số ô nhiễm có trong hồ sơ môi trường (hồ sơ đã được cơ quan quản lý nhà nước về môi trường phê duyệt, xác nhận). Lượng nước thải/ngày được xác định theo số liệu đo đạc thực tế hoặc kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.

Xác định số phí phải nộp

Đối với nước thải sinh hoạt

    Số phí BVMT phải nộp đối với nước thải sinh hoạt được xác định như sau:

 

Số phí phải nộp (đồng)

=

Số lượng nước sạch sử dụng (m3)

x

Giá bán nước sạch

(đồng/m3)

x

Mức thu phí

 

    Trong đó:

    Số lượng nước sạch sử dụng được xác định theo đồng hồ đo lượng nước sạch tiêu thụ của người nộp phí. Trường hợp tự khai thác nước, số lượng nước sạch sử dụng xác định căn cứ vào quy mô hoạt động, kinh doanh, dịch vụ hoặc giấy phép khai thác nước mặt, nước dưới đất do tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tự kê khai và thẩm định của UBND phường, thị trấn.

    Giá bán nước sạch là giá bán nước (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) của tổ chức cung cấp nước sạch áp dụng trên địa bàn.

    Mức thu phí được quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 53/2020/NĐ-CP.

Đối với nước thải công nghiệp

    Cơ sở có lượng nước thải trung bình trong năm tính phí dưới 20 m3/ngày, số phí phải nộp theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định số 53/2020/NĐ-CP.

    Cơ sở có lượng nước thải trung bình trong năm tính phí từ 20 m3/ngày trở lên, số phí phải nộp hàng quý tính theo công thức sau: Fq = (f/4) + Cq.

    Trong đó:

- Fq là số phí phải nộp trong quý (đồng).

- f là phí cố định theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định số 53/2020/NĐ-CP.

- Cq là số phí biến đổi (tổng số phí phải nộp của các thông số ô nhiễm có trong nước thải) phải nộp trong quý.

Số phí biến đổi được tính cho từng thông số ô nhiễm theo công thức:

 

Số phí phải nộp (đồng)

=

Tổng lượng nước thải thải vào nguồn tiếp nhận (m3)

x

Hàm lượng thông số ô nhiễm có trong nước thải (mg/l)

 

x 0,001

x

Mức thu phí của thông số ô nhiễm (đồng/kg)

 

    Đối với cơ sở thuộc đối tượng thực hiện quan trắc nước thải định kỳ theo quy định pháp luật: Căn cứ xác định hàm lượng thông số ô nhiễm trong nước thải để kê khai, tính phí là số liệu quan trắc nước thải định kỳ 3 tháng/lần. Trường hợp cơ sở có tần suất quan trắc nước thải định kỳ 6 tháng/lần, việc kê khai, tính phí của quý không thực hiện quan trắc căn cứ số liệu quan trắc của quý trước đó.

    Tổng lượng nước thải được xác định căn cứ vào 1 trong 3 nguồn dữ liệu sau: (i) Kết quả thực tế của đồng hồ, thiết bị đo lưu lượng; (ii) Tính bằng 80% lượng nước sử dụng; (iii) Thông tin có trong báo cáo giám sát môi trường định kỳ. Trường hợp có 2 nguồn dữ liệu (i) và (ii) hoặc (i) và (iii) hoặc cả 3 nguồn dữ liệu thì sử dụng nguồn dữ liệu (i). Trường hợp có 2 nguồn dữ liệu (ii) và (iii) thì sử dụng nguồn dữ liệu (ii).

    Đối với cơ sở thuộc đối tượng thực hiện quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định pháp luật: Việc kê khai, tính toán, thẩm định số phí phải nộp được xác định theo từng kỳ 24 giờ, trong đó: hàm lượng các thông số ô nhiễm tính phí và tổng lượng nước thải thải ra của cơ sở được tính theo giá trị trung bình ngày (24 giờ) của các kết quả đo. Trường hợp thông số ô nhiễm tính phí không thuộc các thông số quan trắc nước thải tự động, liên tục thì hàm lượng các thông số ô nhiễm theo số liệu quan trắc định kỳ.

    Trường hợp cơ sở có nhiều điểm xả nước thải, phí biến đổi của cơ sở là tổng số phí biến đổi được xác định tại mỗi điểm xả nước thải.

    Đặc biệt, Nghị định số 53/2020/NĐ-CP có quy định mới mà Nghị định số 154/2016/NĐ-CP trước đây không quy định, đó là: Việc nộp phí BVMT theo quy định tại Nghị định số 53/2020/NĐ-CP không là căn cứ xác nhận việc xả thải hợp pháp của cơ sở thải nước thải. Cơ sở thải nước thải vi phạm các quy định pháp luật về môi trường sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định pháp luật về môi trường.

 

Nguyễn Thu Hà

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2020)

 

Ý kiến của bạn