Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Lồng ghép đa dạng sinh học trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

08/06/2016

   Đa dạng sinh học là nền tảng của sự sống    

   Đa dạng sinh học (ĐDSH) là nền tảng cho sinh kế của người dân và sự phát triển bền vững của các lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, du lịch... Sản xuất lương thực phụ thuộc vào ĐDSH và các dịch vụ hệ sinh thái. Hàng nghìn các giống cây trồng và vật nuôi được phát hiện từ các nguồn gen phong phú của các loài trong tự nhiên. ĐDSH là cơ sở cho sự phì nhiêu của đất, sự thụ phấn, kiểm soát dịch hại và các vấn đề quan trọng khác đối với sản xuất lương thực của thế giới.

   Cung cấp nước sạch và an toàn cũng phụ thuộc vào ĐDSH. Chức năng hệ sinh thái được ví như cơ sở hạ tầng tự nhiên về nước với chi phí thấp hơn các giải pháp công nghệ. Rừng bảo vệ nguồn nước, đất ngập nước điều tiết lũ và nguồn đất tốt cũng làm tăng lượng nước và dinh dưỡng cho cây trồng, giúp giảm tác động phi nông nghiệp.

   ĐDSH và các chức năng sinh thái cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cho lĩnh vực y tế. ĐDSH còn là nền tảng của y học cổ truyền. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, có đến 80% người dân ở châu Phi dựa vào các loại thuốc truyền thống. Một số lượng lớn các loại thuốc chứa thành phần có nguồn gốc từ ĐDSH như thủy tùng Thái Bình Dương có thể tiêu diệt tế bào ung thư …

   Tri thức truyền thống về ĐDSH cũng rất quan trọng và có giá trị không chỉ đối với cuộc sống con người mà còn đối với ngành công nghiệp và nông nghiệp hiện đại. Giá trị kinh tế trên toàn thế giới của các dịch vụ được cung cấp bởi côn trùng thụ phấn trong năm 2005 ước tính khoảng 190 triệu USD cho các loại cây trồng chính trên thế giới.

ĐDSH là nền tảng của sự phát triển bền vững

   Lồng ghép ĐDSH trong các kế hoạch phát triển

   Trong các tài liệu hướng dẫn của Công ước ĐDSH, “lồng ghép” được hiểu là sự tích hợp của các vấn đề về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH trong các kế hoạch liên ngành như phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, thích ứng/giảm nhẹ biến đổi khí hậu, thương mại và hợp tác quốc tế… cũng như trong các lĩnh vực cụ thể như nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, khai khoáng, năng lượng, du lịch, giao thông vận tải... “Lồng ghép” được hiểu là sự thay đổi trong việc nhìn nhận, đánh giá các vấn đề về ĐDSH trong quá trình xây dựng các chiến lược, kế hoạch chứ không phải là việc tạo ra các quy trình và hệ thống song song với quá trình xây dựng. Thông qua việc lồng ghép, những vấn đề cần quan tâm của ĐDSH sẽ được tính đến trong quá trình xây dựng và thực hiện các chiến lược, kế hoạch của các ngành kinh tế, đặc biệt là các chiến lược phát triển của quốc gia, qua đó cải thiện chất lượng môi trường và năng suất, đời sống và sinh kế cộng đồng đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

   Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế ĐDSH năm 2016, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban-Ki-Moon đã nhấn mạnh: “ĐDSH là một vấn đề xuyên suốt, quan trọng trong Chương trình phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc (Agenda 2030). Vai trò to lớn của ĐDSH trong xóa đói giảm nghèo, cung cấp thực phẩm và cải thiện điều kiện sống cũng được khẳng định trong các mục tiêu khác của Agenda 2030. Điều quan trọng là chúng ta cần phải tạo ra những bước tiến trong việc lồng ghép ĐDSH và thay đổi cách xã hội đánh giá và quản lý ĐDSH”.

   Tình trạng suy giảm ĐDSH tiếp tục gia tăng trên toàn thế giới mặc dù các quốc gia đã có cam kết để xử lý tình trạng này. Theo đánh giá của Công ước ĐDSH, chỉ có 15% các nước đang đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu Aichi về ĐDSH trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Ngoài ra, sự tăng trưởng trong các lĩnh vực vốn phụ thuộc vào ĐDSH như nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản cũng sẽ là một thách thức trong cuộc chiến chống lại việc mất ĐDSH vào những thập kỷ tới. Để đảo ngược xu hướng này, Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các Chính phủ và các bên liên quan cùng hành động để bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH trên Trái đất vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai.

   Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, Việt Nam được biết đến như là một trong số các trung tâm ĐDSH của thế giới với các hệ sinh thái tự nhiên phong phú và đa dạng. Bảo tồn ĐDSH ngày càng được sự quan tâm của Nhà nước và cộng đồng, đồng thời đã và đang từng bước được “lồng ghép” vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên ngành và đơn ngành. Bảo vệ ĐDSH cũng trở thành yêu cầu khi xem xét các hoạt động phát triển. Có thể thấy, quy định lồng ghép bảo tồn ĐDSH trong đánh giá tác động môi trường của các dự án phát triển, trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên ngành và đơn ngành như nông nghiệp, đất đai… đã được ban hành. Như vậy, bảo tồn ĐDSH để ổn định cuộc sống và sinh kế cộng đồng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của công tác bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam. Giá trị ĐDSH là nền tảng của phát triển bền vững và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Nguyễn Ngọc Linh

Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2016)

Ý kiến của bạn