Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Huy động sức mạnh của toàn dân tham gia quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý và bảo vệ môi trường

06/02/2017

   Chương trình phối hợp các giai đoạn 2004 - 2011 và 2012 - 2016 giữa Bộ TN&MT với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯ MTTQVN) đã huy động được sức mạnh của toàn dân tham gia quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý và BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Các hoạt động phối hợp được chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến các địa phương và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQVN Lê Bá Trình về kết quả Chương trình này.

Ông Lê Bá Trình - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQVN 

   Xin ông cho biết một số kết quả chính Chương trình phối hợp giai đoạn 2012 - 2016 cũng như nội dung Chương trình phối hợp giai đoạn 2016 - 2020 giữa Bộ TN&MT và UBTƯMTTQVN ?

   Ông Lê Bá Trình: Sau 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 20 giữa Ban Thường trực MTTQVN và Bộ TN&MT, về cơ bản đã bám sát các nội dung nhiệm vụ đề ra.

   Từ năm 2012 đến nay, UB MTTQVN các cấp thường xuyên phối hợp với các tổ chức thành viên và ngành TN&MT xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình cộng đồng dân cư BVMT, với các chủ đề “Khu dân cư tự quản BVMT”, “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và BVMT”; xây dựng mới các mô hình khu dân cư phòng ngừa và ứng phó với BĐKH, nước biển dâng, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học. Đồng thời, phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu, có uy tín trong nhân dân (cán bộ hưu trí, trưởng tộc, chức sắc tôn giáo...) góp phần vận động nhân dân tích cực tham gia công tác tự quản môi trường.

   Bên cạnh kinh phí xây dựng mô hình điểm do UBTƯ MTTQVN hỗ trợ, Sở TN&MT các tỉnh/TP đã quan tâm hỗ trợ thêm kinh phí để Ban Công tác Mặt trận khu dân cư triển khai nhiệm vụ. Nhiều địa phương có điều kiện để mua sắm trang thiết bị thu gom rác thải, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, làm bảng tin, khẩu hiệu, họp sơ, tổng kết khen thưởng…Kết quả này đã góp phần rất tích cực trong việc hoàn thành các tiêu chí về môi trường của các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới.

   Kế thừa và phát huy kết quả thực hiện Chương trình phối hợp giai đoạn 2012 - 2016, Chương trình phối hợp giai đoạn 2016 - 2020 tập trung vào những nhiệm vụ chính: Tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của mỗi người dân, từng gia đình, cộng đồng dân cư, các tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý và BVMT, ứng phó với BĐKH. Tiếp tục xây dựng mới và nhân rộng các mô hình, điển hình của cộng đồng dân cư, các tổ chức tôn giáo tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH. Vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, tích cực, tự giác tham gia xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư hướng vào công tác BVMT; Phối hợp kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên… Trong đó, tập trung giám sát việc xử lý chất thải công nghiệp, nông nghiệp, từ sinh hoạt của hộ gia đình, khu dân cư...; Biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ...

   Sau 5 năm triển khai, những kinh nghiệm gì được rút ra để triển khai giai đoạn mới, thưa ông ?

   Ông Lê Bá Trình: Qua 5 năm triển khai Chương trình phối hợp có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

   Một là, địa phương nào thực hiện nghiêm nhiệm vụ BVMT thành một tiêu chuẩn thi đua trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”), kết hợp BVMT với việc xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa; xã nông thôn mới, đô thị văn minh, bình xét công nhận gia đình văn hóa và khu dân cư văn hóa hàng năm thì môi trường ở đó được bảo đảm.

   Hai là, thường xuyên cung cấp tài liệu, tổ chức tập huấn cho cán bộ Mặt trận, các đoàn thể các cấp, nhất là Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, tiến hành sơ, tổng kết nhân rộng mô hình điểm, điển hình về BVMT ở các địa phương là yêu cầu thiết yếu cần được thực hiện để hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ phối hợp.

   Ba là, công tác chỉ đạo điểm, xây dựng mô hình đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển phong trào; trong đó cần chú trọng đến việc chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm để tập trung làm chuyển biến nhận thức và hành động của cán bộ và nhân dân; biết phát huy vai trò của chức sắc tôn giáo, người có uy tín và tính tự quản ở cộng đồng dân cư.

   Bốn là, do tính đặc thù về tổ chức của MTTQVN và ngành TN&MT nên nơi nào linh hoạt, sáng tạo trong phối hợp triển khai công việc thì mới đạt kết quả cụ thể.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký UBTƯ MTTQVN Trần Thanh Mẫn ký kết Chương trình phối hợp

   Trong năm qua, UB MTTQVN các cấp đã triển khai thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQVN, Bộ TN&MT và các tôn giáo về BVMT và ứng phó với BĐKH, xin ông cho biết hiệu quả của Chương trình này?

   Ông Lê Bá Trình: Tại Hội nghị “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH” tổ chức ở Huế tháng 12/2015, Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQVN, Bộ TN&MT và các tôn giáo đã được ký kết với 40 tổ chức tôn giáo của 14 tôn giáo trong cả nước. Ban Chỉ đạo Trung ương gồm Lãnh đạo của UBTƯ MTTQVN, Bộ TN&MT và người đứng đầu của 14 tôn giáo đã được thành lập để triển khai Chương trình.

   Trên cơ sở đó, đến nay đã có 45/63 tỉnh, TP trong cả nước ký kết Chương trình phối hợp. Ban Chỉ đạo Trung ương đã triển khai xây dựng các mô hình thí điểm các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH tại 3 miền: TP. Hồ Chí Minh (miền Nam); Thừa Thiên - Huế (miền Trung) và Hà Nội (miền Bắc). Ở các địa phương, trong mỗi tôn giáo đều triển khai thực hiện Chương trình phối hợp một cách cụ thể, sáng tạo. Có thể khẳng định, thông qua việc thực hiện Chương trình, chức sắc, tín đồ và các tổ chức tôn giáo đã tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm của mình cùng toàn dân tham gia thực hiện nhiệm vụ BVMT và ứng phó với BĐKH.

   Thưa ông, MTTQVN có hoạt động cụ thể gì nhằm tạo những chuyển biến mạnh mẽ tới toàn dân về công tác BVMT và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên trong năm 2017 ?

   Ông Lê Bá Trình: Trên cơ sở các Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQVN và Bộ TN&MT, năm 2017 UB MTTQVN các cấp sẽ triển khai nhiều công việc để huy động các tầng lớp nhân dân tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH, tập trung vào những hoạt động sau:

   Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền những chủ trương, chính sách, pháp luật về BVMT và ứng phó với BĐKH, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thống nhất hành động về nhiệm vụ này trong các tầng lớp nhân dân.

   Tiếp tục triển khai xây dựng các mô hình khu dân cư BVMT và ứng phó với BĐKH phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền, thành thị, nông thôn, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào là tín đồ các tôn giáo. Trong đó, tập trung vào nhiệm vụ làm chuyển biến, thay đổi nhận thức và hành động trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tổ chức cuộc sống hằng ngày như: Thực hiện việc chôn cất người đã qua đời theo phương pháp tiến bộ, khoa học, bảo đảm môi trường.

   UB MTTQVN phối hợp với ngành TN&MT tổ chức giám sát việc xử lý những vụ việc gây ô nhiễm môi trường đang gây bức xúc của xã hội như: chất thải trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt của hộ gia đình, khu dân cư… góp phần thúc đẩy các ngành, các cấp, toàn xã hội thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ BVMT và ứng phó với BĐKH của nước ta hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Đình Tuyên
(Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2017

Ý kiến của bạn