Banner trang chủ

Hiện trạng phát sinh, thu gom và xử lý chất thải rắn ở Việt Nam

09/11/2018

     Trong thời gian qua,sự gia tăng dân số cùng với phát triển kinh tế - xã hội đã làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng, đồng thời làm gia tăng lượng phát sinh chất thải rắn (CTR), với thành phần ngày càng phức tạp đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý CTR ở Việt Nam.

     Tình hình phát sinh, thu gom và xử lý chất thải rắn

     Theo Tổng cục Thống kê, năm 2016,cả nướcthu gom được trên 33.167 tấn CTR, trong đó tổng lượng CTR thông thường thu gom được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đạt khoảng 27.067 tấn (chiếm tỷ lệ 81%). Như vậy, vẫn còn khoảng 5.100 tấn CTR được thu gom nhưng chưa được xử lý theo quy định, chưa kể lượng lớn CTR chưa được thu gom, đã và đang gây ô nhiễm môi trường.

     Chất thải rắn sinh hoạt:Trong các nguồn phát sinh CTR, lượng CTR sinh hoạt đô thị tăng nhanh theo quy mô dân số đô thị. Ước tính lượng CTR sinh hoạt ở các đô thị phát sinh trên toàn quốc tăng trung bình 10 ÷ 16 % mỗi năm. Lượng CTR sinh hoạt đô thị tăng mạnh ở các đô thị lớn như TP. Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, nơi có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa tăng nhanh, chiếm tới 45,24%, tổng lượng CTR sinh hoạt phát sinh từ tất cả các đô thị lớn trên cả nước; Tỷ lệ CTR sinh hoạt chiếm khoảng 60 - 70% tổng lượng CTR đô thị (một số đô thị tỷ lệ này lên đến 90%). Tại khu vực nông thôn, lượng CTR sinh hoạt phát sinh trung bình khoảng 0,33 kg/người/ngày. Vùng đồng bằng sông Hồng và Cửu Long là 0,4 kg/người/ngày, thấp nhất là vùng núi phía Bắc (0,2 kg/người/ngày). Đến nay, số lượng CTR sinh hoạt nông thôn hiện chưa được thống kê đầy đủ do công tác quản lý CTR sinh hoạt nông thôn còn hạn chế.

     Mặc dù, tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt vẫn tăng hàng năm, nhưng do lượng CTR phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, cùng với ý thức cộng đồng chưa cao nên tỷ lệ thu gom vẫn chưa đạt yêu cầu. Tổng khối lượng CTR sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý năm 2016 là 33.100 tấn/ngày (đạt85,5%). Lượng CTR sinh hoạt được thu gom tại các đô thị đặc biệt và đô thị loại 1 đạt khoảng 90%. Công tác phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn đã được thực hiện thí điểm ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng từ nhiều năm trước, đến nay TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành nhân rộng triển khai tại các quận nội thành.

     Công tác thu gom CTR tại nông thôn cũng đã được chú trọng trong những năm gần đây, tuy nhiên, cũng chủ yếu tập trung ở các khu vực nông thôn vùng đồng bằng. Khu vực miền núi, do tập quán sinh hoạt, rác thải sinh hoạt phần lớn vẫn được các hộ dân tự thu gom và xử lý tại nhà (đổ ra vườn). Theo thống kê có khoảng 60% số thôn hoặc xã tổ chức thu dọn định kỳ, trên 40% thôn, xã đã hình thành các tổ thu gom rác thải tự quản. Tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt khoảng 40 - 55%.Theo báo cáo của Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, tính đến tháng 11/2016, cả nước có khoảng 35 nhà máy xử lý CTR tập trung tại các đô thị được đầu tư xây dựng và đi vào vận hành. Tổng công suất xử lý theo thiết kế khoảng 7.500 tấn/ngày. Số lượng lò đốt CTR sinh hoạt có khoảng 50 lò đốt, đa số là các lò đốt cỡ nhỏ, công suất xử lý dưới 500kg/giờ. Ngoài ra, cả nước có khoảng 660 bãi chôn lấp CTR sinh hoạt (chưa thống kê được đầy đủ các bãi chôn lấp nhỏ rải rác ở các xã) với tổng diện tích khoảng 4.900ha. Tuy nhiên, trong đó chỉ có 203 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Nhiều xã, đặc biệt các xã miền núi, chưa có các bãi rác tập trung, thiếu người và phương tiện chuyên chở rác, chủ yếu hình thành bãi rác tự phát, là nguồn gây ô nhiễm môi trường.

     Chất thải rắn nông nghiệp:Ước tính mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh khoảng 76 triệu tấn rơm rạ và khoảng 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi.Các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, phần thân thải bỏ của các cây trồng ngắn ngày (ngô, đậu...) hay các loại vỏ, chất thải sau sơ chế (điều, cà phê...) chiếm một lượng khá lớn, tuy nhiên không được tính toán trong thống kê lượng CTR phát sinh của các địa phương cũng như toàn quốc. Bên cạnh đó, CTR chăn nuôi đang là một trong những nguồn thải lớn ở nông thôn. Theo ước tính, có khoảng 40 - 70% (tùy theo từng vùng) CTR chăn nuôi được xử lý, số còn lại thải trực tiếp thẳng ra ao, hồ, kênh, rạch...

     Chất thải rắn công nghiệp: Lượng CTR công nghiệp ở nước ta những năm gần đây phát sinh rất lớn, đặc biệt là ở những vùng có ngành công nghiệp phát triển như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... Riêng TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2016, khối lượng CTR công nghiệp ước phát sinh khoảng 1.500 - 2.000 tấn/ngày từ hơn 2.000 nhà máy lớn và khoảng 10.000 cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, nằm trong và ngoài các KCX - KCN và CCN; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng phát sinh lượng lớn CTR thông thường khoảng 1.000 tấn/ngày, chủ yếu là xỉ thép, tạp chất từ phế liệu thép nhập khẩu, xỉ than đá, bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải…Theo số liệu của Tổng cục Môi trường, lượng CTR thông thường phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp ước tính khoảng 25 triệu tấn/năm, riêng từ các KCN làkhoảng 8,1 triệu tấn/năm. Theo đánh giá, thành phần CTR công nghiệp có thể thay đổi theo hướng gia tăng chất thải nguy hại, đây là kết quả của quá trình gia tăng mức độ công nghiệp hóa và sử dụng hóa chất ngày càng cao.

     Với lợi thế là mô hình sản xuất tập trung, các KCN có nhiều thuận lợi hơn trong việc quản lý chất thải, do đó, tỷ lệ thu gom CTR tại khu vực này cao hơn so với các CCN và các cơ sở sản xuất ngoài KCN. Tại các KCN, CTR thường được tận dụng tái chế, tái sử dụng tối đa, phần thải bỏ sẽ ký hợp đồng với đơn vị/doanh nghiệp xử lý chất thải để xử lý tập trung. Phần lớn các CCN vẫn chưa hoàn thiện các công trình thu gom, xử lý chất thải tập trung. Đối với các cơ sở sản xuất nằm ngoài KCN, CCN việc quản lý, kiểm soát ô nhiễm còn gặp nhiều khó khăn.

     Chất thải rắn xây dựng: Cùng với tốc độ đô thị hóa, các công trình xây dựng tăng nhanh ở các đô thị lớn của cả nước, nên lượng chất thải xây dựng cũng tăng rất nhanh, chiếm khoảng 10 ÷ 15% CTR đô thị. Các đô thị đặc biệt như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, CTR xây dựng chiếm 25% CTR đô thị. Đối với các địa phương khác như Bắc Giang, Hải Phòng, An Giang, CTR xây dựng chiếm 12 - 13% lượng CTR đô thị. Ước tính đến năm 2020, lượng CTR xây dựng  phát sinh tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ khoảng 3.900 tấn/ngày và tăng lên trên 6.400 tấn/ngày đến năm 2030.Thành phần chủ yếu của CTR xây dựng là đất cát, gạch vỡ, thủy tinh, bê tông và kim loại... thường được chôn lấp cùng với CTR sinh hoạt.

 

Lượng CTR sinh hoạt ở các đô thị tăng nhanh đang là nguồn phát sinh gây ô nhiễm môi trường

 

     Chất thải rắn y tế: Lượng CTR y tế phát sinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế khoảng 450 tấn/ngày, trong đó có khoảng 47 - 50 tấn/ngày là chất thải y tế nguy hại (Bộ Y tế, 2017). CTR y tế ngày càng gia tăng ở hầu hết các địa phương do số lượng cơ sở y tế, giường bệnh và việc sử dụng các sản phẩm dùng một lần trong y tế tăng cao... Theo Bộ Y tế, năm 2017, 100% bệnh viện, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế thuê xử lý CTR y tế thông thường. Chất thải y tế phát sinh từ các cơ sở khám chữa bệnh ngoài sự quản lý của Bộ Y tế, phần lớn được thu gom và vận chuyển đến các khu vực lưu giữ, sau đó được xử lý tại các lò thiêu đốt nằm ngay trong cơ sở hoặc ký hợp đồng vận chuyển và xử lý với các cơ sở đã được cấp phép.

     Công nghệ xử lý, tái chế

     Công nghệ xử lý, tái chế CTR được xác định dựa trên thành phần, tính chất, khối lượng phát sinh CTR, điều kiện cụ thể của từng địa phương và đảm bảo theo nguyên tắc 3RVE: (giảm thiểu), (sử dụng lại), (tái sinh, tái chế).Đối với CTR sinh hoạt và CTR công nghiệp thông thường, các phương thức xử lý như công nghệ ủ sinh học được áp dụng để chế biến phân compost, thu khí; phương thức chôn lấp truyền thống để chế biến khí, sản xuất phân compost; ngoài ra còn áp dụng phương thức đốt (có hoặc không thu hồi năng lượng)... Hiện nay đã có 5 công nghệ xử lý CTR đã được Bộ Xây dựng công nhận, gồm: 2 công nghệ ủ sinh học làm phân hữu cơ (Seraphin và Ansinh-ASC); 1 Công nghệ MBT-CD.08 (Tạo viên nhiên liệu RDF); 2 công nghệ đốt (công nghệ ENVIC và BD-ANPHA).

     Tuy nhiên, việc xử lý CTR từ hoạt động sản xuất đặc thù còn gặp rất nhiều khó khăn. Những năm gần đây, tro, xỉ, than từ các nhà máy nhiệt điện, xỉ thải từ các nhà máy luyện thép đã được tái chế để làm gạch không nung, phụ gia bê tông, phụ gia xi măng nhưng trên thực tế, lượng xỉ thải phần lớn vẫn được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, phát sinh hàng loạt vấn đề ô nhiễm môi trường.

   Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với CTR

     Trong những năm qua, công tác quản lý CTR luôn được quan tâm, chú trọng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, pháp luật về quản lý CTR như Luật BVMT năm 2014; Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 và các văn bản dưới luật như Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ phê duyệt về quản lý chất thải và các Thông tư hướng dẫn.

     Hệ thống chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CTR liên tục được điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR theo Quyết định số 419/QĐ-TTg. Theo đó, quản lý tổng hợp CTR là kết hợp các phương pháp theo tiếp cận tổng thể để quản lý chất thải trong toàn bộ vòng đời chất thải từ khi phát sinh đến xử lý cuối cùng; được thực hiện liên vùng, liên ngành, đảm bảo sự tối ưu về kinh tế, kỹ thuật, an toàn về xã hội và môi trường.

     Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức trong quản lý CTR đã dần đi vào nề nếp. Đối với lĩnh vực quản lý CTR thông thường về cơ bản đã được phân định khá rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành trong Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, Nghị định số 59/2007/NĐ-CP, Nghị định số 80/2014/NĐ-CP. Đối với việc phân cấp quản lý CTR ở địa phương, theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, Chính phủ giao cho UBND cấp tỉnh phân công, phân cấp trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn (Sở Xây dựng hoặc giao cho Sở TN&MT) chủ trì quản lý.

     Về công tác quy hoạch xử lý CTR, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng khu xử lý CTR của 4 vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ)Bắc bộ, miền Trung, phía Namvà vùng đồng bằng sông Cửu Long, với 8 khu xử lý CTR liên vùng, liên tỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc xây dựng mô hình xử lý CTR liên vùng, liên tỉnh không phù hợp với công tác quản lý CTR đô thị, mà chỉ phù hợp với công tác quản lý chất thải nguy hại. Tháng 10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch quản lý CTR vùng KTTĐ Bắc bộ đến năm 2030. Theo đó, đối với vùng KTTĐ Bắc Bộ, đã có điều chỉnh quy hoạch dựa trên tình hình thực tế, chỉ quy hoạch cấp liên vùng tỉnh đối với CTNH.Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều đã lập và phê duyệt Quy hoạch quản lý CTR trên địa bàn quản lý. Đây là một bước tiến lớn so với giai đoạn trước.

     Công tác đầu tư tài chính cũng được tăng cường, một số địa phương đã có những dự án lớn sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn vốn ngân sách hay nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để thực hiện các dự án phân loại rác từ nguồn, thu gom và xử lý CTR với công nghệ hiện đại. Nhà nước cũng khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư, xây dựng cơ sở xử lý chất thải, các công trình phụ trợ thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Ngoài ra, nguồn huy động vốn từ Quỹ BVMT Việt Nam cũng được kể đến như một nguồn đầu tư quan trọng hỗ trợ cho các dự án về xử lý chất thải.

     Mặc dù, nguồn tài chính đầu tư khá đa dạng, tuy nhiên còn chưa cân đối giữa các lĩnh vực. Cơ cấu phân bổ ngân sách đang dành phần lớn cho hoạt động thu gom và vận chuyển chất thải, chi phí dành cho xử lý, tiêu hủy chất thải rất thấp. Việc huy động nguồn lực theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm trả tiền” chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt đối với CTR sinh hoạt hay CTR từ khu vực nông nghiệp, làng nghề.

     Bên cạnh việc nâng cao thể chế, chính sách, khoa học công nghệ, tài chính, để quản lý CTR hiệu quả, một số giải pháp cũng được đề ra như:

     Đối với CTR sinh hoạt:Xây dựng kế hoạch và từng bước triển khai có hiệu quả phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn; Tiếp tục nghiên cứu các công nghệ xử lý CTR phù hợp với điều kiện Việt Nam nhằm tái sử dụng, tái chế, xử lý thu hồi năng lượng, hạn chế tối đa lượng CTR phải chôn lấp; Nhân rộng mô hình các khu xử lý CTR có huy động sự tham gia của các doanh nghiệp được cấp phép, cung cấp dịch vụ xử lý CTR cho các địa phương lân cận để nâng cao hiệu quả xử lý chất thải cũng như bảo đảm quản lý vận hành ổn định; Hoàn thành việc xử lý, đóng cửa các bãi chô lấp CTR sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường theo quy định; Huy động mọi nguồn vốn đầu tư, tăng cường xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý CTR, giảm dần hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước; tiến tới thực hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh CTR sinh hoạt phải trả toàn bộ chi phí cho dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý; hộ gia đình, cá nhân phải trả toàn bộ chi phí thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt và một phần chi phí xử lý.

     CTR công nghiệp:Triển khai thực hiện phân loại CTR công nghiệp đối với tất cả các cơ sở sản xuất theo 3 nhóm: nhóm tái sử dụng tái chế là nguyên liệu sản xuất, nhóm tái sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng và nhóm phải xử lý; Đảm bảo tái sử dụng, tái chế tối đa CTR công nghiệp, tận thu năng lượng trong quá trình xử lý, hạn chế chôn lấp; Đẩy mạnh triển khai sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất, hạn chế phát thải chất thải; Xây dựng quy định, hướng dẫn kỹ thuật và lộ trình kiểm toán chất thải.

     CTR y tế: Thực hiện việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định và đảm bảo quy chuẩn môi trường; tăng cường tái chế đối với nhóm chất thải có khả năng tái chế và không chứa yếu tố lây hiễm, không thải ra từ phòng cách ly; Tăng cường năng lực cho các cơ sở xử lý chất thải để xử lý đa dạng các loại chất thải y tế.

     CTR Xây dựng: Quản lý và kiểm soát từ nguồn phát thải đến khi xử lý. Tăng cường nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tái chế, tái sử dụng CTR xây dựng.

 

Lê Hoàng Anh, Mạc Thị Minh Trà, Nguyễn Thị Bích Loan

Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc - Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2018)

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn