Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Hà Giang thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

10/05/2016

   Xác định được tầm quan trọng của công tác BVMT và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), trong những năm qua Sở TN&MT Hà Giang đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Hà Giang thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường và chủ động ứng phó với BĐKH.

Hội thảo “Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Hà Giang” năm 2015

   Theo đó, Sở TN&MT đã cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BVMT và chủ động ứng phó với BĐKH phù hợp với điều kiện của tỉnh Hà Giang. Trong giai đoạn 2010 - 2015, Sở TN&MT đã tham mưu các chương trình, kế hoạch và văn bản quy phạm pháp luật (1 chương trình hành động của Ban chấp hành Tỉnh ủy; 2 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; 5 kế hoạch và 2 quyết định của UBND tỉnh). Các chương trình, kế hoạch và văn bản quy phạm pháp luật được ban hành kịp thời là căn cứ để các cấp, các ngành của tỉnh triển khai thực hiện các hoạt động BVMT và chủ động ứng phó với BĐKH.

   Nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác BVMT, chủ động ứng phó với BĐKH, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh Hà Giang tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng như: hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường; Ngày Quốc tế đa dạng sinh học; Ngày Môi trường thế giới; Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; Xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về BVMT, ứng phó với BĐKH trên Đài Phát thanh truyền hình và báo Hà Giang; Xây dựng và phát hành sổ tay tuyên truyền về ứng phó với BĐKH và BVMT chuyển đến tất cả các chi bộ trên địa bàn toàn tỉnh làm tài liệu học tập trong các buổi sinh hoạt; Hỗ trợ xây dựng hương ước, quy ước BVMT tại các thôn bản trong đó tập trung triển khai tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới.

   Công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và xác nhận bản cam kết BVMT được tăng cường nhằm loại bỏ những dự án có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi trường và xác định rõ những nhiệm vụ của chủ dự án phải thực hiện đối với công tác BVMT, đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh quy trình thẩm định theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính (giảm 1/3 thời gian thực hiện). Trong giai đoạn 2010 - 2015, Sở TN&MT tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt 107 báo cáo ĐTM, 6 đề án BVMT chi tiết, 31 dự án/đề án cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản. UBND các huyện, thành phố đã tổ chức đăng ký 944 bản cam kết BVMT, 87 đề án BVMT đơn giản.

   Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật BVMT được tăng cường, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm. Hàng năm, Sở TN&MT chủ trì phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức kiểm tra, thanh tra liên ngành và chuyên ngành về công tác BVMT tại các cơ sở sản xuất kinh doanh. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật về BVMT để xử lý theo quy định. Yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc pháp luật về BVMT, thực hiện các giải pháp BVMT theo nội dung đã cam kết trong báo cáo ĐTM, bản cam kết BVMT.

   Chất lượng các thành phần môi trường trên địa bàn tỉnh được duy trì và nằm trong giới hạn cho phép, hằng năm thực hiện quan trắc hiện trạng môi trường 2 đợt trên địa bàn toàn tỉnh. Để xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, Sở TN&MT đã phối hợp với các ngành, UBND các huyện tiến hành rà soát, thống kê, lập danh sách và xác định thời gian hoàn thành xử lý 20 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc lĩnh vực công ích trên địa bàn (các bãi xử lý rác thải, hệ thống xử lý nước thải các bệnh viện đa khoa), đã và đang triển khai xử lý đối với 12/20 cơ sở góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ do các cơ sở công ích gây ra. Công tác thu gom rác thải tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã dần đi vào nề nếp, lượng rác thải sinh hoạt thu gom tại khu vực đô thị không ngừng tăng qua các năm và đạt trên 90%. Tuy nhiên, lượng rác thải sau khi thu gom chưa được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn do khó khăn về kinh phí. Sở TN&MT đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm tại các bãi rác và ưu tiên nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng các bãi xử lý rác thải đảm bảo tiêu chuẩn. Đến nay đã và đang triển khai nâng cấp, cải tạo tại 5 bãi xử lý rác.

   Để chủ động ứng phó với BĐKH, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Hà Giang, trong đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp chủ động ứng phó với BĐKH và xác định 11 dự án ưu tiên để triển khai thực hiện thông qua việc lồng ghép với các chương trình dự án như: Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, chương trình 30a tại các huyện đặc biệt khó khăn, chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, biên giới, di cư tự do, khu rừng đặc dụng... Qua việc lồng ghép đã huy động được nguồn lực để đầu tư cho các công trình phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH như: Xây dựng các công trình thủy lợi, hồ chứa nước, kè chống sạt lở...; Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói giám nghèo; Trồng và khoanh nuôi bảo vệ rừng; Xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; quy hoạch phân bổ tài nguyên nước.

   Tiến hành điều tra, thống kê và lập danh sách các điểm có nguy cơ xảy ra tai biến báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để thông báo cho UBND các huyện chủ động cắm biển cảnh báo 99 điểm sạt lở cao và 289 điểm có nguy cơ sạt lở cho nhân dân biết, 20 khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và có biện pháp phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tỉnh Hà Giang thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm chủ động ứng phó với BĐKH và BVMT

   Để tiếp tục triển khai công tác BVMT và chủ động ứng phó với BĐKH đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Trong thời gian tới, Sở TN&MT tập trung triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm:

   Triển khai Luật BVMT năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đảm bảo đưa những nội dung của Luật vào cuộc sống. Chủ động tham mưu ban hành các văn bản để cụ thể hóa Luật BVMT phù hợp với điều kiện của tỉnh.

   Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và tăng cường năng lực cho công tác BVMT và ứng phó với BĐKH. Nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về TN&MT đặc biệt là tại cấp cơ sở. Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT, ứng phó với BĐKH. Lồng ghép công tác BVMT vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

   Tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính đảm bảo chất lượng và đúng thời gian quy định góp phần tạo môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, nhất là trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.

   Huy động các nguồn lực của địa phương và sự hỗ trợ của Trung ương để đầu tư cho công tác BVMT, chủ động ứng phó với BĐKH, đặc biệt là trong quá trình triển khai thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở công ích, các dự án ứng phó với BĐKH. Chủ động báo cáo và xin ý kiến của Bộ TN&MT các đơn vị chức năng để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật BVMT năm 2014 và cập nhật kịch bản ứng phó với BĐKH.

Đỗ Thái Hòa

Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Giang

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2016)

Ý kiến của bạn