Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Gấp rút xác định nguồn gây ô nhiễm

25/04/2016

     Các cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc làm rõ nguyên nhân gây nên tình trạng cá chết hàng loạt tại bờ biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT, ngày 20/4/2016, Tổng cục Môi trường cùng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam cũng đã tổ chức đoàn công tác trực tiếp vào khảo sát lấy mẫu. Chiều cùng ngày, đoàn đã lấy mẫu tại Vũng Áng. Đó là trao đổi của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng với PV báo TN&MT.

     PV: Những khu vực nào tiếp theo dự kiến sẽ được lấy mẫu, thưa ông?

     Ông Hoàng Dương Tùng: Việc lấy mẫu không dễ, bởi đại dương rất phức tạp, khi lấy mẫu còn phải kết hợp xem hải văn như thế nào, nguồn nào ô nhiễm, có khả năng ô nhiễm? Hiện tượng cá chết này rất bất thường, vì cá chết có cả cá nuôi trong lồng, cá tự nhiên tầng mặt và tầng đáy. Ví dụ ở Quảng Trị, theo báo cáo, cá chết cách bờ tới 15 hải lý, trong khi đặc điểm vùng biển này là bãi ngang, tức sóng đánh vuông góc với bờ. Vậy nên xác định nguồn ô nhiễm từ đâu không phải đơn giản. Về vấn đề này, Bộ trưởng đã chỉ đạo Tổng cục Biển và hải đảo nghiên cứu các dòng hải lưu để tìm xem nguyên nhân nào khiến cá chết như vậy.

     PV: Một số Sở, ngành ở các địa phương cho rằng, dưới tác động của dòng hải lưu Bắc cực - Xích đạo, nên nguồn nước ô nhiễm ở Hà Tĩnh bị đẩy vào dọc bờ biển phía Nam gây nên hiện tượng cá chết ven biển Quảng Bình từ bắc vào nam theo thời gian. Liệu nghi ngờ này có cơ sở không, thưa ông?

     Ông Hoàng Dương Tùng: Tại mỗi vùng biển, hiện tượng cá chết khác nhau nên việc xác định nguyên nhân trong vùng biển cũng phải thận trọng, cần có cơ sở khoa học. Các nhà khoa học và quản lý đang tìm hiểu nguyên nhân nên chúng tôi không thể nói trước điều gì. Chúng ta nên có thời gian để xác định chính xác hơn.

 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng

 

     PV: Cá chết lần này là những loài sống rất khỏe như cá mú, cá hồng… Điều này dấy lên mối lo ngại về chất cực độc bị xả ra làm ô nhiễm nghiêm trọng, đi xuống tầng sâu, ông nghĩ thế nào về những điều dư luận đang lo ngại?

     Ông Hoàng Dương Tùng: Tôi nghĩ dư luận cần bình tĩnh. Tất nhiên, cá chết là có nguyên nhân chứ không phải tự nhiên chết. Đầu tiên là cá nuôi lồng của 14 hộ nuôi cá bè với 18 lồng nuôi các loại (cá như cá hồng, cá bớp, cá giò, cá mú, cá chẽm, cá hồng mỹ) trên vùng biển Vũng Áng thuộc địa bàn thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã bị chết hàng loạt, sau đó là cá tự nhiên trên biển chết nhiều, trôi dạt vào bờ khiến dư luận hoang mang, đặt ra nhiều giả thiết. Tuy nhiên, biển không giống như sông, nếu cá nuôi lồng ở sông, chỉ cần phát hiện sự ảnh hưởng về độ PH, ô xy hòa tan là tìm ra nguyên nhân cá chết hàng loạt.

     Còn ở đại dương cá chết có thể là do sức ép của âm thanh, sóng, động đất. Ngoài ra, trên biển các luồng hải văn rất phức tạp, việc phát hiện luồng đi của nguồn thải ô nhiễm không dễ. Vì vậy, xác định nguyên nhân gây chết cá trên biển khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên, với khoa học công nghệ hiện nay, chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ sớm tìm ra nguyên nhân để có những giải pháp xử lý kịp thời.

     PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

PV (Theo Monre)

Ý kiến của bạn