Banner trang chủ

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Khắc phục những bất cập, khó khăn trong quản lý chất lượng không khí

14/07/2020

    Trong những năm qua, quá trình phát triển kinh tế - xã hội một mặt đã tạo được động lực mới cho quá trình đổi mới và hội nhập của Việt Nam, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần quan trọng nâng tầm thế và lực cho Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, mặt khác Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, ô nhiễm môi trường, bao gồm ô nhiễm môi trường không khí (MTKK) trong giai đoạn hội nhập và phát triển.

    Ô nhiễm không khí (ÔNKK) không chỉ là vấn đề của các đô thị phát triển, khu, cụm công nghiệp… mà đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. ÔNKK được xem là một trong những mối nguy cơ tác động nghiêm trọng đến chất lượng môi trường và  sức khỏe cộng đồng. Với quan điểm đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân, Luật BVMT đang được sửa đổi, bổ sung các quy định hướng đến việc khắc phục những bất cập hiện nay trong công tác quản lý và bảo vệ các thành phần môi trường, trong đó có chất lượng không khí.

Thực trạng ÔNKK ở Việt Nam

   Vấn đề ÔNKK, đặc biệt là ô nhiễm bụi lơ lửng tổng số (TSP), bụi mịn (PM10, PM2.5) đang trở thành thách thức lớn đối với công tác quản lý môi trường của các chính quyền đô thị, đặc biệt là tại các TP lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đây là xu thế chung của các nước đang phát triển và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Với mức độ tăng trưởng nhanh trong thời gian gần đây, nguồn phát sinh khí thải từ các hoạt động giao thông vận tải, các khu công nghiệp và các làng nghề, các hoạt động phát triển đô thị, nông thôn và đốt ngoài trời đang có xu hướng gia tăng, đòi hỏi sự quan tâm và quản lý đồng bộ của các cấp, ngành và đặc biệt là chính quyền các địa phương.

   Theo kết quả quan trắc của 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn TP. Hà Nội (1 trạm của Tổng cục Môi trường  tại số 556 Nguyễn Văn Cừ, 10 trạm của TP. Hà Nội, 1 trạm của Đại sứ quán Pháp và 1 trạm của Sứ quán Mỹ), vào một số thời điểm cuối năm, chất lượng không khí đánh giá theo xu hướng biến động của PM10 và PM2.5, dẫn đến biến động về chỉ số chất lượng không khí (AQI), chỉ số AQI tăng cao mang tính cục bộ tại một số khu vực. Kết quả quan trắc của Sở TN&MT và trạm quan trắc tự động của Lãnh sự quán Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 trong không khí có sự gia tăng mạnh do hiện tượng nghịch nhiệt, sương mù quang hóa. Tuy nhiên, trong phần lớn thời gian, giá trị nồng độ bụi PM2.5 trên địa bàn Thành phố vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT.

   So sánh số liệu của 15 trạm quan trắc tự động do Đại sứ quán/Lãnh sự quán Mỹ lắp đặt tại các thành phố của một số nước châu Á trong giai đoạn 2016 -2018, cho thấy, chất lượng không khí tại TP. Hà Nội năm 2016, 2017 đứng thứ 10 trên 15 thành phố châu Á, trong đó số 1 là mức ô nhiễm không khí cao nhất); năm 2018, chất lượng không khí thành phố Hà Nội cải thiện một bậc, đứng ở vị trí 11/15. Trong khi đó, chất lượng không khí tại TP. Hồ Chí Minh cả 3 năm từ 2016 -2018 được xếp 15/15, ở mức tốt nhất trong số 15 thành phố mà Đại sứ quán Mỹ đặt thiết bị quan trắc. Trong 4 tháng đầu năm 2020, Hà Nội có 47,3% số ngày có giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ vượt giới hạn quy chuẩn cho phép; trong đó có những ngày ô nhiễm ở mức khá cao (ngày 14/1, 2/2, 20/2 và 16/3), giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ vượt từ 2 - 3,4 lần giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. Trong khoảng thời gian từ 20/3 đến nay, trong đó có khoảng thời gian thực hiện cách ly xã hội, chất lượng không khí tại Thủ đô Hà Nội có xu hướng tốt hơn thời gian trước, tuy nhiên, do chịu tác động của thời tiết nên trong một số ngày vẫn có những sự biến động. Qua theo dõi cho thấy, số lượng phương tiện giao thông đường bộ trong nội đô sau thời điểm cách ly xã hội tăng hơn những ngày trước đó, giá trị PM2.5 cũng bắt đầu có xu hướng tăng lên.

    Như vậy, có thể nhận định vấn đề ÔNKK tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh nói riêng và các đô thị trong toàn quốc chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5. Các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) vẫn trong ngưỡng cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. Bụi PM2.5 và chỉ số AQI ở mức xấu hơn trong thời điểm đêm và sáng sớm, khi điều kiện thời tiết khí hậu (hiện tượng nghịch nhiệt) bất lợi kết hợp với các nguồn ô nhiễm vốn có từ các hoạt động dân sinh, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, phát triển đô thị, nông thôn và hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch... Thời gian còn lại trong ngày khi có thay đổi về điều kiện thời tiết, vấn đề ONKK do các thông số này sẽ giảm đi. Các nguồn chính gây ÔNKK  bao gồm khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông, trong đó có nhiều phương tiện cũ, đặc biệt là xe mô tô 2 bánh và xe gắn máy, không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải; khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch chưa xử lý đạt QCVN; hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông do chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn bụi; phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, không rửa xe trước khi ra khỏi công trường; hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác trong đó có cả chất thải không đúng quy định tại một số địa phương; sử dụng số lượng lớn than và bếp than tổ ong để đun nấu trong sinh hoạt hàng ngày cũng như để kinh doanh. Ngoài ra, MTKK còn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu trong thời điểm giao mùa, khi xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt.

Phân công, quy định rõ trách nhiệm quản lý chất lượng MTKK trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi)

    Trước diễn biến tình hình ÔNKK, trong thời gian gần đây, Bộ TN&MT đã có nhiều văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP, Bộ/ngành có liên quan triển khai tích cực các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu ÔNKK tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để cải thiện chất lượng không khí đô thị.

   Đặc biệt, Bộ TN&MT cũng đang khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiệncác quy định về bảo vệ môi trường không khí trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi). Theo đó, các nội dung về BVMT không khí được quy định thành mục riêng trong chương 2 của Dự thảo, trong đó, chú trọng phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường; thiết lập các hàng rào kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường, tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới, quy định chi tiết về các nội dung BVMT không khí như: Chất lượng không khí phải được quan trắc, giám sát, cảnh báo kịp thời và công bố định kỳ theo quy định; đồng thời các nguồn thải khí thải tác động xấu đến môi trường phải được giảm thiểu xử lý bởi các tổ chức, cá nhân liên quan, bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Các nguồn ô nhiễm MTKK xuyên biên giới, liên tỉnh, nguồn khí thải lớn, khí thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát; Việc quản lý chất lượng MTKK được thực hiện theo quy định của pháp luật và kế hoạch quản lý chất lượng không khí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Kế hoạch quản lý chất lượng không khí là cơ sở để UBND cấp tỉnh đánh giá công tác quản lý, chất lượng MTKK.

    Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) bổ sung một số quy định mới, cụ thể như: Nêu rõ “Việc quản lý chất lượng MTKK được thực hiện theo quy định của pháp luật và kế hoạch quản lý chất lượng không khí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành”; Quy định UBND các tỉnh, TP xây dựng và thực hiện “Kế hoạch quản lý chất lượng không khí của địa phương” với các nội dung cụ thể trên cơ sở “Hướng dẫn kỹ thuật về lập kế hoạch quản lý chất lượng không khí” của Bộ TN&MT. Cụ thể, các địa phương phải thực hiện các công việc gồm: Đánh giá chất lượng không khí; Xác định quan điểm, mục tiêu quản lý chất lượng không khí; Đánh giá hiện trạng quản lý chất lượng không khí bao gồm quan trắc chất lượng không khí, xác định và đánh giá các nguồn phát thải khí thải chính, kiểm kê phát thải, mô hình hóa chất lượng không khí, tổ chức nhân sự, nguồn lực, thanh tra, kiểm tra; Đánh giá ảnh hưởng của ÔNKK đến sức khỏe cộng đồng; Phân tích, nhận định các nguyên nhân gây ÔNKK vấn đề còn tồn tại; Xem xét, đánh giá, phân tích chi phí lợi ích của các giải pháp quản lý chất lượng không khí, từ đó xác định giải pháp ưu tiên thực hiện.

    Cùng với đó, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) cũng đã quy định, phân công rất rõ trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện; chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng.

    Bộ TN&MT là đầu mối thống nhất quản lý công tác bảo vệ môi trường, quản lý các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước; chủ trì tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng MTKK; chủ trì xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với các nguồn thải, bao gồm các nguồn khí thải gây ô nhiễm môi trường.

    Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thực hiện các hoạt động phòng ngừa, kiểm tra, giám sát, xử lý các nguồn bụi, khí thải gây ÔNKK, quản lý chất lượng MTKK trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý (được quy định chi tiết tại các văn bản hướng dẫn và các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).

    UBND cấp tỉnh xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng MTKK của địa phương và tổ chức triển khai thực hiện; chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng MTKK bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn quản lý.

    Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm MTKK có trách nhiệm khắc phục, xử lý bảo đảm chất lượng MTKK theo quy định.

    Bên cạnh các công cụ pháp lý, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường là một trong những công cụ chính để quản lý chất lượng môi trường không khí, kiểm soát ô nhiễm không khí do nguồn thải phát sinh các từ hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định trách nhiệm của Bộ TN&MT là cơ quan chủ trì xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với các nguồn thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn). Đồng thời, điểm b Khoản 2 Điều 113 Luật BVMT năm 2014 quy định “Nhóm quy chuẩn kỹ thuật về khí thải của các nguồn di động và cố định” thuộc hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường mà Bộ TN&MT được giao thẩm quyền xây dựng và ban hành theo quy định tại Khoản 2 Điều 118 của Luật này. Như vậy, hiện nay Bộ TN&MT là cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng và ban hành hệ thống quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng MTKK, khí thải sản xuất công nghiệp, lò đốt chất thải cũng như các quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với nguồn thải từ phương tiện giao thông vận tải, để đảm bảo phân công 1 cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong công tác kiểm soát các nguồn khí thải và quản lý, cải thiện chất lượng MTKK.

    Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường về kiểm soát ÔNKK, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ TN&MT trong việc xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khí thải đối với các nguồn di động và cố định, thuộc nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với các nguồn thải để đạt hiệu quả trong quản lý.

   Có thể nói, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã được bổ sung, hoàn thiện theo hướng thể chế hóa kịp thời nhiều chủ trương mới của Đảng, Nhà nước liên quan đến BVMT, tiếp cận hài hòa với luật quốc tế, đề xuất sửa đổi nhiều nội dung về quản lý chất lượng môi trường phù hợp với tình hình thực tiễn, hướng tới bảo vệ sức khỏe người dân. Đặc biệt, đối với vấn đề ÔNKK, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) cũng đưa ra những quy định mới để giải quyết những vấn đề bất cập, khó khăn trong quản lý chất lượng môi trường không khí, các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp ÔNKK nghiêm trọng. Đây là những quy định hứa hẹn sẽ đem lại chuyển biến tích cực trong công tác quản lý môi trường nói chung, quản lý môi trường không khí nói riêng, góp phần phát triển bền vững đất nước.

 

Lê Hoài Nam

Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2020)

Ý kiến của bạn