Banner trang chủ

Công tác khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng

02/04/2020

     Nghị quyết số 19/2011/QH13 ngày 26/11/2011 của Quốc hội về kết quả giám sát và đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề đã xác định trách nhiệm của Chính phủ “về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, trong đó trọng tâm là xử lý ô nhiễm môi trường (ÔNMT) làng nghề”. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT, xác định nhiệm vụ “tập trung khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường nông thôn, làng nghề” với 12 nhóm hoạt động cụ thể và thiết thực.

     Đặc biệt, Đề án BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành (tại Quyết định số 577/QĐ-TTg ngày 11/4/2013), trong đó, mục tiêu cụ thể là xử lý triệt để ô nhiễm tại 47 làng nghề ÔNMT đặc biệt nghiêm trọng được Bộ TN&MT xác định và công bố trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá và thống nhất với các địa phương. 47 làng nghề ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng (ÔNĐBNT) được phân bố tại 19 tỉnh, thành phố trên cả nước thuộc các loại hình như sau: Chế biến nông sản, thực phẩm (17 làng nghề); dệt nhuộm, thuộc da (5 làng nghề); sản xuất, tái chế phế liệu (8 làng nghề); sản xuất, chăn nuôi, giết mổ (2 làng nghề); sản xuất thủ công mỹ nghệ (5 làng nghề); sản xuất, chế tác kim loại và cơ kim khí (9 làng nghề); sản xuất vật liệu xây dựng (1 làng nghề). Trong tổng số 47 làng nghề ÔNĐBNT, khu vực miền Bắc có số lượng các làng nghề lớn nhất cả nước, với 36 làng nghề (chiếm 77%), khu vực miền Trung có 8 làng nghề (chiếm 17%) và khu vực miền Nam có 3 làng nghề (chiếm 6%).

 

Biểu đồ phân bố các làng nghề ÔNNT

 

  1. Quá trình triển khai thực hiện

     Để triển khai thực hiện nội dung trên, Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015 (ban hành theo Quyết định số 1206/QĐ-TTg ngày 2/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ) đã tập trung nguồn lực từ ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn tài chính khác để triển khai thực hiện. Theo đó, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ triển khai 11/47 tiểu dự án làng nghề tại 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhìn chung, các địa phương đã nỗ lực trong khảo sát thiết kế, xây dựng hồ sơ dự án để trình phê duyệt và tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, chỉ có 2 tiểu dự án của tỉnh Thừa Thiên - Huế cơ bản hoàn thành, 9/11 tiểu dự án đang tiếp tục triển khai.

     Giai đoạn sau năm 2015, theo chỉ đạo của Quốc hội về việc kết hợp các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với các làng nghề bị ÔNĐBNT được chuyển giao tích hợp vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (tại nội dung thứ 3 của Hợp phần 8, Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Việc tích hợp và triển khai thực hiện nội dung về “khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ÔNĐBNT” (sau đổi thành nội dung “khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng (ÔNNT) theo Quyết định số 1760/QĐ-TTg ngày 10/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1600/QĐ-TTg).

     Thực hiện sự phân công của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg, trong những năm qua, ngay từ giai đoạn đầu khi triển khai thực hiện, Bộ TN&MT đã đôn đốc, hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch, bố trí nguồn lực triển khai thực hiện và ban hành nhiều văn bản, trực tiếp đến làm việc, định hướng cho công tác xử lý ô nhiễm tại các khu vực đã được xác định. Đồng thời, Bộ đã tiến hành điều tra, đánh giá, xác định phạm vi, mức độ ÔNMT tại các làng nghề bị ÔNMT nghiêm trọng; xây dựng phương án, hướng dẫn kỹ thuật, giải pháp xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề; hỗ trợ xây dựng một số mô hình làng nghề kết hợp với du lịch văn hóa, vừa tôn vinh giá trị của các ngành nghề truyền thống, vừa khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm và tăng thu nhập, nâng cao ý thức về giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường như làng nghề đúc đồng Phước Kiều (Quảng Nam)...; tích cực nghiên cứu, xây dựng, chuyển giao và có biện pháp nhân rộng một số mô hình quản lý, xử lý chất thải làng nghề, góp phần cải thiện tình trạng ÔNMT tại một số địa phương như: Công nghệ hầm biogas xử lý chất thải đối với các làng nghề chăn nuôi, giết mổ gia súc; xử lý khí thải của lò đúc nhôm làng nghề cơ khí đúc Bình Yên (Nam Định); sử dụng thực vật thủy sinh kèm chế phẩm sinh học khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường nước ao tại làng nghề giết mổ gia súc Phúc Lâm (Bắc Giang); xử lý đất ô nhiễm chì tại làng nghề tái chế chì Đông Mai (Hưng Yên)...

     Bên cạnh các hình thức hỗ trợ, Bộ TN&MT cũng đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra tình hình thực hiện công tác BVMT làng nghề tại các địa phương, tập trung vào những địa phương có nhiều làng nghề ÔNNT và bức xúc trong công tác BVMT để có giải pháp chỉ đạo kịp thời, phù hợp. Qua đó, công tác kiểm tra, giám sát về làng nghề đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc chỉ đạo, điều hành, tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện BVMT làng nghề tại các địa phương.

     Song hành với các công cụ kỹ thuật, chính sách, kiểm tra nêu trên, xác định nhiệm vụ khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường làng nghề phải được xuất phát từ nhu cầu thiết yếu của người dân và trách nhiệm từ các cấp chính quyền địa phương cơ sở, Bộ TN&MT đã ban hành, tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong việc triển khai thực hiện quy định về BVMT làng nghề bằng nhiều công cụ tuyên tuyền như tổ chức hội thảo, hội nghị tập huấn; sổ tay hướng dẫn; tờ rơi, pano, áp phích...

     2. Một số kết quả bước đầu về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ÔNMT

     Về kết quả thực hiện công tác khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, tính đến thời điểm hết năm 2015, con số thống kê từ ngân sách Trung ương cho thấy, Trung ương đã hỗ trợ triển khai 11/47 dự án làng nghề tại 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng kinh phí là 245 tỷ đồng bao gồm các làng nghề tại các tỉnh: Bắc Giang (1 dự án), Bắc Ninh (1 dự án), Hà Nam (1 dự án), Thái Bình (1 dự án), Ninh Bình (1 dự án), Thừa Thiên - Huế (2 dự án), Hải Phòng (2 dự án), Nam Định (1 dự án) và Bến Tre (1 dự án). Trong đó, chỉ có 2 dự án của tỉnh Thừa Thiên - Huế cơ bản hoàn thành việc xử lý ô nhiễm, 9/11 dự án cho đến nay vẫn đang tiếp tục triển khai thực hiện do chưa được cấp đủ vốn, khó khăn trong triển khai đấu nối và huy động vốn đối ứng của người dân... 2/47 làng nghề (chiếm 4%) đã được đầu tư trực tiếp để xử lý ô nhiễm và cơ bản hoàn thành việc thực hiện các dự án khắc phục ô nhiễm, hiện không còn tình trạng ô nhiễm, đó là: Làng nghề bún Vân Cù và làng nghề bún Ô Sa, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đối với các làng nghề này, cần đưa ra khỏi danh mục các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng và có chính sách hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất tại các làng nghề, khuyến khích ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường; huy động hiệu quả nguồn kinh phí để duy trì, vận hành các công trình BVMT tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

     Tính đến cuối năm 2019, trong số 45 làng nghề còn lại, có 24 làng nghề (chiếm 51%) đã có dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư triển khai thực hiện dự án nhưng chưa giải quyết triệt để tình trạng ÔNMT. Bên cạnh những làng nghề đang được tiếp tục đầu tư hoàn thành các hạng mục công trình BVMT (như làng nghề cơ khí đúc Bình Yên, Nam Định; làng nghề tái chế nhựa thôn Minh Khai, Hưng Yên), cũng phải kể đến một số dự án đầu tư không hiệu quả, một số hạng mục công trình BVMT (trạm xử lý nước thải tập trung, lò đốt chất thải rắn...) đã xuống cấp, hư hỏng, chi phí nâng cấp, cải tạo, vận hành xử lý nước thải lớn trong khi chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể (như tại làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng nghề tái chế nhựa Triều Khúc, TP. Hà Nội; làng nghề bánh bún Khắc Niệm, Bắc Ninh; làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, TP. Đà Nẵng; làng nghề cơ khí Vân Chàng, Nam Định; làng nghề giày da Nghĩa Hy, Hải Dương), hoặc có làng nghề được đầu tư các hạng mục công trình BVMT nhưng không đáp ứng đủ công suất xử lý (như làng nghề sản xuất giấy Phong Khê, làng nghề bánh bún Khắc Niệm, Bắc Ninh; làng nghề dệt nhuộm Phương La, Thái Bình).

     Một số làng nghề đã được đầu tư xây dựng và hoàn thành các hạng mục, công trình BVMT nhưng chưa vận hành do khó khăn trong việc đấu nối và huy động vốn đối ứng của người dân (như làng nghề nấu rượu làng Vân, Bắc Giang; làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng, Bến Tre; làng nghề tái chế nhựa thôn Minh Khai, Hưng Yên), hoặc do chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất di dời ra khỏi khu dân cư (như làng nghề giết mổ trâu bò Phúc Lâm, Bắc Giang), hoặc một số cơ sơ sản xuất đã di dời vào cụm công nghiệp, tuy nhiên, một số vẫn tập trung tại các khu vực trong làng nghề (như làng nghề dệt nhuộm Phương La, Thái Bình; làng nghề dệt nhuộm Nha Xá, Hà Nam) gây nên nguy cơ tái ô nhiễm rất cao nếu không kiểm soát chặt chẽ các cơ sở hình thành mới...

 

Làng nghề bún Vân Cù (Thừa Thiên - Huế)

 

     Ngoài ra, vẫn còn các làng nghề được phê duyệt dự án khắc phục ô nhiễm nhưng các hạng mục đầu tư của dự án chưa được xây dựng hoặc hoàn thiện do chưa được bố trí vốn hoặc cấp đủ kinh phí, bao gồm: Làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu làng Hồng Đô, Thanh Hóa; làng nghề đúc đồng Đại Bái, làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá, Bắc Ninh; làng nghề dệt nhuộm Nha Xá, Hà Nam; làng nghề cơ kim khí Rùa Hạ, Hà Nội; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm xã Vũ Hội, Thái Bình; làng nghề bún, bánh thị trấn Yên Ninh, Ninh Bình. Để giải quyết triệt để thực trạng của các làng nghề này, cần có các giải pháp cụ thể như: Ưu tiên và có kế hoạch phân bổ nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, vận hành các hạng mục, công trình BVMT tại làng nghề và các khu, CCN tập trung; có cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn xã hội hóa, thu hút các nguồn lực kinh tế ngoài ngân sách; cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ di dời các hộ gia đình, cá nhân, cơ sở sản xuất, hoặc các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm ra khu, CCN tập trung; đẩy nhanh tiến độ đấu nối nước thải của các hộ dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các cơ sở cố tình vi phạm pháp luật về BVMT; kiên quyết đình chỉ xả thải, đình chỉ sản xuất, rút giấy đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở không có công trình, thiết bị xử lý chất thải, hoặc có công trình xử lý chất thải nhưng không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường theo quy định. Đồng thời, quy hoạch, bố trí địa điểm để xây dựng khu, CCN tập trung (gần công trình hạ tầng về BVMT như: Khu xử lý nước thải tập trung...); vận động/cưỡng chế các cơ sở sản xuất di dời ra khỏi khu dân cư (đình chỉ hoạt động và có lộ trình tháo dỡ, di dời máy móc, thiết bị ra CCN; ngừng cung cấp điện...), hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất (định hướng ngành nghề chuyển đổi và hình thành các ngành nghề mới theo hướng thân thiện với môi trường); yêu cầu các cơ sở sản xuất đóng góp chi phí xử lý chất thải theo quy định; rà soát các làng nghề để đưa ra khỏi danh sách công nhận làng nghề nếu không đáp ứng quy định về tiêu chí công nhận làng nghề.

      Hiện nay, có 8/45 làng nghề (chiếm 17%) chưa có dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường nhưng do nhu cầu thị trường, do diễn biến dịch bệnh tả lợn Châu Phi vừa qua và sức ép từ các cơ quan chức năng, cộng đồng dân cư tại địa phương, cùng với tiến trình xây dựng nông thôn mới nên hầu hết các hộ sản xuất trong làng nghề đã chuyển đổi ngành nghề sản xuất, hoặc di dời vào khu sản xuất tập trung hoặc chấm dứt hoạt động và về cơ bản không còn tình trạng ô nhiễm (như làng nghề chế biến tinh bột mỳ xã Hoài Hảo, Bình Định; làng nghề sản xuất vôi hàu thị trấn Lăng Cô và làng nghề tinh bột sắn xã Lộc An, Thừa Thiên - Huế); một số làng nghề tự thu hẹp quy mô hoạt động, công nghệ sản xuất nên cơ bản giảm thiểu nguồn phát thải, chất lượng môi trường đã được cải thiện đáng kể (làng nghề bánh tráng chợ Lầu, Bình Thuận; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm kết hợp chăn nuôi Xuân Lôi, Hưng Yên; làng nghề tái chế nhựa Vô Hoạn, làng nghề miến, bánh đa thôn Phượng, Nam Định; làng nghề chế biến thủy sản xã Thụy Hải, tỉnh Thái Bình).

     Một số địa phương đã đề nghị xóa bỏ làng nghề khỏi danh sách làng nghề, nghề truyền thống, hoặc quy hoạch làng nghề do làng nghề có tỷ lệ hộ sản xuất thấp, không đảm bảo về quy mô số hộ làm nghề theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn là 20% (làng nghề chế biến thủy sản xã Thụy Hải, số hộ làm nghề chiếm 2,86%), do nghề thủ công đã dần mai một, chỉ còn rất ít hộ duy trì sản xuất nhỏ (làng nghề miến, bánh đa thôn Phượng) hoặc do yêu cầu chuyển đổi sang ngành nghề khác (làng nghề tái chế nhựa Vô Hoạn).

     Đối với 8 làng nghề này, việc đưa ra khỏi danh mục 47 làng nghề bị ÔNNT sẽ giúp các cơ quan quản lý tiếp tục có những định hướng đầu tư nguồn lực trong thời gian tới như tiến hành điều tra, đánh giá chất lượng môi trường để từ đó có phương án hỗ trợ xử lý, khắc phục ÔNMT tồn lưu tại làng nghề. Bên cạnh việc tiếp tục quản lý, kiểm soát chặt chẽ không để phát sinh các cơ sở sản xuất mới dẫn đến nguy cơ gây ÔNMT, các cơ sở sản xuất sau khi đưa ra khỏi danh sách làng nghề, làng nghề truyền thống phải tuân thủ các quy định về BVMT như đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định tại Điều 68 Luật BVMT năm 2014; hoặc các cơ sở không thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề (tái chế nhựa...) phải di dời ra khu, cụm công nghiệp tập trung, chuyển đổi ngành nghề sản xuất và thực hiện các biện pháp xử lý chất thải theo quy định (khoản 3 Điều 70 Luật BVMT năm 2014).

     Đến nay vẫn còn 13/45 làng nghề (chiếm 28%) chưa có dự án xử lý ÔNMT mặc dù một số làng nghề đã thực hiện biện pháp khắc phục ô nhiễm như di dời các cơ sở sản xuất vào cụm công nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ các hộ sản xuất đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải và khí thải (làng nghề mây tre đan thôn Yên Trường; làng nghề cơ khí đúc Mỹ Đồng...).

 

Nhà máy xử lý nước thải Phong Khê (Bắc Ninh)

 

     Đối với nhóm làng nghề chưa đầu tư dự án xử lý ÔNMT này, cần sớm có giải pháp như: Xác định mức độ ô nhiễm để có kế hoạch xử lý triệt để; ưu tiên phân bổ kinh phí đầu tư và thực hiện các dự án khắc phục ô nhiễm; khống chế quy mô, công suất hoạt động của các cơ sở; hình thành các khu sản xuất tập trung và di dời các cơ sở vào khu sản xuất tập trung; quản lý chặt chẽ các nguồn thải phát sinh...

     3. Nhận định, đánh giá chung và định hướng cho thời gian tới

     Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng cũng cần khẳng định, nhiệm vụ “khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ÔNNT” được các địa phương triển khai thực hiện chậm và chưa quyết liệt. Bên cạnh một số địa phương nỗ lực và triển khai thực hiện hiệu quả như Bình Định, Thừa Thiên - Huế, Nam Định..., còn nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm. Nguyên nhân có thể kể đến là do nguồn lực hạn chế, nên trong quá trình xây dựng nông thôn mới, hầu hết các địa phương ưu tiên đầu tư nguồn lực cho hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, các hạ tầng phát triển sản xuất...; ngay đối với lĩnh vực môi trường, hầu hết các địa phương ưu tiên nguồn lực cho thu gom và xử lý chất thải, sau đó đến hoàn thiện nâng cấp hệ thống thoát nước, hạ tầng về BVMT cho các CCN, làng nghề, trường học, bệnh viện, nhà vệ sinh cho các trung tâm thương mại, dịch vụ; việc xử lý ÔNMT cho các làng nghề (xử lý tồn tại) hầu như ít được quan tâm (cùng với công tác nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các nghĩa trang)…

     Để có những giải pháp quyết liệt, dài hạn hơn, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý làng nghề, góp phần thay đổi quan niệm quản lý về làng nghề (thực tế cho thấy, Bộ NN&PTNT - Bộ chủ quản về quản lý làng nghề và ngành nghề nông thôn, đã có những thay đổi thực sự mang tính cách mạng đối với công tác quản lý làng nghề, luôn song hành cùng Bộ TN&MT để loại bỏ những nhóm ngành nghề có nguy cơ gây ÔNMT cao như tái chế giấy, tái chế kim loại, tái chế nhựa, nhuộm, giết mổ gia súc...) ra khỏi nhóm những ngành nghề được xem xét, công nhận và tạo điều kiện phát triển. Hiện nay, có những làng nghề thực sự là làng nghề thủ công, truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tuy nhiên, cũng có nhiều làng nghề trước đây là thủ công truyền thống, nhưng nay đã được công nghiệp hóa với những thiết bị, máy móc công suất lớn, đặc biệt là những làng nghề tái chế kim loại, giấy, nhựa... Đây thực chất là các cơ sở sản xuất công nghiệp hình thành trong khu dân cư (“làng”), là một loại “làng nghề” trá hình, lấy danh nghĩa làng nghề để trốn tránh các nghĩa vụ đối với xã hội, các loại phí, thuế, lệ phí nói chung và BVMT nói riêng, trốn tránh các chế tài về BVMT. Đã đến lúc, phải kiên quyết loại bỏ các loại hình sản xuất này khỏi danh mục làng nghề, để đưa các hoạt động làng nghề vào đúng vị trí truyền thống của nó.

     Với những nhóm làng nghề đã được đầu tư ngân sách để xử lý ô nhiễm tại chỗ và tiếp tục tạo điều kiện cho các cơ sở hoạt động cần khống chế quy mô, công suất hoạt động của các cơ sở; khi hình thành vơ sở sản xuất lớn, nhất thiết phải di dời vào khu xử lý tập trung; kiểm soát từ nguyên liệu đầu vào bảo đảm không độc hại với con người và môi trường, đến quy trình sản xuất không phát sinh nhiệt, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng hay các thành phần ô nhiễm khác; quản lý chặt chẽ các nguồn thải phát sinh, áp dụng triệt để nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, không để tình trạng Nhà nước tiếp tục bao cấp cho các đối tượng gây ô nhiễm, dù là nhỏ.

     Đối với nhóm làng nghề chưa có công trình BVMT hoặc hiện đang có kế hoạch thu hẹp quy mô sản xuất để chuyển đổi sang ngành nghề khác, cần sớm có giải pháp, cụ thể: Định hướng ngành nghề chuyển đổi và hình thành các ngành nghề mới theo hướng thân thiện với môi trường (hỗ trợ đào tạo nghề và vay vốn chuyển đổi sản xuất); xác định mức độ ô nhiễm còn tồn lưu để có kế hoạch xử lý triệt để; hình thành các khu vực sản xuất tập trung thuận tiện cho việc hình thành các nghề mới; áp dụng tốt nguyên tắc bình đẳng giữa các đối tượng xả thải, áp dụng cơ chế hỗ trợ (khám sức khỏe định kỳ, giáo dục, văn hóa...) cho cộng đồng dân cư chịu tác động của ÔNMT.

     Bên cạnh đó, việc hình thành những làng nghề, khu vực sản xuất nghề mới bị ô nhiễm là điều không thể tránh khỏi, do đó, cần tiếp tục rà soát, đánh giá, phân loại, lập kế hoạch yêu cầu địa phương triển khai thực hiện các biện pháp xử lý, công khai thông tin trên các phương tiện đại chúng, đưa vào bộ chỉ số đánh giá phân hạng công tác BVMT đối với các địa phương và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ (UBND các tỉnh/thành phố) kiên quyết không công nhận các địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới khi vẫn còn có làng nghề bị ÔNNT.

 

Phan Thị Tố Uyên

Vụ Quản lý chất lượng Môi trường, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2020)

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn