Banner trang chủ

Đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên

02/04/2020

     Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019 của Chính phủ đối với nội dung thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn (CTR), ngày 29/05/2019, Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 1332/QĐ-BTNMT trong đó giao Cục BVMT miền Trung và Tây Nguyên, Tổng cục Môi trường triển khai nhiệm vụ “Đánh giá tình hình nguồn thải, phát sinh chất thải và công tác kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải”trên địa bàn 13 tỉnh, bao gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Còn thành phố Đà Nẵng là TP trực thuộc Trung ương nên do Đoàn Tổng cục Môi trường tổ chức kiểm tra. Kết quả kiểm tra, đánh giá về công tác quản lý CTR của địa phương sẽ là cơ sở để hoàn thiện phương án thống nhất đầu mối quản lý CTR, đặc biệt là CTR sinh hoạt.

 

Đoàn Kiểm tra làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình về công tác quản lý  CTR sinh hoạt trên địa bàn

 

     Để triển khai nhiệm vụ, Cục BVMT miền Trung và Tây Nguyên phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục Môi trường, các Sở TN&MT tổ chức 3 Đoàn công tác tới 13 tỉnh trên để khảo sát thực tế về tình hình thực hiện các quy định trong công tác quản lý, quy hoạch CTR; kiểm tra về BVMT tại các bãi chôn lấp CTR sinh hoạt cấp tỉnh, khả năng đáp ứng các quy định về thiết kế, quy trình vận hành bãi chôn lấp và công nghệ xử lý CTR sinh hoạt có đáp ứng các quy định hiện hành... Toàn bộ thông tin, số liệu về các cơ sở quản lý CTR, các bãi chôn lấp và công nghệ xử lý CTR thu thập được từ Đoàn kiểm tra đều được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quản lý CTR của Tổng cục Môi trường.Ngoài ra,Cục cũng cử cán bộ tham giaĐoàn kiểm tra của các Sở TN&MT tại cơ sở xử lý CTR cấp huyện, cấp xã trên địa bàn các tỉnh.

     Theo kết quảcủa Đoàn kiểm tra, số liệu thống kê trong năm 2017 và 8 tháng đầu năm 2018, lượng CTRSH trung bình trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên phát sinh khoảng 7.249 tấn/ngày. Trong đó, CTRSH phát sinh cao nhất tại thành phố Đà Nẵng với khoảng 989,5 tấn/ngày, thấp nhất là tại tỉnh Kon Tum với khoảng 189 tấn/ngày. Dự báo đến năm 2020, toàn khu vực phát sinh khoảng 9.700 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom, xử lý CTR sinh hoạt đã tăng lên theo từng năm, có tỉnh, thành phố tỷ lệ thu gom đạt trên 90%, phần lớn các khu vực đô thị có tỷ lệ thu gom cao. Một số địa phương như Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Phú Yên bước đầu đã thu hút được nhà đầu tư cho một số dự án xã hội hóa xử lý CTR sinh hoạt, áp dụng công nghệ xử lý rác tiên tiến, đem lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, hầu hết các tỉnh đã có quy hoạch, công tác triển khai quy hoạch CTR tại các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã được thực hiện khá đầy đủ, tuy nhiên vẫncòn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Một số bãi chôn lấp, cơ sở xử lý CTR ở vị trí chưa đúng theo quy hoạch hoặc chưa phù hợp theo các tiêu chuẩn kỹ thuật và khoảng cách an toàn môi trường nhưng trước mắt đã đáp ứng được nhu cầu quản lý CTR, góp phần BVMT tại địa phương.

     Tuy nhiên, do việc quy hoạch các bãi chôn lấp CTR sinh hoạt của các địa phương thường xây dựng và ban hành từ năm 2010 - 2015 trong khi nhiều bãi chôn lấp trong quy hoạch đã tồn tại từ nhiều năm trước. Các bãi chôn lấp này phát sinh nhiều tồn tại, bất cập như khoảng cách an toàn về môi trường không đảm bảo, có nhiều hộ dân chuyển đến sinh sống gần bãi rác (được cấp sổ đỏ sau thời điểm có quy hoạch) nhưng khi lượng CTR sinh hoạt tập trung lớn gây ô nhiễm môi trường, người dân đã tập trung khiếu kiện, chặn xe chở rác vào BCL gây mất trật tự an ninh. Để giải quyết thì địa phương cần phải tiến hành di dời, đền bù gây tốn kém nhiều kinh phí.

     Ngoài ra, do nguồn lực tài chính của các địa phương còn hạn hẹp nên kinh phí đầu tư cho quản lý CTR không đáp ứng được nhu cầu thực tế, do đó rất cần thu hút nguồn đầu tư từ doanh nghiệp. Nhưng khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý CTR hiện nay là vấn đề cơ chế chính sách và phân công, phân cấp trách nhiệm trong quản lý. Có thể thấy rõ như trong kêu gọi xã hội hóa công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Nhiều địa phương, mặc dù đã ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi về đầu tư xã hội hóa trong công tác BVMT nhưng chưa triển khai cụ thể nên chưa huy động được nhiều nguồn lực từ cộng đồng cho quản lý CTR sinh hoạt. Ngoài ra, đơn giá xử lý CTR sinh hoạt còn thấp trong khi đặc thù của các tỉnh trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên là khu vực thu gom rộng, khoảng cách trung chuyển, vận chuyển lớn nên chưa hấp dẫn được các nhà đầu tư. 

 

Đoàn Kiểm tra khảo sát tại bãi rác thị xã Quảng Trị - tỉnh Quảng Trị

 

     Về năng lực xử lý chất thải, mặc dù các bãi chôn lấp CTR sinh hoạt nhìn chung đáp ứng được việc xử lý lượng CTR phát sinh tại khu vực nhưng thiếu nguồn vốn đầu tư cho các công trình xử lý rác thải, mức thu phí vệ sinh môi trường còn thấp nên phần lớn do đơn vị công lập thực hiện mà chưa khuyến khích được sự tham gia của các doanh nghiệp. Ngoài ra, CTR hầu hết chưa được phân loại tại nguồn, mà được thu gom lẫn lộn và vận chuyển thẳng đến các điểm trung chuyển,  bãi chôn lấp đã làm một lượng lớn CTR hữu cơ không được tận dụng triệt để chế biến phân hữu cơ, đây là nguyên nhân chính phát sinh mùi hôi, thối của CTR, gây khó khăn cho công tác thu gom và tốn nhiều kinh phí để xử lý. Hoạt động tái chế, tái sử dụng CTR sinh hoạt khá phổ biến nhưng chỉ thực hiện với CTR có giá trị như kim loại và nhựa, hoạt động này hoàn toàn tự phát ở các hộ gia đình hoặc cơ sở thu mua phế liệu nhỏ lẻ nên có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và khó khăn cho công tác quản lý.

     Nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách cũng như có những giải pháp thực hiện thống nhất trong công tác quản lý CTR sinh hoạt, các địa phương đã đề xuất, kiến nghị:

     Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung quy định giao chức năng, nhiệm vụ thống nhất quản lý CTR cho Bộ TN&MT và Sở TN&MT và theo đó là chức năng nhiệm vụ của các tổ chức trực thuộc cho phù hợp; đồng thời, cụ thể hóa các chính sách ưu đãi để có thể thu hút đầu tư xã hội hóa nhằm tăng nguồn lực tài chính cho xử lý CTR.

     Thứ hai, tăng cường hỗ trợ cho các địa phương còn chưa đảm bảo được ngân sách nhằm nâng cao năng lực trong quản lý CTR, hỗ trợ đầu tư thêm trang thiết bị trong việc phân loại, xử lý CTR; đánh giá, phân loại và định hướng, giới thiệu công nghệ xử lý CTR phù hợp với đặc thù của từng vùng, từng địa phương…

     Thứ ba, kiến nghị Bộ TN&MT có văn bản chỉ đạo các địa phương sớm rà soát quy hoạch CTR để từ đó lựa chọn được các địa điểm phù hợp, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, khoảng cách an toàn về môi trường và đặc biệt kịp thời ban hành các quy định, chế tài cụ thể để không xảy ra hiện tượng cấp sổ đỏ, cấp phép xây dựng cho người dân sinh sống tại các vùng đã quy hoạch. Tiếp tục giao cho các Cục vùng phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong khu vực quản lý để xử lý, giải quyết các điểm nóng về môi trường có liên quan đến CTR.

     Những thông tin, số liệu và cơ sở dữ liệu về quản lý CTR trên địa bàn 13 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên sẽ là cơ sở quan trọng, giúp Tổng cục Môi trường tổng hợp, tham mưu Bộ TN&MT đề xuất các kế hoạch, đề án, dự án về quản lý CTR trên toàn quốc trình Chính phủtrong giai đoạn tiếp theo.

 

Nguyễn Gia Cường, Nguyễn Trường Huynh

Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2020)

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn