Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Ðề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện

30/11/2017

   Trên thế giới, các quốc gia khuyến khích sử dụng tro, xỉ than từ nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) với điều kiện đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn dùng trong vật liệu xây dựng (VLXD), làm phụ gia trong sản xuất xi măng, bê tông, san lấp mặt bằng và làm đường… Tại Việt Nam, đã có nhiều nghiên cứu, ứng dụng tro, xỉ than để sản xuất gạch không nung, phụ gia xi măng, bê tông, công trình giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các NMNĐ đều chưa có biện pháp tái sử dụng, xử lý tro, xỉ, thạch cao một cách hiệu quả nhằm tiết kiệm tài nguyên và BVMT.

   Tác động đến môi trường do tro, xỉ, thạch cao của các NMNĐ

   Hiện nay, cả nước có 26 NMNĐ đang vận hành với tổng công suất khoảng 13.810 MW, tiêu thụ khoảng 47,8 triệu tấn than/năm, với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hàng năm hơn 16,4 triệu tấn/năm. Dự kiến, đến năm 2020 sẽ có thêm 15 dự án nhiệt điện than được đưa vào hoạt động, tổng công suất lắp đặt khoảng 24.370 MW và tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than/năm. Hiện nay, nhiều nhà máy đang thải tro, xỉ trực tiếp ra bãi thải, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cụ thể: Tro, xỉ thải tích tụ với diện tích lớn có thể làm rò rỉ nước thải ra môi trường (trường hợp thải xỉ ướt), gây ô nhiễm đất và nước; bụi (PM2,5 và PM5) phát sinh trong quá trình lưu giữ, vận chuyển nếu không có biện pháp kiểm soát (trường hợp thải xỉ khô). Nhiều nhà máy chưa hoàn thiện hệ thống vận chuyển, bãi chứa lưu giữ tro, xỉ, thạch cao và chưa đáp ứng các yêu cầu về BVMT. Ngoài ra, nhiều nhà máy chưa chủ động triển khai các phương án tiêu thụ, xử lý tro, xỉ để giảm diện tích bãi lưu giữ; đồng thời, chưa phối hợp với đơn vị tiếp nhận tái sử dụng, tái chế tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất.

Tăng cường sử dụng tro, xỉ của NMNĐ làm vật liệu xây dựng

   Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tồn đọng tro, xỉ, thạch cao tại các NMNĐ là thiếu hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao để làm VLXD, san lấp mặt bằng. Mặt khác, một số NMNĐ phát sinh tro, xỉ có chất lượng thấp, chưa đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành, đồng thời chưa chủ động phối hợp với các nhà máy sản xuất VLXD để tái sử dụng, tái chế tro, xỉ, thạch cao hiệu quả.

   Các quy định liên quan đến việc quản lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao

    Theo quy định tại Điều 40, Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý VLXD, chủ cơ sở phát thải tro, xỉ, thạch cao của các NMNĐ, hóa chất, phân bón, luyện kim có trách nhiệm phân loại, sơ chế tro, xỉ, thạch cao đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất VLXD. Trường hợp không đủ khả năng tự phân loại, sơ chế thì cơ sở phải thuê đơn vị có đủ năng lực để thực hiện việc phân loại và sơ chế đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất VLXD. Hiện nay, một số cơ sở đang nghiên cứu, xây dựng nhà máy phân loại, sơ chế tro, xỉ đáp ứng quy chuẩn làm xi măng, VLXD.

   Để thúc đẩy việc sử dụng tro, xỉ của các NMNĐ làm VLXD, ngày 23/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các NMNĐ, nhà máy hóa chất, phân bón. Quyết định nêu rõ, việc sử dụng tro bay, thạch cao nhân tạo làm nguyên liệu sản xuất phải tuân thủ yêu cầu tại các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa VLXD. Ngày 12/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các NMNĐ, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong các công trình xây dựng (tại Quyết định số 452/QĐ-TTg). Theo đó, tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG (trước, hoặc sau khi xử lý) đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng được xem là sản phẩm hàng hóa VLXD, điều chỉnh theo quy định của pháp luật về sản phẩm hàng hóa.

   Hiện nay, hầu hết các nhà máy có chất lượng tro, xỉ tốt đã thực hiện hợp chuẩn, hợp quy (Viện VLXD, thuộc Bộ Xây dựng chứng nhận) làm vật liệu xi măng và đã chuyển giao cho các nhà máy xi măng. Các chủ cơ sở phát thải và xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu cho sản xuất VLXD, sử dụng trong các công trình xây dựng phải tuân thủ quy định tại Điều 40, Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP. Trường hợp tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG không thể xử lý, sử dụng làm nguyên liệu sản xuất VLXD, hoặc sử dụng trong các công trình xây dựng thì được xử lý như chất thải rắn (CTR) không thể tái chế. Ngoài ra, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do tro, xỉ gây ra, Luật BVMT năm 2014, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu đã quy định rõ: Tro, xỉ phát sinh từ các NMNĐ phải được phân định, phân loại và quản lý theo quy định đối với CTR công nghiệp thông thường. Việc tái sử dụng, tái chế chất thải bao gồm cả việc sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất là hoạt động được khuyến khích theo quy định của Luật BVMT năm 2014 và Nghị định số 38/2015/NĐ-CP. Thời gian qua, Bộ TN&MT đã có nhiều văn bản hướng dẫn các NMNĐ triển khai hoạt động trên.

   Trong trường hợp các NMNĐ, hóa chất, phân bón không tự tái sử dụng, xử lý, tái chế tro, xỉ, thạch cao tại khuôn viên nhà máy thì phải chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý CTR công nghiệp thông thường theo quy định của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP hoặc được chuyển giao cho các đơn vị sản xuất VLXD phù hợp; Bộ TN&MT đã hướng dẫn nhiều đơn vị vận chuyển, tái sử dụng, xử lý tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ NMNĐ. Trong quá trình vận chuyển phải bảo đảm không được làm rơi vãi, gây phát tán bụi, mùi, hoặc nước rò rỉ ra môi trường; sử dụng sổ giao nhận, biên bản bàn giao tro, xỉ cho mỗi đợt chuyển giao, vận chuyển. Đơn vị vận chuyển phải có trách nhiệm ký hợp đồng và chuyển giao tro, xỉ cho đơn vị tái sử dụng, tái chế, xử lý tro, xỉ, thạch cao theo quy định.

   Đối với cơ sở tiếp nhận, sử dụng trong trường hợp tro, xỉ đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn làm VLXD (hoặc làm nguyên liệu khác) do Bộ Xây dựng, hoặc các Bộ, ngành liên quan ban hành hướng dẫn thực hiện theo thẩm quyền phải tuân thủ các quy định: Việc tiếp nhận, sử dụng tro, xỉ phải phù hợp với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt, kế hoạch BVMT đã được xác nhận, hoặc hồ sơ, giấy tờ tương đương và có biện pháp đảm bảo việc tái sử dụng tro, xỉ không gây ô nhiễm đến môi trường nước mặt, nước ngầm, không khí. Trường hợp tiếp nhận, sử dụng tro, xỉ chưa phù hợp với nội dung báo cáo ĐTM đã được phê duyệt, kế hoạch BVMT đã được xác nhận (hoặc hồ sơ, giấy tờ tương đương), cơ sở sản xuất phải có báo cáo bằng văn bản và chỉ được tái sử dụng tro, xỉ sau khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM; đồng thời, có biện pháp đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường nước mặt, nước ngầm và không khí.

   Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng đã hướng dẫn các đơn vị vận chuyển tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ NMNĐ chuyển giao cho cơ sở tiếp nhận, sử dụng, xử lý trong trường hợp tro, xỉ chưa đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn làm VLXD (hoặc làm nguyên liệu khác) do Bộ Xây dựng, hoặc các Bộ, ngành liên quan ban hành hướng dẫn thực hiện theo thẩm quyền. Theo quy định tại Điểm a, Khoản 12, Điều 32 và Khoản 2, Điều 33, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, cơ sở sản xuất bổ sung hoạt động đồng xử lý CTR công nghiệp thông thường dựa trên công nghệ sản xuất sẵn có mà không thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo ĐTM thì phải lập phương án trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, chấp thuận trước khi triển khai thực hiện. Hiện nay, Bộ cũng đã hướng dẫn một số địa phương triển khai phương án đồng xử lý tro, xỉ, thạch cao làm vật liệu không nung, nguyên liệu xi măng...

   Giải pháp quản lý, sử dụng tro, xỉ than

   Đối với các Bộ, ngành

   Bộ Xây dựng nghiên cứu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế quy định việc xử lý, sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng; Chỉ đạo các nhà máy xi măng sử dụng tro, xỉ than đáp ứng tiêu chuẩn đầu vào từ các NMNĐ thay thế cho nguyên liệu tự nhiên trong sản xuất xi măng. Đồng thời, thống kê, công bố công khai thông tin các NMNĐ phát sinh tro, xỉ đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn để làm VLXD và lượng tro, xỉ đã được các nhà máy xi măng, bê tông, sản xuất VLXD sử dụng trong thời gian qua.

   Bộ Công Thương chỉ đạo các chủ cơ sở phát thải, chủ đầu tư lập Đề án xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao; đảm bảo yêu cầu đến năm 2020, diện tích bãi thải không quá 2 năm sản xuất trung bình. Đồng thời, Bộ Công Thương khẩn trương rà soát Quy hoạch tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh đã được phê duyệt để có kế hoạch và lộ trình đóng cửa NMNĐ hoạt động kém hiệu quả, công nghệ sản xuất lạc hậu, phát sinh chất thải lớn ra môi trường và có rủi ro, sự cố ảnh hưởng lớn đến môi trường khu vực triển khai dự án; không đưa NMNĐ mới vào quy hoạch, đồng thời, nghiên cứu, triển khai ứng dụng, lắp đặt, sản xuất năng lượng tái tạo, sạch và thân thiện với môi trường.

   Các Bộ khác: Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, quy định sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm VLXD đường giao thông; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, quy định sử dụng tro, xỉ, thạch cao để xây dựng các công trình thủy lợi, cũng như những ứng dụng khác trong xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; Bộ TN&MT rà soát, hoàn thiện, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn xử lý tro, xỉ trong trường hợp tro, xỉ không thể tái sử dụng, tái chế; hướng dẫn các nhà máy phát sinh tro, xỉ và các đơn vị tiếp nhận, sử dụng tro, xỉ thực hiện đầy đủ yêu cầu BVMT trong quá trình hoạt động; xem xét, không phê duyệt báo cáo ĐTM trong trường hợp các NMNĐ không có phương án tiêu thụ, xử lý tro, xỉ theo Quyết định số 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn công nghệ sản xuất của các NMNĐ theo hướng siết chặt những công nghệ lạc hậu có nguy cơ nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam, nhằm giảm thiểu việc phát sinh tro, xỉ.

   UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan thu hồi phần diện tích bãi thải vượt quá diện tích chứa của 2 năm sản xuất trung bình theo quy mô, công suất của từng nhà máy trên địa bàn; chỉ đạo các chủ đầu tư công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách địa phương phải ưu tiên sử dụng tro, xỉ, thạch cao, hoặc các sản phẩm VLXD có tro, xỉ; phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời những đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn không thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, xử lý, sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong công trình xây dựng; kịp thời tháo gỡ những khó khăn phát sinh.

    Đối với các NMNĐ

   Các NMNĐ đã đi vào vận hành phải thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1696/QĐ-TTg và Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Các NMNĐ phải chủ động tìm kiếm giải pháp trong xử lý tro, xỉ và tiêu thụ VLXD có sử dụng tro, xỉ, thạch cao. Những dự án NMNĐ đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, cơ quan phê duyệt dự án phải yêu cầu các chủ dự án có phương án tiêu thụ, xử lý tro, xỉ than (xem tro, xỉ là một dạng tài nguyên) cùng với việc xây dựng nhà máy để giảm diện tích của bãi thải xỉ và giảm thiểu tác động do tro, xỉ than từ bãi thải tro, xỉ; áp dụng các biện pháp giảm thiểu phù hợp để hạn chế tác động tới môi trường nước và không khí như phun bụi thường xuyên, đầm chặt tro, xỉ và xử lý chống thấm theo đúng quy định; xây dựng hành lang cây xanh cách ly và thực hiện đầy đủ các yêu cầu BVMT trong quá trình hoạt động, trong đó, lưu ý thực hiện quan trắc tự động khí thải, nước thải theo đúng quy định hiện hành.

   Đối với các nhà máy xi măng, cơ sở sản xuất VLXD, chủ đầu tư công trình xây dựng

   Các nhà máy xi măng, sản xuất VLXD, chủ đầu tư công trình xây dựng cần tăng cường sử dụng tro, xỉ đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, hướng dẫn kỹ thuật (QCVN 16:2014/BXD-quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa VLXD….) để làm nguyên liệu sản xuất xi măng, bê tông...; thực hiện đầy đủ các yêu BVMT trong quá trình hoạt động, trong đó, lưu ý thực hiện quan trắc tự động khí thải, nước thải đối với cơ sở sản xuất có lượng phát thải lớn theo đúng quy định hiện hành.

Nguyễn Thượng Hiền - Cục trưởng

Nguyễn Thành Lam

Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2017

Ý kiến của bạn