Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 23/07/2024

Phát triển xanh Singapore và một số gợi mở cho Việt Nam

23/07/2024

    Biến đổi khí hậu đang làm cho mực nước biển dâng cao ở khắp nơi trên thế giới, gây ra nhiều tác động xấu đến đời sống con người và môi trường. Singapore và Việt Nam đều là các quốc gia ven biển, nên đặc biệt dễ bị tổn thương. Vì vậy, cả hai quốc gia đều đang nỗ lực thực hiện xanh hóa nền kinh tế, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Là một đảo quốc nhỏ bé gồm đảo lớn và 63 hòn đảo nhỏ với tổng diện tích 714 km2, dân số 6.050.657 người (theo số liệu ngày 11/6/2024 từ Liên hợp quốc), không giàu về tài nguyên thiên nhiên, nhưng Singapore luôn khẳng định được vị thế, đi đầu khu vực về phát triển kinh tế xanh. Năm 2021, Singapore đã đưa ra kế hoạch mười năm với tên gọi Kế hoạch Xanh Singapore 2030 (Singapore Green Plan 2030). Đây là Kế hoạch có sự quản lý của 5 cơ quan là Bộ Giáo dục, Bộ Phát triển Quốc gia, Bộ Môi trường và Bền vững, Bộ Thương mại và Công nghiệp, Bộ Giao thông vận tải và được hỗ trợ bởi toàn bộ Chính phủ, trên 5 trụ cột: Thành phố trong thiên nhiên; tái quy hoạch năng lượng; sống bền vững; kinh tế xanh và tương lai tự cường. Bài viết tập trung nghiên cứu 4 trụ cột đầu tiên, được xem là có giá trị tham khảo lớn cho Việt Nam.

PHÁT TRIỂN XANH SINGAPORE: TỪ CHIẾN LƯỢC ĐẾN HÀNH ĐỘNG

    Xây dựng thành phố trong vườn

    Kể từ khi Singapore tách khỏi Malaysia trở thành quốc gia độc lập năm 1965, Thủ tướng Singapore lúc đó là Lý Quang Diệu đã xác định không phát triển công nghiệp, nông nghiệp, mà chỉ phát triển dịch vụ, tập trung vào dịch vụ tàu biển, du lịch, y tế, giáo dục, giải trí chất lượng cao. Một trong các nhiệm vụ chiến lược là phải tạo ra Singapore xanh, sạch, đẹp, hấp dẫn. Để hiện thực hóa ý tưởng, Thủ tướng Lý Quang Diệu giao cho kiến trúc sư danh tiếng Lưu Thái Cơ và các cộng sự nhiệm vụ xây dựng bản quy hoạch tích hợp “không bao giờ lạc hậu”, biến Singapore thành “Thành phố trong vườn”. Để làm được việc đó, các kiến trúc sư đã kết hợp cây xanh vào không gian sống dưới mọi hình thức, như mái nhà xanh, vườn thẳng đứng xếp tầng hay những bức tường xanh tươi nhằm tạo ra một thành phố và một quốc gia đa dạng sinh học hơn. Cho đến nay, gần một nửa diện tích đất của Singapore được bao phủ trong không gian xanh và công dân của nước này cũng bắt đầu hưởng lợi từ nỗ lực “xanh hóa” của Chính phủ. Đặc biệt, trong đợt cao điểm của đại dịch Covid-19, không gian xanh đóng vai trò như “lá phổi” của cả nước, giúp cải thiện sức khỏe của người dân.

    Dù quỹ đất hạn chế nhưng Sigapore vẫn dành đất xây dựng hơn 300 công viên và vườn thực vật cùng 4 khu bảo tồn thiên nhiên có tổng diện tích trên 2.300 ha. Trong đó, có những công viên lớn nằm giữa trung tâm như Vườn Bách thảo Singapore (74 ha) hay Gardens by the bay (101 ha). Với những khu phố không có cây xanh, Chính phủ cho tái cấu trúc, quy hoạch lại khu dân cư để dành đất cho công viên cây xanh. Các dự án chung cư, khu đô thị mới không có tỷ lệ cây xanh đạt yêu cầu sẽ không được cấp phép xây dựng. Những khu vườn thẳng đứng là một giải pháp xanh hoàn hảo cho kiến trúc của Singapore trong bối cảnh đất nước khiêm tốn về mặt diện tích và có đến 80% dân số sinh sống trong các tòa chung cư.

    Cùng với đó, mạng lưới các công viên, vườn quốc gia và khu bảo tồn được kết nối với nhau nhờ khoảng 370 km hành lang xanh tuyến tính trên toàn quốc. Hội đồng Công viên quốc gia (NParks) trực thuộc Bộ Phát triển quốc gia Singapore chịu trách nhiệm quản lý và trồng cây xanh đô thị. Tùy theo quy mô, chức năng và vị trí, các công viên ở Singapore được phân thành nhiều loại như công viên nghệ thuật và di sản, công viên cộng đồng, công viên ven biển hay công viên ven sông. Tất cả các công viên này đều mở cửa tự do cho người dân và du khách vào tham quan, vui chơi, thư giãn, tập thể dục thể thao, cắm trại…, ngoại trừ một số khu vực nhất định bên trong có thu phí dịch vụ thấp như Vườn lan quốc gia trong Vườn Bách thảo Singapore hay Mái vòm hoa, Rừng mây mù và cầu đi bộ trên không OCBC Skyway tại Gardens by the Bay.

    Trước những thách thức từ biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, Chính phủ Singapore xác định cần xây dựng đất nước thành nơi đáng sống, bền vững và thích ứng với khí hậu, với việc đặt mục tiêu năm 2030 dành thêm 50% diện tích đất cho các công viên thiên nhiên với mục tiêu trồng thêm một triệu cây xanh trên cả nước. Nếu như nhiều thập kỷ trước kia, Singapore phát triển theo mô hình "Vườn trong phố", thì hiện nay, chính quyền lại tập trung đưa đảo quốc trở thành "Phố trong vườn", nghĩa là cả đất nước sẽ là một khu vườn xanh ngát và phố xá nằm bình yên trong vườn cây đó.

    Thúc đẩy tái quy hoạch năng lượng

    Singapore đặt mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào khoảng giữa thế kỷ 21. Để đạt được mục tiêu, Singapore ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng sạch trên tất cả các lĩnh vực. Singapore có tiềm năng lớn nhất ở năng lượng mặt trời, với công suất lắp đặt liên tục tăng. Hiện nay, Singapore là một trong những thành phố có nhiều năng lượng mặt trời nhất trên thế giới và đang nỗ lực tối đa hóa việc triển khai bảng điều khiển năng lượng mặt trời, bao gồm cả trên mái nhà, hồ chứa nước và các không gian mở khác. Vào tháng 7/2021, Singapore đã chính thức khai trương hệ thống tấm pin mặt trời nổi với công suất cực đại 60 megawatt quy mô lớn tại hồ chứa Tengeh, có diện tích tương đương 45 sân bóng đá. Dự án nhằm góp phần thực hiện mục tiêu của quốc đảo là tăng công suất năng lượng mặt trời lên ít nhất 2GW vào năm 2030, đáp ứng nhu cầu điện của khoảng 350.000 hộ gia đình. Nguồn năng lượng sạch này cũng giúp Singapore giảm bớt 32 kiloton khí thải các-bon mỗi năm, tương đương lượng khí thải của 7.000 xe ô tô. Sự kết hợp độc đáo giữa nước, điện và ánh sáng mặt trời của Dự án chính là phương án sản xuất năng lượng tái tạo an toàn, hiệu quả.

    Đối với các tòa nhà của Singapore chiếm hơn 20% lượng khí thải, do đó, phủ xanh các tòa nhà là một chiến lược quan trọng để đạt được tham vọng bền vững của quốc gia này theo Kế hoạch Xanh Singapore 2030 và để thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu. Mục tiêu của Singapore là vào năm 2030 có thể xanh hóa 80% các tòa nhà, sử dụng năng lượng thấp. Để thực hiện được điều này, Cơ quan Quản lý thi công Singapore (BCA) đã ban hành tiêu chí Chứng nhận BCA Green Mark, nhằm định hướng, dẫn dắt ngành xây dựng Singapore theo hướng phát triển bền vững, tăng sự hiểu biết trong giới đầu tư, nhà thầu, tư vấn thiết kế và các thành viên thị trường khác ngay từ giai đoạn lên ý tưởng và thiết kế dự án. Theo đó, mỗi hạng mục gồm các tiêu chí bắt buộc, thường tương ứng với các quy chuẩn bắt buộc sẵn có của pháp luật về xây dựng của Singapore, bên cạnh đó là các tiêu chí vượt chuẩn. Dựa trên các tiêu chí trên, tổng số điểm có được sẽ cung cấp một chỉ báo về mức độ thân thiện với môi trường của thiết kế và hoạt động của tòa nhà, được cấp chứng nhận theo một trong 3 mức: Vàng, siêu vàng và bạch kim, trong đó hạng Bạch kim hiện là thứ hạng cao nhất trong hệ thống đánh giá công trình xanh của Singapo. Tất cả công trình có diện tích từ 5.000 m2 trở lên đều phải đạt cấp Bạch kim, tức là tiết kiệm từ 30% năng lượng trở lên.

    Xây dựng lối sống bền vững

    Singapore đang hướng tới giảm lượng khí thải các-bon và theo đuổi lối sống bền vững bằng cách tiêu thụ năng lượng ít hơn, tái chế chất thải nhiều hơn và sử dụng phương tiện giao thông công cộng thông qua việc triển khai hiệu quả các mô hình “Hệ thống quản lý rác thông minh”, mô hình 3R (Giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế), chương trình quản lý sinh thái, hành trình xanh.

    Triển khai mô hình “Hệ thống quản lý rác thông minh”, Singapore sử dụng công nghệ tiên tiến như cảm biến, trí tuệ nhân tạo và hệ thống quản lý thông minh để tối ưu hóa quy trình thu gom và tái chế chất thải. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ tái chế chất thải đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, từ khoảng 20% vào năm 2000 lên trên 60% vào năm 2020. Theo Báo cáo của Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA), mỗi ngày nước này thải ra khoảng 21.023 tấn rác các loại, trong đó 58% lượng rác được đưa đến các nhà máy tái chế, 41% chuyển đến các nhà máy đốt rác phát điện, 2% không đốt được, mang đến bãi chôn lấp Semakau xử lý. Việc đốt rác phát điện giúp Singapore giảm đến 90% lượng chất thải rắn phải chôn lấp, đáp ứng gần 3% nhu cầu điện năng cả nước [2].

    Mô hình 3R được khuyến khích và áp dụng rộng rãi trên toàn lãnh thổ Singapore. Thông qua tuyên truyền, vận động và quy định công tác giảm thiểu rác thải bằng mô hình 3R ngay tại nguồn, Singapore đã thành công trong việc giảm sức ép cho hệ thống xử lý rác và từng bước thiết lập thành công nền kinh tế tuần hoàn. Có thể thấy, cách thức thực thi chính sách kinh tế tuần hoàn tại Singapore dựa trên nền tảng khoa học kỹ thuật, nhận thức của người dân về phát triển bền vững và BVMT nhằm xây dựng một xã hội không còn rác thải. Tuy nhiên, Singapore vẫn chưa ban hành một luật riêng về kinh tế tuần hoàn, dẫn tới việc thực hiện còn chưa đồng bộ và đạt hiệu quả tối ưu.

    Về chương trình quản lý sinh thái, nhằm thực hiện mục tiêu ít nhất 20% trường học trung hòa các-bon vào năm 2030, giảm 2/3 lượng khí thải các-bon ròng của khu vực trường học vào năm 2030 [5], Singapore đã xây dựng Chương trình Quản lý sinh thái nhằm giáo dục học sinh về tính bền vững, trong đó có bền vững về môi trường. Chương trình được đẩy mạnh thông qua việc thực hiện một cách toàn diện 4C: Curriculum, culture, community and campus (Chương trình giảng dạy, văn hóa, cộng đồng và cơ sở) và lồng ghép trong các môn học cũng như thông qua trải nghiệm thực tế để tạo dựng thói quen BVMT cho các thế hệ tiếp theo ở tất cả các trường, các cấp từ tiểu học đến dự bị đại học. Theo đó, về văn hóa, để việc thực hành bền vững trở thành một thói quen hàng ngày, Bộ Giáo dục nước này đã xây dựng Bộ công cụ về các trách nhiệm hàng ngày nhằm phát huy những nỗ lực hiện có để thấm nhuần thói quen trong học sinh về ý thức BVMT tạo thành thói quen bền vững. Về cộng đồng, tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa với cộng đồng trong việc tăng thêm giá trị trong hành động giáo dục và hướng nghiệp; Tận dụng quan hệ đối tác cộng đồng để mang đến cho sinh viên nhiều cơ hội học tập liên quan đến môi trường hơn và hiểu rõ hơn về “việc làm xanh” trong tương lai. Về cơ sở, khuôn viên, để hỗ trợ động thái giảm lượng khí thải các-bon ròng trong trường học, các cơ sở giáo dục triển khai dần các tính năng bền vững như lắp đặt tấm pin mặt trời và đèn led tiết kiệm năng lượng.

    Đối với hành trình xanh, để hướng tới giao thông xanh, góp phần giảm bớt khí thải từ các phương tiện giao thông, Singapore khuyến khích, hỗ trợ các phương tiện giảm hoặc không xả khí thải. Năm 2023, Singapore đã khởi công xây dựng đường dành cho xe đạp tại 7 thị trấn. Nguyên vật liệu sử dụng cho dự án cũng được Cơ quan giao thông đường bộ Singapore tính toán, cân nhắc để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bê tông sử dụng cho thi công là loại bê tông có hàm lượng các-bon thấp hơn nhiều so với loại bê tông thường, từ đó hạn chế lượng các-bon thải ra môi trường.

    Phát triển kinh tế xanh

    Chính phủ Singapore đã ban hành chính sách phát triển kinh tế xanh. Cụ thể, năm 1992, Singapore thực hiện Kế hoạch Xanh, sau đó tiếp tục thay đổi ban hành Kế hoạch vào năm 2012 và gần đây nhất là vào năm 2021, ban hành Kế hoạch Xanh hướng tới năm 2030. Để thúc đẩy kinh tế xanh, Chính phủ Singapore đã đưa ra một loạt các sáng kiến và biện pháp hỗ trợ trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, năng lượng, tài chính xanh, du lịch bền vững và giao thông đường bộ… Cụ thể:

    Chuyển đổi các lĩnh vực hiện có và khử các-bon: Nhằm khuyến khích các công ty trong tất cả các lĩnh vực giảm lượng khí thải, tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi của Singapore sang nền kinh tế với hàm lượng các-bon thấp, tháng 1/2019, Singapore đã áp dụng thuế các-bon và trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á áp dụng thuế này. Năm 2023, theo Kế hoạch Xanh, Singapore sẽ tiến hành rà soát thuế các-bon. Nguồn thu từ thuế sẽ được Chính phủ Singapore tái đầu tư để tài trợ cho các biện pháp giảm phát thải. Thuế suất được ấn định thấp và áp dụng trong phạm vi hẹp để thị trường có thời gian thích nghi. Thuế các-bon của Singapore sẽ tăng dần từ mức 5 đô la Singapore/tấn khí thải các-bon hiện tại lên tới 25 đô la vào năm 2024, 2025; 45 đô la vào năm 2026, 2027 và 50 - 80 đô la Singapore vào năm 2030. Các khoản thanh toán đầu tiên theo các mức thuế mới được đề xuất sẽ đến hạn vào năm 2025, dựa trên lượng khí thải năm 2024. Thuế được đánh trực tiếp vào các cơ sở trực tiếp thải ra ít nhất 25.000 tấn khí thải nhà kính hàng năm. Đối tượng chịu tác động bởi thuế các-bon là: (i) Các cơ sở lớn tạo ra > 25.000 tấn khí thải trực tiếp mỗi năm là đối tượng nộp thuế theo chương trình thuế các-bon, thường là các nhà máy lọc dầu và nhà máy điện; (ii) Người tiêu dùng năng lượng cuối cùng - trong khi người tiêu dùng nói chung không phải là nhà sản xuất khí thải quy mô lớn, thì những người mua điện hoặc năng lượng qua lưới điện (ngay cả khi người tiêu dùng không kích hoạt ngưỡng 25.000 tấn), cũng sẽ bị ảnh hưởng.

    Phát triển các ngành mới và giúp các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội trong nền kinh tế xanh nhằm đưa Singapore trở thành quốc gia dẫn đầu trong các lĩnh vực. Cụ thể, Chương trình Doanh nghiệp bền vững (ESG) là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Singapore nhằm trao quyền, đầu tư vào các công ty đối tác cũng như cộng đồng trong quá trình chuyển đổi xanh. ESG đã khởi động Chương trình Bền vững doanh nghiệp trị giá 180 triệu đô la Singapore để hỗ trợ các công ty Singapore, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong hành trình phát triển bền vững của họ và nắm bắt các cơ hội trong nền kinh tế xanh để duy trì tính cạnh tranh trong nền kinh tế địa phương, toàn cầu. Sự hỗ trợ tập trung vào phát triển các năng lực bền vững trong doanh nghiệp, tăng cường các năng lực cụ thể của ngành và thúc đẩy một hệ sinh thái bền vững sôi động và thuận lợi.

    Phát triển lực lượng lao động để đảm nhận công việc trong nền kinh tế xanh: Chính phủ Singapore tập trung thực hiện biện pháp nhằm trang bị cho lực lượng lao động những kỹ năng và bí quyết cần thiết để thích ứng phù hợp trong nền kinh tế xanh. Ví dụ, Cơ quan thị trường năng lượng đã làm việc với Viện công nghệ Singapore để phát triển chương trình cử nhân kỹ thuật điện chuyên dụng đầu tiên của Singapore. Điều này sẽ trang bị cho sinh viên tốt nghiệp năng lực kỹ thuật, kỹ năng và kiến thức cho các giải pháp năng lượng mới của Singapore. Trung tâm Tài chính xanh Singapore và Viện Tài chính xanh và bền vững cũng đang phát triển các khóa học nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực tài năng tài chính xanh trong mọi lĩnh vực nghề nghiệp.

    Có thể nói, để đạt được những thành công trong phát triển nền kinh tế xanh, Chính phủ Singapore đã quan tâm đến vấn đề này từ rất sớm và thực hiện mạnh mẽ trong những năm gần đây. Singapore cũng là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á thực hiện việc định giá các-bon, ban hành thuế các-bon nhằm làm giảm khí thải, tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế với hàm lượng các-bon thấp. Singapore tích cực ký kết các thỏa thuận song phương liên quan đến phát triển nền kinh tế xanh với các đối tác thương mại lớn của quốc gia này như Vương quốc Anh, Australia, Việt Nam, Malaysia. Qua đó giúp Singapore khử các-bon cũng như giúp doanh nghiệp và người lao động nắm bắt cơ hội trong nền kinh tế xanh.

    MỘT SỐ GỢI MỞ CHO VIỆT NAM

    Tại Việt Nam, ngày 25/9/2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Chính phủ Việt Nam khẳng định: “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”. Sau hơn 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Một số mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu chính của Chiến lược đã đạt được kết quả khả quan, như: Các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được triển khai rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực, lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng giảm 12,9% so với phương án phát triển bình thường; tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm bình quân 1,8%/năm; tỷ lệ năng lượng tiết kiệm của Việt Nam đạt 5,65%, tương đương với tổng năng lượng tiết kiệm được gần 11,3 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) trong giai đoạn 2011-2015. Tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%; dự nợ tín dụng xanh tại Việt Nam đã tăng từ hơn 71 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2015, lên đến 340 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2020. Hoạt động xanh hóa sản xuất, bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm đã được chú trọng đã tạo được làn sóng về đầu tư xanh, như: năng lượng gió, mặt trời, năng lượng tái tạo…

    Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thực hiện tăng trưởng xanh ở Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế và khó khăn nhất định như người dân và doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của tăng trưởng xanh; Nguồn lực tài chính cho mục tiêu xanh hóa nền kinh tế còn khá hạn chế trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp cùng với ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19; Chất lượng nguồn lao động cho nền kinh tế xanh chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ khoa học công nghệ cao của chiến lược phát triển kinh tế xanh. So với thế giới thì dây chuyền sản xuất và công nghệ ở Việt Nam phần lớn là công nghệ cũ và lỗi thời, tiêu tốn khá nhiều nhiên liệu và năng lượng. Do đó, việc áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại và công nghệ tiên tiến vào nền kinh tế xanh là thách thức lớn cho Việt Nam, rất cần có nguồn nhân lực chất lượng cao đảm nhiệm. Đồng thời, sự tư vấn và hỗ trợ từ các nước phát triển trên thế giới là điều rất cần thiết cho Việt Nam trong quá trình áp dụng khoa học và công nghệ mới [3]. Về hành lang pháp lý, mặc dù Chính phủ cũng đã ban hành và phê duyệt các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững theo từng thời kỳ, tuy nhiên, hệ thống pháp luật vẫn chưa thật sự đồng bộ, chưa có văn bản pháp luật cụ thể quy định về năng lượng xanh và năng lượng tái tạo… Dựa trên kinh nghiệm của Singapore, một số gợi mở có thể rút ra cho Việt Nam như sau:

    Thứ nhất, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện văn bản pháp luật về tăng trưởng xanh cũng như vấn đề phát triển nền kinh xanh, đặc biệt chú trọng cải thiện tính hiệu quả trong việc thực thi chủ trương và chính sách về phát triển kinh tế xanh. Việt Nam có thể tham khảo Kế hoạch Tăng trưởng xanh của Singapore để soạn thảo kế hoạch hành động một cách rõ ràng và cụ thể hơn. Trong đó, các trụ cột tăng trưởng xanh cần được nhấn mạnh và làm rõ mục tiêu cho từng trụ cột như: (i) giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, (ii) xanh hóa các ngành kinh tế, (iii) xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và (iv) nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

    Thứ hai, nghiên cứu phát triển các công cụ chính sách mới để hạn chế các hành vi, hoạt động có tác động xấu tới tài nguyên và môi trường. Chẳng hạn như đánh thuế các-bon có thể là một giải pháp hiệu quả để giảm lượng phát thải khí CO2. Cùng với đó, việc thu thuế các-bon góp phần gia tăng thêm nguồn thu ngân sách nhà nước, Chính phủ có thể sử dụng nguồn thu này để đầu tư trở lại cho việc bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh và các-bon thấp. Nghiên cứu tạo lập các quỹ phát triển kinh tế xanh, cung cấp các khoản hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện nỗ lực giảm phát thải. Chẳng hạn như Quỹ Hiệu quả năng lượng NEA của Singapore đã và đang hỗ trợ 70% chi phí cho các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ giảm phát thải các-bon.

    Thứ ba, cần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và đưa các vấn đề tăng trưởng xanh vào các chương trình học ở tất cả các cấp từ tiểu học tới đại học. Nền kinh tế xanh cần có sự tham gia của mọi cộng đồng dân cư và các tổ chức xã hội và kinh tế. Có như vậy thì chiến lược tăng trưởng xanh mới có thể hiện thực hóa được.

    Thứ tư, dựa trên kinh nghiệm của các nước đã đạt được những thành tựu nổi bật về tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế xanh thì việc giao lưu, hợp tác với cộng đồng quốc tế là rất cần thiết. Tháng 2/2023, Singapore và Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác "kinh tế số, kinh tế xanh" và hoàn tất việc nâng cấp Hiệp định khung kết nối hai nền kinh tế, góp phần mở rộng, làm sâu sắc kết nối kinh tế sang các lĩnh vực mới như năng lượng sạch và chuyển đổi năng lượng, đổi mới sáng tạo. Việc thúc đẩy hợp tác kinh tế số, kinh tế xanh Việt Nam - Singapore sẽ là động lực quan trọng, đột phá, giúp đưa mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển lên tầm cao mới.

TS. Nguyễn Việt Cường

Bộ Ngoại giao

Vũ Thị Hoa

Đại học Lâm Nghiệp

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2024)

Tài liệu tham khảo:

1. ThS. Đoàn Thị Cẩm Thư (2022). Phát triển kinh tế xanh: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam. Tạp chí Ngân hàng. https://tapchinganhang.gov.vn/phat-trien-kinh-te-xanh-kinh-nghiem-quoc-te-va-bai-hoc-doi-voi-viet-nam.htm.

2. Huệ Bình (2021). “Tuyệt chiêu” xử lý rác của Singapore. Truy cập tại: https://nld.com.vn/moi-truong/tuyet-chieu-xu-ly-rac-cua-singapore-20210615213410924.htm.

3. Nguyễn Thị Quỳnh Hương và Nguyễn Thị Vân Chi (2020), Kinh tế xanh và thực tiễn tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 7/2020.

4. NCCS (2022), Good Progress Made on the Singapore Green Plan 2030 as Government Accelerates Decarbonisation and Sustainability Efforts, truy cập tại: https://www.nccs.gov.sg, ngày 10/6/2024. 

5. Ministry of Education Singapore (2022). Strengthening our Contributions Towards the Green Economy and Empowering the Next Generation of Sustainability Leaders. Truy xuất tại https://www.moe.gov.sg/news/press-releases/20220308- strengthening-our-contributions-towards-the-green-economy-and-empoweringthe-next-generation-of-sustainability-leaders.

Ý kiến của bạn