Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Ô nhiễm không khí - mối đe dọa lớn đối với sức khỏe và nền kinh tế toàn cầu

09/09/2020

    Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng, Không khí Sạch (CREA) và Tổ chức Hòa bình Xanh Đông Nam Á vừa mới công bố báo cáo đầu tiên đánh giá, phân tích mức thiệt hại toàn cầu do ô nhiễm không khí (ÔNKK) gây ra từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch (dầu lửa, khí đốt và than đá). Có thể thấy, ÔNKK từ nhiên liệu hóa thạch là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người và nền kinh tế của của thế giới. Vì vậy, các chính sách phát triển kinh tế trên thế giới cần phải thay đổi, hướng tới phát triển năng lượng sạch thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Tổn hại về sức khỏe, đe dọa sự sống con người

    Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ÔNKK là nguyên nhân của 29% tổng số ca tử vong và bệnh ung thư phổi; 17% bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính; 25% bệnh đột quỵ, tim mạch trên toàn cầu.

    Báo cáo đã sử dụng bộ dữ liệu toàn cầu về nồng độ của ba chất gây ô nhiễm chính được phân tích, nồng độ PM 2.5 và NO2 và ô zôn thu được từ các thiết bị quan sát Trái đất trên hai vệ tinh của NASA theo dõi các sol khí trong khí quyển, sau đó tính toán các tác động đến sức khỏe và chi phí cho năm 2018. Báo cáo chỉ ra, ÔNKK từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính làm rút ngắn tuổi thọ của con người. Các chất gây ô nhiễm phát sinh từ đốt cháy nhiên liệu hóa thạch gây ra 4,5 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn cầu, bao gồm 1,8 triệu ở Trung Quốc, một triệu ở Ấn Độ, Liên minh châu Âu là 398.000 ca, Hoa Kỳ là 230.000 ca, Bangladesh là 96.000 ca, Inđônêxia là 44.000 ca… Các con số nêu trên phù hợp với ước tính trước đó của WHO về 4,2 triệu ca tử vong mỗi năm liên quan đến ÔNKK trên mặt đất, chủ yếu là do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi và nhiễm trùng đường hô hấp cấp ở trẻ em.

    Theo các nghiên cứu cho đến nay, chất ô nhiễm gây tốn kém nhất là hạt bụi siêu mịn (PM 2.5), gây thiệt hại hơn hai nghìn tỷ đô la mỗi năm, được tính bằng các tác động đến sức khỏe, mất ngày lao động và số năm bị mất do tử vong sớm. Trong số 4,5 triệu ca tử vong sớm trên toàn cầu mỗi năm là thì NO2 có liên quan 500.000 ca, 1 triệu ca đối với ô zôn và 3 triệu ca là do PM 2.5. Hạt bụi siêu mịn cũng là nguyên nhân tử vong của khoảng 40.000 trẻ em dưới 5 tuổi, 2 triệu ca sinh non hàng năm và hơn 4 triệu ca mắc bệnh hen suyễn. Các hạt bụi siêu mịn PM 2.5 có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, hệ thống tuần hoàn gây ra các vấn đề về hô hấp và tim mạch. Năm 2013, WHO đã đưa PM 2.5 vào nhóm các tác nhân gây bệnh ung thư cho con người.

 

Khu vực New Delhi của Ấn Độ ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng

 

Gánh nặng kinh tế toàn cầu

    Theo Báo cáo, ÔNKK do sử dụng nhiên liệu hóa thạch ước tính gây ra chi phí cho năm 2018 là 8 tỷ USD mỗi ngày, cả năm xấp xỉ 2,9 nghìn tỷ đô la, tương đương 3,3% tổng sản lượng kinh tế thế giới,

    ÔNKK có thể tác động đến nền kinh tế dưới nhiều hình thức như tăng tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn, tiểu đường hoặc các bệnh hô hấp mãn tính dẫn đến giảm khả năng lao động, cũng như tỷ lệ lực lượng tham gia lao động. Trẻ em mắc bệnh hen suyễn phải nghỉ học, trong khi các yêu cầu chăm sóc sức khỏe có thể khiến người giám hộ của chúng phải nghỉ làm. Theo Báo cáo, tình trạng khuyết tật do các bệnh mãn tính gây ra cho nền kinh tế thế giới 200 tỷ đô la vào năm 2018, với chi phí nghỉ ốm và sinh non lần lượt là 100 tỷ đô la và 90 tỷ đô la.

    Các quốc gia chịu ảnh hưởng kinh tế lớn nhất mỗi năm ​​do ÔNKK từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch là Trung Quốc (900 tỷ USD - chiếm 6,6% GDP), Mỹ (610 tỷ USD - 3% GDP), Ấn Độ (150 tỷ USD - 5,4% GDP), Đức (140 tỷ USD - 3,5% GDP), Nhật Bản (130 tỷ USD - 2,5% GDP), Nga (68 tỷ USD - 4,1 % GDP) và Anh (66 tỷ USD - 2,3 % GDP).

 

Võ Văn Lợi (Theo AFP, STATISTA)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2020)

Ý kiến của bạn