Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Bảo tồn đa dạng sinh học chim ở một số khu bảo tồn vùng Đông Bắc Việt Nam

11/10/2021

    Tóm tắt

    Vùng Đông Bắc Việt Nam là khu vực có hệ sinh thái đa dạng và phong phú với các dãy núi đá vôi xen với dãy núi đất và các sông, suối tạo nên những nơi sống (sinh cảnh) quan trọng cho nhiều loài động vật, trong đó có các loài chim. Khu vực Đông Bắc có hệ thống khu bảo tồn (rừng đặc dụng) khá đa dạng: từ các vườn quốc gia (VQG) đến các khu bảo tồn (KBT) thiên nhiên, KBT loài và sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan... Khảo sát của của nhóm tác giả trong thời gian từ năm 2018 - 2021 đã xác định được 2.020 loài chim thuộc 56 họ và 15 bộ, trong đó có 6 loài quý hiếm thuộc Danh lục đỏ của IUCN tại KBT thiên nhiên Cham Chu (Tuyên Quang), KBT Bắc Mê - thuộc VQG Du Già - Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), VQG Phia Oắc - Phia Đén (Cao Bằng) và KBT loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc (Bắc Kạn).

    Trong những năm qua, các  lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác bảo vệ các KBT cũng như bảo tồn các loài chim. Tuy nhiên, công tác bảo tồn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, trong đó có các thách thức về thể chế, chính sách, các thách thức trực tiếp như khai thác mỏ, xâm lấn, canh tác nương rẫy, các hoạt động điều tra, quan trắc đa dạng sinh học (ĐDSH), các hoạt động nâng cao nhận thức và cải thiện sinh kế của cộng đồng địa phương… Để quản lý và bảo tồn có hiệu quả, cần triển khai các biện pháp một cách hệ thống và đồng bộ từ cơ chế, chính sách đến tăng cường công tác quản lý, năng lực, tăng cường công tác thực thi pháo luật, nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển du lịch sinh thái đến truyền thông nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng.

    Từ khóa: Vùng Đông Bắc; ĐDSH chim; bảo tồn ĐDSH chim

    Nhận bài: 27/9/2021; Sửa chữa 29/9/2021; Duyệt đăng: 30/9/2021

    1. Mở đầu

    Vùng Đông Bắc là một trong những tiểu vùng ở phía Bắc Việt Nam (Đông Bắc, Tây Bắc và đồng bằng sông Hồng). Đây là khu vực có hệ sinh thái đa dạng và phong phú với các dãy núi đá vôi xen với các dãy núi đất. Hệ thống sông hồ đa dạng cũng tạo nên những nơi sống (sinh cảnh) quan trọng cho nhiều loài động vật, trong đó có các loài chim. Khu vực Đông Bắc có hệ thống KBT (rừng đặc dụng) khá đa dạng: từ các VQG đến các KBT thiên nhiên, KBT loài và sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan... Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã tập trung vào khu hệ chim và công tác bảo tồn chim tại VQG (VQG) Phia Oắc - Phia Đén (Cao Bằng), KBT thiên nhiên Cham Chu (Tuyên Quang), KBT thiên nhiên Bắc Mê (thuộc VQG Du Già - Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang) và KBT loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc (Bặc Kạn). Đây là các KBT đặc trưng cho các dãy núi đá vôi vùng Đông Bắc. Nghiên cứu tập trung vào xác định và đánh giá thành phần loài và công tác bảo tồn chim tại các KBT thiên nhiên này, trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm tang cường công tác bảo tồn và quản lý đa dạng chim nói riêng, tài nguyên thiên nhiên nói chung.

    2. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu

    Nhóm tác giả áp dụng cách tiếp cận chủ yếu là tiếp cận hệ sinh thái, tiếp cận hệ thống và tiếp cận bảo tồn dựa vào cộng đồng, các giải pháp bảo tồn dựa vào tự nhiên (Nautre-based solutions).

    Nghiên cứu được triển khai trong thời gian 3 năm từ năm 2018 – 2021 tại VQG (VQG) Phia Oắc - Phia Đén (Cao Bằng), KBT thiên nhiên Cham Chu (Tuyên Quang), KBT thiên nhiên Bắc Mê (thuộc VQG Du Già – Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang) và KBT loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc (Bặc Kạn). Mỗi KBT được tiến hành hai đợt khảo sát: một đợt vào mùa đông và một đợt vào mùa hè.

    Các phương  pháp nghiên cứu chính được áp dụng trong nghiên cứu này là:

  • Quan sát chim theo tuyến, điểm tại các khu nghiên cứu bằng ống nhòm, telescope;
  • Dùng lưới mờ bắt chim để xác định thành phần loài, đeo vòng, cân, đo rồi thả ra;
  • Sử dụng máy ảnh có ống kính zoom mạnh để chụp ảnh, xác định loài;
  • Phỏng vấn sâu người dân địa phương và các nhà quản lý về các loài quý hiếm, ít gặp, các cách thức bảo vệ được áp dụng và những tồn tại, thách thức trong công tác bảo tồn.
  • Sử dụng các tài liệu như Sách đỏ Việt Nam (2007), Danh lục đỏ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN Red List)…

      

Ảnh: Lê Mạnh Hùng                                                                                      Ảnh: Hoàng Văn Thắng

    3. Kết quả nghiên cứu và đề xuất

    3.1. ĐDSH chim khu vực Đông Bắc

    Kết quả khảo sát tại 4 KBT nêu trên, nghiên cứu đã phát hiện và xác định được 2.020 loài thuộc 56 họ và 15 bộ, trong đó có 6 loài quý hiếm thuộc Danh lục đỏ của IUCN (Bảng 1). Trong số này, phải kể đến loài như Vạc hoa (Gorsachius magnificus (Ogilvie Grant, 1899)) - E, Niệc nâu (Anorrhinus austeni Jerdon, 1872) – VU, Gà lôi trắng (Lophura nycthemera (Linnaeus, 1758)…Cụ thể các loài, họ, bộ tại các KBT được thể hiện chi tiết tại Bảng 1.

    ​Bảng 1. Chim một số KBT vùng Đông Bắc

Phân loại

Cham Chu

Bắc Mê

Phia Oắc-Phia Đén

Nam Xuân Lạc

Bộ

12

15

14

12

Họ

28

39

43

37

Loài

119

105

140

92

Loài quý hiếm

1

2

4

3

Nguồn: Tổng hợp từ Hoàng Văn Thắng và Lê Mạnh Hùng, 2021.

    3.2. Công tác quản lý, bảo tồn

    3.2.1. Hiện trạng công tác quản lý, bảo tồn

    Nằm trong hệ thống rừng đặc dụng nên công tác quản lý được thực hiện theo Luật Lâm nghiệp 2017, các văn bản nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng đặc dụng như Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 83/ 2020/NĐ-CP, ngày 15/7/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Chỉ thị số: 1778 /CT-BNN-TCLN, ngày 10/3/2020 về nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và cho thuê môi trường rừng đặc dụng, phòng hộ…

    Theo đó, các KBT hay VQG đều có BQL, kiểm lâm viên (bao gồm cả kiểm lâm địa bàn), bảo vệ (theo hợp đồng), tổ tuần tra, bảo vệ rừng (của cộng đồng). Song song với cơ cấu tổ chức này là các trạm kiểm lâm và các chốt bảo vệ ở các nơi sung yếu. Tuy nhiên, cơ chế tổ chức cũng như công tác quản lý và bảo tồn còn gặp nhiều thách thức và hạn chế. KBT Cham Chu do Hạt Kiểm lâm huyện kiêm nhiệm, KBT Bắc Mê (thuộc VQG Du Già – Cao nguyên đá Đồng Văn) được chuyển về BQL VQG, nhưng cơ cấu tổ chức chưa hoàn thiện, vẫn còn thiếu nguồn nhân lực, cũng như tài chính cho các hoạt động. Các KBT hầu như chưa có trụ sở đảm bảo cho hoạt động của BQL, đặc biệt là VQG Phia Oắc-Phia Đén.

    Hiện tại, tất cả các KBT được khảo sát đều mới chỉ xác định ranh giới trên bản đồ, chưa có các cột mốc đánh dấu ranh giới. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý sự xâm nhập cũng như lấn chiếm vào KBT.

    Công tác nghiên cứu khoa học và điều tra, khảo sát bảo tồn các loài và hệ sinh thái cũng còn rất hạn chế. Hầu như các KBT không có kinh phí, cũng như nguồn nhân lực cho các hoạt động này. Phần lớn các kết quả nghiên cứu, khảo sát đều do các cơ quan khoa học ở Trung ương hoặc Đại học Thái nguyên triển khai. Các kết quả này nhiều khi không được bàn giao cho các KBT, hoặc nếu có thì KBT chưa có thiết bị đủ mạnh để lưu giữ và xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn.

    Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tham gia người dân cũng như chính quyền địa phương vào công tác bảo tồn cũng còn nhiều hạn chế. Phần lớn chỉ là các pa nô, áp phích hoặc các tờ rơi, posters mà chưa có các chương trình cụ thể.

    Công tác quản lý chính được triển khai hiện tại là ngăn chặn sư xâm nhập và lấn chiếm vào KBT (thực thi pháp luật); phòng chống cháy rừng (các hạt và trạm kiểm lâm đều có bảng báo cháy rừng). Tuy nhiên, do lực lượng kiểm lâm, bảo vệ thiếu và yếu, nhận thức, ý thức của người dân chưa cao, đời sống của người dân còn khó khăn, thiếu thốn nên vẫn còn nhiều vụ xâm nhập vào các KBT khai thác trái phép gỗ, lâm sản ngoài gỗ, săn bắt động vật rừng… Bên cạnh đó, việc phát triển sinh kế và các cây trồng chủ lực cũng tạo nên sức ép không nhỏ cho các KBT như việc trồng cam, chanh tại vùng đệm KBT Cham Chu, tỉnh Tuyên Quang; làm rẫy ở phần lớn các KBT trong khu vực khảo sát. Việc khai thác quặng (VQG Du Già, KBT loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc), khai thác đá (VQG Phia Oắc - Phia Đén) cũng tạo ra những áp lực không nhỏ cho công tác quản lý, bảo tồn và cho cộng đồng địa phương.

    Việc phát triển du lịch sinh thái như là một sinh kế để nâng cao đời sống của người dân trong vùng đệm hầu như chưa được phát triển tại các KBT tại các nơi khảo sát.

    3.2.2. Những tồn tại và thách thức

    Mặc dù công tác quản lý, bảo tồn các KBT tại khu vực Đông Bắc đã đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên công tác quản lý, bảo tồn cũng còn gặp những tồn tại và thách thức được trình bày ở Bảng 2.

    Bảng 2. Những tồn tại và thách thức

TT

Tồn tại và thách thức

Cham Chu

Bắc Mê

Phia Oắc - Phia Đén

Nam Xuân Lạc

1

Cơ chế/ Chính sách đầu tư còn bất cập

X

X

X

X

2

Chưa có mốc ranh giới

X

X

X

X

3

Xâm nhập trái phép

X

X

X

X

4

Khai thác cây rừng trái phép

X

X

X

X

5

Khai thác lâm sản trái phép

 

 

 

 

6

Săn bắt động vật rừng

X

X

X

X

7

Canh tác nương rẫy

X

X

X

X

8

Trồng cam, chanh ở vùng đệm và khu vực sát vùng lõi

X

 

 

 

9

Khai thác khoáng sản/ đá

 

X

X

X

10

Nhận thức về bảo tồn còn hạn chế

X

X

X

X

11

Đời sống ít nhiều phụ thuộc vào rừng

X

X

X

X

12

Lực lượng bảo vệ còn thiếu và yếu

X

X

X

X

13

Chưa có du lịch sinh thái

X

X

X

X

14

Chưa có mốc ranh giới

X

X

X

X

15

Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu (kể cả văn phòng)

X

X

X

X

16

BQL mới hoặc kiêm nhiện (Hạt KL – Cham Chu)

X

X

X

X

17

Các hoạt động điều tra, nghiên cứu của KBT còn ít hoặc hầu như không có, chưa có cơ sở dữ liệu về ĐDSH nói chung, chim nói riêng

X

X

X

X

    3.2.3. Một số đề xuất cho công tác quản lý, bảo tồn

    Trên cơ sở các phân tích nêu trên, xin đề xuất một số giải pháp cho công tác quản lý và bảo tồn cho các KBT thiên nhiên nói chung, bốn KBT được khảo sát nói riêng:

  • Cần xây dựng một thể chế, chính sách mạnh, phù hợp và đặc thù cho các KBT, trong đó có bảo tồn các loài chim.
  • Tăng cường hơn nữa nhân lực và tài chính cho các KBT, đặc biệt là lực lượng chuyên môn về điều tra, khảo sát tài nguyên rừng, ĐDSH và lực lượng truyền thông, giáo dục môi trường.
  • Cần xây dựng và triển khai dự án xác định và đóng mốc ranh giới ngoài hiện trường càng sớm càng tốt.
  • Xây dựng và triển khai các hoạt động điều tra, quan trắc ĐDSH, đăc biệt là các loài quý hiếm, có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng.
  • Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn ĐDSH và phát triển sinh kế cộng đồng vùng đệm.
  • Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động canh tác gây ô nhiễm môi trường tại khu vực xung quanh (như trồng cam, chanh đã sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ làm ảnh hưởng đến các loài, trong đó có chim và các hệ sinh thái vùng đệm cũng như vùng lõi), các hoạt động khai thác mỏ, đá và khai thác lâm, thủy sản trái phép.
  • Nghiên cứu, xây dựng các dự án phát triển du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng để tăng cường tài chính cho các hoạt động quản lý, bảo tồn cũng như nâng cao sinh kế của người dân địa phương nhằm làm giảm áp lực trực tiếp kên KBT.
  • Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục môi trường nhằm nâng cao nhận thức tại nhà trường, xã hội và cộng đồng nhằm tham gia cộng đồng vào công tác quản lý và bảo tồn ĐDSH.

    3.2.4. Kết luận và khuyến nghị

    Các KBT thiên nhiên nói chung, bốn KBT Cham Chu, Bắc Mê, Phia Oắc-Phia Đén, Nam Xuân Lạc nói riêng có khu hệ chim rất đa dạng và phong phú, trong đó có nhiều loài quý hiếm và đang bị đe dọa,

    Các KBT đã có những cố gắng rất lớn trong công tác quản lý, bảo tồn tài nguyên rừng và ĐDSH tại các khu vực này và đã đạt được những kết quả nhất định.

    Công tác bảo tồn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, trong đó có các thách thức về thể chế, chính sách, các thách thức trực tiếp như khai thác mỏ, xâm lấn, canh tác nương rẫy, các hoạt động điều tra, quan trắc ĐDSH, các hoạt động nâng cao nhận thức và cải thiện sinh kế của cộng đồng địa phương…

    Để quản lý và bảo tồn có hiệu quả, cần triển khai các biện pháp một cách hệ thống và đồng bộ từ cơ chế, chính sách đến tăng cường công tác quản lý, năng lực, tăng cường công tác thực thi pháo luật, nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển du lịch sinh thái đến truyền thông nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng.

    Lời cảm ơn: Nghiên cứu này được triển khai trong khuôn khổ Dự án “Bảo tồn thiên nhiên khu vực vùng núi phía Bắc Việt Nam - The NEF Bio-ecological Nature Conservation Project in Mountainous Region of North Vietnam” do NEF – Nhật Bản tài trợ, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị điều phối, chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự hỗ trợ quý báu này.

Hoàng Văn Thắng1, Đỗ Nhật Huỳnh1, Lê Mạnh Hùng2

1Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội

2Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt III/2021)

    Tài liệu tham khảo

  1. Anon. (2007) {Sách đỏ Việt Nam}. Tập 1: Động vật. Hanoi. Nhà Xuất bản Khoa học và Công nghệ.
  2. Chính phủ CHXHCN Việt Nam (2020). Nghị định số 83/2020/NĐ-CP, ngày 15 tháng 7 năm 2020. Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp
  3. Craik, R.C & Lê Quý Minh (2018). Birds of Vietnam. Lynx and Birdlife International Field Guides. Lynx Editions, Barcelona.
  4. Lê Mạnh Hùng (2012), “Introduction to some species of birds of Vietnam”. Natural Science and Technology Publishing House, 585 pp. ISBN: 978-604-913-070-0.
  5. Lê Mạnh Hùng, (2020), Chim Việt Nam, Danh lục các loài chim.
  6. Robson, C. R. (2009) A field guide to the birds of Thailand and South-East Asia. Bangkok: Asia Books.
  7. Hoàng Văn Thắng và Lê Mạnh Hùng (2021). Danh lục chim bốn KBT thiên nhiên vùng núi phía Bắc Việt Nam. Báo cáo Dự án “Bảo tồn thiên nhiên khu vực vùng núi phía Bắc Việt Nam - The NEF Bio-ecological Nature Conservation Project in Mountainous Region of North Vietnam”.
  8. Quốc hội CHXHCN Việt Nam (2017). Luật Lâm ngiệp.
  9. William Collins (2017). Collins Field Guide: Birds of Southeast Asia. Happer Collins Publishers.
  10. http://www.iucnredlist.org/apps/redlist/search
  11. http://www.worldbirdnames.org/

 

Conservation of Avian fauna in the protected areas of Northeastern region of Viet Nam

Hoang Van Thang, Do Nhat Huynh

 

Central Institute for Natural Resources and Environmental Studies, Vietnam National University, Hanoi (CRES-VNU)

Le Manh Hung

Institute for Ecology and Biological Resources, Vietnam Academy of Natural Sciences and technology

    The Northeastern region of Viet Nam contains a richness of ecosystems with limestones/ karst alternate with earth mountains and the reivers, lakes and streams which create different important habitats for many animal species include birds. The protected area system (or Special Use Forests) in the Northeastern region of Viet Nam ranges from national park to nature conservation, species and habitat conservation and landscape protected areas. Our surveys and inventories in Cham Chu protected area (Tuyen Quang province), Bac Me (of Du Gia-Dong Van Karst Geopark of Ha Giang), Phia Oac-Phia Den national park (Cao Bang), and Nam Xuan Lac habitat and species conservation area (Bac Kan) from 2018 - 2021 have shown 2020 species of birds belong to 56 families, 15 orders. Of those, there are 6 species of rare and endangered ones in IUCN Red List.

    During the past years, functional forces and local authorities have put a lot of efforts in the protection and conservation of the protected area system as well as fauna and flora including bird species. Nevertheless, they are still facing many difficulties and challenges such as the un-suitable policy, mechanism, direct impacts like mining, habitat invasions, Sweden cultivation; the lack and shortage of survey and inventory activities, public awareness and livelihood raising…In order to better manage and conserve the protected areas and birds, it is in need to conduct/ carry out comprehensive activities and plan which include strengthening policy, management measures, building capacity, law enforcement, scientific survey and inventory, development of database, development of ecotourism as well as raising awareness and community participation.

    Key words: Northeastern region; Avian fauna/ diversity; Conservation of Avian fauna/ birds

 

Ý kiến của bạn