Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Lượng giá một số giá trị kinh tế của hệ sinh thái rừng ngập mặn, xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình

02/11/2018

TÓM TẮT

Nghiên cứu được tiến hành tại hệ sinh thái rừng ngập mặn (HSTRNM) xã Nam Hưng (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) có chức năng như vùng đệm sinh thái giữa đất liền và đầm phá. Đây là khu vực sống lý tưởng cho nhiều loài sinh vật thủy sinh như cá, giáp xác, thân mềm… Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) và áp lực do các hoạt động khai thác, sử dụng quá mức của người dân nên khu vực rừng ngập mặn (RNM) xã Nam Hưng đang đứng trước nguy cơ suy thoái. Thông qua việc sử dụng phương pháp định giá thị trường và định giá ngẫu nhiên, kết quả điều tra khảo sát, tính toán cho thấy, giá trị kinh tế và dịch vụ sinh thái RNM trong khu vực là 69.504.543.950 VNĐ/năm. Kết quả nghiên cứu đã phản ánh rõ giá trị khoa học quan trọng và giá trị sinh thái của RNM Nam Hưng, đặc biệt trong việc duy trì sự ổn định, cải thiện sinh kế cho người dân địa phương. Nghiên cứu cũng đã đề ra một số giải pháp nhằm phát triển rừng bền vững phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Từ khóa: RNM, lượng giá kinh tế, phương pháp định giá thị trường, định giá ngẫu nhiên.

1. Đặt vấn đề

   RNM là một trong những hệ sinh thái giàu tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cả về thực vật, động vật và vi sinh vật (Bộ TN&MT, 2001; Kathiresan & Qasim, 2005; Levinton & Levinton, 1995). HSTRNM cung cấp nguồn lợi tài nguyên giá trị như gỗ, củi, thủy hải sản… có ý nghĩa to lớn đối với môi trường sống và sinh kế của người dân ven biển. Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km và có diện tích RNM lớn thứ 2 thế giới (Cục BVMT, 2005; Giri et al., 2011). Vì vậy, HSTRNM có vai trò quan trọng về kinh tế và sinh thái.

   Xã Nam Hưng có diện tích RNM lớn nhất huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình (327,03 ha), tuy nhiên, dưới sức ép của việc phát triển kinh tế, RNM hiện đang bị khai thác quá mức và sử dụng không hợp lý dẫn đến bị suy thoái nặng nề (UBND xã Nam Hưng, 2017). Trong bối cảnh BĐKH diễn ra phức tạp hiện nay, việc bảo vệ, quản lý tốt RNM ngày càng trở nên cấp thiết. Bên cạnh đó, bài toán mâu thuẫn giữa lợi ích của bảo tồn và phát triển kinh tế, sinh kế cho cộng đồng dân cư ven biển vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, còn gặp nhiều khó khăn (Hồi, Dực, Hồng, & Kinh, 1996). Để bảo vệ RNM một cách bền vững, đưa ra những giải pháp khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế, chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Lượng giá một số giá trị kinh tế HSTRNM tại xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình”. Trong nghiên cứu, vai trò và giá trị của HSTRNM, cũng như hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên RNM sẽ được phân tích, lượng hóa nhằm cung cấp thông tin cho việc xây dựng khuyến nghị đối với các hoạt động phát triển sinh kế bền vững và thúc đẩy quản lý tài nguyên thiên nhiên trong khu vực RNM.

 

Hình 1. Bản đồ RNM huyện Tiền Hải

 

2. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cách tiếp cận lượng giá HSTRNM Nam Hưng

   Đánh giá giá trị kinh tế của HST RNM là một quá trình nghiên cứu khoa học mang tính liên ngành, gồm nhiều bước, mỗi bước có những đặc trưng riêng và đòi hỏi sự tham gia của những đối tượng khác nhau. Nghiên cứu đã tiến hành đánh giá giá trị của RNM theo 6 bước sau (Bann, 1998; Barbier, Acreman, & Knowler, 1997):

 

Hình 2. Quy trình đánh giá giá trị kinh tế của RNM

 

2.2. Phương pháp nghiên cứu

    Để thực hiện nghiên cứu này, tác giả sử dụng các phương pháp truyền thống như thu thập tài liệu số liệu, khảo sát thực địa, chuyên gia và kinh tế, trong đó phương pháp đánh giá ngẫu nhiên (CVM) là phương pháp được sử dụng để đánh giá hàng hóa chất lượng môi trường. Bằng cách xây dựng một thị trường ảo, người ta xác định được hàm cầu về hàng hóa môi trường thông qua sự sẵn lòng chi trả của người dân (WTP), hoặc sẵn lòng chấp nhận khi họ mất đi hàng hóa đó (WTA), đặt trong một tình huống giả định, trong nghiên cứu này là xác định giá trị phi sử dụng (bảo tồn ĐDSH) và phương pháp giá thị trường dùng để xác định giá trị trực tiếp (thủy sản, giá trị lâm sản ngoài gỗ, mật ong).

2.2.1. Phương pháp giá thị trường

Giá trị thủy sản

- Giá trị thủy sản khai thác bãi triều (TS1)

     - Giá trị thủy sản đánh bắt trong đầm nuôi (TS2)

Giá trị lâm sản ngoài gỗ (mật ong)

- Giá trị từ hoạt động khai thác mật ong do RNM mang lại:

GT = (X ×  M × N×P - (C×T)  (3)

Trong đó, X: Số đàn ong; M: Lượng mật trung bình 1 lần lấy; N: Số lần lấy mật trong 1 năm; P: Giá của 1 (kg) mật ong; C: Chi phí chăm sóc một đàn ong/1 năm; T: Tổng số đàn ong.

2.2.2. Phương pháp đánh giá ngẫu nhiên

    Giá trị phi sử dụng của HSTRNM là những giá trị trong cảm nhận, tri thức và độ thỏa mãn của cá nhân, khi biết, một tài nguyên đang tồn tại, hoặc được lưu truyền cho thế hệ sau ở một trạng thái nhất định. Để xác định được giá trị phi sử dụng của HSTRNM tại xã Nam Hưng nghiên cứu sử dụng phương pháp định giá ngẫu nhiên (Trí, 2006). Bảng hỏi đã xây dựng các mức tiền phù hợp để đóp góp cho quỹ và một số thông tin cá nhân khác đối với người được hỏi, mục đích để xác định được WTP trung bình của người dân.

   Theo số liệu thống kê của UBND xã Nam Hưng, dân số của xã vào năm 2016 là 5.372 người (1420 hộ) (UBND xã Nam Hưng, 2017a). Áp dụng công thức tính cỡ mẫu đã nêu ở phần trên với N = 1420 hộ và e = 0.1 (10%) thì số mẫu điều tra tối thiểu là 94 hộ gia đình. Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên 100 người đại diện cho 100 hộ gia đình sống tại Nam Hưng. Với 100 phiếu phát ra, thì thu về được 98 phiếu và số phiếu hợp lệ là 95 phiếu.

   Giá trị ước tính mức sẵn lòng chi trả được tính theo công thức:

GT = WTP × P × r (4)

Trong đó, P: Tổng số hộ dân trong vùng; r: Tỷ lệ % người đồng ý trả lời

   Để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến mức sẵn lòng chi trả cho các giá trị gián tiếp của RNM, phương pháp phân tích hồi quy tuyến tính dựa trên 95 mẫu đã được sử dụng theo mô hình sau:

WTP = β1 + β2Ti + β3GTi + β4HVi + β5NNi + β6TNi + ui (5)

Trong đó, i: Chỉ số quan sát; β: Hệ số chặn; ui: Yếu tố ngẫu nhiên; T: Tuổi; GT: Giới tính; HV: Trình độ học vấn; NN: Nghề nghiệp; TN: Thu nhập

3. Kết quả nghiên cứu và bàn luận

3.1. Xác định các giá trị kinh tế của HSTRNM xã Nam Hưng

   HSTRNM tại xã Nam Hưng cung cấp nhiều loại giá trị kinh tế cho người dân và cộng đồng. Mục tiêu của nghiên cứu là nhận diện và lượng giá sự biến động của các giá trị này trong chuỗi thời gian xác định. Các chuyên gia được tham vấn, bao gồm: Các nhà sinh thái, nghiên cứu, quản lý RNM cấp quốc gia, các nhà quản lý bảo tồn tại xã Nam Hưng và một số người dân có sinh kế phụ thuộc trực tiếp vào nguồn tài nguyên RNM của địa phương. Thông qua phương pháp chuyên gia và nghiên cứu tài liệu thứ cấp, các nhóm giá trị kinh tế nổi bật, đặc thù và quan trọng của RNM tại khu vực nghiên cứu đã được nhận diện (Bảng 1).

 

Bảng 1: Các giá trị kinh tế quan trọng của RNM xã Nam Hưng

Tổng giá trị kinh tế

Giá trị sử dụng

trực tiếp

Giá trị sử dụng

gián tiếp

Giá trị

phi sử dụng

- Giá trị thủy sản

+ Giá trị khai thác thủy sản

+ Giá trị nuôi trồng thủy sản.

- Giá trị lâm sản ngoài gỗ

(mật ong)

- Giá trị củi đốt

- Giá trị làm thuốc

- Giá trị hỗ trợ sinh thái cho nuôi trồng thủy sản của RNM

- Giá trị bảo vệ đê biển của RNM

- Giá trị hấp thụ CO2 của RNM

Giá trị bảo tồn ĐDSH

 

 

   Qua nghiên cứu phân tích, HSTRNM xã Nam Hưng có nhiều loại giá trị kinh tế quan trọng. Dựa vào ưu thế và vai trò kinh tế đối với người dân địa phương, nghiên cứu đã chọn 3 giá trị để nghiên cứu lượng giá, bao gồm: giá trị kinh tế là thủy sản, giá trị lâm sản ngoài gỗ và giá trị bảo tồn ĐDSH.

3.2. Lượng giá một số giá trị kinh tế của HSTRNM xã Nam Hưng

3.2.1. Giá trị thủy sản (TS)

Giá trị thủy sản khai thác bãi triều (TS1)

   Theo kết quả điều tra, hiện nay, tại xã Nam Hưng có khoảng 150 người đi khai thác bãi triều. Trong đó, thời gian khai thác bãi trung bình từ 10 - 15 ngày trong 1 tháng (theo con nước và khai thác từ 6 - 7 tháng). Thông qua giá trị thị trường đã thu thập tại địa phương, tổng doanh thu trung bình 1 năm giá trị thủy sản khai thác bãi triều tính toán dựa vào công thức (1) được trình bày ở Bảng 2

 

Bảng 2: Doanh thu hải sản trung bình trong 1 năm của người dân đi khai thác

STT

Loại

Sản Lượng (kg/năm)

Giá bán

(VNĐ/ kg)

Doanh thu

(VNĐ)

1

Cua

54.000

30.000

1.620.000.000

2

Hàu

44.100

15.000

661.500.000

3

Ốc

32.400

20.000

648.000.000

4

Rạm

54.000

100.000

5.400.000.000

5

28.350

70.000

1.984.500.000

6

Sò huyết

54.000

120.000

6.480.000.000

7

Ngao dầu

94.500

50.000

4.725.000.000

8

Ngao xanh

86.400

12.000

1.036.800.000

9

Ngao trắng

108.000

15.000

1.620.000.000

Tổng

24.175.800.000

 

Từ kết quả bảng 2 cho thấy, giá trị kinh tế thủy sản khai thác được ở toàn bộ khu vực bãi triều là:

TS1 = 24.175.800.000 (VNĐ)

Giá trị thủy sản trong các đầm nuôi (TS2)

   Giá trị nuôi tôm: Theo kết quả điều tra, hiện tại, trên địa bàn xã Nam Hưng có 18 đầm nuôi tôm, với tổng diện tích là 169 ha (UBND xã Nam Hưng, 2017a, 2017b), hình thức nuôi tôm chủ yếu là quảng canh. Trong đó, các ao nuôi được thiết kế và bố trí dọc theo bờ biển, các bãi bồi (bên ngoài đê Trung ương), lợi dụng chu trình tự nhiên của thủy triều để cung cấp thức ăn và lọc sạch nguồn nước trong ao. Các ao nuôi có diện tích từ 1 ha - 30 ha, có một cổng ao để điều hòa nguồn nước và lấy thức ăn từ thiên nhiên. Tổng lợi nhuận của hoạt động nuôi tôm tại khu vực tính theo công thức (2) là 5.915.000.000 VNĐ.

   Giá trị nuôi ngao: Xã Nam Hưng là một trong những khu vực nuôi ngao lớn nhất của huyện Tiền Hải. Theo số liệu của UBND xã Nam Hưng, hiện có 150 hộ khoanh nuôi ngao rộng 350 ha ở vùng bãi triều ven biển (UBND xã Nam Hưng, 2017a, 2017b), năng suất đạt 20 tấn ngao thương phẩm/ha. Đầu tư vào nghề nuôi ngao, chủ nuôi không phải lo thức ăn, nhưng phải tạo môi trường cho ngao sống thuận lợi. Tổng lợi nhuận của hoạt động nuôi tôm tính theo công thức (2) tại khu vực là 52.325.000.000VNĐ.

    Giá trị nuôi cua: Nuôi cua ở Nam Hưng là nghề cùng xuất hiện với nghề nuôi tôm sú. Theo những hộ nuôi trồng thủy sản tại khu vực nghiên cứu thì vốn đầu tư nuôi cua không cao, thời gian nuôi chỉ trong 3 tháng đối với giống cua to (cỡ giống: 2 cm/con) và 4 tháng đối với giống cua nhỏ (cỡ giống: 1-1,5 cm/con). Khi cua đạt trọng lượng hơn 250 g là có thể thu hoạch nên dễ quay vòng vốn. Thức ăn dùng nuôi cua chủ yếu là các loại cá tạp, nên chi phí thức ăn chiếm rất ít trong tổng chi phí sản xuất. Mặt khác, việc nuôi cua đã tận dụng được diện tích mặt nước sẵn có, đồng thời, làm đa dạng đối tượng nuôi tại địa phương. Theo kết quả điều tra hiện tại, trên địa bàn xã Nam Hưng có khoảng 50 ha nuôi cua, với sản lượng thu hoạch trung bình là 300 kg/ha (UBND xã Nam Hưng, 2017a, 2017b). Như vậy, tổng lợi nhuận thu được từ hoạt động nuôi cua của địa phương trong 1 năm tính theo công thức (2) là 4.000.000.000 VNĐ.

    Như vậy, giá trị nuôi trồng thủy, hải sản ở toàn bộ khu vực bãi triều là:

TS2 = 5.915.000.000 + 34.883.333.000 + 4.000.000.000 = 44.798.333.000 (VNĐ)

   Chi tiết lợi nhuận từ hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản được tính toán thể hiện (Bảng 3).

 

Bảng 3: Lợi nhuận nuôi thủy, hải sản tại xã Nam Hưng

Đơn vị: VNĐ/ha

Loài

Doanh thu

CP đầu tư

CP trung gian

Lao động

Lợi nhuận

CP cải tạo

CP giống

Tôm

75.000.000

6.000.000

1.500.000

19.000.000

13.500.000

35.000.000

Ngao

280.000.000

21.000.000

10.000.000

50.000.000

49.500.000

149.500.000

Cua

105.000.000

-

-

25.000.000

-

80.000.000

 

3.2.2. Giá trị lâm sản ngoài gỗ (mật ong)

    Qua số liệu điều tra, toàn bộ số ong nuôi hút mật hoa của RNM tại xã Nam Hưng. Số lượng người dân nuôi ong ở Nam Hưng là 15 người, số đàn ong lên đến 100 đàn; số lần lấy mật trong 1 năm trung bình là 2 lần/năm, lượng mật ong trong 1 lần lấy trung bình là 20 kg/đàn ong; giá trên thị trường cho 1 kg mật ong tại địa phương là 150.000 VNĐ/kg. Bên cạnh đó, chi phí mỗi năm để chăm sóc đàn ong là 1.200.000 VNĐ/đàn ong. Như vậy, giá trị do RNM mang lại tính theo công thức (3) là 480.000.000 VNĐ)

3.3. Giá trị bảo tồn ĐDSH của HSTRNM xã Nam Hưng

3.3.1. Điều tra

    Nhằm đánh giá tính khả thi của bảng hỏi, những thuận lợi và vướng mắc trong quá trình điều tra thực để có điều chỉnh phù hợp, nghiên cứu đã tiến hành điều tra 30 hộ dân. Tại các cuộc điều tra, các mức chi trả thu thập trong phiếu điều tra đã được sử dụng kèm theo các câu hỏi mở về mức chi trả. Kết quả thu về được 9 mức chi trả: 10.000 VNĐ, 20.000 VNĐ, 30.000 VNĐ, 50.000 VNĐ, 60.000 VNĐ, 100.000 VNĐ, 150.000 VNĐ, 200.000 VNĐ và 300.000 VNĐ/hộ gia đình/năm (Bảng 4)

 

Bảng 4: Các mức chi trả và tần suất xuất hiện trong cuộc điều tra thử

STT

Mức sẵn lòng chi trả

Tần suất

Phần trăm (%)

1

10.000

5

16,7

2

20.000

7

23,4

3

30.000

5

16,7

4

50.000

4

13,3

5

60.000

3

10

6

100.000

3

10

7

150.000

1

3,3

8

200.000

1

3,3

9

300.000

1

3,3

Tổng

30

100

 

    Trong 9 mức sẵn lòng chi trả xuất hiện trong cuộc điều tra, có 6 mức được lựa chọn để sử dụng trong phiếu câu hỏi cuối cùng. Theo Loomis (2005), khi sử dụng phương pháp số lượng, mức chi trả tối đa là 8 và số này chỉ nên áp dụng khi dải phân bố của mức chi trả rất lớn, trung bình khoảng từ 4 - 6 mức nên được sử dụng. Ngoài ra, mức tri trả cao nhất nên sử dụng là mức mà chỉ khoảng 10% số người có thể chấp nhận chi trả mức đó.

    Từ kết quả khảo sát trong các phiếu điều tra, phần trăm của 6 mức chi trả (10.000 VNĐ, 20.000 VNĐ, 30.000 VNĐ, 50.000 VNĐ, 60.000 VNĐ và 100.000 VNĐ) là 90,1 % tổng số các sự lựa chọn. Các mức khác dù có người sẵn sàng chi trả, nhưng số lượng rất ít, đồng thời, khi xem xét mối tương quan giữa thu nhập hộ gia đình sẵn sàng trả mức này thì thấy không phù hợp, vì đây là những hộ có thu nhập trung bình ở xã. Do đó, các mức chi trả 150.000 VNĐ, 200.000 VNĐ và 300.000 VNĐ không được sử dụng.

3.3.2. Giá trị bảo tồn ĐDSH của HSTRNM xã Nam Hưng

   Trong số những người được phỏng vấn có 5% không sẵn lòng chi trả cho Quỹ bảo tồn tài nguyên thiên nhiên nhằm duy trì phục vụ cho sử dụng hiện tại. Tuy nhiên, những người không sẵn lòng chi trả không có nghĩa là họ không nhận thức được vai trò của RNM. Lý do không đóng góp vì họ cho rằng, số tiền sử dụng sẽ bị lãng phí và không kịp phục hồi tài nguyên để sử dụng cho hiện tại. Đối với hộ sẵn lòng chi trả, mức WTP được lựa chọn cao nhất là 100.000 VNĐ, chiếm tỷ lệ 10%. Kết quả điều tra thể hiện ở Bảng 5.

 

  Bảng 5: Mức sẵn lòng chi trả của người dân cho quỹ bảo tồn ĐDSH RNM xã Nam Hưng

WTP (nghìn đồng)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

0

4

5

10

16

20

20

16

20

30

16

20

50

12

15

60

8

10

100

8

10

 

   Qua bảng hồi quy trên, có được WTP trung bình là 35.500 VNĐ

    Vậy tại thời điểm phỏng vấn, giá trị lựa chọn RNM tại xã Nam Hưng theo công thức (4) là:

OV = WTP trung bình × Tổng số hộ dân trong vùng × Tỷ lệ % người đồng ý chi trả = 35.500 × 1420 × 0,95 = 50.410.950 VNĐ

    Ước lượng mô hình hồi quy cho thấy, F kiểm định = 56.3, nhận giá trị lớn hơn F lý thuyết F 0.05 kết quả này chứng tỏ mô hình xác định hoàn toàn chặt chẽ. Hệ số tương quan bình phương của mô hình R2= 0.79 có nghĩa các biến đưa vào mô hình giải thích được 0.79% sự thay đổi của mức WTP, còn 21 % là do các yếu tố khác chưa đưa vào mô hình.

    Dùng phương pháp ước lượng bình phương nhỏ nhất (OLS) khi sử dụng phần mềm EVIEW 8 để hồi quy các hệ số trong phương trình (5). Kết quả phân tích hồi quy xây dựng mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến WTP cho quỹ bảo tồn ĐDSH RNM xã Nam Hưng, cụ thể:

WTP = -19,60 + 0.35 T + 4,14 GT + 6,64 HV + 9,64 NN + 0,006 TN

   Để biết sự ảnh hưởng của các biến đưa vào mô hình tới WTP, ta tiến hành kiểm định cặp giả thiết sau:

- H0: βj = 0 hệ số hồi quy không có ý nghĩa thống kê

- H1: βj ≠ 0 hệ số hồi quy có ý nghĩa thống kê

+ Nếu α > p thì bác bỏ H0 chấp nhận H1

+ Nếu α < p thì chưa có đủ cơ sở bác bỏ H0 (với p-value = [Prob] và α = 0,05)

    Ảnh hưởng của tuổi tới WTP: Với β2 = 0,35 > 0, p-value = 0,0046 < α nên hệ số hồi quy có ý nghĩa thống kê. Như vậy, khi các nhân tố khác không đổi, nếu tuổi của người tham gia phỏng vấn tăng thêm 1 năm thì mức WTP tăng 0,35 nghìn đồng. Do đó, tuổi có ảnh hưởng thuận tới WTP. Điều này có thể giải thích là khi tuổi càng cao, nhận thức của người dân về giá trị của nguồn lợi càng càng cao.

    Ảnh hưởng của giới tính tới WTP: Với β3 = 4,14 > 0, p-value 0,1746 > α, nên hệ số hồi quy không có ý nghĩa thống kê. Do đó, chưa thể khẳng định giới tính có ảnh hưởng tới WTP hay không. Điều này có thể do sai số khi lấy mẫu, vì tỷ lệ nam nữ tham gia phỏng vấn chênh lệch nhau và không phản ánh đúng tỷ lệ nam nữ hiện tại của địa phương.

    Ảnh hưởng của trình độ học vấn tới WTP: Với β4 = 6,64 > 0, p-value = 0.0217 < α nên hệ số hồi quy có ý nghĩa thống kê. Đây là ảnh huởng cùng chiều. Cụ thể, khi các nhân tố khác không đổi, nếu trình độ học vấn của người đuợc điều tra tăng thêm 1 bậc, thì WTP sẽ tăng thêm 6,64 nghìn đồng. Điều này có thể giải thích khi trình độ học vấn của người dân được nâng cao, họ càng nhận thức được vai trò của RNM đối với cuộc sống của bản thân, cũng như cộng đồng. Do đó, họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho việc bảo tồn rừng.

    Ảnh hưởng của nghề nghiệp tới WTP: Với β5 = 9,64 > 0, p-value = 0.0341 < α, nên hệ số hồi quy có ý nghĩa thống kê. Đây là ảnh hưởng thuận và những người có thu nhập gắn liền với RNM sẵn sàng chi trả cao hơn 9,64 nghìn đồng so với những người không có thu nhập liên quan đến rừng. Bởi lẽ những người có nguồn thu nhập liên quan đến rừng sẽ nhận thức được tầm quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế của vùng và với cuộc sống của bản thân họ.

    Ảnh hưởng của thu nhập tới WTP: Với β6 = 0,006 > 0, p-value = 0.0000 < α, nên hệ số hồi quy có ý nghĩa thống kê và đây là ảnh hưởng cùng chiều. Nếu thu nhập của người dân tăng thêm 1.000 đồng thì WTP sẽ tăng thêm 6.000 đồng. Có thể nói, khi thu nhập càng tăng thì sự sẵn lòng chi trả của người dân càng lớn. Điều này được giải thích khi thu nhập của họ tăng, thì ngoài việc chi tiêu đảm bảo cho cuộc sống hàng ngày, họ có thể chi trả cho các việc khác nữa. Nhưng cũng có thể hiểu theo cách khác rằng, những người có thu nhập cao ở địa phương đa phần là do khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên biển. Chính nguồn tài nguyên đó đã giúp cho cuộc sống của gia đình họ được nâng cao. Do đó, họ đánh giá cao hoạt động bảo tồn rừng và vì vậy, họ sẵn sàng đóng góp cho Quỹ bảo tồn.

Tổng hợp giá trị kinh tế của RNM xã Nam Hưng

    Kết quả tính toán một số giá trị của RNM xã Nam Hưng được tổng hợp cụ thể ở Bảng 6.

 

Bảng 6: Các giá trị kinh tế của HSTRNM xã Nam Hưng

STT

Loại giá trị

Giá trị (VNĐ)

Tỷ lệ (%)

1

Giá trị thủy sản

68.974.133.000

99.24

2

Giá trị lâm sản ngoài gỗ (mật ong)

480.000.000

0.69

3

Giá trị bảo tồn ĐDSH

50.410.950

0.073

Tổng

69.504.543.950

 

 

3.4. Đề xuất một số giải pháp phát triển bền vững HSTRNM xã Nam Hưng

    Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu thực nghiệm về giá trị kinh tế của RNM tại xã Nam Hưng, nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp về kinh tế, cũng như chính sách nhằm hướng tới mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững HSTRNM như sau:

    Thứ nhất, kết quả nghiên cứu cho thấy, RNM tại xã Nam Hưng cung cấp nhiều giá trị cho người dân và cộng đồng địa phương như bảo tồn ĐDSH, hỗ trợ hoạt động nuôi trồng thủy sản... Từ những lợi ích thiết thực mang lại cho địa phương, chính quyền cần xây dựng mô hình chi trả cho dịch vụ môi trường thông qua Quỹ Bảo vệ và phát triển RNM từ các tổ chức, cá nhân khai thác, nuôi trồng thủy sản tại RNM xã Nam Hưng và người dân trong xã. Số tiền thu về hàng năm được sử dụng cho các hoạt động trồng rừng và bảo tồn ĐDSH, ngoài ra, có thể hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân.

    Thứ hai, dựa vào kết quả nghiên cứu tùy mức độ hưởng lợi và khả năng chi trả của đối tượng để có mức đóng góp chi trả khác nhau, cụ thể: Dựa theo kết quả WTP, người dân Nam Hưng có thể đóng góp 35.500 VNĐ/hộ/năm. Các cá nhân, tổ chức sản xuất và nuôi trồng thủy sản tại vùng RNM xã Nam Hưng có thể đóng góp 300.000 VNĐ/hộ/năm.

    Thứ ba, để tăng mức sẵn lòng chi trả phát triển nguồn vốn cho Quỹ Bảo vệ và phát triển RNM của xã, chính quyền địa phương cần thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân thông qua loa đài, các cuộc họp về vai trò của RNM và lợi ích giá trị kinh tế của RNM, đặc biệt là các giá trị sử dụng gián tiếp, phi sử dụng.

4. Kết luận

    HSTRNM xã Nam Hưng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân địa phương và có nhiều giá trị chức năng dịch vụ hệ sinh thái. Trong khuôn khổ của nghiên cứu, chúng tôi đã lượng hóa giá trị sử dụng trực tiếp (khai thác và nuôi trồng thủy sản, khai thác mật ong) và giá trị phi sử dụng (bảo tồn ĐDSH) của RNM xã Nam Hưng.

    Tổng giá trị kinh tế của RNM tại khu vực nghiên cứu là 69.504.543.950 VNĐ/năm. Trong đó, giá trị sử dụng trực tiếp, chủ yếu là giá trị khai thác, nuôi trồng thủy sản, chiếm tỷ trọng và quy mô lớn nhất 68.974.133.000 VNĐ/năm, tương ứng với 99,2% giá trị kinh tế toàn phần của RNM, giá trị lâm sản ngoài gỗ là 480.000.000 VNĐ/năm, chiếm 0.69% giá trị kinh tế toàn phần. Mặc dù, chiếm một phần nhỏ, nhưng giá trị lâm sản ngoài gỗ (giá trị khai thác mật ong) cũng mang lại nguồn kinh tế đáng kể cho người dân trong vùng. Giá trị phi sử dụng, cụ thể là giá trị bảo tồn ĐDSH, chiếm 0.073% giá trị kinh tế toàn phần của RNM tại khu vực 50.410.950 VNĐ/năm. Dù có quy mô và tỷ trọng rất nhỏ, nhưng sự tồn tại của giá trị phi sử dụng thể hiện nhận thức, thái độ và sự cảm nhận của người dân địa phương về các chức năng sinh thái, giá trị ĐDSH của RNM. Bảo tồn các giá trị ĐDSH mang lại cho người dân sự thỏa mãn và họ sẵn sàng trả tiền để duy trì các giá trị đó. Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng, giúp các nhà quản lý lựa chọn được các chính sách, cơ chế quản lý RNM, nhằm duy trì và bảo tồn ĐDSH.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu thực nghiệm về giá trị kinh tế của RNM tại xã Nam Hưng, nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp về chính sách, kinh tế, cũng như tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nhằm hướng tới mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững HSTRNM ở xã Nam Hưng.

Nguyễn Thị Hoài Thương1, Hoàng Thị Huê1

1Trường Đại học TN&MT Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số chuyên đề III năm 2018)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Thành, T. T., & Tuấn, L. X. (2009). Nghiên cứu bước đầu về việc khai thác và quản lý tài nguyên vùng RNM huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.         
  2.  Trí, N. H. (2006). Lượng giá kinh tế HSTRNM - Nguyên lý và ứng dụng. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân.
  3. UBND xã Nam Hưng. (2017a). Báo cáo phát triển kinh tế - xã hội xã Nam Hưng năm 2017.
  4. UBND xã Nam Hưng. (2017b). Báo cáo thống kê, kiểm kê diện tích đất đai của UBND xã Nam Hưng năm 2017.
  5. Bann, C. (1998). Economic valuation of tropical forest land use options: a manual for researchers. EEPSEA special paper/IDRC. Regional Office for Southeast and East Asia, Economy and Environment Program for Southeast Asia.           
  6. Barbier, E. B., Acreman, M., & Knowler, D. (1997). Economic valuation of wetlands: a guide for policy makers and planners.
  7. Cục BVMT (2005). Tổng quan hiện trạng đất ngập nước Việt Nam sau 15 năm thực hiện Công ước Ramsar.  Hà Nội.
  8. Giri, C., Ochieng, E., Tieszen, L. L., Zhu, Z., Singh, A., Loveland, T., . . . Duke, N. (2011). Status and distribution of mangrove forests of the world using earth observation satellite data. Global Ecology and Biogeography, 20(1), 154-159.          
  9. Glover, D. (2003), "How to design a research project in environmental economics", Environmental Economics Program of Southeast Asia EEPSEA.
  10. Hồi, N. C., Dực, L. D., Hồng, P. N., & Kinh, N. K. (1996). Việt Nam - Chiến lược quốc gia về bảo vệ và quản lý đất ngập nước: Hiện trạng, sử dụng. Hà Nội.
  11. Kathiresan, K., & Qasim, S. Z. (2005). Biodiversity of mangrove ecosystems. Hindustan Publishing, New Delhi(India). 251, 2005.        
  12. Levinton, J. S., & Levinton, J. S. (1995). Marine biology: function, biodiversity, ecology (Vol. 420): Oxford University Press New York.
  13. Loomis, J. (2005). Valuing environmental and natural resources: the econometrics of non-market valuation: Oxford University Press.

           

EVALUATION OF THE ECONOMIC VALUES OF NAM HUNG MANGROVES IN TIEN HAI DISTRICT THAI BINH PROVINCE

Nguyễn Thị Hoài Thương1, Hoàng Thị Huê1

1Hanoi University of Natural Resources and Environment

 

Abstract

    The research was conducted in the mangrove ecosystem functioning as the ecological buffer between the land and the lagoon located in Nam Hung commune, Tien Hai district, Thai Binh province. This is an ideal living area for many aquatic species such as fish, crustaceans, molluscs. Evaluation of some economic values ​​of the mangrove ecosystem plays an important role in the protection and sustainable development of Nam Hung mangrove forest in the context of climate change and pressure due to overexploitation in the area. By using Market Price Valuation Method and Congingent Valuation Method, the results showed that the economic value and ecological services of mangroves forest in Nam Hung is worth a total of 69.504.543.950 (VND/year). For the individual ecosystem services, the direct economic value from fishing and aquaculture reached 68.974.133.000 (VND/year), accounting for 99,2% %, and the proportion of honey collection activity is 480.000.000 (VND/year), accounting for 0.69%. Especially, the indirect values ​​of biodiversity conservation, environment and habitat functions is 50.410.950 (VND/year) with a ratio of 0.073%. The research results clearly reflect the important scientific value and ecological value of Nam Hung mangroves, especially in maintaining the stability and improving the livelihoods of local people. The research also proposed some measure for sustainable mangroves development in line with local realities.

Keywords: Mangroves, economic valuation, market price valuation method, Congingent Valuation Method.

Ý kiến của bạn