03/07/2025
Cát Sâm (Callerya speciosa (Champ. ex Benth.) Schot thuộc họ Đậu Fabaceae) và Bách bộ (Stemona tuberosa Lour. thuộc họ Bách bộ Stemonaceae) là hai loài cây dược liệu quý trong y học cổ truyền và đã được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành trong danh mục 100 loài cây dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển giai đoạn 2020 - 2030 theo Quyết định số 3657/QĐ-BYT ngày 20/8/2019. Hai loài cây Cát sâm và Bách bộ đều có phân bố rộng ở các tỉnh phía Bắc nước ta, trong đó có phân bố nhiều tại một số tỉnh như Quảng Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai,... Cả hai loài cây này mọc tự nhiên dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Do có giá trị cao và hiện đang được thị trường tiêu thụ lớn nên hai loài cây này đã bị khai thác mạnh trong tự nhiên nên trữ lượng củ của hai loài cây này đã bị suy giảm nhiều so với trước đây. Trên thực tế hiện nay, cả hai loài cây này đã được người dân gây trồng ở nhiều tỉnh phía Bắc nhưng chủ yếu là ngoài đất trống. Đến nay cũng đã có một số chủ rừng trồng hai loài cây này dưới tán một số loại rừng trồng ở các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, đánh giá về thực trạng khai thác, sử dụng hai loài cây này ở các tỉnh phía Bắc còn hạn chế. Vì vậy, việc đánh giá tình hình khai thác, sử dụng hai loài Cát sâm và Bách bộ, từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển bền vững ở một số tỉnh phía Bắc là cần thiết và có ý nghĩa.
1. Tình hình khai thác, sử dụng Cát sâm và Bách bộ
1.1. Tình hình khai thác, sử dụng Cát sâm
Hiện nay, trong thực tế Cát sâm vẫn được khai thác từ tự nhiên quanh năm. Tuy nhiên, khối lượng Cát sâm khai thác từ tự nhiên đã giảm dần trong những năm gần đây. Một số minh chứng có thể kể đến như sau. Kết quả phỏng vấn tại cơ sở thu mua Cát sâm (cùng các loại dược liệu khác) của ông Tô Văn Hữu tại trị trấn Tân Lạc, Hòa Bình đã cho thấy, trong thời gian trước năm 2010, mỗi năm tại cơ sở thu mua này có thể mua được 700 - 800 tấn củ Cát sâm tươi khai thác trong tự nhiên từ nhiều tỉnh phía Bắc như Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Quảng Ninh,…. Tuy nhiên, đến nay mỗi năm trung bình chỉ thu mua được 0,8 - 1,0 tấn củ tươi Cát sâm. Cũng tương tự như vậy, cơ sở thu của ông Hoàng Minh Bằng tại thôn Trường Tùng, xã Hải Lạng huyện Tiên Yên, Quảng Ninh cũng cho thấy, trước đây mỗi năm thu mua trung bình khoảng 3 - 5 tấn củ nhưng hiện nay chỉ thu mua được khoảng 0,5 - 0,7 tấn củ tươi/năm. Như vậy, có thể thấy, trữ lượng củ Cát sâm hiện nay đã giảm đi đáng kể so với trước đây. Trong khi nhu cầu thị trường thực tế hiện nay đang ngày càng lớn. Cát sâm được khai thác quanh năm, song ở các tỉnh phía Bắc, củ Cát sâm thường được khai thác nhiều hơn vào các tháng mùa khô (từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau). Người dân sau khi khai thác củ Cát sâm thì đem bán củ tươi cho các cơ sở thu mua.
Đối với các mô hình trồng Cát sâm ở các địa phương, do đa số mới được gây trồng trong mấy năm gần đây nên chưa đủ thời gian khai thác. Một số mô hình trồng Cát sâm có thời gian trồng sau 5 - 6 năm khai thác cho năng suất chỉ đạt trung bình 2 -3 kg củ/cây, một số mô hình khai thác ở tuổi 3 - 4 chỉ đạt trung bình 0,5 - 0,8 kg củ/cây và củ còn bé, chưa có độ nạc cao. Kết quả này có thể thấy, phải sau khi trồng 6 - 7 năm khai thác Cát sâm mới hiệu quả. Do củ Cát sâm thường dài, ăn sâu xuống đất và các mô hình đã khai thác đều được trồng trên đất trống có địa hình tương đối bằng phẳng nên hầu hết các mô hình trồng Cát sâm ngoài đất trống ở các địa phương đều được khai thác bằng cách dùng máy múc đất để đào củ.
Cát sâm ngoài thu hoạch củ thì có thể khai thác hoa làm chè uống hoặc thu hạt để bán hạt giống. Kết quả điều tra cho thấy, tiền thu hạt để bán giống của một số hộ trồng trong giai đoạn các năm 2018 - 2020 đã thu được tương đối tốt. Có hộ ở Tam Quan và Tam Dương, Vĩnh Phúc sau khi trồng 1 - 2 năm thu quả bán đã thu được 50 - 90 triệu đồng/năm trên diện tích trồng từ 0,7 - 1,3ha (giá bán hạt năm cao lên tới 400.000đ/kg và năm thấp là 200.000đ/kg, hiện nay khoảng 150.000đ/kg). Giá bán củ Cát sâm tươi trên thị trường trong nước tại các cơ sở thu mua ở các địa phương hiện nay dao động từ 70.000 – 250.000 đ/kg củ tươi tuỳ từng kích thước củ và ở từng địa phương (củ khô khoảng 400.000đ/kg, khoảng 2,5 kg củ Cát sâm tươi được 1 kg củ khô). Củ Cát sâm hiện nay được người dân trong nước và ở Trung Quốc sử dụng làm thuốc bắc, ngâm rượu hoặc thái nhỏ nấu canh (đặc biệt là ở Hồng Kông) để bồi dưỡng sức khỏe.
1.2. Tình hình khai thác, sử dụng Bách bộ
Kết quả điều tra tại một số tỉnh phía Bắc cho thấy, hiện nay Bách bộ được khai thác từ tự nhiên còn tương đối nhiều, đặc biệt như ở Quảng Ninh, tại cơ sở thu mua của ông Hoàng Tiến Long ở thôn Nà Khau xã Đồng Tâm huyện Bình Liêu mỗi tuần có thể thu mua được 1 tấn củ Bách bộ tươi. Còn tại cơ sở thu mua của ông Hoàng Minh Bằng tại thôn Trường Tùng, xã Hải Lạng huyện Tiên Yên do có địa điểm thuận lợi (nằm trên đường quốc lộ 1 đi Móng Cái) nên đã thu mua được nhiều hơn, trung bình khoảng 2-3 ngày mua được 1 tấn củ tươi (có ngày mua được 1 tấn và có hộ 1 ngày đào được 40kg củ) từ các hộ khai thác tự nhiên trong huyện và các huyện lân cận. Tại Tân Lạc, Hoà Bình nhu cầu thị trường cần khoảng 3.500 - 4.000 tấn củ tươi/năm nhưng thực tế hiện nay cơ sở này chỉ thu mua được khoảng 500 tấn củ tươi/năm. Bách bộ cũng được khai thác quanh năm, và thường được khai thác nhiều hơn vào các tháng mùa khô để chất lượng củ tốt hơn (từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau) ở các tỉnh Bắc bộ. Người dân sau khi khai thác củ thì đem bán củ tươi cho các cơ sở thu mua. Các cơ sở thu mua sẽ rửa sạch và luộc chín củ rồi đem phơi nắng để giảm lượng nước trong củ nếu trời nắng, sau khi phơi củ héo rồi đem sấy bằng lò sấy (ở Bình Liêu lò sấy 2 tấn củ tươi/mẻ và mỗi mẻ sấy trong 2 ngày 2 đêm, ở Tân Lạc sau khi khai thác làm sạch đất rồi đưa vào lò hơi vừa hấp vừa sấy khô, mỗi mẻ khoảng 1,5 tấn sấy trong khoảng 2 ngày 1 đêm. Sau khi sấy đóng bao có túi bóng giữ khô thì có thể để được 2 năm) để bán củ khô sang Trung Quốc. Tỷ lệ tươi/khô với Bách bộ trung bình là 5:1 (5 kg củ tươi thì được 1 kg củ khô). Tại cơ sở của ông Hoàng Tiến Long ở Bình Liêu, Quảng Ninh đã dùng lò sấy bằng đốt củi, mỗi mẻ sấy được 2 tấn củ trong thời gian 2 ngày và 2 đêm.
Cát sâm được cắt thân nhiều lần để cây tập trung nuôi củ tại huyện Yên Thế, Bắc Giang
Giá bán củ Bách bộ tươi tại các cơ sở thu mua ở các tỉnh hiện nay giao động từ 10-12.000đ/kg (giả củ khô có thể đạt tới 80.000đ/kg). So với các năm trước đây giá chỉ từ 7.000 - 8.000đ/kg thì hiện nay của Bách bộ đã tăng lên đáng kể. Nhu cầu củ Bách bộ trên thị trường hiện nay rất cao, các cơ sở thu mua không cung cấp đủ theo yêu cầu của Trung Quốc. Củ Bách bộ được sử dụng để làm thuốc ho và được chế biến theo một số cách khác nhau (nấu cao, chế biến thành si rô, ….). Tuy nhiên, phần lớn thì đều được xuất thô sang Trung Quốc. Lá và ngọn Bách bộ có tính độc nên ở Bình Liêu người dân thường giã lấy nước để diệt Chí.
2. Một số giải pháp thúc đẩy phát triển hai loài Cát sâm, Bách bộ dưới tán rừng ở một số tỉnh phía Bắc
Để khai thác tiềm năng của việc trồng hai loài Cát sâm, Bách bộ dưới tán rừng, cần có những giải pháp đồng bộ, bao gồm từ quy hoạch vùng trồng, nghiên cứu chọn giống năng suất chất lượng cao, hoàn thiện kỹ thuật trồng và cơ chế chính sách hỗ trợ. Cụ thể:
Thứ nhất, xây dựng quy hoạch vùng trồng và phát triển cây Cát sâm, Bách bộ một cách bài bản. Các vùng sinh thái phù hợp với hai loài cây này cần được xác định rõ ràng và phát triển theo tiêu chuẩn toàn cầu về thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới WHO (GACP-WHO) để đảm bảo chất lượng dược liệu đáp ứng yêu cầu quốc tế.
Thứ hai, cần có nghiên cứu để chọn tạo ra giống Cát sâm, Bách bộ có năng suất, chất lượng củ cao, phù hợp với từng vùng sinh thái. Trên cơ sở đó, đề xuất cơ quan quản lý công nhận giống và đưa vào sản xuất đại trà.
Thứ ba, cần xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật đồng bộ cho từng loài, từ khâu nhân giống, trồng, chăm sóc, khai thác đến sơ chế, chế biến nhằm đảm bảo chất lượng dược liệu, nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Thứ tư, yếu tố then chốt góp phần thúc đẩy dược liệu dưới tán rừng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới là cần xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định. Việc đảm bảo khâu thu mua tại các vùng nguyên liệu không chỉ tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm mà còn giúp người dân yên tâm đầu tư, mở rộng canh tác dưới tán rừng một cách lâu dài và hiệu quả.
Thứ năm, cần ưu tiên xây dựng các nhà máy chế biến quy mô phù hợp tại các vùng nguyên liệu để đảm bảo chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn giúp đón đầu xu hướng chế biến sâu, nâng cao giá trị kinh tế và tạo sự đồng bộ trong toàn chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ.
Thứ sáu, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm tối ưu hóa lợi ích kinh tế và môi trường mà cây Cát sâm, Bách bộ mang lại.
PGS.TS. Hoàng Văn Thắng
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2025)
TÀI LIỆU THAM KHẢO